Slogan

PHỤC HỒI CHỨC NĂNG CHO BỆNH NHÂN UNG THƯ


Ung thư và quá trình điều trị ung thư thường gây nên những hệ quả về thể chất, tinh thần, cũng như nhận thức, từ đó có thể dẫn đến việc hạn chế các hoạt động hằng ngày, khả năng quay trở lại công việc hay tác động lâu dài đến sức khỏe của người bệnh. Phục hồi chức năng cho bệnh nhân ung thư là phương pháp giúp kiểm soát được các vấn đề phát sinh trong và sau quá trình điều trị bệnh, với mục tiêu cụ thể là:

· Giúp bệnh nhân duy trì trạng thái tích cực, năng động nhất có thể và tái hòa nhập với công việc, gia đình, các hoạt động xã hội và các vai trò khác trong cuộc sống

· Giảm bớt các tác dụng phụ và triệu chứng của ung thư cũng như các phương pháp điều trị ung thư.

· Giúp bệnh nhân độc lập trong sinh hoạt, vận động và tự thực hiện được các hoạt động hàng ngày.

· Cải thiện chất lượng cuộc sống.

Các chuyên gia phục hồi chức năng là người sẽ hướng dẫn, đồng hành và chăm sóc cho bệnh nhân trong suốt quá trình điều trị và sau điều trị.

Các khía cạnh có thể cải thiện khi phục hồi chức năng

Vấn đề về thể chất

Ung thư và quá trình điều trị bệnh có thể gây ra nhiều loại vấn đề thể chất khác nhau. Phục hồi chức năng cho bệnh nhân ung thư có thể giúp cải thiện các tình trạng:

· Đau

· Sưng, phù nề

· Yếu và mất sức

· Hạn chế về vận động hay giảm linh hoạt chuyển động

· Giảm sức bền

· Biến đổi da sau xạ trị

· Phù bạch huyết

· Các vấn đề về thăng bằng (mất cân bằng, dễ té ngã) và nỗi sợ bị té ngã

· Bệnh lý thần kinh ngoại biên, hoặc tê và ngứa ran ở bàn tay hoặc bàn chân

· Mệt mỏi

· Rối loạn chức năng tình dục

· Khó nuốt

· Khó nhai thức ăn

Vấn đề về vận động

Ung thư và quá trình điều trị ung thư có thể ảnh hưởng đến khả năng di chuyển và vận động của người bệnh. Phục hồi chức năng  có thể hữu ích cho những bệnh nhân gặp khó khăn khi:

· Đứng dậy khi đang ngồi trên sàn

· Đứng dậy khỏi ghế ngồi

· Leo cầu thang

· Đi bộ

· Mặc quần áo

· Tắm rửa

Các vấn đề về nhận thức

Các vấn đề về nhận thức có liên quan đến tinh thần, khả năng suy nghĩ, đánh giá và xử lý tình huống của người bệnh. Bệnh nhân cần trao đổi với các chuyên gia phục hồi chức năng ung thư nếu:

· Khó phối hợp hoặc làm nhiều việc cùng lúc

· Khó suy nghĩ được rõ ràng hoặc cảm thấy đầu óc mù mờ

· Giảm trí nhớ

 

Các loại chuyên gia phục hồi chức năng cho bệnh nhân ung thư

Dưới đây là mô tả về các nhóm chuyên gia phục hồi chức năng với các nhiệm vụ khác nhau, những chuyên gia này có thể là một phần trong đội ngũ chăm sóc y tế. Tùy thuộc vào nhu cầu và các vấn đề đang mắc, người bệnh có thể thăm khám hoặc hỏi ý kiến một hay nhiều chuyên gia dưới đây trong quá trình điều trị và phục hồi sau điều trị.

 

· Chuyên gia vật lý trị liệu (PT) là chuyên gia giúp bệnh nhân ung thư cải thiện hoặc phục hồi khả năng vận động, giảm hoặc loại bỏ các cơn đau. 

 

· Chuyên gia trị liệu hoạt động (OT): giúp tối đa hóa chức năng, sự thoải mái và an toàn của bệnh nhân trong các tình huống sinh hoạt hàng ngày. Điều này có thể bao gồm việc quản lý, cải thiện và khôi phục các hoạt động hàng ngày như tắm rửa và thay quần áo... ở trường học, nhà hay nơi làm việc. OT cũng hướng dẫn bệnh nhân cách làm giảm sự gắng sức khi hoàn thành những công việc này, từ đó giúp bệnh nhân kiểm soát sự mệt mỏi và những hạn chế khác.

 

· Chuyên gia trị liệu ngôn ngữ (SLP): giúp bệnh nhân khắc phục các vấn đề về giao tiếp và khó nuốt, đặc biệt là khôi phục khả năng nuốt và ăn sau xạ trị và hóa trị ở bệnh nhân ung thư vùng đầu cổ. SLP cũng có thể giúp người bệnh cải thiện trí nhớ và kỹ năng tổ chức, quản lý.

 

· Chuyên gia phục hồi thể chất (hay chuyên gia y học vật lý và phục hồi chức năng): giúp người bệnh phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị các rối loạn thần kinh, cơ xương làm thay đổi cách di chuyển cũng như hoạt động của người bệnh. Những chuyên gia này thường tham gia vào việc quản lý đau cho người bệnh.

 

· Chuyên gia trị liệu phù mạch bạch: đánh giá và điều trị chứng phù bạch huyết bằng cáchlàm giảm sưng và kiểm soát cơn đau. Họ thường sử dụng các kỹ thuật như cho bệnh nhân sử dụng quần áo bó chặt, massage/xoa bóp đặc biệt, các phương pháp băng bó và luyện tập. 
 

· Nhà tâm lý học nhận thức. Các nhà tâm lý học nhận thức, còn được gọi là nhà tâm lý học thần kinh, là những chuyên gia trong việc tìm hiểu hành vi liên quan đến chức năng não từ đó giúp quản lý và cải thiện các tổn thương và bất thường về nhận thức mà bệnh nhân ung thư thường gặp phảitrong và sau quá trình hóa trị liệu. 

 

· Cố vấn hướng nghiệp. Cố vấn hướng nghiệp giúp hỗ trợ người bệnh trở lại làm việc trong hoặc sau khi điều trị ung thư thông qua việc học cách thực hiện một số nhiệm vụ nhỏ liên quan đến công việc hàng ngày. 

 

· Chuyên gia trị liệu giải trí: điều trị và giúp duy trì sức khỏe thể chất, tinh thần và cảm xúc của người bệnh bằng cách giúp giảm căng thẳng, lo âu và trầm cảm, đồng thời giúp xây dựng sự tự tin và củng cố các kỹ năng cá nhân. Liệu pháp giải trí cung cấp các dịch vụ điều trị theo nhiều cách khác nhau, bao gồm thông qua hội họa,  tập thể dục, trò chơi, khiêu vũ và âm nhạc.

 

· Chuyên gia dinh dưỡng.  là một chuyên gia về thực phẩm và chế độ ăn uống. Các chuyên gia này sẽ giúp hướng dẫn chế độ ăn uống cho từng loại ung thư cụ thể và dinh dưỡng hỗ trợ trong quá trình điều trị, đồng thời giúp người bệnh áp dụng các mô hình ăn uống lành mạnh để giảm nguy cơ tái phát ung thư. 

 

· Chuyên gia sinh lý thể thao: giúp phân tích thể lực của một người để giúp họ cải thiện chức năng vận động thông qua các bài kiểm tra stress hay các công cụ kiểm tra khác, để từ đó đánh giá chức năng tim mạch và sự chuyển hóa của cơ thể. Các chuyên gia này sẽ thiết kế các kế hoạch rèn luyện thể lực đáp ứng nhu cầu và phù hợp với từng bệnh nhân trong và sau khi điều trị ung thư. 

 

Khi nào người bệnh ung thư cần phục hồi chức năng

Bệnh nhân cần giữ vai trò chủ động trong việc chăm sóc sức khỏe của bản thân. Hãynói chuyện với bác sỹ ung thư về việc cần tiến hành phục hồi chức năng bất cứ khi nào cảm thấy có sự thay đổi triệu chứng làm giảm khả năng hoạt động hoặc khó khăn trong việc thực hiện các sinh hoạt hàng ngày. Bệnh nhân có thể tự trả lời các câu hỏi dưới đây để quyết định có cần phục hồi chức năng hay không:

· Tôi có đang gặp khó khăn hơn khi đi lại/di chuyển không?

· Tôi có bị đau, yếu mệt hoặc các triệu chứng khác không?

· Tôi đang gặp khó khăn trong việc suy nghĩ rành mạch không?

 

Điều quan trọng là phải giải quyết những vấn đề trên càng sớm càng tốt trước khi tình trạng xấu đi. Ví dụ, bệnh nhân cảm thấy hơi cứng khớp do đó không thể rướn người lên với đồ. Sau một thời gian, có thể cánh tay ít được sử dụng và vận động hơn, từ đó dẫn đến yếu cơ tay hoặc cứng khớp tay. Hoặc một chút sưng tấy có thể là dấu hiệu ban đầu của phù nề, cần phải được điều trị ngay trước khi bệnh trở nên trầm trọng hơn.

 

Người bệnh hoàn toàn có thể tham khảo ý kiến bác sỹ để thăm khám các chuyên gia phục hồi chức năng trước khi bắt đầu điều trị ung thư. Các chuyên gia này có thể đánh giá sức mạnh, khả năng vận động và các hoạt động ở thời điểm ban đầu, đồng thời theo dõi bệnh nhân trong suốt quá trình điều trị để kịp thời phát hiện ra các vấn đề phát sinh trước khi các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn. Từ đó, chất lượng cuộc sống có thể được nâng cao và giảm các triệu chứng cũng như những ảnh hưởng tiêu cực từ bệnh ung thư và các phương pháp điều trị đến công việc và cuộc sống của người bệnh. 

 

Nguồn: Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Hoa Kỳ (ASCO)

Đường dẫn: https://www.cancer.net/survivorship/rehabilitation/what-cancer-rehabilitation  

Biên dịch: Dược sỹ Điều Thị Ngọc Châu, Khoa Dược, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội.

Hiệu đính: ThS.BS. Nguyễn Thanh Hằng, Phòng HTQT&NCKH, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội.

 

Share: