Đậu nành là gì?
Đậu nành là một loại protein tự nhiên được tìm thấy trong các loại quả và hạt đậu như đậu tương hay đậu nành Nhật Bản. Bạn cũng có thể tìm thấy đậu nành trong đậu phụ, sữa đậu nành, xì dầu, tương miso (Nhật Bản), tương tempeh (Indonesia) và một số loại thực phẩm khác.
Đậu nành có chứa các hợp chất hóa học tương tự estrogen được gọi là các isoflavon. Các isoflavon này còn được gọi là phytoestrogen (estrogen thực vật) bởi chúng có nguồn gốc từ thực vật. Chính vì sự tương đồng với estrogen mà nhiều người ngộ nhận rằng ăn đậu nành làm tăng nguy cơ ung thư vú. Cơ thể người chúng ta có một loại estrogen khác. Estrogen là một chất nội tiết có tác động tới một số chức năng trong cơ thể như sự phát dục, thai kỳ, sinh nở cũng như mãn kinh. Đặc biệt ở phụ nữ, nồng độ estrogen cao hơn giúp điều hòa hệ sinh sản và các hệ thống cơ quan khác trong cơ thể.
Ăn đậu nành có làm tăng nguy cơ ung thư vú không?
Đậu phụ - một món ăn từ đậu nành quen thuộc với người Việt (Nguồn ảnh: Internet)
Một số loại ung thư, chẳng hạn như ung thư vú có thụ thể nội tiết dương tính, sử dụng estrogen người để phát triển và di căn. Chính vì vậy, một số người có thể lo lắng rằng ăn estrogen thực vật cũng có thể làm tăng nồng độ estrogen trong cơ thể từ đó gây ung thư vú.
Tuy nhiên, không có nghiên cứu nào trên người chỉ ra mối liên quan giữa ăn đậu nành và bệnh ung thư vú. Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã cho thấy isoflavon thúc đẩy sự phát triển của các tế bào ung thư và kích thước các khối u vú trên chuột cống. Tuy nhiên, các nghiên cứu này chưa được tiến hành trên người và không thể dựa vào kết quả các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm để đưa ra lời khuyên về chế độ ăn trên người. Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra quá trình chuyển hóa đậu nành ở chuột khác với ở người.
Một số nghiên cứu gợi ý đậu nành có thể giúp bảo vệ chống lại sự phát triển của ung thư vú, tuy nhiên vẫn cần nhiều bằng chứng hơn để khẳng định điều này. Chẳng hạn, một nghiên cứu phân tích meta năm 2014 tổng hợp nhiều nghiên cứu trên báo PLOT ONE cho thấy đậu nành có tác dụng bảo vệ nhẹ chống lại ung thư vú trên đối tượng phụ nữ đã mãn kinh ở các nước phương tây. Trong khi đó, 2 nghiên cứu độc lập khác năm 2009 cũng kết luận đậu nành giúp bảo vệ khỏi sự phát triển ung thư vú. Trong một nghiên cứu xuất bản trên tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (Journal of the American Medical Association (JAMA)) trên 5000 bệnh nhân ung thư vú đã điều trị ổn định, thuộc một phần của Nghiên cứu sống còn ung thư vú Thượng Hải, chỉ ra những người ăn đậu nành có nguy cơ tử vong và tái phát thấp hơn. Thêm vào đó, một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Hoa Kỳ (American Journal of Clinical Nutrition) trên 73000 phụ nữ Trung Quốc thuộc Nghiên cứu sức khỏe phụ nữ Thượng Hải, báo cáo những người phụ nữ có chế độ ăn giàu đậu nành trong thời niên thiếu và sau khi trưởng thành có nguy cơ ung thư vú thấp hơn một cách đáng kể.
Như vậy, liệu sử dụng các sản phẩm bổ sung (thực phẩm chức năng) chứa đậu nành có thể giúp giảm nguy cơ ung thư hoặc nguy cơ tái phát không? Câu trả lời là không hẳn, theo một nguyên cứu trên tạp chí JAMA năm 2013. Nghiên cứu này chỉ ra trên đối tượng bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt có nguy cơ tái phát cao, việc sử dụng 20 gam đậu nành bổ sung hòa tan trong thức uống hàng ngày không trì hoãn hoặc giảm nguy cơ tái phát. Các tác giả cũng ghi nhận rằng việc bổ sung đậu nành có vẻ an toàn và không mang lại nhiều tác dụng không mong muốn cho bệnh nhân.
Bạn nên ăn loại đậu nành nào và với lượng như thế nào?
Tốt nhất nên ăn đậu nành với lượng vừa phải cùng với nhiều loại rau quả và ngũ cốc nguyên hạt. Bạn có thể tìm kiếm các thực phẩm có chứa đậu nành có nguồn gốc tự nhiên như đậu nành Nhật Bản, sữa đậu nành và đậu phụ. Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến cáo ăn 25 gam đậu nành mỗi ngày mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, chẳng hạn như giảm nguy cơ các bệnh lý tim mạch.
Bạn cũng có thể từng nghe về bột protein đậu nành, có thể được thêm vào các loại đồ uống hoặc các loại bánh nhằm làm tăng hàm lượng protein. Hãy đọc nhãn dinh dưỡng trên sản phẩm để biết tổng lượng đậu nành có trong mỗi lần sử dụng để đảm bảo lượng đậu bạn tiêu thụ trong ngày nằm trong giới hạn khuyến cáo 25 gam. Bạn cũng nên đọc tìm trên nhãn để lựa chọn những sản phẩm có hàm lượng Natri thấp, ít đường và các thành phần bổ sung khác.
Cần đọc kỹ nhãn hàm lượng để đảm bảo lựa chọn sản phẩm bổ sung có hàm lượng đậu nành phù hợp với khuyến cáo (Nguồn ảnh: Internet)
Thêm vào đó, các sản phẩm bổ sung isoflavon cũng được quảng bá và có sẵn tại nhiều cửa hàng và trên mạng. Tuy nhiên, khi mua các sản phẩm này, bạn cần nhớ phải trao đổi với bác sĩ trước khi bắt đầu sử dụng một sản phẩm mới. Các sản phẩm bổ sung đậu nành có chứa hàm lượng đậu nành cao hơn so với hàm lượng đậu nành trong chế độ ăn truyền thống của người châu Á, và nhìn chung cũng cao hơn so với chế độ ăn của người Mỹ và châu Âu. Chúng ta vẫn cần thêm bằng chứng từ các nghiên cứu trong tương lai về các sản phẩm bổ sung chứa isoflavon cũng như hàm lượng khuyến cáo hàng ngày dành cho người mắc hoặc không mắc ung thư. Hãy hỏi bác sĩ về nguy cơ và lợi ích nếu bạn đang cân nhắc sử dụng isoflavon hay các loại thực phẩm bổ sung khác.
Nguồn: Trang thông tin dành cho bệnh nhân của Hiệp hội ung thư lâm sàng Hoa Kỳ (ASCO) - https://www.cancer.net
Đường dẫn: https://www.cancer.net/blog/2021-10/can-eating-soy-cause-breast-cancer
Biên dịch: DS. Chu Hà My - Khoa Dược, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội
Hiệu đính: ThS. BS. Nguyễn Thanh Hằng - Phòng Hợp tác quốc tế và Nghiên cứu khoa học, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội