Slogan

TÌM HIỂU VỀ UNG THƯ VÒM HỌNG

Ung thư vòm họng là một loại ung thư vùng đầu cổ xuất phát từ vòm họng (còn gọi là họng mũi hay tỵ hầu), nằm phía trên cùng của họng, phía sau mũi và gần nền sọ.


Hình 1: U vòm họng

Chẩn đoán ung thư vòm họng bằng cách nào?

Ung thư vòm họng có thể không được phát hiện ra cho tới khi gây ra vấn đề sức khỏe khiến người bệnh phải đi khám. Đôi khi những thay đổi bất thường có thể được phát hiện một cách tình cờ khi khám sức khỏe định kỳ hoặc khám răng miệng. Khi đó bạn có thể được giới thiệu đến khám bác sỹ chuyên khoa tai-mũi-họng hoặc bác sỹ phẫu thuật vùng đầu-cổ.

Bác sỹ sẽ hỏi các câu hỏi về tình trạng sức khỏe của bạn và khám lâm sàng. Nếu có dấu hiệu nghi ngờ ung thư, bác sỹ sẽ chỉ định thêm các xét nghiệm để kiểm tra. Các xét nghiệm, đánh giá có thể bao gồm:

Khám tổng quát vùng đầu-cổ: Bác sỹ sẽ kiểm tra một cách toàn diện vùng đầu cổ để phát hiện những vị trí có bất thường. Hạch to bất thường vùng cổ là dấu hiệu quan trọng của ung thư cần được kiểm tra. Vòm họng là một vùng khó kiểm tra vì nằm ở sâu, do vậy bác sỹ sẽ cần sử dụng các dụng cụ hỗ trợ như gương, đèn và/hoặc một ống soi đặc biệt có gắn đèn để quan sát.

Sinh thiết: bác sỹ sẽ tiến hành lấy một mẫu mô nhỏ ở vị trí nghi ngờ là ung thư. Mẫu mô này sẽ được kiểm tra dưới kính hiển vi để phát hiện tế bào ung thư. Đây là xét nghiệm quan trọng nhất để khẳng định một người có bị ung thư hay không.

Chụp cắt lớp vi tính (CT scan): Đây là phương pháp sử dụng một loại tia X đặc biệt để dựng lại hình ảnh nhằm phát hiện xem khối u đã di căn hạch, phổi và/hoặc các cơ quan khác chưa

Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp cộng hưởng là phương pháp hữu ích để đánh giá kích thước khối ung thư và phát hiện những khối u khác.

Chụp X-quang ngực: có thể được thực hiện nhằm kiểm tra xem ung thư có di căn tới phổi không.

PET-CT: Khi chụp PET-CT bạn sẽ được yêu cầu sử dụng một loại đường đặc biệt mà mức độ chuyển hóa  bên trong cơ thể có thể được quan sát bằng một thiết bị đặc biệt. Tại những vị trí có ung thư, đường này sẽ chuyển hóa mạnh và hiển thị lên như một “điểm nóng”. Xét nghiệm này thường được chỉ định khi bác sỹ nghi ngờ bệnh ung thư có thể đã di căn nhưng chưa tìm được vị trí.

Xét nghiệm máu: Một số xét nghiệm máu cơ bản giúp đánh giá tình trạng sức khỏe tổng quát của bạn

Đánh giá giai đoạn

Việc chẩn đoán giai đoạn là cơ sở để bác sỹ quyết định phương pháp điều trị tối ưu nhất đối với bạn.Giai đoạn mô tả mức độ phát triển hoặc lan rộng của ung thư từ vị trí nguyên phát ban đầu. Nó cũng cho biết liệu bệnh ung thư đã lan tới cơ quan nào khác ở gần hay xa hơn. Bệnh ung thư của bạn có thể ở giai đoạn 0,1,2,3,4. Con số càng thấp, ung thư càng ít có khả năng di căn. Ở số cao hơn, như giai đoạn 4, nghĩa là ung thư đã trở nên trầm trọng hơn vì nó đã từ vị trí ban đầu lan tới cơ quan khác.

Điều trị

Có nhiều phương pháp điều trị ung thư vòm họng. Việc lựa chọn phương pháp tối ưu nhất đối với bạn sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:

  • Vị trí của khối u (ung thư)
  • Giai đoạn ung thư
  • Bệnh có khả năng chữa khỏi bằng các phương pháp điều trị hiện tại hay giúp kéo dài cuộc sống, giảm nhẹ triệu chứng?
  • Việc điều trị sẽ ảnh hưởng như thế nào tới cách bạn nói chuyện, hít thở và ăn uống.
  • Tuổi
  • Những vấn đề sức khỏe khác mà bạn đang gặp phải
  • Cảm nhận của bạn về các phương pháp điều trị và những tác dụng phụ đi kèm với nó

Phẫu thuật

Phẫu thuật thường không phải là phương pháp điều trị chính của ung thư vòm họng bởi vòm họng là một vùng khó để tiếp cận bằng phẫu thuật. Đôi khi một vài kỹ thuật mổ đặc biệt được sử dụng để tiếp cận khối ung thư, tuy nhiên, trong đa số trường hợp, các phương pháp điều trị khác thường hiệu quả hơn. Phẫu thuật thường được tiến hành để loại bỏ hạch cổ có thể có tế bào ung thư di căn.

Tác dụng không mong muốn của phẫu thuật

Bất kỳ loại phẫu thuật nào cũng có thể có rủi ro và tác dụng không mong muốn. Hãy hỏi bác sỹ về những điều có thể xảy ra.

Xạ trị

Xạ trị là phương pháp sử dụng tia có năng lượng cao (như tia X) để tiêu diệt tế bào ung thư. Đây là một phần quan trọng trong phương pháp điều trị chính của ung thư vòm họng

Có 2 phương pháp xạ trị chính được áp dụng. Trong đó phương pháp thông dụng nhất là nhắm vào tế bào ung thư từ một máy phát xạ bên ngoài cơ thể. Đây gọi là xạ trị ngoài. Điều trị xạ trị ngoài cũng khá giống với chụp X-quang nhưng cường độ bức xạ mạnh hơn

Một phương pháp xạ trị khác là xạ trị áp sát hay xạ trị trong. Với phương pháp xạ trị này, nguồn xạ giống như những “hạt giống” được cấy trực tiếp vào khu vực khối u. Những “hạt” này sẽ ở lại vị trí được cấy vào trong vài ngày trong khi bạn ở lại phòng điều trị tại bệnh viện, và sau đó sẽ được lấy ra trước khi bạn về nhà.


Hình 2: Xạ trị, một phương pháp hiệu quả điều trị ung thư vòm họng

Nếu bác sỹ đề nghị bạn điều trị bằng xạ trị, hãy trao đổi với bác sỹ về những tác dụng phụ có thể xảy ra. Tác dụng phụ sẽ phụ thuộc vào phương pháp xạ trị được sử dụng và bộ phận cơ thể được xa trị. Các tác dụng phụ phổ biến nhất của xạ trị là: Tác dụng không mong muốn của xạ trị

  • Thay đổi da vùng chiếu xạ
  • Mệt mỏi
  • Khan tiếng
  • Thay đổi vị giác
  • Loét miệng và họng
  • Khô miệng
  • Khó nuốt hoặc ăn.

Hầu hết những tác dụng không mong muốn này thường cải thiện dần sau khi khi kết thúc điều trị, tuy nhiên một số có thể kéo dài hơn.

Hóa trị

Hóa trị là phương pháp sử dụng thuốc gây độc tế bào để tiêu diệt ung thư. Thuốc có thể ở dạng tiêm/truyền tĩnh mạch hoặc dạng viên uống. Thuốc sau khi vào tuần hoàn máu sẽ đi khắp cơ thể. Hóa trị được sử dụng theo từng chu kỳ hoặc đợt điều trị. Sau mỗi đợt điều trị sẽ là thời gian nghỉ ngơi trước khi bắt đầu đợt tiếp theo. Mỗi đợt điều trị thường sẽ phối hợp 2 hoặc 3 thuốc. Thời gian điều trị thường kéo dài nhiều tháng.

Hóa trị đôi khi được sử dụng đồng thời với xạ trị như là phương pháp điều trị đầu tay đối với ung thư vòm họng. Hóa trị cũng có thể sử dụng trước khi bắt đầu xạ trị hoặc sau khi kết thúc xạ trị.

Tác dụng không mong muốn của hóa trị

Hóa trị có thể tác động lên tế bào ung thư nhưng đồng thời có thể ảnh hưởng tới một số loại tế bào bình thường của cơ thể. Những ảnh hưởng này có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, khó chịu ở dạ dày, và có thể gây rụng tóc. Tuy nhiên phần lớn những tác dụng phụ này sẽ biến mất khi bạn kết thúc hóa trị. Có nhiều phương pháp để loại bỏ hầu hết các tác dụng phụ của hóa trị. Nếu bạn gặp phải tác dụng phụ nào, hãy thông báo với bác sỹ, điều dưỡng chăm sóc để được trợ giúp.

Điều trị đích

Điều trị đích tiêu diệt tế bào ung thư theo một cơ chế khác với hóa trị. Thuốc đích nhắm vào các phần đặc hiệu chỉ có ở các tế bào ung thư do vậy ít tác động tới tế bào bình thường. Thuốc đích có thể dùng độc lập hoặc phối hợp với hóa trị để tăng hiệu quả của hóa trị.

Thử nghiệm lâm sàng

Thử nghiệm lâm sàng là nghiên cứu nhằm kiểm tra một loại thuốc mới hoặc phương pháp điều trị mới trên người. Mục đích nhằm so sánh điều trị được coi là “tiêu chuẩn” ở hiện tại với các phương pháp điều trị mới có thể tốt hơn. Nếu bác sỹ điều trị của bạn thấy có một nghiên cứu đang tiến hành trên loại ung thư bạn đang mắc, bạn có thể cân nhắc việc tham gia. Bạn có thể ngừng tham gia bất kỳ lúc nào, ngay cả khi bạn đã lựa chọn tham gia một thử nghiệm lâm sàng.

Về những phương pháp điều trị khác mà tôi nghe nói tới?

Khi bạn mắc ung thư, bạn có thể nghe nói về những phương pháp khác để điều trị ung thư hoặc các triệu chứng mà bạn đang gặp phải. Những phương pháp này không phải lúc nào cũng là điều trị y học chính thống. Những phương pháp này có thể là sử dụng vitamin, thảo dược, một chế độ ăn đặc biệt và những thứ khác. Một số phương pháp có thể hữu ích, nhưng một số có thể chưa được kiểm chứng. Một số đã được chứng minh là không mang lại lợi ích gì, thậm chí được phát hiện là có thể gây hại. Hãy trao đổi với bác sỹ nếu bạn định sử dụng bất kỳ phương pháp nào, dù là vitamin, thảo dược, chế độ ăn hay bất cứ thứ gì khác.

Điều gì sẽ xảy ra sau khi điều trị?

Trong nhiều năm sau khi điều trị kết thúc, bạn vẫn sẽ gặp bác sỹ điều trị ung thư của mình qua các lần tái khám. Hãy chắc chắn bạn sẽ đi tái khám đầy đủ. Thời gian đầu, bạn sẽ cần tái khám vài tháng một lần. Sau đó, thời gian giữa các lần tái khám sẽ dài hơn. Việc khám bệnh, xét nghiệm máu, hoặc xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh (như chụp cộng hưởng từ, chụp cắt lớp vi tính) có thể được thực hiện để đánh giá ung thư tái phát hoặc tác dụng phụ của điều trị. Bác sỹ sẽ thông báo cho bạn những xét nghiệm nào cần thực hiện và thực hiện sau bao lâu dựa trên giai đoạn bệnh ban đầu và phương pháp điều trị đã thực hiện trước đó.

Nguồn: Hiệp hội Ung thư Hoa kỳ www.cancer.org

Đường dẫn: https://www.cancer.org/cancer/nasopharyngeal-cancer/if-you-have-nasopharyngeal-cancer.html

Biên dịch: ThS.BS. Lê Công Định - Khoa Nội Tiêu hóa Theo yêu cầu

Hiệu đính: ThS.BS. Nguyễn Thanh Hằng – Phòng HTQT và NCKH

Share: