Ung thư vú là bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ nhiều nước trên thế giới và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong số các nguyên nhân gây tử vong do ung thư ở nữ. Theo GLOBOCAN năm 2020, thế giới có khoảng 2.261.419 ca UTV mới mắc, chiếm 11,7% tổng số ca ung thư và có 684.996 ca tử vong, đứng thứ 5 trong số tử vong do ung thư. Tại Việt Nam, năm 2020, trong số ung thư ở nữ, số người mới mắc ung thư vú đứng hàng thứ nhất, với 21.555 người, chiếm 25.8% tổng số ca mắc ung thư. Với những tiến bộ của các phương pháp sàng lọc và chẩn đoán sớm, ngày càng có nhiều bệnh nhân ung thư vú được phát hiện ở giai đoạn sớm.
Trước đây, hầu hết các bệnh nhân ung thư vú đều được phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến vú. Phẫu thuật này ảnh hưởng nặng nề tới thẩm mỹ và tâm lý của bệnh nhân do mất một bên vú. Hiện nay, phương pháp phẫu thuật tạo hình được áp dụng để điều trị những bệnh nhân ung thư vú giai đoạn I và II, không những cho kết quả tương tự như phương pháp cắt vú triệt căn cải biên mà còn đạt được hiệu quả về mặt thẩm mỹ và cải thiện tâm lý của người bệnh. Do đó phương pháp này đang dần thay thế cho phương pháp phẫu thuật cắt vú triệt căn.
Phẫu thuật bảo tồn vú
Phẫu thuật bảo tổn vú là phẫu thuật cắt u và một phần tổ chức tuyến vú lành xung quanh u cùng với da ở phía trên, cách khối u từ 1- 2cm, sau đó vét hạch nách qua một đường rạch ở nách.
Khối u được cắt bỏ cùng một phần tổ chức tuyến vú lành quanh u cùng với da ở phía trên |
|
Sau phẫu thuật thường để lại sẹo lõm vào trong, phụ thuộc vào thể tích vú bị cắt bỏ |
Sau phẫu thuật bảo tồn tuyến vú, bệnh nhân bắt buộc phải xạ trị bổ trợ để giảm nguy cơ tái phát và tăng thời gian sống thêm. Xạ trị sau mổ với liều tia 45 -50 Gy đối với toàn bộ tuyến vú và tăng cường liều chiếu tia vào vị trí của khối u từ 10 -15 Gy. Mặc dù các kỹ thuật xạ trị mới hiện nay đều rất an toàn, tuy nhiên việc điều trị sẽ tốn thời gian khoảng 6 -7 tuần nên không phải bệnh nhân nào cũng chấp nhận xạ trị bổ trợ sau phẫu thuật. Phẫu thuật bảo tồn tuyến vú cũng chống chỉ định ở bệnh nhân mắc các bệnh lý mô liên kết và da như bệnh xơ cứng bì (scleroderma), do tác dụng phụ sau xạ sẽ rất nặng nề, hoặc bệnh nhân có tiền sử điều trị xạ trị vào thành ngực trước đó do một bệnh lý khác.
Hầu hết các kết quả nghiên cứu so sánh trên thế giới đều có kết quả tương đương về tỉ lệ sống thêm giữa phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến vú với phẫu thuật bảo tổn tuyến vú kết hợp xạ trị.
Nhìn chung kết quả thẩm mỹ sau phẫu thuật bảo tồn khá khiêm tốn vì da của bầu vú không được bảo tồn toàn bộ, một số bệnh nhân sau xạ trị da và thành ngực xơ hóa.
Phẫu thuật tạo hình trong ung thư vú
Phẫu thuật tạo hình vú có thể được thực hiện cùng thời điểm với phẫu thuật cắt bỏ khối u vú (hay còn gọi là tái tạo vú một thì) hoặc có thể thực hiện sau khi đã cắt bỏ khối u vú, khi vết mổ đã lành và các biện pháp điều trị bổ trợ như hoá trị, xạ trị đã hoàn tất (gọi là tái tạo vú trì hoãn).
Trước đây các phẫu thuật viên thường sử dụng vạt da cơ lưng rộng để tái tạo vú một thì cho những người bệnh mổ cắt toàn bộ tuyến vú. Hạn chế của vạt da cơ lưng rộng là thể tích vạt nhỏ, thường áp dụng cho bệnh nhân có tuyến vú nhỏ hoặc phối hợp với túi độn hoặc khi cắt tuyến vú bán phần.
Vạt da cơ thẳng bụng là vạt khá lý tưởng trong tái tạo vú, vì có khối lượng mô khá lớn có thể dễ dàng hơn trong tạo các đường cong giống vú đối bên. So với vạt cơ lưng rộng khắc phục được về thể tích mô tuy nhiên về vấn đề thẩm mĩ để lại khá nhiều sẹo trên cơ thể, bệnh nhân yếu thành bụng nguy cơ thoát vị thành bụng, cuộc mổ kéo dài.
Vạt da ngang bụng (DIEP và TRAM tự do) là một cải tiến của phương pháp tạo hình vú bằng vạt da cơ thẳng bụng. Phẫu thuật sẽ lấy phần da, mỡ ngang bụng chuyển lên vùng vú cắt bỏ. Sẹo vùng da bụng sẽ được dấu sát khớp mu. Phẫu thuật này khắc phục được nhược điểm yếu và thoát vị thành bụng. Tuy nhiên nhược điểm của phương pháp này là thời gian phẫu thuật kéo dài, có nguy cơ hoại tử vạt tổ chức dẫn đến cuộc mổ thất bại và đòi hỏi có trang thiết bị đặc biệt là kính và dụng cụ vi phẫu thuật cũng như kỹ năng về vi phẫu thuật của phẫu thuật viên.
Phẫu thuật cắt tuyến vú tiết kiệm da bảo tồn quầng núm vú tạo hình đã ngày càng trở nên phổ biến hơn trong thời gian gần đây do hiệu quả về thẩm mỹ và tái tạo tuyến vú sau phẫu thuật. Ngày nay sử dụng implant vẫn là một trong những phương pháp được ưu tiên hàng đầu.
Tại Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội, phẫu thuật tạo hình 2 vú một thì có hỗ trợ nội soi bằng túi độn silicone đã và đang được áp dụng điều trị cho nhiều bệnh nhân ung thư vú giai đoạn I-II.
Bệnh nhân được thực hiện đầy đủ bilan trước phẫu thuật, trước ngày mổ được đo thể tích hai vú để lựa chọn loại túi siicone và thể tích túi mỗi bên phù hợp.
Phẫu thuật được bắt đầu từ bên vú lành. Phẫu thuật viên sẽ tạo khoang gian cơ ngực lớn và cơ ngực bé dưới sự hỗ trợ của nội soi. Túi ngực silicone được đặt vào khoang gian cơ vừa tạo, sử dụng hỗ trợ của phễu đặt túi ngực.
Đối với bên vú bị ung thư, phẫu thuật viên sẽ tạo khoang đặt túi ngực giống như đối với bên vú lành, cắt tuyến vú tiết kiệm da bảo tồn quầng núm vú, vét hạch nách hoặc sinh thiết hạch gác, sau đó đặt túi ngực silicone theo khoang đã tạo. Chỉ định bảo tồn quầng núm vú với bệnh nhân có u có kích thước < 3cm và cách núm vú > 3cm.
Phẫu thuật tạo hình hai vú 1 thì bằng túi độn silicone dưới hỗ trợ nội soi cho bệnh nhân ung thư vú giai đoạn sớm là một ứng dụng hết sức ưu việt, nó tạo điều kiện cho các phẫu thuận viên có thể tạo khoang một cách dễ dàng, kiểm soát tốt quá trình cầm máu, không bóc tách tạo khoang mò theo các phương pháp cũ, mang lại hiệu quả cao về mặt thẩm mỹ trong điều trị ung thư vú giai đoạn sớm.
Biên soạn: BS. Ngô Minh Phúc - Khoa Ngoại vú - Phụ khoa
Kiểm duyệt: TS.BS. Vũ Kiên - Trưởng Khoa Ngoại vú - Phụ khoa - Phó giám đốc Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội