Có sự khác biệt quan trọng giữa liệu pháp bổ sung và liệu pháp thay thế.
Thuật ngữ liệu pháp bổ sung và liệu pháp thay thế thường được sử dụng như thể chúng có cùng một ý nghĩa. Và chúng thường được kết hợp thành một cụm từ – liệu pháp bổ sung và thay thế (viết tắt là CAMs - complementary and alternative therapies)
Liệu pháp bổ sung có thể được sử dụng kết hợp cùng với phương pháp điều trị y khoa chuẩn. Liệu pháp này có thể giúp người bệnh cảm thấy tốt hơn và đối phó tốt hơn với bệnh ung thư và quá trình điều trị.
Liệu pháp thay thế thường được sử dụng thay thế cho điều trị y khoa.
Tất cả phương pháp điều trị ung thư, như hoá trị và xạ trị, đều phải trải qua quá trình kiểm tra nghiêm ngặt theo quy định để xem xét các phương pháp này có hiệu quả không. Hầu hết các liệu pháp thay thế đều chưa qua quá trình kiểm tra và chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy chúng thực sự có tác dụng. Một số liệu pháp thay thế có thể hoàn toàn an toàn nhưng cũng có thể gây ra tác dụng phụ có hại. Một số liệu pháp điều trị có thể gây ra tương tác lẫn nhau.
Nếu người bệnh đang nghĩ đến việc sử dụng liệu pháp bổ sung và thay thế, hãy thảo luận với:
● Bác sỹ chuyên khoa ung thư
● Bác sỹ gia đình
● Điều dưỡng chuyên khoa
Người bệnh cũng nên cho nhà trị liệu bổ sung hoặc thay thế biết về quá trình điều trị ung thư của mình.
Liệu pháp bổ sung là gì?
Người bệnh ung thư có thể sử dụng các liệu pháp bổ sung kết hợp với các phương pháp điều trị y khoa. Điều này có thể giúp họ cảm thấy tốt hơn và cải thiện chất lượng cuộc sống. Bệnh ung thư hoặc tác dụng phụ của điều trị ung thư có thể gây ra các triệu chứng. Các liệu pháp bổ sung có thể giúp người bệnh đối phó dễ dàng hơn với những triệu chứng này.
Một nhà trị liệu bổ sung tốt sẽ không khẳng định rằng liệu pháp này có thể chữa khỏi bệnh ung thư. Họ sẽ luôn khuyến khích người bệnh thảo luận về bất kì liệu pháp điều trị nào với bác sỹ điều trị ung thư hoặc bác sỹ gia đình.
Có rất nhiều liệu pháp bổ sung khác nhau, bao gồm:
● Trị liệu bằng dầu thơm
● Châm cứu
● Thảo dược
● Xoa bóp (mát xa) trị liệu
● Liệu pháp hình dung
● Yoga
Trị liệu bằng dầu thơm
Nhiều chuyên gia y tế ủng hộ người bệnh ung thư sử dụng các liệu pháp bổ sung. Nhưng một số chuyên gia có thể thấy miễn cưỡng khi bệnh nhân của họ muốn sử dụng liệu pháp này. Điều này thường do nhiều liệu pháp bổ sung chưa được kiểm chứng như các phương pháp điều trị chuẩn.
Có một số nghiên cứu xem xét các liệu pháp bổ sung có tác dụng như thế nào với người bệnh ung thư. Nhưng chúng ta vẫn cần nhiều thông tin hơn để tìm ra cách sử dụng các liệu pháp này tốt nhất.
Liệu pháp thay thế là gì?
Các liệu pháp thay thế được sử dụng thay cho điều trị y khoa. Người bệnh ung thư có nhiều lý do để mong muốn thử dùng các liệu pháp thay thế.
Không có bằng chứng khoa học hay y khoa nào cho thấy các liệu pháp thay thế có thể chữa khỏi bệnh ung thư. Một số liệu pháp thay thế không an toàn và có thể gây ra các tác dụng phụ có hại. Hoặc chúng có thể tương tác với phương pháp điều trị y khoa. Điều này có thể làm tăng nguy cơ gặp các tác dụng phụ có hại hoặc có thể khiến phương pháp điều trị chuẩn không còn hiệu quả nữa. Từ bỏ điều trị ung thư có thể làm giảm cơ hội chữa khỏi hoặc kiểm soát bệnh ung thư.
Một số liệu pháp thay thế nghe có vẻ đầy hứa hẹn nhưng không có bằng chứng thuyết phục nào để khẳng định những tuyên bố này. Chúng có thể khiến một số người có hy vọng sai lầm.
Ví dụ về các liệu pháp thay thế điều trị ung thư bao gồm:
● Laetrile (Vitamin B17)
● Sụn vi cá mập
● Liệu pháp Gerson (chế độ ăn kiêng chuyển hóa, thải độc bằng café)
Các thuật ngữ khác được sử dụng để mô tả các liệu pháp bổ sung và thay thế
Có một số thuật ngữ khác được sử dụng để mô tả các liệu pháp bổ sung hoặc thay thế. Nếu người bệnh không hiểu rõ về chúng, có thể sẽ nhầm lẫn. Người bệnh có thể thấy những liệu pháp được mô tả như:
Liệu pháp không chính thống
Nhìn chung đây là các phương pháp điều trị thường không được bác sỹ sử dụng để điều trị ung thư. Nói cách khác, liệu pháp không chính thống là bất cứ phương pháp điều trị nào không được coi là một phần của y học chuẩn.
CAM ( Liệu pháp bổ sung và thay thế)
CAM là thuật ngữ bao gồm cả liệu pháp bổ sung và thay thế
Chăm sóc sức khoẻ tích hợp hoặc y học tích hợp
Những thuật ngữ này mô tả việc sử dụng đồng thời y học chuẩn và các liệu pháp bổ sung. Những thuật ngữ này thường được sử dụng ở Hoa Kỳ nhưng đang trở nên phổ biến hơn ở Anh.
Trong chăm sóc ung thư, y học tích hợp thường bao gồm việc sử dụng tất cả những phương pháp sau đây:
● Phương pháp điều trị y khoa chuẩn
● Các liệu pháp bổ sung khác nhau bao gồm xoa bóp, bấm huyệt, thư giãn, thảo dược và châm cứu
● Dịch vụ tư vấn và các nhóm hỗ trợ
● Cập nhật thông tin về bệnh ung thư và phương pháp điều trị
Y học cổ truyền
Các chuyên gia y tế có thể sử dụng thuật ngữ này để chỉ một liệu pháp đã phát triển qua nhiều thế kỷ, thường là trong một nền văn hóa cụ thể. Nó thường được hình thành xung quanh một hệ thống niềm tin cụ thể.
Thuật ngữ này có thể gây nhầm lẫn. Ở phương tây, y học chuẩn có thể được coi là y học cổ truyền. Nhưng thuật ngữ y học cổ truyền này thường không được sử dụng để nói về tây y mà thường đề cập đến các liệu pháp hoặc phương pháp điều trị phát triển ở phương đông như:
Vì sao người bệnh ung thư quan tâm tới các liệu pháp bổ sung hoặc thay thế
Có một số lý do để người bệnh muốn sử dụng các liệu pháp bổ sung hoặc thay thế. Một bài báo xuất bản năm 2012 cho thấy khoảng một nửa số người bị ung thư sử dụng một số loại liệu pháp bổ sung, tại một số thời điểm trong suốt thời gian họ bị bệnh.
Không có bằng chứng nào cho thấy bất kỳ loại liệu pháp bổ sung nào có khả năng ngăn ngừa hoặc chữa khỏi ung thư. Một vài liệu pháp có rất ít bằng chứng nghiên cứu cho thấy chúng giúp làm giảm các triệu chứng nhất định. Ví dụ, đau hoặc bốc hỏa. Nhưng có nghiên cứu đang được tiến hành và họ đang bắt đầu thu thập bằng chứng cho một vài liệu pháp.
Sử dụng các liệu pháp này giúp người bệnh cảm thấy tốt hơn
Người bệnh thường sử dụng các liệu pháp bổ sung để giúp họ cảm thấy tốt hơn và đối phó với bệnh ung thư và việc điều trị. Cảm nhận của người bệnh đóng vai trò quan trọng trong cách người bệnh đối phó với bệnh ung thư và việc điều trị.
Có nhiều liệu pháp bổ sung tập trung vào thư giãn và giảm căng thẳng. Những liệu pháp này có thể giúp:
● Bình ổn tâm trạng
● Giảm lo âu
● Tăng cường cảm giác khỏe mạnh về thể chất và tinh thần
Nhiều bác sĩ, điều dưỡng chuyên khoa ung thư và các nhà nghiên cứu quan tâm đến ý tưởng những cảm xúc tích cực có thể cải thiện sức khỏe của người bệnh.
Giảm các triệu chứng hoặc tác dụng phụ
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy một số liệu pháp bổ sung nhất định có thể giúp kiểm soát một số triệu chứng của bệnh ung thư và tác dụng phụ của điều trị. Ví dụ, châm cứu có thể giúp giảm cảm giác buồn nôn do một số loại thuốc hóa trị gây ra, hoặc có thể giúp giảm đau miệng sau khi điều trị ung thư vùng đầu cổ. Châm cứu cũng có thể giúp giảm đau sau phẫu thuật loại bỏ các hạch bạch huyết ở cổ.
Cảm thấy tự chủ hơn
Đôi khi, người bệnh có thể cảm thấy dường như bác sĩ đưa ra nhiều quyết định liên quan đến việc điều trị của mình, khiến họ cảm thấy không được tự chủ nhiều về những gì đang xảy ra với bản thân. Nhiều người nói rằng liệu pháp bổ sung cho phép họ đóng vai trò chủ động hơn trong việc điều trị và phục hồi. Đây được coi là sự hợp tác với các nhà trị liệu của họ.
Các liệu pháp thiên nhiên và chữa lành
Nhiều người bệnh thích ý tưởng các liệu pháp bổ sung có vẻ tự nhiên và không độc hại.
Một số liệu pháp bổ sung có thể có tác dụng với các triệu chứng hoặc tác dụng phụ cụ thể. Nhưng chúng ta không biết nhiều về việc chúng có thể tương tác như thế nào với các phương pháp điều trị chuẩn như thuốc điều trị ung thư hoặc xạ trị. Một số loại thuốc bổ sung hoặc thay thế có thể làm cho phương pháp điều trị chuẩn kém hiệu quả hơn, và một số loại có thể làm tăng tác dụng phụ.
Cảm thấy thoải mái khi được tiếp xúc, trò chuyện và dành thời gian
Một số người có thể cảm thấy rất thoải mái và hài lòng khi được tiếp xúc, trò chuyện và dành thời gian mà nhà trị liệu bổ sung thường đưa ra. Một nhà trị liệu giỏi có thể đóng vai trò hỗ trợ trong quá trình điều trị ung thư và phục hồi. Ví dụ, một nhà trị liệu bằng dầu thơm có kinh nghiệm và chu đáo có thể dành thời gian để khiến người bệnh cảm thấy được chăm sóc. Điều này có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Giữ thái độ tích cực
Đối với hầu hết mọi người, có một quan điểm tích cực là một phần quan trọng trong việc đối phó với bệnh ung thư. Việc mong muốn và hy vọng được chữa khỏi bệnh là điều bình thường, ngay cả khi bác sĩ điều trị cho rằng điều này có thể khó khăn. Một số người sử dụng các liệu pháp bổ sung như một cách để cảm thấy tích cực và hy vọng vào tương lai.
Tăng cường hệ thống miễn dịch
Có những tuyên bố rằng một số liệu pháp bổ sung có thể tăng cường hệ thống miễn dịch và giúp chống lại ung thư. Có bằng chứng cho thấy cảm giác dễ chịu và giảm căng thẳng giúp tăng cường hệ thống miễn dịch. Nhưng các bác sĩ không biết liệu điều này có thể giúp cơ thể kiểm soát ung thư hay không. Hiện có những thử nghiệm lâm sàng xem xét một số liệu pháp bổ sung nhất định có thể ảnh hưởng như thế nào đến hệ thống miễn dịch.
Tìm kiếm phương pháp chữa trị
Một số người tin rằng việc sử dụng các liệu pháp thay thế cụ thể thay vì điều trị ung thư chuẩn có thể giúp kiểm soát hoặc chữa khỏi ung thư. Cũng có những người đề cao và quảng bá các liệu pháp thay thế theo cách này.
Sử dụng liệu pháp thay thế có thể trở nên quan trọng hơn đối với những người bị ung thư tiến triển nếu phương pháp điều trị chuẩn không còn giúp kiểm soát được bệnh. Việc người bệnh hy vọng các liệu pháp thay thế có thể có tác dụng là điều có thể hiểu được. Tuy nhiên, không có bằng chứng khoa học nào chứng minh rằng bất kỳ liệu pháp thay thế nào có thể giúp kiểm soát hoặc chữa khỏi ung thư. Một vài liệu pháp thay thế có thể không an toàn và gây ra các tác dụng phụ có hại.
Nguồn: Dịch từ Cancer Research UK www.cancerresearchuk.org
Đường dẫn: https://about-cancer.cancerresearchuk.org/about-cancer/treatment/complementary-alternative-therapies/about/difference-between-therapies; https://about-cancer.cancerresearchuk.org/about-cancer/treatment/complementary-alternative-therapies/about/why-used
Biên dịch: CNhĐD. Nguyễn Thị Hồng Vân, Khoa Nội tiêu hoá theo yêu cầu
Hiệu đính: ThS.BS. Nguyễn Thanh Hằng, Phòng HTQT-NCKH