
Tại hội thảo, nhiều mô hình quốc tế đã được trình bày, như mô hình TALENT tại Đài Loan giúp phát hiện sớm tới 90% ung thư phổi giai đoạn 0–I ở người không hút thuốc, hay chương trình sàng lọc quy mô quốc gia của Hàn Quốc với hệ thống kiểm soát chất lượng và kết nối dữ liệu hiệu quả. Các diễn giả trong nước cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng hệ thống ghi nhận ung thư đồng bộ, kết hợp dữ liệu từ bệnh viện và hệ thống bảo hiểm y tế, phục vụ cho công tác hoạch định chính sách và nâng cao hiệu quả điều trị.
Đáng chú ý, hội thảo đánh dấu cột mốc quan trọng khi chính thức công bố khởi động nghiên cứu “Ghi nhận ung thư phổi: Đặc điểm chẩn đoán, điều trị và sống thêm của người bệnh tại Việt Nam giai đoạn 2025–2030”. Nghiên cứu do Viện Ung thư Quốc gia, Bệnh viện K chủ trì với mục tiêu xây dựng một cơ sở dữ liệu toàn diện về đặc điểm bệnh, quá trình điều trị và kết quả sống thêm của bệnh nhân ung thư phổi tại Việt Nam. Đây là nghiên cứu quy mô quốc gia đầu tiên theo dõi người bệnh dài hạn, kết hợp dữ liệu từ hệ thống bệnh viện với dữ liệu từ Bảo hiểm Y tế, giúp cung cấp cái nhìn tổng thể về chi phí, hiệu quả điều trị và các yếu tố tiên lượng bệnh.

Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội cùng 7 bệnh viện khác trên cả nước đồng hành phối hợp triển khai nghiên cứu như: Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch cùng với sự hỗ trợ từ AstraZeneca Việt Nam. Nghiên cứu nhằm mục đích xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ hoạch định chính sách và nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân ung thư phổi trong tương lai.
Với Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội, việc tham gia nghiên cứu này không chỉ thể hiện trách nhiệm chuyên môn mà còn đóng góp thiết thực vào nỗ lực nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị hiệu quả bệnh ung thư phổi – một trong những bệnh có tỷ lệ tử vong cao hàng đầu tại Việt Nam.