Slogan

NÊN LÀM GÌ KHI NGƯỜI BỆNH UNG THƯ BỊ CHÁN ĂN?

Ung thư và các phương pháp điều trị ung thư có thể làm thay đổi thói quen và nhu cầu ăn uống, làm mất cảm giác thèm ăn và ngon miệng. Hiện tượng mất cảm giác thèm ăn được gọi là anorexia (chán ăn). Nếu giảm cảm giác thèm ăn trong nhiều ngày sẽ dẫn đến giảm cân. Giảm cân do không ăn đủ sẽ làm ta cảm thấy ốm yếu và mệt mỏi. Điều này có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và khả năng thực hiện các hoạt động thông thường. Ở người bệnh ung thư, chán ăn có thể ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng với các phương pháp điều trị ung thư.


Ảnh 1.  Tư vấn dinh dưỡng bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội   

1.Nguyên nhân gây chán ăn

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự ngon miệng của người bệnh ung thư, phổ biến nhất là do chính bản thân bệnh ung thư gây ra ngoài ra còn do ảnh hưởng của phương pháp điều trị.

 1.1.Bản thân ung thư có thể gây chán ăn vì những lý do sau:

· Nếu có khối u nằm trong hoặc xung quanh các bộ phận của đường tiêu hóa sẽ cản trở việc ăn, là nguyên nhân gây khó nuốt hoặc khiến người bệnh cảm thấy no (đầy bụng) ngay cả khi không ăn.

· Một số khối u giải phóng một số loại hormone làm cơ thể giảm cảm giác đói.

· Người mắc bệnh ung thư có thể bị đau đớn, căng thẳng, trầm cảm, mất nước và buồn nôn… những triệu chứng này có thể làm giảm hoặc mất cảm giác thèm ăn.

 1.2.Phẫu thuật và các tác dụng phụ của các phương pháp điều trị ung thư khác có thể gây mất cảm giác thèm ăn, bao gồm:

· Vị giác và khứu giác bị thay đổi

· Đau đớn trong quá trình điều trị (phẫu thuật, hóa chất, xạ trị…)

· Buồn nôn hoặc nôn

· Táo bón hoặc tiêu chảy

Cần lưu ý đến các vấn đề sức khỏe khác không phải ung thư và các loại thuốc điều trị các bệnh khác trên người bệnh, vì đó cũng có thể là nguyên nhân gây mất cảm giác thèm ăn.

2.Người bệnh cần biết
Một người mắc chứng chán ăn (giảm hoặc mất cảm giác thèm ăn) có thể ăn kém hơn nhiều so với bình thường hoặc không ăn gì cả. Tình trạng này phổ biến ở một số bệnh ung thư và phương pháp điều trị ung thư. Tuy nhiên điều quan trọng cần nhớ là tình trạng mỗi người mỗi khác. Nếu điều trị là nguyên nhân chính gây chán ăn thì tình trạng chán ăn có thể chỉ là tạm thời. Nếu có các yếu tố khác gây ra chán ăn thì các triệu chứng chán ăn có thể kéo dài hơn. Các triệu chứng chán ăn:

- Ăn ít hoặc hoàn toàn không muốn ăn

- Từ chối ăn những món ăn yêu thích

- Thay đổi cân nặng


Ảnh 2. Bữa ăn của bệnh nhân ung thư tại nhà ăn Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội

Khi mất cảm giác thèm ăn sẽ dẫn đến dinh dưỡng kém và làm giảm đáng kể trọng lượng và khối lượng cơ bắp, tình trạng này được gọi là suy nhược (cachecia). Tình trạng suy nhược  ở những người mắc bệnh ung thư tiến triển được gọi là hội chứng suy mòn ung thư (CACS). CACS có thể do cơ thể thu nạp được quá ít những chất dinh dưỡng như protein, vitamin và khoáng chất, khi lượng chất dinh dưỡng này trong cơ thể quá thấp có thể đe dọa đến tính mạng. Một người mắc hội chứng suy mòn ung thư thường trông rất gầy gò. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân thừa cân hoặc béo phì trước khi bị ung thư, họ có thể chỉ trông như giảm vài cân. Vì lý do này, đôi khi cần sử dụng các xét nghiệm máu để tìm ra dấu hiệu bị suy nhược.

3.Những điều người bệnh có thể làm

Ăn uống tốt là điều quan trọng giúp người bệnh duy trì thể lực. Vì vậy người bệnh cần trao đổi với bác sỹ, hoặc điều dưỡng, chuyên gia dinh dưỡng TRƯỚC KHI bắt đầu điều trị (phẫu thuật, hóa trị, xạ trị) về những thay đổi trong việc ăn uống có thể xảy ra. Thông báo sớm cho bác sỹ và những người chăm sóc về sự thay đổi khẩu vị và tình trạng ăn uống có thể giúp hạn chế được những tác hại do giảm cân quá nhiều và  dinh dưỡng kém.

Dưới đây là một số gợi ý có thể giúp cho người bệnh ung thư cải thiện tình trạng chán ăn:

· Ăn nhiều bữa nhỏ và đồ ăn nhẹ trong cả ngày, thay vì chỉ ăn 3 bữa chính.

· Tránh uống chất lỏng trong bữa ăn, hoặc chỉ uống từng ngụm nhỏ trong khi ăn để tránh cảm giác no sớm (trừ khi bạn cần chất lỏng để giúp nuốt hoặc đỡ khô miệng). Tuy nhiên bạn vẫn cần cung cấp đầy đủ nước cho cơ thể trong ngày do vậy bạn nên uống nước ngoài các bữa ăn.

· Làm cho việc ăn uống trở nên thú vị hơn bằng cách sắp xếp bàn ăn và bát đĩa đẹp mắt, nghe nhạc, xem TV hoặc ăn với người thân.

· Hoạt động thể lực trong khả năng. Hãy bắt đầu từ từ và tăng dần theo thời gian khi bạn cảm thấy thoải mái, khỏe mạnh. Đôi khi đi bộ một giờ hoặc lâu hơn trước bữa ăn có thể giúp bạn cảm thấy đói và giúp bạn ăn ngon hơn.

· Luôn mang theo người những đồ ăn nhẹ giàu năng lượng và protein như trứng luộc, lạc (đậu phộng), phô mai, sữa, bánh ngọt, các loại hạt…

·  Ăn những món yêu thích của bạn bất cứ lúc nào bạn muốn.


Ảnh 3: Lưu ý về dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư

4. Những người thân có thể làm gì để giúp người bệnh đỡ chán ăn

· Cho người bệnh ăn từ 6 đến 8 bữa ăn nhỏ và đồ ăn nhẹ mỗi ngày.

· Sử dụng những thực phẩm giàu tinh bột, như gạo, bún phở, mì sợi, bánh mì, các loại khoai, thực phẩm giàu protein như cá, thịt gà, thịt lợn, thịt bò, trứng, pho mát, sữa, đậu phụ, các loại hạt, bơ lạc (đậu phộng), sữa chua, các loại đậu.                 

· Để đồ uống mát và nước trái cây trong tầm tay của người bệnh.

· Nếu người bệnh khó chịu với mùi thức ăn, hãy chế biến giảm bớt gia vị gây mùi, tránh các gia vị nặng mùi như tỏi, ngũ vị hương, xì dầu, mùi dầu mỡ rán… và để người bệnh dùng thức ăn mát hoặc ở nhiệt độ phòng.

· Sắp xếp chỗ ngồi ăn, bàn ăn và đồ ăn đẹp mắt, thoải mái, ngồi ăn cùng người bệnh.

· Cho người bệnh ăn sinh tố trái cây, sữa lắc, hoặc bữa ăn mềm, lỏng khi người bệnh không muốn ăn.

· Sử dụng bộ đồ ăn bằng nhựa, sứ thay vì kim loại nếu bệnh nhân cảm thấy khó chịu, có vị đắng hoặc tanh mùi kim loại trong miệng.

· Đừng đổ lỗi cho bản thân nếu người bệnh từ chối thức ăn hoặc không thể ăn.

· Hãy khuyến khích động viên người bệnh, nhưng cố gắng không cằn nhằn hoặc ép buộc quá mức về việc ăn uống của người bệnh.

· Nếu người bệnh không thể ăn, bạn chỉ cần ở bên cạnh, bầu bạn với họ, hoặc có thể đọc sách hay mát xa xoa bóp cho họ.

5. Liên hệ với bác sỹ điều trị nếu người bệnh có các triệu chứng sau:

· Cảm thấy buồn nôn và không thể ăn gì trong suốt một ngày hoặc nhiều ngày

· Giảm 1-1,5 kg trở lên trong một tuần hoặc chưa đến một tuần

· Bị đau khi ăn

· Không đi tiểu lần nào trong 1 ngày hoặc không đại tiện từ 2 ngày trở lên

· Không đi tiểu thường xuyên, và khi đi tiểu, nước tiểu đi ra với số lượng nhỏ, nặng mùi, hoặc có màu sẫm tối.

· Nôn kéo dài hơn 24 giờ

· Không thể uống hoặc nuốt chất lỏng xuống

· Có cơn đau không thể kiểm soát hoặc dùng thuốc không đỡ

Dịch từ  www.cancer.org của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ có chỉnh lý cho phù hợp Việt nam.

Đường dẫn: https://www.cancer.org/treatment/treatments-and-side-effects/physical-side-effects/eating-problems/poor-appetite.html  truy cập ngày 4/7/2020

Người dịch: CNDD. Nguyễn Thị Loan – Bùi Thị Kim Huế

Khoa Dinh dưỡng và Tiết chế - Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội

Hiệu đính: ThS. BS. Nguyễn Thanh Hằng – Đơn vị HTQT &NCKH

Share: