Đang hiển thị 862003822068814942.
Slogan

PHÒNG NGỪA SUY MÒN CHO NGƯỜI BỆNH UNG THƯ

1. Suy mòn ung thư diễn ra thế nào?
Khi cơ thể người bệnh không được cung cấp đủ dưỡng chất, quá trình suy mòn bắt đầu xảy ra với các dấu hiệu mệt mỏi, chán ăn và giảm cân. Đây được gọi là giai đoạn “Tiền suy mòn”.  Nếu không được khắc phục kịp thời, cơ thể tiến dần đến giai đoạn “Suy mòn”, biểu hiện bởi tình trạng giảm cân nhanh, teo cơ, mất mỡ, rối loạn chuyển hoá toàn thân, suy giảm khả năng miễn dịch. Cuối cùng, người bệnh tiến tới giai đoạn suy kiệt. Lúc này cơ thể không thể đáp ứng với điều trị hoặc không chịu được tác dụng không mong muốn của các phương pháp điều trị, buộc phải ngừng trị liệu.

2. Dinh dưỡng phòng ngừa suy mòn

Nguyên tắc 1: Đánh giá tình trạng dinh dưỡng để can thiệp kịp thời

· Người bệnh cần được đánh giá dinh dưỡng để hỗ trợ kịp thời khi có một trong các biểu hiện:

- Sụt cân

- Chán ăn

- Teo cơ

Nguyên tắc 2: Đảm bảo khẩu phần ăn đủ so với nhu cầu bằng cách sử dụng các thực phẩm giàu dinh dưỡng

- Nếu người bệnh chán ăn: cần ăn 6-8 bữa/ngày để ăn đủ khẩu phần

- Sử dụng các thực phẩm giàu dinh dưỡng, phối hợp các sản phẩm có đậm độ năng lượng cao (1-2kcal/ml) như súp dinh dưỡng hoặc một số chế phẩm giàu dinh dưỡng sẵn có trên thị trường.

3. Những ai cần sử dụng súp dinh dưỡng

Súp dinh dưỡng có thể được sử dụng thêm với khẩu phần ăn hàng ngày hoặc thay thế hoàn toàn khẩu phần ăn trong trường hợp người bệnh cần nuôi hoàn toàn qua ống thông dạ dày hoặc tá/hỗng tràng.

Đối tượng sử dụng:

- Người chán ăn, ăn kém, gầy sút

- Người buồn nôn/ nôn

- Người cần củng cố dinh dưỡng trước phẫu thuật

- Người cần phục hồi dinh dưỡng sau phẫu thuật

- Người gặp vấn đề về nuốt (nuốt vướng, nuốt khó…)

- Người cần nuôi ăn qua ống thông


Cán bộ Khoa Dinh dưỡng – Tiết chế hướng dẫn người bệnh nội trú và người nhà cách chế biến súp dinh dưỡng

4. Cách chế biến súp dinh dưỡng

Nguyên liệu để nấu 1000 ml súp (cung cấp 1 kcal/ml và 45- 50g protein):

- Bột gạo tẻ 100g

- Đậu xanh 40g

- Trứng gà 1 quả

- Bột bổ sung vi chất 40 g

- Rau 200g (chỉ lấy phần lá)

- Lạc hạt 35g

- Thịt (lợn, gà, bò, cá…) 45g

- Sữa bột 35g

- Dầu ăn 10ml

- Muối 1,5g

- Men hóa lỏng 1g hoặc mầm giá đỗ 200g

 

 

· Cách chế biến:

Bước 1: Đậu xanh + Lạc hạt + Thịt/cá ninh nhừ. Trứng luộc chín, bóc vỏ.

Bước 2: Xay nhuyễn rau, lọc bỏ bã.

Bước 3: Đậu xanh + Lạc hạt + Thịt/cá + Trứng + Nước rau đã lọc cùng xay nhuyễn và cho ra rây lọc. Xay mịn để đảm bảo sau khi lọc lượng bã bỏ đi ít nhất có thể.

Bước 4: Trộn thành phẩm ở bước 3 cùng ( Bột gạo tẻ + Sữa bột + Bột bổ sung vi chất + Dầu ăn + Men hóa lỏng + Muối ) khuấy đều cho thành hỗn hợp, đun chín.

Bước 5: Lấy một phần súp ăn ngay, phần còn lại bảo quản ở nhiệt độ 4-8 độ C.

Thời gian sử dụng trong vòng 24h. Làm ấm trước khi ăn.

Thành phẩm yêu cầu:

- Hạn chế tối đa lượng xơ bỏ đi qua rây lọc

- Súp có mùi thơm, lỏng để có thể dễ dàng hút bằng xilanh bơm qua ống thông.

- Người bệnh sử dụng súp để tăng cường dinh dưỡng có thể ăn bằng thìa hoặc sử dụng ống hút.

Link hướng dẫn nấu súp: Cách chế biến dung dịch nuôi ăn qua ống thông cho người bệnh

5. Vận động thể lực

Tập luyện thể thao và giữ tinh thần lạc quan đóng vai trò quan trọng, giúp người bệnh chống chọi với bệnh và góp phần phòng ngừa suy mòn. Người bệnh nên tập nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe... với trung bình 30-45 phút một lần, ít nhất 3 lần mỗi tuần.

CN. Nguyễn Thị Loan - Khoa Dinh dưỡng 

 

Share: