Slogan

CA LÂM SÀNG: DI CĂN HẠCH CỔ TRONG UNG THƯ TIỀN LIỆT TUYẾN


Ung thư tiền liệt tuyến (TLT) là bệnh ung thư phổ biến đứng thứ hai ở nam giới, hàng năm trên thế giới có khoảng 1,1 triệu ca mới mắc chiếm khoảng 15% số ca ung thư gặp ở nam giới.

 

Ung thư tiền liệt tuyến (TLT) là bệnh ung thư phổ biến đứng thứ hai ở nam giới, hàng năm trên thế giới có khoảng 1,1 triệu ca mới mắc chiếm khoảng 15% số ca ung thư gặp ở nam giới [1]. Bệnh có thể được phát hiện ở giai đoạn khu trú tại chỗ, tại vùng hoặc đã di căn xa. Ví trí di căn xa hay gặp của ung thư TLT là xương, phổi, gan…và hiếm khi di căn hạch cổ.

Hình 1: Ung thư tiền liệt tuyến.

CA LÂM SÀNG

     Bệnh nhân (BN) nam, 67 tuổi. Tiền sử: Phì đại TLT đã điều trị cắt u qua nội soi ngược dòng niệu đạo cách vào viện 4 năm. Khoảng 2 tháng nay BN xuất hiện nhiều hạch vị trí nhóm 2, 3, 4 và thượng đòn bên (T), kích thước lớn nhất là 2*3 cm, chắc, dính; kết quả chọc tế bào kim nhỏ (FNA) tại hạch: hình ảnh di căn carcinoma.

BN được thăm khám lâm sàng và làm các xét nghiệm để tìm tổn thương nguyên phát như: nội soi tai mũi họng, nội soi dạ dày, nội soi đại trực tràng, chụp CT vùng đầu mặt cổ, CT lồng ngực, CT ổ bụng, MRI tiểu khung. Tuy nhiên không phát hiện được tổn thương nguyên phát. Do đó, BN được tiến hành sinh thiết  hạch cổ trái. Kết quả trên mô bệnh học và hóa mô miễn dịch định hướng đến di căn từ TLT.

Các xét nghiệm sau đó bao gồm: nồng độ PSA: 609 ng/ml; xạ hình xương: hình ảnh di căn đa ổ và kết quả mô bệnh học sinh thiết TLT: adenocarcinoma TLT, Gleason: 4 + 5 = 9 điểm. Từ đó, chẩn đoán xác định được đưa ra: ung thư TLT giai đoạn lan tràn (giai đoạn IV). BN được lựa chọn điều trị nội tiết: phẫu thuật cắt tinh hoàn. Các triệu chứng được cải thiện rõ ràng (hạch cổ thu nhỏ, nồng độ PSA giảm còn 400 ng/ml) ngay trong tuần đầu tiên sau cắt tinh hoàn. BN sau đó được chuyển sang khoa Nội để điều trị chống tiêu xương bằng acid zoledronic.

BÀN LUẬN

  Trong ung thư TLT biểu hiện lâm sàng thường gặp là các triệu chứng về tiết niệu như: đái khó, bí đái, tiểu đêm, đái máu…; đôi khi BN đến viện bởi các triệu chứng do bệnh di căn  [2]. Trong ca lâm sàng này, BN đến viện vì sờ thấy hạch cổ. Theo y văn, di căn hạch cổ  chủ yếu do ung thư có nguồn gốc từ vùng đầu mặt cổ, bao gồm ung thư niêm mạc đường tiêu hóa, hô hấp trên hoặc ung thư không thuộc niêm mạc như  ung thư tuyến nước bọt, tuyến giáp và ung thư da. Di căn hạch cổ từ cơ quan ngoài vùng đầu cổ (vú, phổi, dạ dày, thực quản…)  ít gặp hơn, đặc biệt là di căn từ ung thư TLT [3].

Tuy nhiên, ở BN này, các phương pháp chẩn đoán hình ảnh cũng như nội soi đều không tìm được vị trí tổn thương đặc hiệu. Do đó, BN được tiến hành sinh thiết hạch cổ trái. Nhuộm hóa mô miễn dịch ngày càng có vai trò to lớn trong định hướng nguồn gốc tổn thương thứ phát, hình ảnh di căn ung thư TLT đặc trưng bởi dương tính với PSA (prostate specific antigen) và PAP (prostate-specific acid phosphatase). Từ đó, các đánh giá sâu hơn như nồng độ PSA, xạ hình xương và sinh thiết TLT được tiến hành để xác chẩn.

Các báo cáo về ung thư TLT trên thế giới đều cho thấy di căn hạch cổ rất hiếm gặp. Tác giả Lukas Bubendorf  tổng kết trên 1,589 BN ung thư TLT, tỷ lệ di căn xa gặp ở 35% BN, trong đó các vị trí di căn hay gặp là  xương (90%), phổi (46%), gan (25%), màng phổi (21%), tuyến thượng thận (13%) [4]. Nghiên cứu của tác giả Flocks và Boatman cho thấy chỉ có 0,4% các trường hợp ung thư TLT (6/1500 ca) có di căn hạch cổ [5]. Tương tự, tỷ lệ di căn hạch cổ trong nghiên cứu của tác giả Saitoh và cộng sự (8) là 0,4% (5/1367 ca) [6].

KẾT LUẬN

     Ung thư TLT hiếm khi di căn hạch cổ và ngược lại, trong các trường hợp di căn hạch cổ chưa rõ nguyên phát, ít khi nghĩ tới do ung thư TLT đặc biệt là khi BN không có các triệu chứng về tiết niệu. Sinh thiết hạch cổ làm mô bệnh học và nhuộm hóa mô miễn dịch với các marker đặc hiệu có vai trò quan trọng trong định hướng chẩn đoán tổn thương nguyên phát.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. J, F., et al., GLOBOCAN 2012 v1.1, Cancer Incidence and Mortality Worldwide: IARC CancerBase No. 11

2. Copeland, B., et al., Prostate Carcinoma Metastatic to the Cervical Lymph Nodes: Report of Two Cases and Review of the Literature. American Journal of Otolaryngology, Vol 22, No 6 (November-December), 2001: pp 420-423, 2001.

3. CW, C., et al., Otolaryngology Head and Neck Surgery (ed 3). Baltimore, 1998.

4. Bubendorf, L., et al., Metastatic patterns of prostate cancer: An autopsy study of 1,589 patients. Human Pathology, 2000. 31(5): p. 578-583.

5. RH, F. and B. DL, Incidence of head and neck metastases from genito-urinary neoplasms. Laryngoscope 83:1527-1539, 1973.

6. H, S., et al., Metastatic patterns of prostatic cancer. Cancer 54:3078-3084, 1984.

 

BS. Võ Quốc Hoà

Share: