Tại sao bạn lại khó ngủ khi ở trong bệnh viện
Những đặc thù trong môi trường bệnh viện có thể khiến cho giấc ngủ trở nên đặc biệt khó khăn. Người bệnh đặt lưng trên một chiếc giường lạ và gối đầu lên chiếc gối không quen thuộc. Người bệnh có thể mang theo gối và chăn riêng nếu họ muốn nhưng thực tế là họ phải ngủ trên chiếc giường “lạ”. Với những người có thói quen nằm sấp thì việc chìm vào giấc ngủ dường như còn khó khăn hơn vì hầu hết những chiếc giường bệnh được thiết kế để bệnh nhân nằm ngửa khi ngủ.
Bệnh viện hoạt động 24 giờ mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần. Điều đó có nghĩa là mọi hoạt động diễn ra không ngừng cả ngày lẫn đêm, bệnh viện là nơi rất bận rộn. Vì vậy, khi người bệnh cố gắng ngủ trưa, họ có thể nghe thấy tiếng nói ở hành lang, nhân viên dọn dẹp phòng bệnh hoặc thậm chí là tiếng máy truyền hình của một bệnh nhân khác với âm lượng cao vì họ không mang theo tai nghe. Bệnh viện là nơi ồn ào. Có tiếng kêu bíp và chíp của các máy bơm IV, máy giám sát và các thiết bị khác. Có giường được kéo qua kéo lại ở hành lang và tiếng thang máy.
Các dịch vụ y tế cần thiết mà người bệnh được cung cấp cũng sẽ làm gián đoạn giấc ngủ của họ. Có nhiều xét nghiệm thường được thực hiện vào giữa đêm, điều này có nghĩa là người bệnh sẽ phải thức dậy vào lúc 3 hoặc 4 giờ sáng để lấy máu. Các dấu hiệu sinh tồn thường được kiểm tra mỗi khoảng mười lăm phút nếu một bệnh nhân không ổn định hoặc đang gặp vấn đề, và việc kiểm tra dấu hiệu sinh tồn hàng giờ là tiêu chuẩn trong các đơn vị chăm sóc tích cực. Nếu bệnh nhân ổn định, họ có thể may mắn khi chỉ cần kiểm tra dấu hiệu sinh tồn mỗi 4 đến 8 giờ, nhưng điều này vẫn có thể gây gián đoạn giấc ngủ.
Các loại thuốc điều trị cũng có thể gây mất ngủ. Steroid thường được sử dụng cho bệnh nhân nội trú có thể gây ra chứng mất ngủ và tạo ra cảm giác hưng phấn ngay cả khi cơ thể đã mệt mỏi.
Các thiết bị được sử dụng trong bệnh viện ví dụ như bơm tiêm điện, máy theo dõi nhịp tim cũng có thể góp phần khiến người bệnh khó ngủ. Việc di chuyển, xoay người trở nên khó hơn nhiều khi bị cản trở bởi bơm tiêm điện hoặc các dây gắn trên người bị rối.
Các mẹo để có giấc ngủ chất lượng hơn
Mang theo chăn và gối riêng. Nếu bạn là người để ý đến ga giường và gối, hãy mang một bộ riêng để giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ nếu bệnh viện đồng ý. Chuẩn bị sẵn đồ dùng có thể tạo ra sự thoải mái nhất định cho bạn khi phải nằm lại bệnh viện
Yêu cầu được cung cấp thuốc ngủ. Một số loại thuốc như Ambien có thể giúp người bệnh đi vào giấc ngủ nhanh hơn, điều này có thể có hiệu quả. Hãy thông báo cho nhân viên y tế nếu bạn đang sử dụng thuốc ngủ tại nhà để họ có thể thêm nó vào danh sách thuốc bạn sử dụng tại bệnh viện.
Yêu cầu loại thuốc giúp bạn duy trì giấc ngủ. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc duy trì giấc ngủ hoặc bạn không thể ngủ lại sau khi thức giấc vào giữa đêm, hãy hỏi bác sĩ về loại thuốc có thể hỗ trợ tình trạng này. Các loại thuốc không kê đơn như Unisom và Benadryl thường được sử dụng trong trường hợp này
Hãy giữ cho mình tỉnh táo vào ban ngày và chỉ ngủ vào buổi tối. Không ngủ trưa thì bạn có thể ngủ xuyên đêm khi cần. Nếu bạn mệt mỏi thì có thể ngủ một giấc ngắn nhưng việc ngủ quá nhiều vào ban ngày đồng nghĩa với mất ngủ vào ban đêm.
Đóng cửa phòng bệnh. Trừ trường hợp người bệnh phải nằm trong phòng Hồi sức tích cực (ICU), việc đóng cửa thường không phải vấn đề lớn và có thể giảm đáng kể tiếng ồn từ hành lang và các phòng xung quanh.
Sử dụng nút bịt tai. Nếu đóng cửa vẫn không thể ngăn được tiếng ồn thì đeo nút tai có thể là giải pháp để loại bỏ tiếng ồn từ môi trường xung quanh và có một giấc ngủ chất lượng.
Sử dụng mặt nạ ngủ. Che mắt để tránh ánh sáng từ hành lang hay ngoài cửa sổ có thể giúp người bệnh ngủ ngon hơn
Không tiếp khách đến thăm vào tối muộn hoặc sáng sớm. Nếu người bệnh khó chợp mắt khi có khách đến thăm, hãy đảm bảo rằng không có ai đến thăm hỏi vào thời điểm người bệnh đang cố gắng ngủ. Một số người cảm thấy yên tâm khi có sự hiện diện của bạn bè gia đình nhưng có những người cảm thấy khó ngủ khi có người ngồi bên cạnh nhìn chằm chằm vào họ
Sử dụng tiếng ồn “trắng”. Nếu người bệnh vẫn gặp vấn đề với tiếng ồn, nhiều điện thoại thông minh cung cấp tiếng ồn trắng miễn phí để che lấp đi tiếng ồn của bệnh viện. Một số người khác thích sử dụng ti vi, âm nhạc hoặc thâm chí là một chiếc quạt để làm dịu tiếng ồn bên ngoài. Hầu hết các bệnh viện sẽ sẵn lòng cung cấp một chiếc quạt, đặc biệt là khi nó giúp người bệnh được nghỉ ngơi và hồi phục nhanh chóng.
Điều chỉnh nhiệt độ. Một chiếc quạt có thể là phương tiện lí tưởng để kiểm soát nhiệt độ trong phòng bệnh. Đa số các phòng bệnh hiện đại đều có thể điều chỉnh nhiệt độ theo từng phòng vì vậy hãy điều chỉnh nhiệt độ phù hợp với người bệnh. Nhiều bệnh viện thường điều chỉnh nhiệt độ ở chế độ mát. Điều này dễ dàng điều chỉnh bằng cách bổ sung chăn cho người bệnh thay vì để nhiệt độ cao và phải chờ đợi phòng bệnh trở nên mát mẻ hơn
Tránh sử dụng cafein. Khi ở nhà bạn sẽ không uống cà phê trước khi đi ngủ, vì vậy hãy chắc chắn rằng bạn sẽ không sử dụng cafein từ 4 đến 6 tiếng trước giờ ngủ
Hỏi bác sĩ thay đổi thời gian sử dụng các loại thuốc khiến bạn tỉnh táo. Một số loại thuốc có thể không thay đổi thời gian sử dụng được nhưng một số khác thì có thể linh hoạt. Nếu bạn được tiêm một lại steroid hàng ngày và nó khiến bạn thức trắng đên, bạn có thể yêu cầu đổi giờ tiêm thuốc vào buổi sáng để tác dụng kích thích sự tỉnh tác sẽ giảm đi dần vào giờ ngủ ban đêm.
Yêu cầu sử dụng thuốc giảm đau vào giờ ngủ. Nếu cơn đau khiến bạn mất ngủ, hãy yêu cầu một liều thuốc giảm đau được uống ngay trước giờ ngủ, ưu tiên loại thuốc tác dụng kéo dài.
Yêu cầu đổi phòng bệnh. Nếu bạn phải ở chung phòng với một người thích để ti vi to, nhưng không đủ to để che đi tiếng ngáy hoặc nói chuyện điện thoại vào lúc 2 giờ sáng, đừng ngần ngại hỏi nhân viên y tế xem có thể đổi sang phòng với những người bệnh yên tĩnh hơn.
Nguồn: verywellhealth.com
Đường dẫn: https://www.verywellhealth.com/how-to-get-better-sleep-in-the-hospital-3156868
Biên dịch: ThS. Nguyễn Hà My, phòng QLCL-CTXH
Hiệu đính: ThS.BS. Nguyễn Thanh Hằng, Phòng HTQT&NCKH