Slogan

BẢO QUẢN VÀ XỬ TRÍ THUỐC ĐIỀU TRỊ UNG THƯ TẠI NHÀ MỘT CÁCH AN TOÀN

Trong và sau khi điều trị ung thư, người bệnh có thể được kê đơn sử dụng một hoặc nhiều loại thuốc tại nhà. Các thuốc này thường có hoạt lực mạnh và có thể gây hại nếu để người   không bị ung thư sử dụng. Vì vậy, người bệnh và những người chăm sóc  họ cần biết những cách an toàn nhất để bảo quản và xử trí các loại thuốc này khi không cần dùng đến.

Hình ảnh bảo quản thuốc tại nhà, nguồn: https://www.mysouthernhealth.com/are-you-storing-your-medicines-properly/

Các lưu ý chung khi bảo quản thuốc

· Cân nhắc cất giữ thuốc của người bệnh tách biệt với thuốc của các thành viên khác trong gia đình. Người bệnh có thể bảo quản thuốc ở một kệ riêng hoặc trong một ngăn tủ hoặc ngăn kéo riêng biệt.

· Bảo quản thuốc ở nơi an toàn, mát mẻ, khô ráo.

Hình ảnh: Các loại nắp chống trẻ em. Nguồn:https://www.mygnp.com/blog/child-resistant-safety-caps-help-keep-kids-safe/

· Bảo quản thuốc tránh xa tầm nhìn và tầm tay của trẻ em và/hoặc vật nuôi. Cân nhắc sử dụng các loại nắp chống trẻ em nếu có thể.

· Bảo quản ở nơi có đủ ánh sáng để người bệnh có thể đọc thông tin trên nhãn và lấy đúng liều lượng, kể cả khi cần phải bảo quản trong điều kiện tránh ánh sáng trực tiếp chiếu vào thuốc.

· Giữ nguyên thuốc trong bao bì (hộp/chai/ lọ đựng) của nhà sản xuất. Điều này giúp người bệnh có thể phân biệt các loại thuốc và xác định tần suất sử dụng thuốc (dựa vào thông tin về liều lượng, cách dùng, thời gian dùng trên nhãn hoặc số lượng thuốc còn lại trong vỉ hoặc hộp). Luôn đậy nắp kín.

· Lưu và sắp xếp các tờ hướng dẫn sử dụng thuốc của nhà sản xuất hoặc nhà thuốc cung cấp cùng với đơn thuốc của người bệnh. Những tài liệu này sẽ cho người bệnh biết về thời gian và cách dùng thuốc, về bất kỳ hướng dẫn bảo quản đặc biệt nào và những tác dụng phụ mà người bệnh có thể gặp phải trong quá trình điều trị.

Lưu ý về bảo quản đặc biệt đối với thuốc giảm đau

Những người được chẩn đoán mắc ung thư thường có triệu chứng đau, do sự tiến triển của bệnh hoặc do tác dụng phụ của việc điều trị. Do đó, kiểm soát và điều trị đau là một phần không thể thiếu trong kế hoạch điều trị tổng thể của người bệnh. Điều này có thể liên quan đến việc người bệnh phải sử dụng thuốc giảm đau tại nhà. Một số bệnh nhân bị đau mức độ vừa đến nặng có thể được kê đơn sử dụng opioid - một loại thuốc gây nghiện.

Mặc dù những loại thuốc này giúp giảm đau do ung thư một cách hiệu quả, nhưng opioid rất nguy hiểm nếu một thành viên trong gia đình hoặc thú cưng nuốt phải chúng. Bên cạnh đó, những người nghiện ma túy có thể lợi dụng việc bảo quản lỏng lẻo để lấy opioid sử dụng. Do đó, hãy thực hiện các bước bảo quản bổ sung để lưu trữ thuốc giảm đau opioid một cách an toàn và bảo mật:

· Luôn bảo quản thuốc giảm đau trong lọ có nắp chống trẻ em.

· Giữ tất cả thuốc giảm đau opioid ở nơi mà thú cưng, trẻ em, thanh thiếu niên hoặc người lạ không thể dễ dàng nhìn thấy hoặc tiếp cận. Cân nhắc bảo quản thuốc trong hộp có khóa an toàn mà chỉ người bệnh và người chăm sóc người bệnh mới có thể mở hoặc tiếp cận. Người bệnh có thể sử dụng két sắt để bảo quản thuốc.

· Nếu người bệnh được kê đơn miếng dán fentanyl, hãy đảm bảo rằng các miếng dán đã qua sử dụng được cất trữ cách xa những miếng dán khác. Sau khi dùng, hãy gập đôi miếng dán lại để bịt kín các phần dính (mặt dán lên da) và vứt bỏ nó một cách an toàn (xem phần Lưu ý về xử trí thuốc sau khi sử dụng). Những miếng dán này có thể dính vào bàn chân và da của trẻ em và vật nuôi nếu không được vứt bỏ/ xử lý đúng cách. Opioid từ miếng dán có thể được hấp thụ qua da ngay cả sau khi đã qua sử dụng.

· Chỉ chia sẻ chi tiết về đơn thuốc hoặc các thuốc của người bệnh với người thân chăm sóc người bệnh hoặc những người cần nắm được thông tin về quá trình điều trị (ví dụ như bác sỹ, dược sỹ).

Lưu ý về bảo quản đặc biệt đối với thuốc hóa trị đường uống

Nhiều loại hóa trị liệu hiện nay được bào chế dưới dạng thuốc uống được kê đơn sử dụng tại nhà. Mặc dù việc sử dụng các thuốc này thuận tiện hơn, nhưng người bệnh cần phải xem xét kĩ lưỡng một số lưu ý quan trọng trong việc bảo quản thuốc như sau:

· Lưu trữ tất cả các thuốc hóa trị liệu trong bao bì (hộp/chai/ lọ đựng) của nhà sản xuất, ở nơi an toàn và tránh xa tất cả các loại thuốc khác. Bảo quản thuốc tránh xa tầm tay của trẻ em và/hoặc vật nuôi.

· Hầu hết các thuốc hóa trị liệu đường uống nên được bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh xa nguồn nhiệt, độ ẩm và tránh ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào thuốc. Điều này có nghĩa là người bệnh không nên đặt thuốc trên bục cửa sổ, gần bồn rửa hoặc trong phòng tắm.

· Một số loại thuốc hóa trị yêu cầu lưu trữ hoặc xử lý đặc biệt, chẳng hạn như bảo quản lạnh (từ 2-8oC). Người bệnh cần hỏi kỹ bác sĩ hoặc dược sĩ cách bảo quản thuốc của  mình.

· Nếu người bệnh sử dụng hộp đựng thuốc hoặc các loại ngăn kéo hoặc các vật dụng để bảo quản khác, hãy để 1 hộp/ ngăn cho thuốc hóa trị và 1 hộp/ngăn cho các loại  thuốc khác. Dán nhãn rõ ràng để phân biệt các loại hộp/ ngăn kéo để tránh nhầm lẫn.

· Lưu số điện thoại của Trung tâm y tế gần nhất để có thể liên hệ khi trẻ em, thú cưng hoặc thành viên khác trong gia đình người bệnh vô tình nuốt phải thuốc.

Lưu ý về xử trí thuốc sau khi sử dụng

Khi người bệnh không cần sử dụng thuốc nữa, người bệnh nên loại bỏ thuốc một cách an toàn nhất có thể. Cần trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ hoặc đọc kĩ hướng dẫn sử dụng đi kèm với đơn thuốc để biết cách tiêu hủy từng loại thuốc một cách an toàn. Một số phương án gợi ý bao gồm:

· Hoàn trả lại thuốc cho cơ sở y tế. Một số cơ sở y tế hỗ trợ bệnh nhân hoàn trả thuốc trong trường hợp không sử dụng hết hoặc hoàn trả để tiêu hủy thuốc và các bao bì trực tiếp (vỏ vỉ, vỏ hộp). Hãy trao đổi với dược sĩ hoặc bác sỹ về các chương trình hỗ trợ thu hồi thuốc tại cơ sở y tế hoặc nhà thuốc mà người bệnh đã mua.

 

· Vứt thuốc đi. Nếu không thể mang thuốc đến nơi tiêu hủy hoặc xả trong bồn cầu, người bệnh có thể phải vứt thuốc vào thùng rác. Thuốc hóa trị liệu đường uống có thể được hoàn trả lại tại các cơ sở y tế, do đó người bệnh hãy tham khảo ý kiến bác sỹ trước khi quyết định có tiêu hủy thuốc này hay không (xem phần Hoàn trả thuốc hóa trị cho bác sỹ). Trước khi vứt bỏ thuốc, hãy tham khảo các lưu ý quan trọng sau:

 

· Lấy tất cả các loại thuốc ra khỏi vỉ và hộp đựng.

· Đặt thuốc cần vứt bỏ trong hộp hoặc túi có thể bịt kín, chẳng hạn như túi nhựa hoặc hộp kim loại đựng cà phê.

· Trộn thuốc với một chất thải như cát lót chuồng mèo hoặc bã cà phê đã qua sử dụng. Đừng nghiền thuốc viên, viên nén hoặc viên nang.

· Đậy kín hộp đựng và nhớ bỏ vào thùng rác để tiêu hủy chứ không phải thùng rác tái chế.

· Gỡ bỏ nhãn thuốc hoặc gạch bỏ hoàn toàn bất kỳ thông tin cá nhân nào trước khi vứt bỏ hoặc tái chế vỏ hộp đựng thuốc. Điều này sẽ giúp bảo vệ danh tính của người bệnh.

Xử trí thuốc giảm đau khi không sử dụng

Nhà thuốc hoặc cơ sở y tế cung cấp thuốc giảm đau opioid cho người bệnh có trách nhiệm thu hồi thuốc trong trường hợp người bệnh không sử dụng hết. Do đó, trong trường hợp bệnh nhân ung thư không sử dụng hết thuốc do dư ra, tử vong hoặc bất kì nguyên nhân nào khác, hãy liên hệ với cơ sở y tế/ nhà thuốc đã cấp phát hoặc bán loại thuốc này cho người bệnh để trả lại thuốc. Thuốc trả lại cho những địa điểm này sẽ được tiêu hủy một cách an toàn. 

Hoàn trả thuốc hóa trị cho bác sỹ

Thông thường, các thuốc hóa trị liệu được kê đơn cho người bệnh sẽ không bị dư ra vì bác sĩ thường kê đơn với liều lượng và số lượng chính xác. Tuy nhiên trong một số trường hợp như khi bệnh nhân thay đổi phác đồ, gặp các tác dụng phụ không thể chấp nhận hoặc tử vong, thuốc có thể không được sử dụng hết số lượng đã kê, hãy trả lại cho bác sĩ hoặc y tá của người bệnh để xử lý. Ngoài ra, hãy tham khảo ý kiến bác sỹ xem người bệnh có nên trả lại các hộp đựng, vỏ vỉ trực tiếp hoặc bất kỳ chất thải hóa học nào khác (ví dụ bơm kim tiêm chứa thuốc, nắp hoặc găng tay dính thuốc) cho cơ sở y tế để xử lý an toàn hay không.

Nếu người bệnh có thêm câu hỏi về việc xử lý thuốc không sử dụng hoặc hết hạn, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ của người bệnh. 

Tài liệu tham khảo: https://www.cancer.net/navigating-cancer-care/managing-your-care/safe-storage-and-disposal-cancer-medications

Biên soạn: DS. Điều Thị Ngọc Châu, Khoa Dược, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội.

Hiệu đính: Ths.Bs. Nguyễn Thanh Hằng - Phòng Hợp tác Quốc tế và Nghiên cứu Khoa học, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội.

 

Share: