Slogan

SỐNG CHUNG VỚI UNG THƯ TUYẾN GIÁP

Đối với nhiều người bệnh ung thư tuyến giáp, việc điều trị có thể loại bỏ hoặc phá hủy khối u tuyến giáp. Họ có thể cảm thấy an tâm hơn sau khi hoàn thành điều trị nhưng vẫn lo lắng về việc ung thư có thể tái phát. Đây là lo lắng rất thường gặp của người từng mắc ung thư. Đối với một số người khác, ung thư tuyến giáp có thể không khỏi hoàn toàn hoặc bị tái phát ở một bộ phận khác của cơ thể. Những người này có thể cần điều trị bằng hóa chất, xạ trị, hoặc các phương pháp khác nhằm kiểm soát bệnh trong thời gian lâu nhất có thể.

Theo dõi sau điều trị ung thư tuyến giáp

Nếu người bệnh đã hoàn thành việc điều trị, họ vẫn cần theo dõi bệnh của mình một cách chặt chẽ. Việc đến tất cả các buổi hẹn tái khám theo lịch của bác sỹ là rất quan trọng. Trong các lần tái khám, bác sỹ sẽ hỏi người bệnh về các triệu chứng, khám bệnh và có thể yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh như siêu âm hoặc xạ hình. Việc theo dõi là rất cần thiết để kiểm tra xem liệu ung thư có tái phát hoặc lan rộng hay không cũng như phát hiện những tác dụng phụ của một số phương pháp điều trị. Đây cũng là thời gian mà người bệnh có thể hỏi bác sỹ bất kỳ câu hỏi nào và thảo luận về các mối quan tâm lo lắng của họ.

Hầu như phương pháp điều trị ung thư nào cũng có những tác dụng phụ. Một số tác dụng phụ có thể kéo dài vài tuần tới vài tháng, nhưng một số có thể lâu hơn. Một số tác dụng phụ có thể sau nhiều năm kết thúc điều trị mới xuất hiện. Vì vậy, người bệnh sau điều trị ung thư tuyến giáp cần thông báo cho bác sỹ biết bất kỳ triệu chứng hoặc vấn đề sức khỏe nào mới xuất hiện vì chúng có thể do ung thư giáp tái phát hoặc một bệnh mới xuất hiện, hoặc một bệnh ung thư thứ hai gây ra.

Hầu hết người bệnh sẽ có sức khỏe ổn định sau điều trị, nhưng việc theo dõi và tái khám là rất quan trọng vì hầu hết ung thư tuyến giáp đều tiến triển chậm và có thể tái phát ngay cả khi đã kết thúc điều trị 10-20 năm.

Tái khám và làm các xét nghiệm theo dõi

Bác sỹ sẽ giải thích cho người bệnh những xét nghiệm cần làm và tần suất cần thực hiện các xét nghiệm đó. Lịch tái khám và làm xét nghiệm sẽ phụ thuộc vào mức độ bệnh ung thư ở thời điểm chẩn đoán ban đầu, loại ung thư tuyến giáp, phương pháp điều trị và các yếu tố khác.

Khám định kỳ giúp phát hiện sớm ung thư tái phát
 

Ung thư thể nhú hoặc thể nang: Nếu người bệnh mắc ung thư giáp thể nhú hoặc thể nang và đã được phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp, thông thường bác sỹ sẽ yêu cầu thực hiện xét nghiệm xạ hình tuyến giáp với I-ốt, đặc biệt nếu người bệnh có yếu tố nguy cơ tái phát cao. Xét nghiệm này thường được thực hiện sau 6-12 tháng. Nếu kết quả là âm tính, thông thường người bệnh sẽ không cần thực hiện thêm xét nghiệm trừ khi có các triệu chứng hoặc kết quả xét nghiệm bất thường khác.

Xét nghiệm máu cần thực hiện thường quy là định lượng TSH và thyroglobulin. Thyroglobulin được sản xuất bởi mô tuyến giáp, do vậy sau khi cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp, nồng độ thyroglobulin sẽ ở mức rất thấp hoặc không tìm thấy trong máu. Nếu nồng độ thyroglobulin bắt đầu tăng dần, đó có thể là dấu hiệu của ung thư quay trở lại và người bệnh cần thực hiện các xét nghiệm khác, thông thường sẽ là chụp xạ hình I-ốt và có thể cần chụp PET-CT và làm các xét nghiệm khác.

Với những người nguy cơ tái phát thấp, mắc ung thư thể nhú nhỏ đã được điều trị bằng cắt một thùy tuyến giáp, thông thường sẽ chỉ cần tái khám định kỳ, siêu âm tuyến giáp và làm các xét nghiệm máu liên quan tới tuyến giáp.

Bệnh nhân chụp xạ hình sau điều trị thấy mô giáp còn lại vùng cổ bắt iod phóng xạ
 

Ung thư thể tủy: Nếu người bệnh mắc ung thư tuyến giáp thể tủy, bác sỹ sẽ cần kiểm tra nồng độ nồng độ calcitonin và CEA trong máu. Nếu nồng độ các chất này tăng, các xét nghiệm hình ảnh như siêu âm vùng cổ hoặc cắt lớp vi tính (CT) hoặc cộng hưởng từ (MRI) sẽ được thự hiện để phát hiện tổn thương tái phát.

Mỗi phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp đều có tác dụng phụ có thể kéo dài trong vài tháng. Một số tác dụng phụ có thể kéo dài suốt đời ví dụ trong trường hợp người bệnh  cần uống viên thay thế hoóc-môn tuyến giáp. Người bệnh có thể thúc đẩy nhanh hơn quá trình hồi phục của mình bằng việc trang bị kiến thức về các tác dụng phụ trước khi bắt đầu điều trị để có thể làm giảm ảnh hưởng của các dụng phụ này và rút ngắn thời gian tồn tại của chúng. Người bệnh nên chia sẻ với bác sỹ về bất kỳ triệu chứng hoặc tác dụng phụ nào đang khiến mình khó chịu, để bác sỹ có thể giúp kiểm soát chúng.

Hỏi bác sỹ về kế hoạch chăm sóc sau điều trị

Kế hoạch này có thể bao gồm:

· Lịch trình đi tái khám và làm xét nghiệm.

· Danh sách các tác dụng phụ của điều trị có thể xảy ra muộn hoặc kéo dài, bao gồm những lưu ý cần theo dõi và khi nào cần liên hệ với bác sỹ.

· Lịch trình làm các xét nghiệm khác mà người bệnh có thể cần đến, như xét nghiệm sàng lọc phát hiện sớm các loại ung thư khác, hoặc xét nghiệm phát hiện các tác dụng phụ lâu dài do bệnh hoặc điều trị gây ra.

· Những hướng dẫn về chế độ ăn và hoạt động thể chất có thể giúp người bệnh cải thiện sức khỏe và giảm nguy cơ ung thư tái phát.

· Tạo lịch/nhắc hẹn cho các buổi tái khám với y tế cơ sở, nơi theo dõi sức khỏe tổng quát của người bệnh.

Giữ bảo hiểm y tế và thẻ ra viện

Ngay cả sau khi đã kết thúc điều trị, việc duy trì bảo hiểm y tế vẫn rất quan trọng. Xét nghiệm và việc khám bác sỹ sẽ tốn kém, và mặc dù không ai muốn bệnh ung thư sẽ tái phát, nhưng điều đó vẫn có khả năng xảy ra.

Người bệnh có thể được tái khám bởi một bác sỹ mới không nắm rõ về bệnh sử của họ nên việc giữ lại thẻ ra viện và/hoặc Giấy trích sao hồ sơ là rất quan trọng để bác sỹ có thông tin chi tiết về chẩn đoán và điều trị của người bệnh.

Tôi có thể làm giảm nguy cơ bệnh tiến triển hoặc tái phát không?

Khi mắc ung thư tuyến giáp, người bệnh chắc hẳn sẽ muốn biết liệu có cách nào có thể giúp giảm nguy cơ ung thư phát triển hoặc tái phát không, ví dụ như tập thể dục, theo một chế độ ăn kiêng hoặc dùng thực phẩm bổ sung. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng rõ ràng về tác dụng của những biện pháp này.

Việc thực hiện các thói quen lành mạnh như không hút thuốc, ăn đầy đủ dinh dưỡng, tập thể dục thường xuyên và duy trì cân nặng lý tưởng là rất quan trọng. Chúng ta đều biết rằng những thay đổi này sẽ có tác động tích cực tới sức khỏe chung và do đó giúp làm giảm khả năng ung thư tái phát.

Về thực phẩm chức năng

Cho tới nay, chưa có một loại thực phẩm chức năng nào (bao gồm cả vitamin, khoáng chất và các sản phẩm thảo dược) được chứng minh giúp làm giảm nguy cơ tiến triển hoặc tái phát của ung thư tuyến giáp. Tại Mỹ, thực phẩm chức năng không được quản lý giống như thuốc, không cần chứng minh về hiệu quả (hoặc thậm chí là tính an toàn) trước khi được bán, mặc dù có một giới hạn đối với nhà sản xuất về những gì họ được phép quảng cáo về tác dụng của sản phẩm. Nếu đang nghĩ tới việc sử dụng bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào, người bệnh hãy trao đổi với bác sỹ để họ có thể giúp quyết định loại nào có thể sử dụng một cách an toàn, đồng thời tránh những sản phẩm có thể có hại.

Nếu ung thư tái phát

Nếu ung thư tuyến giáp tái phát sau khi kết thúc điều trị một thời gian, các lựa chọn điều trị sẽ phụ thuộc vào vị trí tái phát, phương pháp điều trị trước đó và tình trạng sức khỏe hiện tại cũng như mong muốn của người bệnh. Các lựa chọn có thể gồm: phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, điều trị đích hoặc phối hợp các phương pháp này.

Tìm hỗ trợ về tâm lý

Cảm giác như suy sụp, chán nản, lo lắng là trạng thái thường gặp ở người bệnh khi ung thư tuyến giáp trở thành một phần trong cuộc sống của họ. Một số người bị ảnh hưởng tâm lý nhiều hơn những người khác. Người bệnh sẽ cảm thấy tâm trạng tốt hơn nếu nhận được sự hỗ trợ và giúp đỡ từ những người xung quanh, cho dù là bạn bè, gia đình, nhóm giáo hữu, nhóm hỗ trợ, chuyên gia tâm lý hay những người khác.

 

Nguồn: Dịch từ www.cancer.org - Hiệp hội Ung thư Hoa kỳ

Đường dẫn: https://www.cancer.org/cancer/thyroid-cancer/after-treatment/follow-up.html

Biên dịch: ThS.BS. Lê Công Định, Khoa Chăm sóc giảm nhẹ

Hiệu đính: ThS.BS. Nguyễn Thanh Hằng, Phòng HTQT-NCKH

 

Share: