Đối với bệnh nhân ung thư, lợi ích của việc điều trị vượt xa so với nguy cơ độc tính của các thuốc điều trị ung thư. Tuy nhiên, đối với những người khỏe mạnh, nguy cơ phơi nhiễm với những thuốc này gây nên nguy cơ tiềm tàng đối với sức khỏe và sinh sản trong tương lai. Do đó, nhận thức được ảnh hưởng của phơi nhiễm nghề nghiệp và tuân thủ các hướng dẫn an toàn khi thao tác với thuốc điều trị ung thư là chiến lược tốt nhất để bảo vệ người lao động tham gia vào công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
1. Phơi nhiễm nghề nghiệp với thuốc độc hại
Khi thực phẩm và đồ uống được chế biến, lưu trữ hoặc tiêu thụ trong khu vực làm việc, chúng có thể dễ dàng bị nhiễm các tiểu phân thuốc có trong không khí. Tương tự như vậy, hút thuốc lá, dùng mỹ phẩm và nhai kẹo cao su cũng có thể dẫn đến phơi nhiễm thuốc gây độc tế bào qua đường tiêu hóa [4].
Các thao tác nghề nghiệp có thể dẫn đến phơi nhiễm với thuốc độc hại được liệt kê trong Phụ lục 4 [10].
Các yếu tố ảnh hưởng đến phơi nhiễm nghề nghiệp với thuốc độc hại bao gồm thao tác với thuốc, tần suất và thời gian thao tác với thuốc, con đường phơi nhiễm, sự sẵn có của trang bị bảo hộ và tủ an toàn sinh học (BSC) hoặc tủ vô trùng cách ly (isolator) trong khu vực chuẩn bị và người lao động không cân nhắc được sự nguy hiểm lâu dài của phơi nhiễm [11].
2. Ảnh hưởng của phơi nhiễm với thuốc độc hại
Từ những nguy cơ trên, nhiều tổ chức, cơ quan đã đưa ra các tài liệu khuyến cáo, hướng dẫn về thao tác an toàn với các thuốc độc hại/thuốc điều trị ung thư cho mọi nhân viên y tế có liên quan đến quá trình phân phối và sử dụng nhóm thuốc này [7],[15].
3. Biện pháp phòng tránh phơi nhiễm với thuốc độc hại
Tính gây ung thư, gây quái thai và đột biến không có mối tương quan với liều lượng tối thiểu của thuốc điều trị ung thư. Việc thay thế thuốc điều trị ung thư bằng hoạt chất ít độc hơn là khó thực hiện. Biện pháp bảo hộ tổng thể là khó có thể thực hiện được, đặc biệt trong thời gian điều trị và chăm sóc bệnh nhân [8]. Do đó, cần có biện pháp phòng tránh phơi nhiễm với thuốc độc hại của nhân viên y tế đến mức thấp nhất có thể. Chuẩn bị thuốc độc hại trong khu vực tập trung, được thực hiện bởi nhân viên được đào tạo, có sử dụng tủ vô trùng cách ly (isolator) hoặc tủ an toàn sinh học (BSC) và trang bị bảo hộ (PPE) là những biện pháp quan trọng nhất bảo vệ nhân viên y tế phòng tránh phơi nhiễm [4]. Nhân viên y tế thao tác với thuốc độc hại cần được đào tạo ban đầu và liên tục theo tiêu chuẩn thực hành tốt nhất bao gồm an toàn khi thao tác và xử trí sự cố tràn hoặc rò rỉ [16]. Nhân viên không được ăn uống, nhai kẹo cao su, dùng mỹ phẩm hoặc trữ đồ ăn gần khu vực chuẩn bị thuốc. Nhân viên đang mang thai hoặc dự định có thai hoặc đang cho con bú nên được chuyển sang làm công việc khác không phải tiếp xúc với thuốc độc hại. Nhân viên bị nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, viêm kết mạc, nhiễm khuẩn ngoài da, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch nên ngừng việc chuẩn bị thuốc nếu có thể. Nhân viên nên có các khoảng giải lao trong thời gian chuẩn bị để duy trì khả năng tập trung [17].
Trong lúc thao tác, nếu thuốc gây độc tế bào vô ý tiếp xúc với da hoặc quần áo của người lao động thì ngay lập tức cởi bỏ quần áo, rửa kỹ da khu vực bị ảnh hưởng bằng xà phòng và nước, sau đó tiếp tục rửa trong vòng 15 phút. Nếu thuốc bắn vào mắt, cần rửa mắt bằng nước muối sinh lý, sau đó nhỏ mắt bằng dung dịch thiosylfate 3%; còn trong trường hợp vô tình bị kim đâm hoặc chấn thương do vật sắc nhọn, nên để vết thương chảy máu tự do, dưới vòi nước chảy nhẹ và rửa kỹ bằng xà phòng [16],[18].
Hiện nay nhiều tổ chức trên thế giới đã xuất bản nhiều hướng dẫn thao tác an toàn với thuốc độc hại nhằm giảm thiểu phơi nhiễm nghề nghiệp cho nhân viên y tế, chủ yếu tập trung vào vấn đề áp dụng trang thiết bị bảo hộ, các biện pháp giám sát y tế và giám sát môi trường [10],[15],[17].
Các trang phục bảo hộ được khuyến cáo sử dụng bao gồm:
Găng tay: Hai lớp găng tay nên được đeo trong bất cứ quá trình nào thao tác với thuốc độc hại như tiếp xúc với vỏ hộp và lọ thuốc độc hại, chuẩn bị và thực hiện thuốc độc hại, xử lý rác thải từ thuốc độc hại và rác thải từ bệnh nhân điều trị thuốc này, lau dọn khi làm tràn thuốc [7] [2],[4]. Găng tay bảo vệ hiệu quả và chống lại sự xâm nhập, thẩm thấu của hầu hết thuốc độc hại. Khả năng thấm thuốc phụ thuộc vào bản chất của thuốc, chất liệu sản xuất găng, độ dày và thời gian phơi nhiễm với thuốc. Nên sử dụng loại găng tay chất lượng cao, không có bột, làm từ nitril, polyurethan, neopren, latex. Tần suất thay đổi găng tay dựa vào mức độ phơi nhiễm ở mỗi giai đoạn trong quy trình sử dụng thuốc [7],[16]. Trong nhiều nghiên cứu, găng tay sử dụng trong thời gian chuẩn bị sẽ bị thấm thuốc và dẫn đến thuốc được hấp thu nên cần phải thay đổi găng tay mỗi 30 phút hoặc ngay lập tức nếu bị thủng, rách hoặc bị nhiễm hóa chất hoặc tay sau khi thực hiện một liều thuốc độc hại hoặc ngay khi rời khỏi khu vực thực hiện thuốc [7] [8],[17]. Cần sát khuẩn găng tay bằng cồn 70% hoặc chất sát khuẩn thích hợp trước khi thực hiện bất kỳ hoạt động chuẩn bị vô khuẩn. Cần rửa tay kỹ bằng xà phòng và nước trước khi đeo găng và ngay sau khi tháo găng [7] [2],[4]. Nên vứt bỏ găng vào hộp/túi chứa chất thải độc hại theo quy định xử lý rác thải y tế [7].
Áo bảo hộ: Áo trùm bảo hộ nên được mặc trong thời gian chuẩn bị, thực hiện thuốc, xử lý rác thải thuốc độc hại hoặc rác thải từ bệnh nhân điều trị với thuốc độc hại và dọn dẹp sự cố tràn thuốc. Áo bảo hộ dùng khi xử lý thuốc gây độc tế bào nên sử dụng loại dùng một lần và có khả năng chống lại ô nhiễm của thuốc được sử dụng [7]. Áo choàng cần phải làm từ chất liệu không có xơ và hủy bỏ được, thấm nước kém hoặc không thấm nước, kín hoàn toàn đằng trước và cổ, tay dài có chun co giãn hoặc cổ tay ôm vừa khít. Các loại áo vải hoặc áo khoác phòng thí nghiệm hấp thụ được chất lỏng và không có hàng rào chống lại quá trình thấm thuốc độc hại. Chỉ có áo bảo hộ làm từ polyethylen mới ngăn chặn được sự thấm thuốc một cách đầy đủ. Áo phải được thay đổi trong trường hợp bị nhiễm bẩn, đổ thuốc hoặc bị rách và kết thúc quy trình xử lý thuốc và không được mặc ra khỏi khu vực chuẩn bị thuốc độc hại [7] [17]. Áo mặc trong thời gian thực hiện thuốc nên được thay đổi khi rời khỏi khu vực chăm sóc bệnh nhân và ngay lập tức khi bị nhiễm bẩn. Áo sau khi loại bỏ cần được xử lý cẩn thận và đúng cách như rác thải y tế để phòng tránh lây nhiễm cho nhân viên khác và môi trường [7],[16].
Khẩu trang: Khẩu trang nên được dùng khi chuẩn bị và thực hiện thuốc, để phòng bất kỳ trường hợp có nguy cơ bắn thuốc đồng thời ngăn ngừa ô nhiễm vi sinh vật trong trường hợp yêu cầu vô khuẩn. Mặt nạ nên được đeo khi màn chắn bằng kính của tủ an toàn sinh học (BSC) được nâng lên, làm sạch chỗ tràn thuốc độc hại và khử trùng cả bên trong và bên ngoài tủ an toàn sinh học (BSC) [17]. Khẩu trang phẫu thuật thông thường không bảo vệ nhân viên y tế tránh khỏi nguy cơ hít phải các hạt khí dung [7].
Kính bảo hộ: Kính bảo hộ được khuyến cáo sử dụng khi có nguy cơ văng, bắn thuốc độc hại có thể xảy ra. Trong hầu hết các trường hợp, màn chắn bằng kính của tủ an toàn sinh học (BSC) nên được cung cấp đầy đủ để bảo vệ nhân viên y tế khỏi nguy cơ dung dịch thuốc độc hại bắn và phun ra khi chuẩn bị thuốc [17].
Mũ trùm tóc: Mũ trùm tóc chỉ yêu cầu trong phòng chuẩn bị vô khuẩn và được mang để ngăn ngừa ô nhiễm vi sinh vật trong trường hợp yêu cầu vô khuẩn [16].
Giày bảo hộ: Giày bảo hộ sử dụng một lần nên được đeo để tránh ô nhiễm với nhân viên y tế và được dùng trong quá trình chuẩn bị vô khuẩn hoặc có sự cố tràn. Để tránh nhiễm hóa chất trên sàn khu vực chuẩn bị và thực hiện thuốc, giày bảo hộ cần được loại bỏ cùng với găng tay khi rời khỏi khu vực chuẩn bị [7],[16].
4. Tài liệu tham khảo
1. Eisenberg S. (2012), NIOSH Safe Handling of Hazardous Drugs Guidelines Becomes State Law, Journal of Infusion Nursing. 35(5), tr. 316-319.
2. Martin Susan. and Larson Elaine. (2003), Chemotherapy-Handling Practices of Outpatient and Office-Based Oncology Nurses, Oncology Nursing Forum. 30(4), tr. 575-581.
3. Polovich M. and Martin S. (2011), Nurses’ Use of Hazardous Drug-Handling Precautionsand Awareness of National Safety Guidelines, Oncology Nursing Forum. 38(6), tr. 718-726.
4. Meade Elizabeth. (2014), Avoiding accidental exposure to intravenous cytotoxic drugs, British Journal of Nursing. 23(16), tr. S36-S39.
5. Turk M., Davas A., Meltem C. et al (2004), Knowledge, attitude and safe behaviour of nurses handling cytotoxic anticancer drugs in Ege University Hospital, Asian Pacific J Cancer Prev. 5, tr. 164-168.
6. Kopp B., Schierl R. andNowak D. (2013), Evaluation of working practices and surface contamination with antineoplastic drugs in outpatient oncology health care settings, Int Arch Occup Environ Health. 86, tr. 47-55.
7. American Society of Health-System Pharmacists (2006), ASHP Guidelines on Handling Hazardous Drugs, Am J Health-Syst Pharm. 63, tr. 1172-93.
8. Bos R. P. and Sessink P. J. (1997), Biomonitoring Occupational Exposure to Cytostatic Anticancer Drugs, Reviews on environmental health. 12(1), tr. 43-58.
9. Council on Scientific Affairs (1985), Guidelines for Handling Parenteral Antineoplastics, Journal of the American Medical Association. 253(11), tr. 1590-1592.
10. National Institute for Occupational Safety and Health (2004), NIOSH alert: preventing occupational exposure to antineoplastic and other hazardous drugs in health care settings, chủ biên.
11. Gambrell J. and Moore S. (2005), Assessing Workplace Compliance With Handling of Antineoplastic Agent, Clinical Journal of Oncology Nursing, tr. 473-477.
12. Boiano J. M., Steege A. L. andSweeney M. H. (2015), Adherence to Precautionary Guidelines for Compounding Antineoplastic Drugs: A Survey of Nurses and Pharmacy Practitioners, Journal of Occupational and Environmental Hygiene, tr. 1-50.
13. Chaudhary R. and Karn B. K. (2012), Chemotherapy-Knowledge and Handling Practice of Nurses Working in a Medical University of Nepal, Journal of Cancer Therapy. 3(1), tr. 110-114.
14. Thiringer G., Granung G., Holmen A. et al (1991), Comparison of methods for the biomonitoring of nurses handling antitumor drugs. 17(2), tr. 133-138.
15. Committe International Society of oncology Pharmacy Practicioners Standards (2007), ISOPP Standards of Practice: Safe Handling of Cytotoxics, Journal of oncology pharmacy practice: official publication of the International Society of Oncology Pharmacy Practitioners. 13.
16. Easty A. C., Coakley N., Cheng R. et al (2015), Safe handling of cytotoxics: guideline recommendations, Curr Oncol. 22(1), tr. e27-37.
17. Canadian Association of Pharmacy in Oncology (2009), Standards of Practice for Oncology Pharmacy in Canada (version 2).
18. Bộ Y Tế (2013), Danh mục hướng dẫn quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh chuyên nghành ung bướu, Ban hành kèm theo Quyết định số: 3338/QĐ-BYT ngày 09 tháng 9 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế, chủ biên, Hà Nội.
DS. Bạch Văn Dương - Khoa Dược