Slogan

NGƯỜI BỆNH UNG THƯ CẦN CHUẨN BỊ NHƯ THẾ NÀO TRƯỚC PHẪU THUẬT

Để giúp quá trình lập kế hoạch và thực hiện phẫu thuật được dễ dàng hơn, người bệnh cần:

Làm các xét nghiệm cần thiết trước phẫu thuật

Hiểu được nguy cơ và các biến chứng có thể xảy ra, và ký cam kết trước phẫu thuật

Làm theo hướng dẫn cụ thể về cách chuẩn bị trước phẫu thuật

Đánh giá trước phẫu thuật

Hình 1: Bác sỹ trao đổi với người bệnh trước phẫu thuật
 

Trong buổi hẹn đánh giá trước phẫu thuật, nhóm bác sĩ điều trị sẽ kiểm tra tình trạng của người bệnh có thích hợp để phẫu thuật không. Bác sỹ chuyên khoa gặp người bệnh trong buổi hẹn này sẽ khác nhau tùy thuộc vào loại bệnh ung thư, phương pháp phẫu thuật và sức khoẻ toàn trạng của người bệnh, nhưng họ có thể bao gồm:

Phẫu thuật viên hoặc thành viên khác của nhóm phẫu thuật, như bác sỹ nội trú, bác sỹ ngoại thường trực hoặc thư ký của nhóm phẫu thuật    

Bác sĩ gây mê hoặc thành viên khác của nhóm gây mê, như điều dưỡng gây mê hoặc thư ký của nhóm    

Chuyên gia vật lý trị liệu, để hướng dẫn người bệnh các bài tập trước phẫu thuật để nâng cao cơ hội phục hồi sau mổ     .

Người bệnh sẽ được hỏi về tiền sử và bất cứ loại thuốc nào đang sử dụng. Người bệnh có thể cũng cần làm các xét nghiệm như xét nghiệm máu, nước tiểu, chụp X-quang ngực, và các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh như CT, MRI hoặc chụp PET-CT. Người bệnh có thể sẽ không cần phải làm tất cả những xét nghiệm và chụp chiếu này.

Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ điều trị biết nếu đang dùng các loại thuốc không kê đơn hoặc thảo dược, vì những thuốc này có thể ảnh hưởng tới cuộc phẫu thuật và sự hồi phục. Người bệnh sẽ được thông báo liệu rằng họ sẽ được phẫu thuật nội trú (cần lưu viện sau mổ) hay ngoại trú (có thể về trong ngày), cần mang theo những gì khi đến viện và các thông tin hữu ích khác. Người bệnh có thể được đo cẳng chân để làm tất dài giúp giảm nguy cơ hình thành cục máu đông trong tĩnh mạch (huyết khối tĩnh mạch sâu hay DVT).

Người bệnh có thể mang loại tất này trong suốt quá trình phẫu thuật và một thời gian ngắn sau đó. Nếu cần dịch vụ hỗ trợ sau phẫu thuật, như lời khuyên của chuyên gia dinh dưỡng hay nhân viên công tác xã hội, người bệnh sẽ được giới thiệu tới các chuyên gia này. Nếu phẫu thuật nhỏ, người bệnh có thể không cần đến một buổi hẹn đánh giá trước phẫu thuật. Bác sĩ điều trị sẽ thảo luận về việc phẫu thuật và cách chuẩn bị trước phẫu thuật vào một buổi hẹn thông thường.

Chăm sóc sức khoẻ trước phẫu thuật

Những lời khuyên dưới đây có thể cải thiện sức khỏe, giúp người bệnh giải quyết được những tác dụng phụ và hướng đến phục hồi tốt hơn.

Hình 2: Những lời khuyên giúp cải thiện sức khỏe

Bỏ thuốc lá - nếu người bệnh hút thuốc lá hoặc thuốc lá điện tử, hãy đặt mục tiêu từ bỏ càng sớm càng tốt. Tiếp tục hút thuốc có thể làm tăng nguy cơ gặp các biến chứng sau phẫu thuật, và làm chậm quá trình lành vết thương và hồi phục.

Tập luyện - phẫu thuật tạo một gánh nặng cho cơ thể, bao gồm tim và phổi. Tập luyện sẽ giúp tăng cường sức khỏe để hồi phục và giảm nguy cơ gặp biến chứng sau phẫu thuật. Trao đổi với bác sĩ điều trị hoặc chuyên gia vật lý trị liệu về loại bài tập và thời lượng tập luyện phù hợp cho người bệnh, và bất kỳ điều gì cần thận trọng.

Tăng cường dinh dưỡng – thức ăn lành mạnh có thể giúp cơ thể giảm căng thẳng do phẫu thuật, cải thiện sức khỏe, và hỗ trợ quá trình hồi phục. Chuyên gia dinh dưỡng có thể gợi ý các loại thức ăn giúp người bệnh đảm bảo có đủ năng lượng và chất đạm. Các chuyên gia cũng có thể khuyên người bệnh dùng những thức uống đặc biệt (thực phẩm bổ sung dinh dưỡng).

lượng nhỏ cồn cũng làm tăng nguy cơ phát triển một số loại ung thư, vì vậy tốt nhất nên tránh đồ uống có cồn sau khi đã được chẩn đoán ung thư. Người bệnh cần báo cho bác sĩ điều trị biết về việc sử dụng đồ uống có cồn của mình.

Trò chuyện với người khác - người bệnh có thể thấy hữu ích khi nói chuyện với bác sỹ hoặc điều dưỡng về cảm nhận của mình. Điều này có thể giúp người bệnh giải quyết được những lo lắng về việc phẫu thuật, và giúp người bệnh cảm thấy tự chủ hơn.

Hiểu về những nguy cơ

Hầu hết tất cả những thủ thuật y khoa đều có nguy cơ, và phẫu thuật cũng không ngoại lệ. Các yếu tố cần cân nhắc khi đánh giá giữa nguy cơ và lợi ích bao gồm:

Cuộc phẫu thuật kéo dài bao lâu

Loại gây mê người bệnh được áp dụng

● Độ tuổi và sức khoẻ toàn trạng của người bệnh

Mặc dù những tiến bộ trong kỹ thuật phẫu thuật đã làm phẫu thuật trở nên an toàn hơn, tuy nhiên vẫn có những điều có thể xảy ra không như kế hoạch. Các biến chứng có thể xảy ra được thảo luận trong ngày phẫu thuậtquá trình phục hồi sau phẫu thuật. Nhìn chung, người bệnh và bác sĩ phẫu thuật nên thấy rằng những lợi ích mong đợi cần lớn hơn những nguy cơ có thể xảy ra. Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ phẫu thuật về lựa chọn của mình. Nếu không chắc chắn, hãy hỏi thêm ý kiến từ một chuyên gia khác.

Ký cam kết điều trị

Bác sĩ điều trị cần sự đồng ý (cam kết) của người bệnh để thực hiện bất cứ việc điều trị nào. Việc nhận và hiểu thông tin về việc điều trị trước khi đồng ý được gọi là cam kết điều trị.

Người lớn có thể ký cam kết đồng ý điều trị - hoặc từ chối – nếu có đủ năng lực hành vi. Năng lực hành vi có nghĩa là họ có thể hiểu được thông tin về các lựa chọn được đề xuất và đưa ra quyết định dựa trên những thông tin này. Đôi khi không cần sự cam kết, như trong trường hợp cấp cứu. Tuy nhiên, nếu việc phẫu thuật được lập kế hoạch trước, bác sĩ sẽ thảo luận với người bệnh về:

Lý do người bệnh cần phẫu thuật và những lợi ích của phẫu thuật

Những lựa chọn điều trị khác

Cách tiến hành phẫu thuật

Những tác dụng phụ, nguy cơ và biến chứng có thể xảy ra.

Chờ phẫu thuật

Thông thường người bệnh phải chờ phẫu thuật. Thời gian chờ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm loại bệnh ung thư, giai đoạn bệnh, loại phẫu thuật và lịch mổ của bệnh viện. Trong hầu hết các trường hợp, chờ đợi không ảnh hưởng lớn tới kết quả của cuộc phẫu thuật. Nếu người bệnh lo lắng về việc chờ phẫu thuật, hãy nói với bác sĩ phẫu thuật.

Cách chuẩn bị phẫu thuật

Trong buổi hẹn đánh giá trước phẫu thuật, người bệnh sẽ được hướng dẫn cách chuẩn bị phẫu thuật dựa vào sức khỏe và bệnh sử. Thông báo cho nhóm điều trị nếu người bệnh có bất cứ sự lo lắng nào về những việc được yêu cầu làm. Những lời khuyên dành cho người bệnh sẽ bao gồm:

Tắm và cạo lông

Người bệnh sẽ được hướng dẫn tắm vào buổi tối hoặc buổi sáng trước khi phẫu thuật. Nếu người bệnh đã được hướng dẫn rằng lông gần vị trí phẫu thuật cần được cạo sạch, có thể người bệnh sẽ được yêu cầu tự làm trước khi tới bệnh viện, hoặc sẽ được làm khi nhập viện. Trong trường hợp có nhiều lông ở vị trí phẫu thuật, người bệnh sẽ được yêu cầu tránh tự cạo lông vùng đó, vì bất cứ vết xước nào trên vùng đó cũng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Ăn uống

Hầu hết người bệnh được hướng dẫn không ăn hoặc uống trong 6-12 giờ trước phẫu thuật. Đây có thể được gọi là nhịn ăn, và đảm bảo rằng dạ dày sẽ trống rỗng trước khi phẫu thuật. Điều này làm giảm nguy cơ gặp một số biến chứng. Trong vài trường hợp, người bệnh có thể tiếp tục uống nước lọc cho đến hai giờ trước phẫu thuật - bác sĩ phẫu thuật hoặc bác sĩ gây mê sẽ đưa ra lời khuyên về việc này. Người bệnh cũng nên tránh uống đồ uống có cồn và hút thuốc trong ít nhất 24 giờ trước phẫu thuật.

Hút thuốc có thể làm chậm quá trình lành vết thương và thời gian hồi phục. Nếu người bệnh hút thuốc, hãy cố gắng từ bỏ trước khi phẫu thuật.

Thuốc

Bác sĩ sẽ báo cho người bệnh xem nên tiếp tục dùng loại thuốc nào hay phải dừng thuốc trong vài ngày hoặc vài tuần trước phẫu thuật. Nếu người bệnh được hướng dẫn nhịn ăn và phải uống thuốc, hãy nuốt viên thuốc với một ngụm nước nhỏ.

Người trợ giúp

Người bệnh có thể nhờ một người bạn hoặc người thân ở trong phòng chờ trong khi người bệnh đang được phẫu thuật.

Nếu được phẫu thuật trong ngày (không cần lưu viện qua đêm), người bệnh nên sắp xếp một người đưa mình về nhà khi được xuất viện. Đi lại một mình hoặc sử dụng phương tiện giao thông công cộng hay taxi sẽ không an toàn, vì người bệnh vẫn còn bị ảnh hưởng của gây mê. Nếu bệnh viện có nhân viên công tác xã hội, họ có thể giúp sắp xếp việc vận chuyển nếu cần.

Vật dụng cá nhân

Nhóm điều trị sẽ cho người bệnh biết những vật dụng cá nhân cần mang theo khi đến viện và những gì cần để ở nhà. Ví dụ, họ có thể hướng dẫn người bệnh mang theo tất cả các loại thuốc hiện đang dùng, nhưng nên để những vật có giá trị ở nhà, ví dụ như đồ trang sức.

Người bệnh sẽ được yêu cầu tẩy sạch sơn móng tay, bao gồm cả sơn không màu, trước phẫu thuật. Việc kiểm tra móng tay của người bệnh trong suốt quá trình phẫu thuật là một cách để bác sĩ gây mê có thể theo dõi nồng độ oxy trong máu của người bệnh.

Tránh đồ uống có cồn - đồ uống có cồn có thể ảnh hưởng tới hoạt động của cơ thể và làm tăng nguy cơ gặp biến chứng sau phẫu thuật, bao gồm chảy máu và nhiễm trùng. 

 

Hình 3: Phòng điều trị nội trú tại Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội

 

Nguồn: Dịch từ www.cancervic.org.au - Hội đồng Ung thư Victoria

Đường dẫn: https://www.cancervic.org.au/cancer-information/treatments/treatments-types/surgery/planning-preparation.html

Biên dịch: CNhĐD. Nguyễn Thị Hồng Vân, Khoa Nội tiêu hoá theo yêu cầu

Hiệu đính: ThS.BS. Nguyễn Thanh Hằng, Phòng HTQT-NCKH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Share: