Đang hiển thị 862003822068814942.
Slogan

GHÉP TẾ BÀO GỐC VÀ GHÉP TỦY XƯƠNG TRONG ĐIỀU TRỊ UNG THƯ

Tế bào gốc là gì?

    Tất cả các tế bào máu trong cơ thể – bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu – đều bắt đầu từ các tế bào non (chưa trưởng thành) được gọi là các các tế bào gốc tạo máu. Đây là những tế bào rất non chưa phát triển hoàn toàn. Mặc dù chúng có chung nguồn gốc, những tế bào gốc này có thể biệt hóa thành bất kỳ loại tế bào máu nào, tùy thuộc vào cơ thể cần gì khi mỗi tế bào gốc đang phát triển. Các tế bào gốc chủ yếu sống trong tủy xương (phần mô xốp của xương). Đây là nơi chúng phân chia tạo thành các tế nào máu. Khi trưởng thành, các tế bào máu rời khỏi tủy xương và di chuyển vào máu. Một lượng nhỏ các tế bào gốc chưa trưởng thành cũng đi vào dòng máu. Chúng được gọi là các tế bào gốc máu ngoại vi.

Tầm quan trọng của tế bào gốc

    Các tế bào gốc tạo thành hồng cầu, bạch cầu, và tiểu cầu. Chúng ta cần tất cả các loại tế bào máu này để duy trì sự sống. Để các tế bào máu đảm bảo chức năng của chúng, bạn cần có đủ số lượng mỗi loại trong máu.

 

Tế bào gốc để ghép lấy từ đâu?

    Phụ thuộc vào phương thức ghép, có ba nguồn tế bào gốc được sử dụng để ghép:

  • Tủy xương (từ tủy của bản thân hoặc từ người khác)
  • Máu và mạch máu (máu ngoại vi – từ bản thân hoặc từ người khác)
  • Máu cuống rốn trẻ sơ sinh

Tủy xương

    Tủy xương là phần mô lỏng xốp ở trung tâm của một vài xương. Chúng có một nguồn rất giàu tế bào gốc, và chức năng chính là tạo nên các tế bào máu tuần hoàn trong cơ thể. Xương của khung chậu (hông) có nhiều tủy nhất và chứa lượng lớn các tế bào gốc. Đây là lý do các tế bào của xương chậu thường được sử dụng nhiều nhất trong ghép tủy. Số lượng tủy cần được lấy đủ để thu thập được số lượng lớn các tế bào gốc khỏe mạnh.

Hình 1. Tế bào gốc (stem cell) và các tế bào máu được tạo thành

(https://lymphoma-action.org.uk/about-lymphoma-treatment-lymphoma/stem-cell-transplants )

 

    Người hiến tủy sẽ được gây mê toàn thân khi bác sĩ tiến hành thu thập tủy xương (sử dụng thuốc gây mê khiến bệnh nhân rơi vào trạng thái ngủ sâu để không có cảm giác đau). Bác sĩ đưa một kim tiêm lớn qua da vào vùng lưng dưới và vào mặt sau của xương chậu. Dịch tủy đặc được lấy ra ngoài qua kim tiêm. Bác sĩ sẽ lặp đi lặp lại thủ thuật cho đến khi thu được số lượng tủy xương đủ nhiều.

    Tủy xương sau khi lấy ra sẽ được lọc, bảo quản trong một dung dịch đặc biệt trong các túi, và làm đông lạnh. Khi sử dụng, tủy xương sẽ được rã đông và sau đó truyền qua tĩnh mạch vào máu của bệnh nhân, giống như truyền máu. Các tế bào gốc di chuyển đến tủy xương, nơi chúng bám lại và bắt đầu tạo ra các tế bào máu. Các dấu hiệu của tế bào máu mới thường có thể được định lượng trong các xét nghiệm máu của bệnh nhân sau vài tuần.

Máu ngoại vi

    Thông thường trong máu ngoại vi không có nhiều tế bào gốc. Nhưng những người hiến tế bào gốc được tiêm những chất giống hóc-môn được gọi là các yếu tố tăng trưởng một vài ngày trước khi thu thập tế bào làm cho các tế bào gốc tăng trưởng nhanh hơn và di chuyển từ tủy xương vào máu.

    Để ghép tế bào gốc máu ngoại vi, tế bào gốc được lấy từ máu. Một ống mỏng và mềm  đặc biệt (gọi là “cartheter”) được đưa vào một tĩnh mạch lớn ở người hiến tặng và gắn vào ống dẫn máu vào một thiết bị đặc biệt. Thiết bị này tách các tế bào gốc khỏi phần máu còn lại, được truyền trở lại cho người hiến tặng trong cùng một quy trình. Quá trình này mất vài giờ và có thể cần lặp lại trong vài ngày để thu thập đủ tế bào gốc. Các tế bào gốc được lọc, lưu trữ trong túi và làm đông lạnh cho đến khi bệnh nhân sẵn sàng được ghép.

    Khi tế bào gốc được truyền cho bệnh nhân, các tế bào gốc sẽ được truyền qua đường tĩnh mạch, giống như truyền máu. Các tế bào gốc di chuyển đến tủy xương, bám lại và sau đó bắt đầu tạo ra các tế bào máu bình thường mới. Các tế bào mới thường được tìm thấy trong máu của bệnh nhân sau khoảng 4 tuần.

Máu cuống rốn

    Máu của trẻ sơ sinh thường có số lượng lớn tế bào gốc. Sau khi sinh, máu còn sót lại trong nhau thai và dây rốn (được gọi là máu cuống rốn) có thể được lấy và lưu trữ để sử dụng sau này trong quá trình ghép tế bào gốc. Máu dây rốn có thể được đông lạnh cho đến khi cần đến. Sau khi trẻ ra đời, các nhân viên được đào tạo đặc biệt của đội ngũ chăm sóc sức khỏe đảm bảo thu thập máu cuống rốn một cách cẩn thận. Đứa trẻ không bị bất kỳ tổn hại nào.

    Mặc dù máu của trẻ sơ sinh có số lượng lớn tế bào gốc, nhưng máu cuống rốn chỉ chiếm một phần nhỏ trong đó. Vì vậy, một nhược điểm của máu cuống rốn là số lượng tế bào gốc ít hơn. Nhưng điều này được cân bằng một phần bởi thực tế là mỗi tế bào gốc máu cuống rốn có thể tạo nên nhiều tế bào máu hơn một tế bào gốc từ tủy xương trưởng thành. Máu cuống rốn được truyền vào máu của bệnh nhân giống như truyền máu.

Tác hại của ung thư đến tủy xương

    Một số bệnh ung thư xuất phát trong tủy xương và một số ung thư khác có thể lan đến tủy xương. Để những khối ung thư này ngừng phát triển, các tế bào tủy xương cần hoạt động bình thường và bắt đầu tạo ra các tế bào mới khỏe mạnh. Hầu hết các bệnh ung thư gây hại đến chức năng của tủy xương là bệnh bạch cầu, đa u tủy xương và u lympho. Tất cả các bệnh ung thư này đều có nguồn gốc từ các tế bào máu. Các ung thư khác có thể lan đến tủy xương, cũng ảnh hưởng đến chức năng của các tế bào máu.

    Đối với một số nhóm bệnh bạch cầu, u lympho và đa u tủy xương, ghép tế bào gốc có thể là một phần quan trọng trong điều trị. Mục tiêu của việc ghép tủy là loại bỏ các tế bào ung thư và các tế bào bị tổn thương hoặc không khỏe mạnh, các tế bào hoạt động bất thường, đồng thời bổ sung cho bệnh nhân các tế bào gốc mới khỏe mạnh để “bắt đầu lại”.

Phương pháp ghép tế bào gốc điều trị ung thư

    Ghép tế bào gốc được sử dụng để thay thế các tế bào tủy xương đã bị phá hủy bởi ung thư hoặc bởi hóa trị và/hoặc xạ trị khi điều trị ung thư.

Hình 2. Ghép tế bào gốc tự thân (tế bào gốc được lấy từ tủy của chính bệnh nhân)

(https://www.nationalmssociety.org/Treating-MS/aHSCT )

    Có nhiều phương pháp ghép tế bào gốc khác nhau. Tất cả đều sử dụng hóa trị liều rất cao (đôi khi kết hợp với xạ trị) để tiêu diệt tế bào ung thư. Hóa chất liều cao cũng có thể tiêu diệt tất cả các tế bào gốc của bệnh nhân và có thể khiến tủy xương ngừng hoàn toàn việc tạo ra các tế bào máu trong một khoảng thời gian nhất định. Nói cách khác, tất cả các tế bào gốc ban đầu của một người đều bị phá hủy một cách có chủ đích. Nhưng vì cơ thể chúng ta cần các tế bào máu để hoạt động, nên đây chính là lúc cần ghép tế bào gốc. Việc cấy ghép các tế bào khỏe mạnh cho phép các bác sĩ sử dụng hóa trị liều cao hơn nhằm tiêu diệt tất cả các tế bào ung thư, và các tế bào gốc được cấy ghép sẽ phát triển thành các tế bào máu trưởng thành, khỏe mạnh, hoạt động bình thường và tái sản xuất các tế bào không ung thư.

Hình 3. Ghép tế bào gốc đồng loài (tế bào gốc được lấy từ người khác truyền cho bệnh nhân)

https://www.cancer.gov/publications/dictionaries/cancer-terms/def/peripheral-blood-stem-cell-transplant

 

    Có một cách ghép tế bào gốc khác, đó là phương pháp ghép tủy sử dụng tế bào gốc từ một người khác (không phải từ bệnh nhân ung thư). Trong những trường hợp này, ghép tế bào gốc có thể hỗ trợ điều trị một số bệnh ung thư bằng cách khác ngoài việc thay thế tế bào gốc. Các tế bào được hiến có khả năng tìm và tiêu diệt các tế bào ung thư tốt hơn so với các tế bào miễn dịch của người từng bị ung thư. Đó được gọi là hiệu ứng “mô ghép chống khối u” hay “mô ghép chống bạch cầu cấp”. Mô ghép là các tế bào được hiến. Hiệu ứng này được hiểu là một phương pháp ghép tủy nào đó thực sự giúp diệt các tế bào ung thư, đồng thời giải cứu tủy xương và cho phép tế bào gốc sản sinh các tế bào máu bình thường.

Quyết định thực hiện ghép tế bào gốc

    Mặc dù ghép tế bào gốc có thể giúp một số bệnh nhân, thậm chí mang lại cơ hội chữa khỏi bệnh cho họ, nhưng thực tế quyết định ghép tủy là việc không dễ dàng. Tương tự như mọi thứ trong chăm sóc y tế, người bệnh cần phải là người đưa ra lựa chọn cuối cùng về việc có thực hiện ghép tế bào gốc hay không.

    Đội ngũ chăm sóc ung thư sẽ cân nhắc nguy cơ liên quan đến bệnh ung thư với nguy cơ của việc ghép tủy. Họ sẽ trao đổi với người bệnh về các lựa chọn điều trị khác hoặc các thử nghiệm lâm sàng. Giai đoạn bệnh, tuổi, thời gian từ lúc chẩn đoán đến khi ghép, phương pháp hiến, và sức khỏe toàn trạng của bệnh nhân đều là một phần của việc cân nhắc ưu và nhược điểm trước khi đưa ra quyết định. Người bệnh nên bày tỏ  tất những lo lắng của mình và có được những câu trả lời có thể hiểu được. Hãy đảm bảo rằng các bác sĩ biết được điều gì là quan trọng với người bệnh.

Chi phí

    Chi phí ghép tế bào gốc rất lớn, và một số phương pháp ghép đắt hơn những phương pháp khác. Ví dụ, ghép tế bào gốc đồng loài chi phí cao hơn so với ghép tế bào gốc tự thân (lấy tế bào gốc từ người hiến chi phí cao hơn thu thập tế bào của chính bệnh nhân). Việc ghép tủy (hoặc một số phương pháp ghép tủy nhất định) vẫn được coi là thử nghiệm đối với một số loại ung thư, đặc biệt là một số khối u đặc, vì vậy các công ty bảo hiểm có thể chưa đồng ý chi trả.

Nguồn: Dịch từ www.cancer.org Hiệp hội Ung thư Hoa kỳ

Đường dẫn:  https://www.cancer.org/treatment/treatments-and-side-effects/treatment-types/stem-cell-transplant/why-stem-cell-transplants-are-used.html

Biên dịch: ThS.BSNT. Nguyễn Quốc Hùng, Khoa Nội 2, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội

Hiệu đính: ThS.BS. Nguyễn Thanh Hằng, Phòng HTQT-NCKH

 

Share: