Slogan

TRỊ LIỆU MÚA/CHUYỂN ĐỘNG: TIẾP CẬN NHỮNG CẢM XÚC KHÔNG LỜI

Bài viết của Tiến sĩ Tortora - Nhà trị liệu múa/chuyển động được chứng nhận và cấp phép tại Dịch vụ Y học Tích hợp, Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering cũng có cơ sở thực hành trị liệu múa/chuyển động riêng ở Thành phố New York và khu vực Hudson River Valley  của New York.

Trị liệu múa/chuyển động là một phương pháp điều trị bổ sung đang được khám phá để kiểm soát triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ung thư, đặc biệt là bệnh nhi. Việc thể hiện bản thân cũng như sự sáng tạo và kết nối giữa các cá nhân của trị liệu múa/chuyển động có thể giúp bệnh nhân tiếp cận với những cảm xúc sâu kín nhất của họ. Điều này có thể giúp họ trong việc thích nghi và kiểm soát triệu chứng. Trong bài viết này, Tiến sĩ Tortora mô tả trị liệu múa/chuyển động và tóm tắt bằng chứng lâm sàng về tác động của nó đối với các triệu chứng thực thể và tâm lý xã hội của bệnh nhân ung thư.

https://www.evidentlycochrane.net/breathe-dance-for-strength-balance-offering-choice-delivering-benefits/

ỨNG DỤNG trị liệu múa/chuyển động như một hình thức y học tích hợp đang ngày càng được quan tâm để hỗ trợ bệnh nhân ung thư .1-5  Tuy nhiên, một câu hỏi thường gặp mà các nhà trị liệu múa/chuyển động được hỏi khi giới thiệu liệu pháp này là “Làm thế nào một bệnh nhân đang trong quá trình điều trị ung thư có thể múa được?”

Việc bệnh nhân ung thư, người chăm sóc và các thành viên trong gia đình họ hiểu rõ hơn về sự hỗ trợ tâm – sinh – xã hội mà trị liệu múa/chuyển động mang lại sẽ cho phép phương pháp điều trị khả thi này được sử dụng rộng rãi hơn.

Trị liệu múa/chuyển động là gì?

Trị liệu MÚA/CHUYỂN ĐỘNG hay còn gọi là liệu pháp tâm lý chuyển động khiêu ở Châu Âu, là sự kết hợp giữa liệu pháp tâm lý với yếu tố bộc lộ bản thân và kết nối của múa, tạo ra sự gắn kết cảm xúc giữa cơ thể và tâm trí, cho phép người tham gia chia sẻ những cảm xúc khó diễn đạt bằng lời nói.

Liệu pháp múa/chuyển động được Hiệp hội Múa trị liệu Hoa Kỳ định nghĩa là “việc sử dụng chuyển động như một cách trị liệu tâm lý để thúc đẩy sự hòa hợp về cảm xúc, xã hội, nhận thức và thể chất của cá nhân nhằm mục đích cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần”. Trị liệu múa/chuyển động trong môi trường y tế cung cấp hỗ trợ tâm lý xã hội trong quá trình điều trị thường quy và tiêu chuẩn.3

Mặc dù múa được coi là hình thức trị liệu và có thể được kết hợp vào các buổi học nhưng trị liệu múa/chuyển động bao gồm nhiều hoạt động khác nhau như chuyển động, hình dung theo hướng dẫn, chánh niệm, cũng như cảm nhận về cơ thể và hơi thở. Qua đó tạo ra một không gian mời gọi đầy cảm xúc để hỗ trợ việc thể hiện bản thân.

Các buổi học được tổ chức cho cá nhân hoặc nhóm (có thể bao gồm gia đình và bạn bè) và có thể kết hợp cả chuyển động và diễn đạt bằng lời nói.

https://adta.memberclicks.net/what-is-dancemovement-therapy

Giải tỏa cảm xúc trong quá trình điều trị ung thư là rất quan trọng vì ung thư là một bệnhphức tạp gây ảnh hưởng sâu sắc cho bệnh nhân và tất cả những người thân của họcũng gây ra những phản ứng cảm xúc có thể là cực đoan và không dễ dàng diễn đạt bằng lời nói 3,7 .

Mục đích của trị liệu múa/chuyển động trong điều trị ung thư bao gồm cải thiện chất lượng cuộc sống, làm giảm sự mệt mỏi về thể chất và tinh thần, kiểm soát đau, tăng khả năng thể hiện bản thân liên quan đến những đau khổ không thể giải tỏa, sự lo âu, sợ hãi, trầm cảm và cảm giác bị cô lập; nâng cao lòng tự trọng và tăng cường sự kết nối của bệnh nhân với những năng lực của bản thân thông qua trí tưởng tượng và sự ước lệ.1,4,8

Tại sao lại là Múa?

Các khía cạnh của múa như tính đa chiều, tự thể hiện, sáng tạo và kết nối giữa các cá nhân cho phép bệnh nhân ung thư tiếp cận với cảm xúc của chính mình và xây dựng ý thức về năng lực của bản thân cũng như hỗ trợ họ trong việc thích nghi và quản lý các triệu chứng . “Múa trị liệu mang đến một cách tiếp cận đa dạng hơn và bớt đơn điệu hơn so với các bài tập thể dục thông thường.

Múa trị liệu tập trung mạnh mẽ hơn vào thực thể của cơ thể và tâm hồn, hỗ trợ sự phối hợp, sáng tạo và kích hoạt các nguồn lực như ổn định cảm xúc, bên cạnh việc xây dựng và duy trì kết nối xã hội để có thể phát triển thành một nhóm hỗ trợ và mang lại những trải nghiệm cùng có lợi cho mọi người. 9

Bằng chứng khoa học

NGHIÊN CỨU LÂM SÀNG liên quan đến trị liệu múa/chuyển động còn hạn chế. Trong một nghiên cứu duy nhất ở các trường hợp bệnh nhi bao gồm 16 trẻ bị u não được nhận hóa trị, các buổi trị liệu nghệ thuật sáng tạo cá nhân sử dụng trị liệu múa/chuyển động, âm nhạc và nghệ thuật được so sánh với việc nhận được sự chăm sóc từ một tình nguyện viên. Sự cải thiện đáng kể ở nhóm nhận liệu pháp múa/chuyển động được ghi nhận trong báo cáo của cha mẹ về triệu chứng đau, buồn nôn, cải thiện tâm trạng, hưng phấn, cảm thấy hạnh phúc và ít lo lắng hơn.8

Trị liệu múa/chuyển động cũng được đánh giá ở nhóm bệnh nhân ung thư vú. Trong một nghiên cứu ngẫu nhiên trên 139 bệnh nhân đang xạ trị, trị liệu múa/chuyển động (liệu trình sáu buổi kéo dài 1,5 giờ, hai lần một tuần trong 3 tuần) đã được báo cáo là có ảnh hưởng lớn đến cảm giác căng thẳng, mức độ nghiêm trọng và ảnh hưởng của cơn đau khi so sánh với với nhóm đối chứng.10 

Trong một nghiên cứu theo dõi, 104 bệnh nhân được nhận trị liệu múa/chuyển động trong quá trình xạ trị. Nhóm bệnh nhân này được hưởng lợi nhiều hơn những bệnh nhân được nhận trị liệu múa/chuyển động từ 1 đến 2 tháng sau khi kết thúc xạ trị. Bệnh nhân đã ghi nhận sự cải thiện trong kiểm soát triệu chứng và điều trị bệnh, nâng cao sức khỏe và sự tự tin với bản thân và cơ thể cũng như toàn bộ hoạt động cơ thể, giúp bệnh nhân quay trở lại với cuộc sống thường ngày và tham gia vào các trải nghiệm tích cực. 11

Cho đến nay, các đánh giá mang tính hệ thống1,2  và phân tích tổng hợp đã kết luận rằng trị liệu múa/chuyển động và các hoạt động cụ thể của trị liệu múa/chuyển động đã được đón nhận nồng nhiệt, không ghi nhận các tác dụng không mong muốn và tỷ lệ bỏ dở liệu trình thấp.

Các đánh giá định tính trong các nghiên cứu độc lập bao gồm phân tích dữ liệu đời thường từ các cuộc phỏng vấn theo chủ đề, chứng minh tính hiệu quả của trị liệu múa/chuyển động và cảm nhận của bệnh nhân về lợi ích đối với chất lượng cuộc sống bao gồm cải thiện tâm trạng, giảm trầm cảm và lo âu. 2,4,8-13

Tuy nhiên, số lượng nghiên cứu hạn chế, cỡ mẫu nhỏ cũng như sự không nhất quán và thiếu chặt chẽ trong thiết kế nghiên cứu đã làm giảm độ tin cậy của các kết luận. Hai hạn chế cụ thể của nghiên cứu trị liệu múa/chuyển động đã được trích dẫn bao gồm: phương pháp lâm sàng ngẫu hứng của trị liệu múa/chuyển động không dễ phù hợp với nghiên cứu định lượng được hệ thống hóa và việc tập trung vào giao tiếp phi ngôn ngữ, cơ thể và hành vi của các phương pháp trị liệu múa/chuyển động không dễ dàng đo lường được thông qua các công cụ đánh giá bằng lời nói.

Khuyến nghị trong tương lai

THEO Sherri Goodill, Tiến sĩ, thuộc Trường Cao đẳng Điều dưỡng và Y tế thuộc Đại học Drexel: “Trong thực tế, phạm vi của những phương pháp được các nhà trị liệu múa và chuyển động sử dụng rất rộng với phương châm lấy người bệnh làm trung tâm. Điều này có nghĩa là hoàn cảnh và sở thích của bệnh nhân sẽ luôn là định hướng chính cho tư duy lâm sàng.2

Nghiên cứu kết hợp định tính và định lượng sẽ chứng minh rõ nhất hiệu quả của lĩnh vực đang phát triển này để trở thành sự bổ sung khả thi cho các dịch vụ y học tích hợp.5  Sự tăng cường cảm giác tự chủ đạt được thông qua các hoạt động thể hiện bản thân của trị liệu múa/chuyển động mang đến cho bệnh nhân ung thư khả năng thể hiện những cảm xúc mà họ khó diễn tả bằng lời nói.

Tiếp cận những cảm xúc như vậy sẽ thúc đẩy bộc lộ chúng ra bên ngoài thay vì giữ chúng ở trong suy nghĩ và có thể trở thành những ký ức đau buồn. Nghiên cứu khả năng phòng tránh chấn thương tâm lý của trị liệu múa/chuyển động là điều cần thiết để xác nhận hiệu quả của hình thức này nhằm hỗ trợ cho nhiều bệnh nhân hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bradt J, Shim M, Goodill SW: Dance/movement therapy for improving psychological and physical outcomes in cancer patients. Cochrane Database Syst Rev 1:CD007103, 2015.

2. Goodill SW: Accumulating evidence for dance/movement therapy in cancer care. Front Psychol 9:1778, 2018.

3. Goodill SW: An Introduction to Medical Dance/Movement Therapy: Health Care in Motion. Philadephia, PA; Jessica Kingsley Publishers; 2005.

4. Koch S, Kunz T, Lykou S, et al: Effects of dance movement therapy and dance on health-related psychological outcomes: A meta-analysis. The Arts in Psychotherapy 41:46-64, 2014.

5. Tortora S: Children are born to dance! Pediatric medical dance/movement therapy: The view from integrative pediatric oncology. Children (Basel) 6;E14, 2019.

6. American Dance Therapy Association: What is dance/movement therapy? Available at https://adta.org/2014/11/08/ what-is-dancemovement-therapy/. Accessed February 26, 2019.

7. Cohen SO, Walco GA: Dance/movement therapy for children and adolescents with cancer. Cancer Pract 7:34-42, 1999.

8. Madden JR, Mowry P, Gao D, et al: Creative arts therapy improves quality of life for pediatric brain tumor patients receiving outpatient chemotherapy. J Pediatr Oncol Nurs 27:133-145, 2010.

9. Strum I, Baak J, Storek B, et al: Effect of dance on cancer-related fatigue and quality of life. Support Care Cancer 22:2241-2249, 2014.

10. Ho RT, Fong TC, Cheung IK, et al: Effects of a short-term dance movement therapy program on symptoms and stress in patients with breast cancer undergoing radiotherapy: A randomized, controlled, single-blind trial. J Pain Symptom Manage 51:824-831, 2016.

11. Ho RT, Lo PH, Luk MY: A good time to dance? A mixed-methods approach of the effects of dance movement therapy for breast cancer patients during and after radiotherapy. Cancer Nurs 39:32-41, 2016.

12. Dibbell-Hope S: The use of dance/movement therapy in psychological adaptation to breast cancer. The Arts in Psychotherapy 27:51-68, 2000.

13. Ho RTH: Effects of dance movement therapy on Chinese cancer patients: A pilot study in Hong Kong. The Arts in Psychotherapy 32:337-345, 2005.

 

 

Nguồn: Theo Hiệp hội Ung thư Hoa kỳ, www.ascopost.com

Đường dẫn: https://ascopost.com/issues/april-25-2019/dancemovement-therapy/

Biên dịch: BSNT Trương Thu Hiền – Khoa Nội Tiêu Hóa Theo Yêu Cầu, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội

Hiệu đính: ThS. BS. Nguyễn Thanh Hằng – Phòng HTQT-NCKH

 

 

 

 

 

 

 

 

Share: