Slogan

TÌM HIỂU VỀ U THẦN KINH NỘI TIẾT

Khối u thần kinh nội tiết là gì?

Có một số loại u thần kinh nội tiết khác nhau và khối u có thể xuất hiện ở nhiều nơi trên cơ thể. Triệu chứng của bệnh nhân có thể phụ thuộc vào trị trí và đặc điểm của khối u.

U thần kinh nội tiết phát triển từ những tế bào sản xuất ra hóc môn - những chất hóa học giúp cơ thể thực hiện các chức năng khác nhau, ví dụ như mọc tóc, điều khiển ham muốn tình dục hay thậm chí là điều chỉnh tâm trạng của cơ thể. Một khối u thần kinh nội tiết có thể mọc ở vị trí như tụy - một tạng trong ổ bụng. Nó cũng có thể xuất hiện ở dạ dày, ruột hay phổi.


Hình 1. Các vị trí u thần kinh nội tiết thường xuất hiện

Có những khối u thần kinh nội tiết là ung thư và có thể di căn đến các bộ phận khác trong cơ thể. Rất nhiều các khối u này cũng sản xuất hormone và biểu hiện ra thành các triệu chứng khác nhau. Cũng có những khối u thần kinh nội tiết là lành tính, chúng chỉ phát triển tại chỗ.

Hầu hết các khối u thần kinh nội tiết phát triển rất chậm trong nhiều năm chứ không phải trong vài tháng như các loại u khác. Thường thì bác sĩ có thể loại bỏ hoặc thu nhỏ khối u bằng các biện pháp khác nhau.

Có rất nhiều loại U thần kinh nội tiết. Khối u thường được đặt tên theo loại tế bào sản sinh ra khối u hoặc loại hormone mà chúng sản xuất ra.

Các khối u carcinoid có thể hình thành ở nhiều nơi trên cơ thể nhưng chúng thường xuất hiện ở các tế bào của hệ thống tiêu hóa như dạ dày, ruột non, ruột thừa và đại tràng. Chúng có thể xuất hiện ở cả phổi và tuyến ức, hiếm gặp hơn là ở tụy, thận, buồng trứng hay tinh hoàn.


Hình 2. Khối u carcinoid đường tiêu hóa

 

Những khối u này có thể sản xuất ra nhiều loại hormone khác nhau và làm thay đổi cảm giác của người bệnh. Những triệu chứng này được gọi là hội chứng carcinoid.

U thần kinh nội tiết tuyến tụy phát triển tại tụy của bệnh nhân. Có thể kể đến một số loại sau:

- U tụy nội tiết (Isulinoma) là loại thường gặp nhất. Các tế bào của khối u chế tiết ra insulin, hormone kiểm soát đường máu của bệnh nhân. Hầu hết những khối u này là lành tính.

- U chế glucagon (Glucagonoma) khối u này chế tiết ra glucagon, hormone làm tăng đường máu của bệnh nhân. Một nửa trong số các u này có thể là ung thư và có khả năng di căn

- U chế gastrin (Gastrinoma) sản xuất gastrin, là hormone tiêu hóa. Những khối u này có thể khiến bệnh nhân mắc một hội chứng hiếm gặp gọi là Zollinger- Ellison. Khoảng một nửa khối u gastrinoma là ác tính, và rất dễ di căn.

- U tế bào sigma (Somatostatinoma) sản xuất một hormone được gọi là somatostatin điều khiển cơ thể của bệnh nhân sản xuất các hormone khác.

- U vận mạch ruột VIPoma sản xuất một hormone kích thích cơ thể sản xuất các hormone vận mạch ruột. Hầu hết các VIPoma là ung thư.

Một số loại U thần kinh nội tiết khác:

- Ung thư biểu mô thể tủy: Là loại u xuất hiện trong tuyến giáp, nằm trên vùng cổ của bệnh nhân. Loại u này sản xuất hormone kiểm soát nồng độ hormone trong cơ thể

- U tủy thượng thận (Pheochromocytoma). Loại u này phát triển từ tế bào tuyến thượng thận, nằm ở trên thận của chúng ta. Nó sản xuất hormone adrenaline và noradrenaline, các hormone làm tăng nhịp tim và huyết áp. Thường thì những khối u này không phải u ác tính.

NGUYÊN NHÂN

Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ sẽ rất khó để xác định nguyên nhân của U thần kinh nội tiết. Bệnh nhân thường sẽ dễ mắc bệnh nếu có tiền sử gia đình mắc các bệnh di truyền sau đây:

Đa u tuyến nội tiết týp 1. Chứng bệnh này khiến u dễ phát triển ở tụy và các cơ quan khác

U sợi thần kinh týp 1. Chứng bệnh này khiến khối u phát triển ở tuyến thượng thận.

Hội chứng Von Hippel-Lindau. Chứng bệnh khiến khối u và các nang dịch phát triển ở nhiều nơi trên cơ thể.

TRIỆU CHỨNG

Khối u thần kinh nội tiết có thể khiến bệnh nhân cảm thấy những triệu chứng khác nhau tùy vào vị trí của khối u trên cơ thể.

Người bệnh u thần kinh nội tiết tuyến tụy có thể có những triệu chứng sau:

  • Nhìn mờ hoặc nhìn đôi
  • Lú lẫn
  • Tiêu chảy
  • Chóng mặt
  • Nhịp tim nhanh
  • Đau đầu
  • Nhanh đói
  • Mẩn đỏ
  • Run tay chân
  • Đau bụng
  • Đổ mồ hôi trộm
  • Yếu cơ
  • Sút cân

Các khối u carcinoid có thể gây ra:

- Tiêu chảy

- Các vùng da nóng đỏ ngứa, thường tập trung trên cổ và mặt

- Ho

- Đau tức ngực

- Đau bụng

- Mệt mỏi

- Khó thở

- Tăng cân hoặc sút cân

Những loại u thần kinh nội tiết khác có thể gây ra:

- Chán ăn

- Chảy máu

- Ho

- Tiêu chảy

- Sốt

- Đau đầu

- Nói khàn

- Nhịp tim nhanh

- Buồn nôn và nôn

- Ra mồ hôi trộm về đêm

- Đau đớn

- Mẩn đỏ

- Ra mồ hôi

- Tăng hoặc sút cân

- Vàng da vàng mắt

CHẨN ĐOÁN

Khi gặp bác sĩ, bệnh nhân có thể sẽ được hỏi các câu hỏi như sau:

- Bệnh nhân đã cảm thấy bất thường lâu chưa?

- Có cảm thấy đau đớn ở đâu không?

- Ăn uống thế nào?

- Có tăng hay sút cân không?

- Có cảm thấy mệt mỏi hơn bình thường không?

- Có bất thường trên da không?

- Có tiền sử y tế bất thường ko

- Có bệnh lý di truyền nào trong gia đình không?

Bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm cận lâm sàng để kiểm tra khối u kĩ càng hơn. Bệnh nhân có thể được chỉ định các xét nghiệm sau:

Xét nghiệm máu và nước tiểu: Để kiểm tra mức hormone trong cơ thể cao hay thấp

Chụp CT: Xem hình ảnh các tạng trong cơ thể.

Cộng hưởng từ: Sử dụng từ tính và sóng điện từ để dựng hình các tạng trong cơ thể

Xạ hình: bệnh nhân sẽ được tiêm một liều nhỏ hoạt tính phóng xạ sau đó được chụp hình dưới máy quét. Trong dung dịch tiêm có chứa hoạt tính phóng xạ bám trên bề mặt của khối u. Chất phóng xạ này khiến khối u bắt xạ và các bác sĩ có thể quan sát chúng dưới máy chẩn đoán hình ảnh. Bệnh nhân sẽ phải thực hiện hai lần chụp trong vòng hai ngày, nhưng không cần nằm lại bệnh viện. Mỗi lần chụp xạ hình mất khoảng 3 tiếng, nhưng không gây đau đớn cho bệnh nhân.

X quang: Sử dụng phóng xạ liều thấp để chụp hình bên trong cơ thể bệnh nhân

Sinh thiết: Bác sĩ sẽ lấy một mảnh mô nhỏ khỏi cơ thể bệnh nhân và kiểm tra dưới kính hiển vi. Có thể bệnh nhân sẽ được sinh thiết dưới hướng dẫn của CT. Bằng cách sử dụng một ống nội soi nhỏ, mềm, bác sĩ sẽ quan sát được đường ống tiêu hóa của bệnh nhân

Xét nghiệm sinh học phân tử: Bác sĩ có thể kiểm tra khối u thông qua sinh thiết để kiểm tra về gene, các protein hay các chất nền khác. Kết quả này có thể giúp các bác sĩ xác định phương thức điều trị thích hợp.

ĐIỀU TRỊ

U thần kinh nội tiết có thể được điều trị bằng phẫu thuật, xạ trị, hóa trị và các loại biệt dược. Cách thức điều trị tùy thuộc vào:

- Loại khối u và số lượng

- U lành hay u ác

- U đã di căn hay chưa

Phẫu thuật: Là phương pháp điều trị phổ biến nhất. Bác sĩ có thể loại bỏ hoàn toàn các khối u, nhất là trong trường hợp khối u lành tính và chưa di căn

Bác sĩ phẫu thuật có thể lấy bỏ khối u hoàn toàn. Cũng có trường hợp phải lấy cả một phần cơ quan có khối u thần kinh nội tiết, ví dụ như tụy, dạ dày hay gan.

Cũng có những phương pháp phẫu thuật khác dành cho những bệnh nhân có chống chỉ định phẫu thuật nói chung hoặc những bệnh nhân có nhiều u nhỏ.

Một phương pháp trong đó là dao phóng xạ, bác sĩ sẽ đặt vào trong khối u một đầu dò có chứa sóng điện từ năng lượng cao, có tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư ở một số vị trí

Một phương pháp khác, được gọi là phẫu lạnh, bằng cách đưa nguồn cực lạnh thẳng vào khổi u bằng một ống nhỏ. Trong thủ thuật này, bác sĩ có thể sử dụng cộng hưởng từ hoặc siêu âm để hướng dẫn đầu dò.

Liệu pháp Hormone:

Đây là một phương pháp điều trị thường quy cho khối u thần kinh nội tiết loại carcinoid. Bằng cách sử dụng hormone somatostatin nhân tạo, loại thuốc này làm khối u giảm chế tiết hormone gây tiêu chảy và các triệu chứng khác, thậm chí là làm thu nhỏ khối u

Xạ trị: Phương pháp này sử dụng tia X năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Bệnh nhân có thể được chỉ định điều trị bằng xạ trị khi khối u đã lan rộng hoặc ở vị trí khó có khả năng phẫu thuật

Trong hầu hết các trường hợp, xạ trị sử dụng các nguồn xạ ngoài. Trong một số trường hợp nguồn xạ được đặt trong cơ thể bên cạnh khổi u.

Hóa trị:

Sử dụng các loại thuốc điều trị để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc ngăn chặn sự lan rộng của tế bào u. Bệnh nhân có thể được kê thuốc uống hoặc thuốc truyền. Bệnh nhân có thể được dùng một hoặc nhiều loại thuốc trong nhiều tuần.

Hóa trị có thể có nhiều tác dụng phụ như mệt mỏi, buồn nôn, nôn và rụng tóc. Các triệu chứng sẽ hồi phục sau khi kết thúc điều trị. Mỗi bệnh nhân đáp ứng khác nhau với cùng một phác đồ. Bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân cách chăm sóc cơ thể để có thể cảm thấy khỏe mạnh hơn trong suốt quá trình điều trị.

Liệu pháp nút mạch: Phương pháp này có thể điều trị các khối u thần kinh nội tiết ở gan mà phẫu thuật không thể loại trừ được. Mục tiêu của phương pháp là chặn lại dòng máu đến nuôi u.

Bác sĩ sẽ luồn một ống rất nhỏ, mềm vào động mạch dẫn đến gan của bệnh nhân. Sau đấy một hóa chất sẽ được tiêm vào động mạch để làm tắc mạch nuôi. Trong suốt quá trình bệnh nhân có thể được điều trị kết hợp bằng hóa trị hoặc xạ trị.

Điều trị đích: phương pháp này sử dụng các thuốc tấn công đến một loại gene hay protein nhất định của khối u để tiêu diệt ung thư. Loại điều trị này không làm ảnh hưởng đến các tế bào lành của cơ thể nên ít gây tác dụng phụ hơn xạ trị và hóa trị. Để áp dụng được phương pháp này, các tế bào u phải được làm các xét nghiệm di truyền kĩ càng hơn.
 

Bệnh nhân cũng có thể được sử dụng các loại thuốc bổ trợ khác để làm giảm khả năng phát triển của khối u ví dụ như các loại hormone bổ trợ, thuốc làm giảm nhịp tim, thuốc giảm acid dạ dày.

Các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu các phương pháp mới điều trị U thần kinh nội tiết trong các thử nghiệm lâm sàng. Các thuốc mới đang được kiểm nghiệm tính hiệu quả và độ an toàn. Các bệnh nhân có thể tình nguyện tham gia các thử nghiệm lâm sàng này để được sử dụng các loại thuốc mới chưa phổ biến đại chúng. Bệnh nhân cần nói chuyện với bác sĩ để biết việc tham gia thử nghiệm có khả thi với họ không.

Tự chăm sóc bản thân

Bên cạnh việc tuân thủ điều trị, bệnh nhân có thể thử các phương pháp làm giảm nhẹ triệu chứng. Hãy nói với bác sĩ về những triệu chứng khó chịu và hỏi cách giải quyết chúng.

Các khối u thần kinh nội tiết làm bệnh nhân khó giữ được một cân nặng lý tưởng, vì vậy việc ăn uống của bệnh nhân rất cần được chú ý:

- Tăng khẩu phần các loại đạm từ cá, trứng, sữa và các loại đậu.

- Nếu không ăn được nhiều, cần chia nhỏ bữa ăn. Gừng lát cũng có thể làm bệnh nhân bớt triệu chứng buồn nôn.

- Tránh ăn các đồ nhiều dầu mỡ, kẹo và đồ uống có đường

Bệnh nhân cũng có thể thử các phương pháp bổ trợ như châm cứu, massage, tập yoga để làm giảm các triệu chứng trong suốt quá trình điều trị. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu bất cứ bài tập nào.

Lời khuyên và cổ vũ từ gia đình bạn bè cũng là động lực rất lớn đối với bệnh nhân trong quá trình điều trị.

Việc mắc U thần kinh nội tiết có thể gây ra các triệu chứng khác nhau tùy vào từng loại u, u lành hay u ác và mức độ lan rộng của bệnh. Nhưng với phương pháp điều trị thích hợp,bác sĩ có thể thu nhỏ khối u hoặc điều trị khỏi cho bệnh nhân hoàn toàn

 

Nguồn: Tập đoàn WEB MD – Trung tâm Ung Bướu https://www.webmd.com/cancer/neuroendocrine-tumors

Biên dịch: BS. Lê Thành Chung – Khoa Ngoại Vú - Phụ khoa

Hiệu đính: ThS.BS. Nguyễn Thanh Hằng – Phòng Hợp tác Quốc tế và Nghiên cứu Khoa học

Share: