Slogan

CHĂM SÓC NGƯỜI BỆNH TRƯỚC VÀ SAU PHẪU THUẬT UNG THƯ – NHỮNG ĐIỀU NGƯỜI THÂN CẦN LƯU Ý

Nếu bạn là vợ/chồng, bạn đời, người thân trong gia đình hoặc bạn bè đang hỗ trợ người bệnh ung thư cả về thể chất lẫn tinh thần thì bạn là một phần quan trọng trong nhóm chăm sóc người bệnh ung thư.

Việc chăm sóc cho người thân có chỉ định phẫu thuật ung thư có thể bao gồm giúp người bệnh chuẩn bị sẵn sàng trước khi phẫu thuật, đồng hành với họ trong quá trình phục hồi và giúp họ trở lại với hoạt động thường ngày.

Phẫu thuật có thể được chỉ định để ngăn ngừa, chẩn đoán, xác định giai đoạn hoặc điều trị ung thư. Phẫu thuật cũng có thể được chỉ định để giảm đau, giảm khó chịu hoặc các vấn đề khác liên quan đến ung thư. Sau khi được chẩn đoán, bệnh nhân có thể phải phẫu thuật như phương pháp điều trị đầu tiên hoặc chỉ được phẫu thuật sau khi họ đã được hóa trị hoặc xạ trị. Đôi khi một người bệnh có thể cần nhiều hơn một ca phẫu thuật vào những thời điểm khác nhau.

Tình trạng của mỗi người bệnh là khác nhau, loại phẫu thuật cũng như sự hồi phục của họ phụ thuộc vào loại ung thư họ mắc phải, sức khỏe tổng thể và sự lựa chọn của họ.

Sẵn sàng cho phẫu thuật

Trước phẫu thuật được gọi là giai đoạn tiền phẫu. Tại các cuộc gặp với bác sĩ trước phẫu thuật, hãy lắng nghe và quan sát nhiều hơn. Bác sỹ sẽ cung cấp cho bạn rất nhiều thông tin và yêu cầu người bệnh điền vào những mẫu đơn đồng ý cho phép thực hiện phẫu thuật. Bạn có thể ghi chép lại để giúp cả bạn và người bệnh nhớ được tất cả các chi tiết.


 

Hãy mang theo danh sách các loại thuốc được kê đơn và không kê đơn, vitamin, thực phẩm bổ sung mà người bệnh đang dùng để bác sỹ được biết. Việc này là để đảm bảo người bệnh không dùng bất cứ thứ gì có thể ảnh hưởng đến ca phẫu thuật và sự phục hồi sau này. Hãy nói cho bác sĩ biết nếu người bệnh có tiền sử dị ứng hay có bất kỳ vấn đề nào với việc gây mê trước đây.

Hãy hỏi đội ngũ chăm sóc y tế về những điều mà bạn chưa hiểu hoặc khi bạn muốn biết thêm nhiều thông tin hơn. Người nhà bệnh nhân thường có chung một câu hỏi đó là khi nào có lịch phẫu thuật. Đây có thể là mối lo ngại vì nó ảnh hưởng đến lịch trình công việc cũng như những hoạt động trong cuộc sống hàng ngày. Bên cạnh đó, bạn hoặc người bệnh có thể cảm thấy lo lắng khi phải chờ đợi quá lâu để được phẫu thuật. Vì vậy hãy đảm bảo hỏi bác sỹ điều này.

Những điều bạn có thể muốn hỏi bác sỹ:

  • Chính xác thì bác sỹ sẽ làm gì trong cuộc phẫu thuật này?
  • Tổn thương ung thư sẽ được loại bỏ hoàn toàn hay chỉ một phần?
  • Ca phẫu thuật có bao nhiêu cơ hội thành công?
  • Bác sĩ có kinh nghiệm trong những ca phẫu thuật tương tư không? Bác sĩ đã thực hiện bao nhiêu ca như thế này rồi?
  • Liệu ca phẫu thuật này có phải là cách điều trị ung thư duy nhất không?
  • Bệnh nhân có đủ sức khỏe để chịu đựng những áp lực từ ca phẫu thuật và gây mê không?
  • Ca phẫu thuật sẽ kéo dài bao lâu?
  • Bệnh nhân có cần truyền máu không?
  • Người bệnh sẽ đau đến mức độ nào? Có cần các ống (ống dẫn lưu hoặc ống thông) không?
  • Người bệnh sẽ phải nằm viện trong bao lâu? Họ có cần phục hồi chức năng hay trị liệu sau mổ không?
  • Ca phẫu thuật có làm thay đổi thể chất người bệnh không? Những thay đổi đó có tồn tại vĩnh viễn không?
  • Sẽ mất bao lâu để người bệnh có thể quay lại các hoạt động bình thường?
  • Những rủi ro và tác dụng phụ của ca phẫu thuật là gì?
  • Liệu người bệnh có cần phải phẫu thuật thêm lần nữa không?
  • Nếu không thực hiện phẫu thuật thì điều gì sẽ xảy ra?
  • Nếu ca phẫu thuật thất bại, liệu có phương pháp điều trị ung thư nào khác không? Đó là những phương pháp nào?
  • Bảo hiểm y tế có chi trả cho ca phẫu thuật không? Người bệnh còn phải trả bao nhiêu chi phí nữa?
  • Liệu có thời gian để tôi tham vấn một chuyên gia ung thư khác không?

Hãy chắc chắn rằng bạn hiểu mọi chỉ dẫn trước phẫu thuật và giúp người bệnh làm theo đúng chỉ dẫn. Thực hiện thay đổi để lối sống lành mạnh hơn như ngừng hút thuốc lá, giảm cân, tránh xa đồ uống có cồn, ăn uống lành mạnh hoặc tập thể dục nhiều hơn.

Có thể cần tạm ngưng một số loại thuốc kê đơn hay thuốc hỗ trợ khác một thời gian ngắn trước khi phẫu thuật. Bệnh nhân có thể cần làm một số xét nghiệm tiền phẫu như chụp X-quang và xét nghiệm máu.

Bác sĩ có thể đưa ra chỉ dẫn vài ngày trước ca phẫu thuật như tắm với loại xà phòng đặc biệt, ngừng ăn các đồ ăn đặc và lỏng ở thời điểm nhất định và một số trường hợp là chuẩn bị thụt tháo đường tiêu hóa.

Phục hồi

Sau phẫu thuật người bệnh lưu lại bệnh viện bao lâu sẽ tùy thuộc vào loại phẫu thuật và sức khỏe của họ. Khi người bệnh nằm viện, bạn có thể hỗ trợ bằng cách khuyến khích họ làm theo mọi chỉ dẫn của bác sĩ. Điều này có thể bao gồm việc đứng dậy và đi lại, uống thuốc giảm đau được kê đơn hoặc hít thở và ho. Hãy báo cho điều dưỡng hoặc bác sĩ biết nếu thuốc giảm đau không có tác dụng với người bệnh.

Trước khi người bệnh ra viện, người nhà cần nói chuyện với bác sĩ và điều dưỡng về những điều có thể xảy ra sau khi người bệnh về nhà. Bạn cần bảo đảm hiểu những điều sau:

  • Chăm sóc vết thương và các ống dẫn lưu như thế nào
  • Những điều cần phải chú ý ngay lập tức
  • Những hoạt động bị hạn chế, như tắm, lái xe, làm việc hay bê vác đồ
  • Những thức ăn đồ uống cần kiêng hoặc hạn chế dùng
  • Các loại thuốc cần dùng, liều dùng, bao gồm cả thuốc giảm đau
  • Liên hệ với ai khi có thắc mắc hoặc khi có vấn đề xuất hiện, kể cả ngoài giờ làm việc hoặc cuối tuần
  • Chăm sóc sức khỏe hoặc phục hồi chức năng tại nhà có cần thiết không (luyện tập thể dục hoặc vật lý trị liệu)
  • Khi nào cần đi tái khám

Quá trình phục hồi của mỗi người khác nhau. Các vết thương lành với tốc độ khác nhau và một vài phương pháp phẫu thuật cần nhiều sự can thiệp hơn những phương pháp khác. Nếu bạn thấy quá mệt và không thể đảm đương được việc chăm sóc người bệnh tại nhà, hãy nói cho bác sỹ biết. Họ có thể sắp xếp điều dưỡng hoặc nhân viên hỗ trợ tới giúp trong thời gian ngắn.

Nếu người bệnh gặp nhiều rắc rối với tác dụng phụ hoặc bắt đầu cảm thấy buồn bã  khó chịu, hãy khuyến khích họ nói chuyện với bác sĩ. Đội ngũ chăm sóc bệnh nhân ung thư có thể hỗ trợ quản lý tác dụng phụ.

Khi nào nên gọi điện cho bác sĩ

Một vài tác dụng phụ của phẫu thuật có thể xuất hiện và biến mất nhanh chóng, nhưng một số khác có thể là dấu hiệu của những vấn đề nghiêm trọng hơn. Liên hệ ngay với bác sĩ hoặc điều dưỡng nếu bạn phát hiện những dấu hiệu sau trong thời kỳ hậu phẫu:

  • Sốt (các hướng dẫn có thể khác nhau, vì vậy hãy kiểm tra kỹ để biết nhiệt độ là bao nhiêu thì cần báo cho nhân viên y tế)
  • Ớn lạnh, rét run
  • Chảy máu ở vị trí phẫu thuật hoặc ống dẫn lưu, bầm tím hoặc chảy máu không rõ nguyên nhân ở những vị trí khác
  • Đau hoặc nhức tại vị trí phẫu thuật ngày một nhiều hơn hoặc không đỡ khi dùng thuốc giảm đau.
  • Đau bất thường ở bất kỳ vị trí nào, kể cả chân, ngực, bụng và đau đầu dữ dội
  • Thở gấp hoặc khó thở
  • Gặp khó khăn khi đi tiểu; đau khi đi tiểu; nước tiểu có máu, mùi hôi hoặc vẩn đục
  • Bất kỳ dấu hiệu nào mà bác sĩ hoặc điều dưỡng từng đề cập đến

Hãy thông báo cho bác sĩ khi bạn nhận thấy hoặc lo lắng về bất kỳ vấn đề mới nào mà người bệnh gặp phải. Cách tốt nhất để giải quyết chúng là tìm ra nguyên nhân càng sớm càng tốt.

Tái khám

Tái khám đầy đủ đúng hẹn sau phẫu thuật là việc rất quan trọng. Đội ngũ nhân viên y tế sẽ kiểm tra và giúp người bệnh giải quyết mọi vấn đề về sức khỏe. Bác sĩ phẫu thuật sẽ rút ống dẫn lưu, cắt chỉ hoặc gỡ ghim phẫu thuật sau một thời gian nhất định và kiểm tra quá trình lành vết mổ của người bệnh. Người bệnh có thể cần làm xét nghiệm máu hoặc chụp x-quang trong quá trình tái khám

Nếu người bệnh cần được điều trị thêm sau phẫu thuật, bác sỹ sẽ trao đổi về các phương án điều trị và giúp người bệnh và gia đình quyết định chọn phương án nào, đồng thời cung cấp thông tin về phương pháp điều trị cũng như thời điểm bắt đầu tiếp nhận điều trị.

Nguồn: Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Hoa Kỳ (ASCO) www.cancer.net

Đường dẫn:

https://www.cancer.org/cancer/latest-news/caring-for-a-loved-one-having-cancer-surgery.html

Biên dịch: ThS. Nguyễn Hà My, phòng QLCL-CTXH và DS. Chu Hà My, Khoa Dược.

Hiệu đính: ThS.BS. Nguyễn Thanh Hằng, Phòng HTQT&NCKH

 

 

 

Share: