Ung thư cổ tử cung (UT CTC) là bệnh ác tính phổ biến, một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong những ung thư ở nữ giới. Những tế bào ở phần cổ tử cung phát triển một cách bất thường, ban đầu xâm lấn tại chỗ sau đó tới những khu vực xung quanh và cuối cùng là di căn sang những bộ phận khác trên cơ thể.
NGUYÊN NHÂN GÂY UNG THƯ CỔ TỬ CUNG:
Virus sinh u nhú ở người hay còn gọi là HPV (Human Papilloma Virus) có liên quan mật thiết đến UT CTC. Đa phần người mắc không biểu hiện triệu chứng và virus biến mất sau 1-2 năm. Trên một số người, HPV tồn tại kéo dài gây nên các u nhú và các tổn thương tiền ung thư. Những tổn thương tiền ung thư làm tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung, âm đạo, dương vật, hậu môn và họng miệng.
Không phải ai mắc HPV cũng sẽ bị UT CTC, nhưng hầu như toàn bộ người mắc UT CTC đều được phát hiện có HPV. Ngày nay đã xác định được các type HPV 16, 18, 31, 33, 35, 45, 52, 58 là nguyên nhân gây nên UT CTC, trong đó HPV 16 và 18 có khả năng gây ung thư cao nhất. Ngoài ra còn một số yếu tố nguy cơ khác như:
- Hút thuốc lá (cả hút thuốc chủ động và hít khói thuốc bị động)
- Quan hệ tình dục sớm, sinh đẻ sớm, quan hệ đường miệng
- Điều kiện vệ sinh kém, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục
MẮC UNG THƯ CỔ TỬ CUNG CÓ THỂ CÓ NHỮNG TRIỆU CHỨNG GÌ?
Trong giai đoạn sớm, người mắc bệnh thường không có triệu chứng, bệnh thường được phát hiện qua khám sàng lọc, nội soi cổ tử cung và làm phiến đồ cổ tử cung - âm đạo.
Bệnh ở giai đoạn xâm lấn có thể biểu hiện một số triệu chứng:
- Cảm giác đau khi giao hợp
- Ra máu âm đạo bất thường (sau giao hợp, giữa kỳ kinh, ở phụ nữ đã mãn kinh..)
- Ra khí hư lẫn máu, mùi hôi
- Ở giai đoạn muộn hơn người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi, gầy sút, đau vùng bụng và khung chậu, rong kinh...
LÀM THẾ NÀO ĐỂ KHÁM PHÁT HIỆN SỚM UNG THƯ CỔ TỬ CUNG?
Thăm khám cổ tử cung qua nội soi (ở những phụ nữ đã quan hệ tình dục) có khả năng phát hiện những tổn thương tiền ung thư ở giai đoạn sớm, hoặc những tổn thương xâm lấn dạng sùi loét, chảy máu, dấu hiệu bất thường trên phiến đồ tế bào âm đạo.. Những xét nghiệm tế bào học cổ tử cung đều tương đối đơn giản, dễ thực hiện và có hiệu quả tốt trong phát hiện sớm bệnh UT CTC, giá thành không cao, phổ biến hiện nay là phương pháp Pap test và ThinPrep.
- Tế bào biểu mô vảy không điển hình chưa loại trừ tổn thương biểu mô vảy grade cao (HSIL)
- Tổn thương tế bào vảy grade thấp (LSIL): tế bào biểu mô ít thay đổi và không có xu hướng tiến triển thành ung thư
- Tổn thương tế bào vảy grade cao (HSIL): thay đổi tế bào có khả năng tiến triển thành ung thư
- Ung thư tế bào biểu mô vảy cổ tử cung
- Tế bào biểu mô tuyến không điển hình
- Ung thư tế bào biểu mô tuyến cổ tử cung
HPV test là xét nghiệm có thể được tiến hành đồng thời với Pap test. Thay vì phát hiện những thay đổi về mặt tế bào, HPV test tìm kiếm sự có mặt của virus HPV. Nếu HPV test dương tính, có thể tiến hành thêm một số xét nghiệm kiểm tra xem đó có phải là những type có khả năng gây ung thư cổ tử cung như HPV 16 và HPV 18 hay không. Trong trường hợp HPV test dương tính nhưng chưa có sự biến đổi về tế bào, bạn nên làm lại HPV test và Pap test sau 12 tháng.
Bệnh Ung thư cổ tử cung là bệnh nếu phát hiện ở giai đoạn sớm sẽ có khả năng điều trị khỏi và tiên lượng khả quan. Do đó bạn nên tới những cơ sở y tế có uy tín để được khám tầm soát định kỳ hoặc để được thăm khám, tư vấn khi có những dấu hiệu bất thường.
Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội là cơ sở đi đầu về việc triển khai tầm soát ung thư sớm, với các gói khám nâng cao nhằm phát hiện sớm các bệnh ung thư. Bệnh viện có đội ngũ nhân viên y tế có trình độ chuyên môn và trang thiết bị hiện đại, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người khám.
Để được tư vấn, hỗ trợ và đặt lịch hẹn khám vui lòng liên hệ theo SĐT CSKH: 1900 1070 (8h00 đến 18h00 hàng ngày).
Chúc các bạn mạnh khỏe!
BS. Nguyễn Việt Cường - Khoa khám bệnh