Xạ trị cần thời gian để phát huy tác dụng. Phải cần vài ngày đến vài tuần điều trị các tế bào ung thư mới bắt đầu chết đi. Quá trình chết đi của tế bào ung thư vẫn tiếp diễn trong vài tuần hoặc vài tháng sau khi kết thúc liệu trình xạ trị. Bạn có thể được chỉ định xạ trị đơn thuần, hoặc xạ trị phối hợp trước, trong hoặc sau phẫu thuật hay hóa trị.
Xạ trị ngoài là phương pháp xạ trị trong đó sử dụng máy chiếu các tia bức xạ trực tiếp vào khối u. Các tia xạ này sẽ đi xuyên qua cơ thể và phá hủy tế bào ung thư trên đường đi. Bạn sẽ không nhìn thấy hoặc cảm nhận được các tia bức xạ này.
1.Trước khi xạ trị
Mục này giải thích những điều bạn và nhóm xạ trị sẽ thực hiện trước khi bắt đầu điều trị.
1.1.Mô phỏng
Trước khi bắt đầu quá trình xạ trị, bạn sẽ trải qua một quy trình lập kế hoạch điều trị gọi là mô phỏng. Quá trình này không bao gồm việc chiếu tia xạ.
Trong quá trình mô phỏng, bác sĩ xạ trị sẽ chụp các hình ảnh quét cơ thể bạn. Họ có thể đánh dấu những nốt xăm nhỏ trên da của bạn. Họ cũng có thể tạo khuôn cho vùng điều trị (phần cơ thể cần xạ trị). Những bước này giúp nhóm điều trị:
· Xác định vùng điều trị
· Đảm bảo bạn nhận được đúng liều xạ.
· Hạn chế liều xạ tới các mô lân cận khối u.
1.1.1.Chuẩn bị
Bạn có thể cần tiến hành một số bước chuẩn bị đặc biệt cho quá trình mô phỏng. Điều này phụ thuộc vào vùng cơ thể cần xạ trị. Một nhân viên y tế sẽ trao đổi cụ thể với bạn và bạn cần tuân thủ các chỉ dẫn. Trường hợp không cần chuẩn bị, bạn có thể ăn uống như bình thường trước buổi mô phỏng.
1.1.2.Thuốc giảm đau
Trong quá trình mô phỏng, bạn sẽ nằm cố định không di chuyển trong một giờ hoặc lâu hơn. Thời gian chính xác phụ thuộc vào kế hoạch xạ trị của bạn.
Hãy trao đổi với bác sĩ hoặc kỹ thuật viên nếu bạn thấy không thoải mái với việc nằm cố định. Bạn cũng có thể sử dụng thuốc giảm đau của mình 1 giờ trước buổi hẹn.
1.1.3.Trang phục
Hãy mặc trang phục thoải mái và dễ dàng cởi ra. Bạn cũng có thể cần thay áo choàng của bệnh viện cho quá trình mô phỏng.
Không đeo trang sức cũng như sử dụng các sản phẩm chăm sóc da, mỹ phẩm, trừ khi có sự đồng ý của bác sĩ.
1.1.4.Tháo các thiết bị trên da của bạn
Bạn có thể đang đeo một số thiết bị trên da. Trước quá trình mô phỏng hoặc xạ trị, nhà sản xuất khuyến nghị bạn nên tháo:
· Máy theo dõi đường huyết liên tục (CGM)
· Bơm insulin
Nếu bạn sử dụng một trong số các thiết bị này, hãy hỏi bác sĩ xạ trị của bạn xem có cần phải tháo ra không. Trường hợp cần, hãy mang thêm 1 thiết bị để đeo vào sau khi quá trình mô phỏng hoặc xạ trị kết thúc.
Bạn có thể cảm thấy không yên tâm về việc quản lý đường huyết trong thời gian tháo các thiết bị. Trong trường hợp này, trước buổi hẹn, hãy trao đổi với bác sĩ chăm sóc bệnh đái tháo đường của mình.
1.1.5.Khi đến bệnh viện
Khi bạn đến buổi hẹn, một nhân viên trong nhóm xạ trị sẽ tiếp đón bạn. Họ sẽ đeo cho bạn một vòng tay nhận diện có ghi tên và ngày tháng năm sinh của bạn. Trong suốt buổi hẹn, nhiều nhân viên y tế sẽ kiểm tra vòng tay nhận diện này và đề nghị bạn nói cũng như đánh vần tên và ngày tháng năm sinh. Việc này nhằm đảm bảo an toàn cho bạn vì có thể có những bệnh nhân khác có tên giống hoặc gần giống với bạn cùng đến điều trị trong ngày hôm đó.
Các kỹ thuật viên xạ trị cũng sẽ giải thích cho bạn biết những gì sẽ diễn ra trong buổi mô phỏng. Nếu bạn chưa ký mẫu đơn đồng thuận, họ sẽ trao đổi với bạn về nội dung trong đơn. Họ sẽ trả lời mọi thắc mắc của bạn và đề nghị bạn ký tên xác nhận.
1.1.6.Trong quá trình mô phỏng
Bạn có thể cần thay sang trang phục bệnh viện trong buổi mô phỏng. Nếu cần, môt nhân viên y tế sẽ đưa bạn đến phòng thay đồ. Hãy giữ nguyên giày khi thay đồ. Nếu bạn cần hỗ trợ, hãy báo với nhân viên y tế để được giúp đỡ.
Nếu bạn đang đội khăn, mũ, tóc giả hoặc các vật dụng che đầu khác, bạn có thể cần tháo ra.
Khi bạn đã sẵn sàng, các kỹ thuật viên xạ trị sẽ đưa bạn tới phòng mô phỏng. Họ sẽ hướng dẫn bạn nằm lên một bàn mô phỏng. Bàn được phủ một tấm ga, nhưng bề mặt cứng và không có gối. Hãy trao đổi với nhân viên y tế nếu bạn chưa uống thuốc giảm đau và bạn nghĩ bạn cần uống trước khi quá trình mô phỏng bắt đầu.
Trong suốt quá trình mô phỏng, bạn sẽ cảm nhận bàn nằm di chuyển đến nhiều vị trí khác nhau. Các nhân viên y tế sẽ luân phiên bật và tắt đèn trong phòng. Bạn sẽ thấy các tia laser đỏ hoặc xanh chiếu trên tường. Các kỹ thuật viên sử dụng các tia laser này để canh chỉnh tư thế của bạn trên bàn. Không nhìn thẳng vào tia laser vì chúng có thể gây hại cho mắt.
Các kỹ thuật viên sẽ ra vào phòng trong quá trình mô phỏng. Tuy nhiên sẽ luôn có người theo dõi và có thể lắng nghe bạn trong suốt thời gian đó. Bạn sẽ nghe thấy họ trao đổi với nhau trong lúc làm việc. Họ cũng sẽ giải thích cho bạn biết từng bước họ đang thực hiện.
Phòng mô phỏng thường có nhiệt độ mát. Nếu bạn cảm thấy không thoải mái, hãy báo với các kỹ thuật viên. Họ sẽ cố gắng hết sức để đảm bảo bạn cảm thấy dễ chịu và có sự riêng tư.
1.1.7.Cố định
Tư thế chính xác của bạn phụ thuộc vào vùng cơ thể cần điều trị. Bạn có thể được yêu cầu nằm sấp hoặc nằm ngửa. Hai cánh tay có thể cần được đưa lên trên đầu hoặc đặt xuôi hai bên thân.
Một khi quá trình mô phỏng bắt đầu, bạn không được cử động. Việc giữ nguyên tư thế là rất quan trọng. Nếu bạn cảm thấy không thoải mái hoặc cần hỗ trợ, hãy báo với các kỹ thuật viên xạ trị.
Các kỹ thuật viên có thể cần tạo một khuôn cho vùng cơ thể cần điều trị của bạn. Trong trường hợp đó, bạn sẽ sử dụng khuôn này trong suốt buổi mô phỏng và tất cả các buổi xạ trị sau đó. Khuôn này sẽ giúp đảm bảo bạn luôn nằm trong một tư thế giống nhau trong tất cả các buổi điều trị của mình.
Việc tạo khuôn thường mất khoảng 15 phút. Các kỹ thuật viên sẽ hướng dẫn bạn từng bước trong quá trình này.
1.1.8.Chụp mô phỏng
Trong khi bạn nằm trong tư thế đúng, các kỹ thuật viên sẽ tiến hành chụp hình ảnh vùng cần điều trị. Họ có thể sử dụng một máy chụp X quang chuyên dụng gọi là máy mô phỏng hoặc máy chụp cắt lớp vi tính (CT scanner) (xem Hình 1).
Hình 1. Một ví dụ về máy chụp cắt lớp vi tính (CT)
Nhóm điều trị sẽ chỉ sử dụng các hình ảnh này để lập bản đồ vùng cần xạ trị. Những hình ảnh này sẽ không được dùng để chẩn đoán hay phát hiện khối u. Nếu bạn cần thực hiện các chỉ định chụp chiếu khác, điều dưỡng xạ trị sẽ trao đổi cụ thể với bạn.
Thời gian chụp mô phỏng kéo dài khoảng 45 phút. Trong quá trình chụp bạn sẽ nghe thấy máy bật và tắt. Mặc dù tiếng ồn có thể lớn, các kỹ thuật viên xạ trị vẫn có thể nghe thấy tiếng bạn. Nếu cần hỗ trợ, bạn hoàn toàn có thể lên tiếng nói chuyện với họ.
1.2.Đánh dấu trên da (các nốt xăm)
Các kỹ thuật viên sẽ sử dụng bút đánh dấu đầu nỉ để đánh dấu vùng điều trị trên da bạn. Bạn cũng có thể được đánh dấu bằng các nốt xăm. Trong trường hợp này, các kỹ thuật viên xạ trị sẽ sử dụng một cây kim vô trùng (sạch) và một giọt mực để tạo các nốt xăm này. Mỗi nốt sẽ chỉ gây cảm giác như một vết châm kim nhẹ. Các nốt xăm sẽ không lớn hơn đầu của một cây kim.
Sau khi đã đánh dấu bằng các nốt xăm, các nhân viên y tế sẽ chụp ảnh bạn trong tư thế điều trị. Họ sẽ sử dụng các bức ảnh này cùng với các nốt xăm để đảm bảo bạn luôn ở đúng tư thế trong các buổi xạ trị.
Các vết đánh dấu bằng bút có thể được lau sạch sau buổi mô phỏng. Các nốt xăm là vĩnh viễn và không thể xóa được. Nếu bạn lo ngại về việc xăm da trong quá trình xạ trị, hãy trao đổi với bác sĩ.
1.3.Lên kế hoạch điều trị
Bạn sẽ được lên lịch cho các buổi xạ trị tiếp theo trong ngày mô phỏng. Một số bệnh nhân chỉ cần xạ trị trong 1 ngày trong khi những người khác cần điều trị trong một vài tuần.
Bạn cần phải đến đầy đủ tất cả các buổi xạ trị. Xạ trị có thể không có tác dụng nếu bạn bỏ lỡ hoặc không đến đủ các buổi điều trị. Nếu bất kỳ lý do gì bạn không thể đến một buổi điều trị, hãy gọi bác sĩ xạ trị của bạn. Nếu cần thay đổi lịch điều trị, hãy trao đổi với các kỹ thuật viên xạ trị.
1.3.1.Lên kế hoạch xạ trị
Giữa buổi mô phỏng và buổi xạ trị đầu tiên, bác sĩ sẽ lên kế hoạch xạ trị cho bạn. Họ sẽ sử dụng các hình ảnh chụp trong buổi mô phỏng để xác định góc chiếu và hình dạng của các chùm tia xạ. Bác sĩ sẽ phối hợp với các thành viên khác trong nhóm điều trị để xây dựng và kiểm tra cẩn thận từng chi tiết trong kế hoạch. Giai đoạn này thường mất từ 5 ngày đến 2 tuần.
1.3.2.Quy trình chuẩn bị
Trước buổi xạ trị đầu tiên bạn sẽ trải qua một quy trình chuẩn bị. Quy trình này có thể diễn ra trong cùng ngày với buổi điều trị đầu tiên hoặc 1-2 ngày trước đó, tùy thuộc vào kế hoạch điều trị của bạn.
Quy trình chuẩn bị này thường kéo dài khoảng 1 giờ. Nếu bạn cần uống thuốc giảm đau trong buổi mô phỏng và cảm thấy có hiệu quả, bạn cũng có thể dùng thuốc đó trước quy trình chuẩn bị này.
Khi bạn đến bệnh viện, một nhân viên y tế sẽ đưa bạn đến phòng thay đồ. Họ sẽ đề nghị bạn thay trang phục bệnh viện và bạn vẫn sẽ mang giày của mình. Nếu bạn đội mũ hay khăn che đầu, bạn có thể cần cởi ra.
Sau khi thay đồ, các kỹ thuật viên xạ trị sẽ đưa bạn đến phòng điều trị. Họ sẽ giúp bạn nằm lên bàn điều trị. Bạn sẽ ở trong tư thế giống như trong buổi mô phỏng.
Các kỹ thuật viên xạ trị sẽ chụp một loại X quang đặc biệt để đảm bảo tư thế của bạn và vùng điều trị chính xác. Các hình ảnh X quang này được gọi là phim chụp chùm tia (beam films). Các kỹ thuật viên xạ trị sẽ chụp các hình ảnh X quang này trong suốt quá trình điều trị. Các hình ảnh này không được sử dụng để đánh giá đáp ứng của khối u với điều trị.
2. Trong quá trình xạ trị
2.1.Các buổi hẹn điều trị
Trong mỗi buổi xạ trị, bạn sẽ nằm giữ nguyên tư thế trong khoảng 15 đến 45 phút, tùy thuộc vào kế hoạch điều trị. Nếu bạn lo ngại sẽ không nằm yên được trong khoảng thời gian này, hãy trao đổi với một nhân viên y tế trong nhóm chăm sóc. Bạn vẫn có thể uống thuốc giảm đau, loại đang dùng, một giờ trước buổi điều trị.
Khi đến buổi hẹn, bạn cần đăng ký tại quầy lễ tân, sau đó ngồi chờ trong phòng đợi. Khi đến lượt, các kỹ thuật viên xạ trị sẽ mời bạn thay trang phục bệnh viện. Bạn vẫn sẽ đi giày của mình. Nếu bạn đội mũ hay choàng khăn che đầu, bạn có thể cần tháo ra.
2.2.Trong quá trình xạ trị
Sau khi thay đồ, nhân viên viên y tế sẽ đưa bạn đến phòng xạ trị. Họ sẽ giúp bạn nằm lên bàn điều trị. Bạn sẽ ở trong tư thế giống như trong buổi mô phỏng và quy trình chuẩn bị trước đó.
Các kỹ thuật viên xạ trị sẽ cố gắng hỗ trợ để bạn cảm thấy thoải mái nhất. Sau đó họ sẽ rời phòng, đóng cửa và bắt đầu quá trình điều trị.
Không được cử động trong suốt quá trình điều trị. Tùy thuộc vào vùng điều trị, bạn có thể được phép thở bình thường hoặc cần phải nín thở tại một số thời điểm nhất định. Các kỹ thuật viên sẽ hướng dẫn bạn cụ thể.
Bạn sẽ không nhìn thấy hay cảm nhận được tia xạ. Bạn có thể nghe thấy tiếng máy khi nó di chuyển quanh bạn và bật/tắt. Nếu bạn cảm thấy không thoải mái hoặc cần hỗ trợ, hãy nói với các kỹ thuật viên. Họ sẽ có thể quan sát bạn qua màn hình và giao tiếp với bạn qua hệ thống liên lạc nội bộ trong suốt buổi điều trị.
Bạn sẽ ở trong phòng điều trị khoảng 15 đến 45 phút, tùy thuộc vào kế hoạch điều trị. Phần lớn thời gian này được dành để điều chỉnh tư thế chính xác. Bản thân quá trình điều trị chỉ kéo dài vài phút.
Quá trình xạ trị sẽ không làm cơ thể hay quần áo của bạn nhiễm phóng xạ. Bạn sẽ không truyền bức xạ cho người khác. Bạn hoàn toàn an toàn khi tiếp xúc với người khác sau khi điều trị.
Hình 2. Một ví dụ về máy xạ trị
3.Sau khi hoàn tất điều trị
3.1.Các buổi hẹn theo dõi
Hãy đến đầy đủ các buổi hẹn theo dõi với bác sĩ xạ trị. Trong các buổi này, bác sĩ sẽ kiểm tra tiến trình phục hồi của bạn sau xạ trị.
Hãy ghi lại các câu hỏi và mối lo ngại của bạn trước các buổi hẹn này và mang chúng cùng với một danh sách các thuốc bạn đang sử dụng. Bạn cũng có thể gọi cho bác sĩ xạ trị hay điều dưỡng bất cứ lúc nào sau khi kết thúc điều trị hoặc giữa các buổi hẹn theo dõi.
3.2.Vitamin và các thực phẩm chức năng trong quá trình xạ trị
Bạn có thể dùng viên bổ sung đa vitamin (multivitamin) trong quá trình xạ trị. Không dùng quá liều khuyến nghị hàng ngày với bất kỳ vitamin hay khoáng chất nào.
Không sử dụng bất kỳ thực phẩm chức năng nào khác mà chưa trao đổi nhân viên y tế trong nhóm điều trị. Thực phẩm chức năng bao gồm vitamin, khoáng chất và các sản phẩm bổ sung có nguồn gốc từ thảo dược hay thực vật, v.v.
Nguồn: Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering (MSK) https://www.mskcc.org
Đường dẫn: https://www.mskcc.org/cancer-care/patient-education/external-beam-radiation-therapy truy cập ngày 08/06/2025
Biên dịch: DS. Chu Hà My - Khoa Dược, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội
Hiệu đính: ThS. BS. Nguyễn Thanh Hằng - Phòng Hợp tác quốc tế và Nghiên cứu khoa học, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội