Slogan

UNG THƯ VÀ SỨC KHOẺ RĂNG MIỆNG

Theo viện nghiên cứu Răng hàm mặt quốc gia Mỹ, hơn một phần ba bệnh nhân ung thư tiến triển có các biến chứng ảnh hưởng tới răng miệng. Các tác dụng phụ từ nhẹ tới nặng này có thể bao gồm loét miệng, nhiễm trùng, khô miệng, lợi dễ nhạy cảm và đau hàm. Sức khoẻ răng miệng là một phần quan trọng của sức khoẻ tổng thể, vì vậy hãy để nha sĩ đồng hành trong quá trình điều trị bệnh của bạn.

Ung thư ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng như thế nào?

Ung thư và các phương pháp điều trị như hoá trị có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch. Nếu khoang miệng không khoẻ mạnh trước khi điều trị ung thư, người bệnh có thể dễ bị nhiễm trùng hơn. Nhiễm trùng nghiêm trọng có thể làm trì hoãn quá trình điều trị ung thư.
Ngoài ra, phương pháp xạ trị, đặc biệt là ở vùng đầu và cổ, có thể làm tổn thương các tuyến nước bọt gây đặc, quánh nước bọt và khô miệng. Khô miệng có thể làm tăng khả năng bị sâu răng và nhiễm trùng.

Duy trì sức khoẻ răng miệng tốt nhất trước, trong và sau khi điều trị bệnh ung thư có thể giúp giảm bớt một số tác dụng phụ, và cho phép người bệnh tập trung vào quá trình điều trị và hồi phục:

Chăm sóc răng miệng trước khi điều trị ung thư

Nếu có vấn đề về sức khỏe răng miệng trước khi điều trị ung thư, người bệnh có thể dễ bị nhiễm trùng hơn. Nhiễm trùng nghiêm trọng thể trì hoãn việc điều trị ung thư. Dưới đây là một số lời khuyên về sức khoẻ răng miệng cần cân nhắc trước khi điều trị ung thư:

 

Đi khám nha khoa

Nha sĩ có thể đánh giá sức khoẻ răng miệng và thảo luận về những lựa chọn điều trị mà người bệnh nên cân nhắc sử dụng trước khi bắt đầu điều trị ung thư. Điều trị các vấn đề răng miệng có thể làm giảm các tác dụng phụ về răng miệng xảy ra khi hoá trị và xạ trị. Một số lựa chọn điều trị có thể bao gồm phương pháp điều trị bằng fluor để ngăn ngừa sâu răng, trám các lỗ sâu hiện có, điều trị bệnh về nướu, loại bỏ răng bị nhiễm trùng, phục hồi mão răng (chụp răng) hoặc làm cầu răng để đảm bảo người bệnh có thể nhai thức ăn.

Chải răng thường xuyên

Chải răng 2 lần một ngày với kem đánh răng có flour. Bạn có thể ngâm bàn chải đánh răng vào nước ấm để làm cho bàn chải mềm hơn và đừng quên chải lưỡi!

Sử dụng chỉ nha khoa

Dùng chỉ nha khoa làm sạch răng một lần mỗi ngày. Điều này giúp loại bỏ mảng bám giữa các răng. Nếu nướu của bị đau hoặc chảy máu, hãy nhẹ nhàng và tránh những khu vực đó, nhưng hãy dùng chỉ nha khoa vào giữa các răng còn lại.

Không hút thuốc lá

Các sản phẩm thuốc lá gây ảnh hưởng xấu đến cơ thể - đặc biệt là sức khoẻ răng miệng. Ngừng hút thuốc có thể giúp cơ thể nhanh hồi phục hơn.

Ăn thực phẩm bổ dưỡng

Ăn các thực phẩm lành mạnh, giàu vitamin và chất dinh dưỡng có thể giúp tăng cường hệ thống miễn dịch. Nhu cầu dinh dưỡng và năng lượng của mỗi cá nhân phụ thuộc vào độ tuổi, giới tính, mức độ hoạt động thể chất và các yếu tố sức khoẻ khác. Theo MyPlate, một trang web từ Trung tâm Xúc tiến và Chính sách dinh dưỡng, một cơ quan thuộc Bộ nông nghiệp Hoa kỳ, một chế độ ăn uống lành mạnh nên bao gồm: trái cây, rau xanh, ngũ cốc, sữa ít béo hoặc không có chất béo và protein từ thịt bò nạc, thịt da cầm bỏ da và cá. Ăn thêm các thực phẩm giàu protein khác như trứng, các loại quả và hạt đậu …và nên ăn ít nhất 250g hải sản mỗi tuần.

Súc miệng thường xuyên

Điều này sẽ giúp làm sạch thức ăn và các mảnh vụn bám trên răng và nướu. Tránh dùng nước súc miệng có cồn. Súc miệng thường xuyên, cùng với đánh răng và dùng chỉ nha khoa có thể giúp giảm nguy cơ sâu răng và nhiễm trùng. Sau khi nôn, súc miệng cũng giúp làm giảm các axit trong khoang miệng và không làm hỏng men răng . Nên hạn chế ăn trái cây họ cam quýt hoặc các loại thực phẩm có tính axit cao (vị chua) khác.

Các dung dịch súc miệng được Viện Y tế quốc gia Hoa kỳ đề xuất:

  • Một thìa cà phê muối hoà tan vào 4 cốc nước
  • Một thìa cà phê baking soda hoà tan vào 1 cốc nước
  • Một nửa thìa cà phê muối và 2 thìa baking soda hoà tan vào 4 cốc nước.

Chăm sóc răng miệng trong quá trình điều trị ung thư

Trong quá trình điều trị ung thư, người bệnh có thể gặp các tác dụng phụ từ nhẹ đến nặng. Người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sỹ ung thư  trước khi đi khám nha khoa, đặc biệt nếu có đặt buồng tiêm để đưa thuốc và dịch dinh dưỡng vào cơ thể. Điều này rất quan trọng vì khi bệnh nhân dùng buồng tiêm, họ có thể được dùng thuốc chống đông máu. Điều này có thể làm tăng chảy máu trong các thủ thuật nha khoa và tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Chăm sóc răng miệng sau khi hoàn thành điều trị ung thư

Sau khi điều trị ung thư, người bệnh có thể gặp một số vấn đề về răng miệng hoặc chỉ đơn giản cần đi khám sức khoẻ răng miệng định kỳ. Để có sức khoẻ tốt nhất, đừng quên chăm sóc răng miệng. Khoang miệng là cửa ngõ dẫn đến phần còn lại của cơ thể. Sau khi quá trình điều trị ung thư hoàn tất người bệnh vẫn cần chăm sóc răng miệng kỹ càng, đi khám nha khoa, làm sạch răng thường xuyên, tránh xa thuốc lá và sử dụng các sản phẩm bổ dưỡng để có một hàm răng khỏe mạnh.

Nguồn: Hiệp hội Nha khoa Hoa kỳ  www.mouthhealthy.org

Đường dẫn: https://www.mouthhealthy.org/en/az-topics/c/cancer-dental-health

Biên dịch: Điều dưỡng Nguyễn Thị Thanh Thủy – Khoa Nội Vú - Phụ khoa - Đầu cổ Theo yêu cầu, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội

Hiệu đính: Ths.Bs. Nguyễn Thanh Hằng – Phòng HTQT-NCKH

Share: