Slogan

DÀNH CHO NHỮNG NGƯỜI CHĂM SÓC NGƯỜI BỆNH UNG THƯ

Ngày nay, phần lớn việc điều trị ung thư được thực hiện ngoại trú - người bệnh không phải nằm viện. Điều này có nghĩa là người bệnh ung thư cần người chăm sóc hàng ngày tại nhà. Người chăm sóc là người giúp đỡ người bệnh ung thư thường xuyên nhất. Trong hầu hết các trường hợp, người chăm sóc chính là vợ/chồng, người yêu, bố mẹ hoặc con của người bệnh. Ngoài các công việc thường ngày như chuẩn bị bữa ăn, dọn dẹp, tắm rửa cho người bệnh, đưa đón đến bệnh viện, người chăm sóc cũng đóng vai trò quan trọng không kém nhân viên y tế trong quá trình chăm sóc sức khỏe người bệnh ung thư. Sự chăm sóc tốt và đáng tin cậy của người chăm sóc là điều cốt yếu để duy trì sức khỏe tinh thần và thể chất của người bệnh. Họ thường đảm nhận các công việc của người bệnh ung thư đồng thời vẫn đảm nhiệm những công việc khác trong gia đình như chăm sóc giúp đỡ các thành viên khác.

Thời gian biểu dày đặc có thể làm người chăm sóc người bệnh không còn thời gian cho những nhu cầu của riêng của bản thân, có thể cảm thấy cần từ chối các cơ hội nghề nghiệp, đi làm ít giờ hơn, hoặc thậm chí nghỉ hưu sớm để đáp ứng yêu cầu chăm sóc cho người bệnh.

Dưới đây là một vài điều cần suy nghĩ nếu bạn trở thành người chăm sóc cho người bệnh ung thư.

Người chăm sóc có thể có tâm trạng như thế nào?

Việc chăm sóc người bệnh ung thư có th làm bạn cảm thấy rất nặng nề và đau đớn khi phải chứng kiến người họ yêu thương bị bênh tật dày vò hàng ngày hàng giờ, cũng có thể cảm thấy bị quá tải hoặc mất tinh thần khi phải cố gắng giải quyết quá nhiều khó khăn.

Những người chăm sóc có thể xuất hiện các triệu chứng thực thể như mệt mỏi và khó ngủ. Điều này có thể trở thành vấn đề lớn đối với những người chăm sóc không được nhận sự hỗ trợ cần thiết và những người vì lo cho người bệnh mà không tự chăm sóc cho bản thân, đặc biệt là những người cố gắng một mình làm mọi việc.

Mặc dù buồn và sốc vì người thân bị ung thư, nhiều người tìm thấy sự hài lòng trong việc chăm sóc cho người bệnh. Bạn sẽ thấy dễ chịu khi biết mình có ích và người bạn yêu thương thật sự cần bạn. Công việc chăm sóc người bệnh ung thư cũng có thể mở ra những cánh cửa để có thêm những người bạn mới, những mối quan hệ mới. Thông qua các hội, nhóm, bạn có thể gặp gỡ những người có cùng hoàn cảnh và khó khăn như bạn và gia đình bạn. Việc chăm sóc người bệnh cũng kéo các thành viên gia đình lại gần nhau và giúp mọi người cảm thấy gần gũi hơn với người bệnh đang cần được chăm sóc. Đây là những cảm xúc tích cực giúp bạn thêm nghị lực và sức chịu đựng để tiếp tục thực hiện vai trò của người chăm sóc trong suốt thời gian người bệnh cần.

Điều gì xảy ra nếu bạn không muốn là người chăm sóc?

Cảm thấy công việc chăm sóc người bệnh ung thư là quá tải, gánh nặng, thậm chí mắc kẹt tại thời điểm nào đó là điều khá bình thường. Có thể bạn cảm thấy áp lực từ các thành viên trong gia đình, bạn bè, từ các bác sỹ, điều dưỡng của người bệnh ung thư làm bạn phải nhận công việc chăm sóc mặc dù bạn có rất ít hoặc không có mong muốn hoặc khả năng làm việc này.                                                                                                                                                                                                    

Nếu bạn trở thành một người chăm sóc do mong muốn của người khác, bạn cần suy nghĩ về cảm xúc của mình trước áp lực công việc. Bạn nên quyết định những giới hạn của bản thân và cho họ biết càng sớm càng tốt - trước khi những yêu cầu của công vic chăm sóc trở thành một vấn đề. Nếu bạn biết sẽ gặp sự phản đối, bạn có thể nhờ bác sỹ điều trị ung thư giới thiệu cho bạn người mà bạn có thể nói chuyện về vấn đề tìm người chăm sóc người bệnh ung thư.

Bạn cũng cần chăm sóc bản thân

Thật khó để dự liệu trước được bệnh tật, nhất là bệnh nghiêm trọng như ung thư. Bỗng nhiên bạn được yêu cầu chăm sóc cho người bệnh ung thư, và người bệnh cũng cần bạn giúp đỡ khi quyết định về chăm sóc y tế và lựa chọn điều trị. Tất cả những điều này đều không dễ dàng. Sẽ có lúc bạn làm rất tốt, nhưng cũng có lúc bạn chỉ muốn từ bỏ. Đây cũng là điều bình thường.

Có nhiều nguyên nhân gây căng thẳng và sa sút tinh thần của những người chăm sóc người bệnh ung thư.  Đối mặt với khủng hoảng do bệnh ung thư ở người mà bạn yêu thương, tương lai bất định, lo lắng về tài chính, những quyết định khó khăn, và những thay đổi bất ngờ và không mong muốn trong lối sống chỉ là một vài ví dụ. Và trong khi mọi sự chú ý đều tập trung vào người bệnh, tất cả những điều này cũng sẽ ảnh hưởng tới thể chất và sức khoẻ tinh thần của người chăm sóc.

Có những cách để giúp giảm căng thẳng và nhắc nhở bạn tận hưởng cuộc sống:

· Tìm trợ giúp của gia đình và bạn bè trong việc chăm sóc người bệnh

· Tập thể dục.

· Ăn uống lành mạnh

· Trợ giúp tinh thần như hoạt động tôn giáo, cầu nguyện, viết nhật kí, hoặc thiền định, đọc sách, vẽ tranh.

· Tham gia các hoạt động giải trí để có thời gian giao tiếp vui vẻ với bạn bè.

Những phương pháp giúp người chăm sóc giảm căng thẳng

 

Những người chăm sóc thường tập trung vào người bệnh ung thư và không quan tâm đến chăm sóc bản thân họ. Bạn có thể là một người chăm sóc, nhưng bạn vẫn có những nhu cầu riêng của bản thân mà bạn không nên và không thể gạt qua một bên.

Tìm sự giúp đỡ của chuyên gia về sức khỏe tâm thần nếu bạn thấy cần

Việc đôi khi cảm thấy quá tải với những trách nhiệm của người chăm sóc là bình thường. Nhưng nếu cảm giác này xuất hiện liên tục có thể bạn cần gặp chuyên gia sức khoẻ tâm thần. Dưới đây là danh sách các dấu hiệu nặng, hãy tìm sự trợ giúp chuyên môn nếu bạn:

· Cảm giác chán nản, cơ thể mệt mỏi, tuyệt vọng.

· Muốn làm tổn thương bản thân hoặc làm tổn thương hay quát mắng người thân.

· Phụ thuộc quá nặng vào rượu hoặc các thuốc kích thích.

· Xung đột với vợ/ chồng, các con, con riêng, hoặc các thành viên khác trong gia đình và bạn bè.

· Không còn quan tâm chăm sóc bản thân.

Hãy nghỉ ngơi hoặc dành thời gian cho riêng mình.

Phần lớn những người chăm sóc không muốn nghỉ ngơi khỏi những trách nhiệm chăm sóc người bệnh thậm chí là trong thời gian ngắn. Thực tế, họ thường cảm có lỗi nếu họ tạm ngừng việc chăm sóc. Nhưng không ai có thể là người chăm sóc mỗi ngày, 24 giờ trong ngày, trong nhiều tháng và thậm chí nhiều năm. Hãy c gắng dành thời gian mỗi ngày tách khỏi việc nhà và  người thân bạn đang chăm sóc- thậm chí chỉ là để đi dạo bộ một quãng đường ngắn hoặc đi mua đồ ăn.

Người chăm sóc cũng cần những khoảng thời gian nghỉ ngơi ngắn, hoàn toàn thoát khỏi công việc nặng nhọc của người chăm sóc, giúp họ giữ được sức khỏe và cải thiện tinh thần của họ. Trong thời gian này, gia đình cần tìm những người khác chăm sóc (người chăm sóc tạm thời, có thể là người thân khác, hoặc những người có chuyên môn, được trả thù lao).

Biết những điều bạn không thể làm

Điều quan trọng nhất là đừng cố gắng một mình làm tất cả. Tự làm tất cả việc chăm sóc người bệnh trong bất kỳ giai đoạn nào đều là không thực  tế. Hãy tìm sự giúp đỡ của những người khác. Hãy để họ được tham gia vào cuộc sống của bạn và vào việc chăm sóc cho người thân đang bị ung thư.

Hãy đặt những giới hạn thực tế về những việc bạn có thể làm. Ví dụ, nếu bạn bị chấn thương ở lưng và/ hoặc nếu người bệnh quá nặng để bạn nâng dậy, bạn có thể giúp họ trở mình trên giường, nhưng đừng cố một mình nâng họ dậy hoặc đỡ họ khi họ ngã. (Vì bạn có thể bị thương nặng hoặc ốm và không th giúp được bất cứ ai). Có vài cách an toàn bạn có thể giúp một người ngồi dậy, đi nhưng bạn phải học để làm điều đó mà không làm tổn thương chính mình. Đây là lúc bạn cần sự hỗ trợ của chuyên gia – Các điều dưỡng chăm sóc tại nhà hoặc các chuyên gia vật lý trị liệu có thể chỉ cho bạn cách thực hiện việc nâng đỡ người bệnh an toàn. Họ cũng có thể giúp bạn có những dụng cụ chuyên biệt nếu cần. Sức khoẻ và sự an toàn của bạn cần được đặt lên hàng đầu nếu bạn muốn tiếp tục chăm sóc người mình yêu thương.

Yêu cầu người khác giúp đỡ

Nhận sự giúp đỡ của của mọi người sẽ giúp bạn giảm bớt áp lực và  có thời gian chăm sóc bản thân. Thông thường, gia đình và bạn bè muốn giúp đỡ nhưng lại không biết giúp đỡ như thế nào hoặc không biết bạn cần gì. Đây là một vài lời khuyên để người chăm sóc có thể tìm sự hỗ trợ từ gia đình và bè bạn:

· Tìm hiểu những tình huống mà bạn cần giúp đỡ. Lập một danh sách hoặc đánh dấu trên lịch.

· Hỏi gia đình và bạn bè xem họ nghĩ họ có thể giúp những việc gì và vào lúc nào. Bạn cũng nên liên hệ với từng người với một đề nghị cụ thể. Hãy thật rõ ràng về những gì bạn cần họ giúp.

· Khi có trả lời của mỗi người, đánh dấu nó trên danh sách của bạn để chắc chắn họ có thể đảm nhận được công việc bạn cần họ giúp.

Chăm sóc con cái trong thời gian này

Nếu bạn có con nhỏ, bạn cần tìm ra cách chăm sóc chúng và những nhu cầu của chúng trong khi bạn chăm sóc cho người bệnh ung thư. Việc sắp xếp lại thời gian biểu của các con và cố gắng duy trì cuộc sống của chúng bình thường nhất có thể là điều khó khăn nên bạn sẽ cần sự cam kết giúp đỡ nhiều hơn từ bạn bè và các thành viên trong gia đình. Những đứa trẻ có thể cảm nhận được sự căng thẳng của các thành viên trong gia đình và nhận ra họ dành ít thời gian cho chúng hơn. Mặc dù thời gian của bạn có hạn, bạn nên giành thời gian cùng con để biết những điều chúng lo lắng và sợ hãi.

Duy trì công việc trong thời gian làm người chăm sóc người bệnh

Bản thân việc chăm sóc người bệnh có thể là một công việc toàn thời gian. Nhưng  nhiều người chăm sóc còn có công việc được trả lương mà họ đã làm từ trước. Một vài người chăm sóc thậm chí phải nghỉ không lương, bỏ lỡ cơ hội thăng tiến và mất các lợi ích và phụ cấp. Sự căng thẳng của việc chăm sóc cho người bệnh cùng với việc lo lắng duy trì công việc cơ quan có thể khiến bạn quá tải.

Nếu bạn cần duy trì công việc nhưng sự gián đoạn và thời gian nghỉ việc tạo nên các rắc rối, bạn có thể cần lập thời gian biểu khác để ở bên người bệnh lúc họ cần bạn nhất. Ví dụ, bạn có thể làm việc nửa ngày hoặc chia ca, hoặc có một ngày nghỉ mỗi tuần để tới gặp bác sỹ. Nếu bạn cần nghỉ làm một thời gian, hãy nói chuyện với sếp của bạn

Đừng tự trách mình

Bạn luôn cố gắng đưa ra những quyết định có lợi và phù hợp nhất với người bệnh. Nhưng đôi khi bạn sẽ cảm thấy đáng ra bạn đã có thể xử lý tình huống tốt hơn hoặc làm những điều tốt hơn. Vào những thời điểm này, quan trọng là đừng tự trách mình. Hãy nhớ là ai cũng có lúc mắc sai lầm, bạn không phải là ngoại lệ. Hãy luôn nhớ vì sao bạn chọn làm công việc nhiều khó khăn và căng thẳng này.

Là người chăm sóc, bạn có vai trò quan trọng và đặc biệt trong việc giúp người bạn yêu thương chiến đấu với bệnh ung thư.

 

Nguồn: www.cancer.org Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ

Đường dẫn: https://www.cancer.org/treatment/caregivers/if-youre-about-to-become-a-cancer-caregiver.html

Biên dịch: ThS.BS. Nguyễn Thị Hợi - Khoa Nội soi – Thăm dò chức năng

Hiệu đính: ThS. BS. Nguyễn Thanh Hằng – ĐV HTQT-NCKH

Share: