Bệnh viện ung bướu hà nội

- Nơi gửi gắm niềm tin và hy vọng!

Các kỹ thuật phẫu thuật ít xâm lấn điều trị ung thư

Khi nhắc đến phẫu thuật, mọi người thường hình dung bác sĩ sẽ rạch một đường lớn qua lớp da, cơ và các lớp mô khác. Hoặc họ nghĩ đến cảnh bác sĩ sử dụng dao mổ và các dụng cụ phẫu thuật khác cắt vào cơ thể nhằm loại bỏ, sửa chữa hay thay thế các bộ phận bị bệnh. Loại phẫu thuật tiêu chuẩn hay truyền thống này được gọi là phẫu thuật thường quy.

Các kỹ thuật phẫu thuật mới hiện nay ít xâm lấn hơn, tức là bác sĩ sử dụng các loại dụng cụ phẫu thuật khác, thường vết rạch nhỏ hơn, giúp giảm đau và rút ngắn thời gian phục hồi. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu những kỹ thuật này.

Phẫu thuật laser

Laser là một chùm tia năng lượng cao và tập trung, được sử dụng để thực hiện các thao tác phẫu thuật đòi hỏi độ chính xác cao. Laser có thể thay thế dao mổ để cắt qua mô. Ngoài ra, laser còn có thể được sử dụng để đốt và phá hủy (bốc hơi) các khối u hoặc các tổn thương tiền ung thư, và điều trị một số loại ung thư như ung thư cổ tử cung, dương vật, âm đạo, âm hộ, phổi và da.

Hình 1. Phẫu thuật laser trong ung thư da (Nguồn: Internet)

Mặc dù việc đốt khối u bằng laser nghe có vẻ rất nặng nề, thực tế phẫu thuật laser ít đòi hỏi cắt rạch và hạn chế gây tổn thương hơn so với phẫu thuật truyền thống vì phương pháp này ít xâm lấn hơn. Chẳng hạn, nhờ vào sợi quang và ống nội soi đặc biệt, laser có thể được đưa vào cơ thể qua các lỗ tự nhiên mà không cần phải rạch một vết lớn. Sau đó, tia laser sẽ được điều chỉnh để có thể nhắm vào khối u một cách chính xác.

Laser còn được sử dụng trong một loại phẫu thuật gọi là quang tiêu mô (photoablation) hoặc quang đông (photocoagulation) nhằm mục đích phá huỷ mô hoặc bít mô/mạch máu. Phẫu thuật này thường được tiến hành để giảm nhẹ triệu chứng, chẳng hạn trong trường hợp khối u to chèn lấp khí quản hoặc thực quản, gây khó thở hoặc khó nuốt.

Phẫu thuật lạnh

Hình 2.  Phẫu thuật lạnh (Nguồn: Internet)

Phẫu thuật lạnh sử dụng khí ni-tơ hóa lỏng dạng xịt hoặc một đầu dò cực lạnh để làm đông và tiêu diệt các tế bào bất thường. Kỹ thuật này đôi khi được áp dụng để điều trị các tổn thương tiền ung thư tại những vị trí như da, cổ tử cung hay dương vật. Phẫu thuật lạnh cũng có thể được sử dụng để điều trị một số loại ung thư như ung thư gan hay tuyến tiền liệt. Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như siêu âm hay chụp cắt lớp vi tính có thể được sử dụng để hướng dẫn đầu dò đến vị trí có tế bào ung thư. Điều này giúp hạn chế gây tổn thương đến các mô lành lân cận.

Phẫu thuật điện

Hình 3. Phẫu thuật điện (Nguồn: Internet)

Phẫu thuật điện sử dụng dòng điện tần số cao để phá hủy tế bào. Phương pháp này có thể được áp dụng trong điều trị một số loại ung thư ở da và  miệng.

Đốt sóng cao tần

Hình 4. Đốt sóng cao tần (Nguồn: Internet)

Đốt sóng cao tần, hay còn gọi là RFA, là một kỹ thuật sử dụng nhiệt để phá hủy tế bào ung thư. Trong RFA, năng lượng cao từ sóng vô tuyến sẽ được truyền qua một kim nhỏ để làm nóng và phá hủy các tế bào ung thư. RFA có thể được sử dụng trong điều trị các khối u tại gan, phổi, thận và các cơ quan khác.

Phẫu thuật Mohs

Phẫu thuật vi phẫu Mohs, còn được gọi là phẫu thuật kiểm soát bằng kính hiển vi, được áp dụng để loại bỏ các tế bào ung thư da bằng cách cạo bỏ từng lớp mỏng tế bào. Sau mỗi lớp tế bào được cạo bỏ, bác sĩ sẽ quan sát mô dưới kính hiển vi để kiểm tra sự hiện diện của tế bào ung thư. Quá trình này được lặp lại cho tới khi toàn bộ tế bào trong lớp mô cạo bỏ trông bình thường.

Hình 5. Phẫu thuật Mohs (Nguồn: Internet)

Phẫu thuật Mohs được sử dụng trong trường hợp mức độ xâm lấn của ung thư không rõ ràng hoặc cần bảo tồn tối đa mô lành, chẳng hạn như điều trị ung thư da ở mặt.

Phẫu thuật nội soi ổ bụng

Ống nội soi ổ bụng là một ống dài, mỏng và đàn hồi, có thể được đưa vào cơ thể qua một vết rạch nhỏ giúp bác sĩ quan sát bên trong. Thiết bị này đôi khi được sử dụng trong các thủ thuật sinh thiết (lấy mẫu mô để kiểm tra ung thư). Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bằng cách tạo các lỗ nhỏ và sử dụng các dụng cụ dài, mảnh đặc biệt, ống nội soi cũng có thể được dùng để cắt bỏ một số khối u. Phương pháp này giúp giảm lượng máu bị mất trong quá trình phẫu thuật và giảm đau sau mổ. Phẫu thuật nội soi ổ bụng còn rút ngắn thời gian nằm viện và đẩy nhanh quá trình hồi phục. Ngày nay, phương pháp này được áp dụng phổ biến trong nhiều ca mổ.

Hình 6. Phẫu thuật nội soi ổ bụng (Nguồn: Internet)

 

Các bác sĩ có thể thực hiện phẫu thuật nội soi ổ bụng một cách an toàn và hiệu quả để điều trị một số loại ung thư bao gồm ung thư đại tràng, trực tràng, gan, tuyến tiền liệt, tử cung và thận. Việc ứng dụng kỹ thuật này trong điều trị các loại ung thư khác vẫn đang được nghiên cứu.

Phẫu thuật nội soi lồng ngực

Ống nội soi lồng ngực là một ống mỏng được gắn một camera nhỏ ở đầu, có thể được đưa vào trong khoang ngực qua một vết rạch nhỏ sau khi phổi được làm xẹp. Thiết bị này cho phép bác sĩ quan sát bên trong lồng ngực. Các mẫu mô tại những vùng nghi ngờ trên lớp lót thành ngực có thể được lấy sinh thiết, dịch có thể được dẫn lưu và các khối u nhỏ trên bề mặt phổi có thể được cắt bỏ.

Hình 7. Ảnh minh họa phẫu thuật nội soi lồng ngực (Nguồn: Internet)

Loại phẫu thuật này ít xâm lấn hơn và thậm chí đã được áp dụng để cắt bỏ các phần phổi có chứa ung thư. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng đối với ung thư phổi giai đoạn sớm, hiệu quả của phương pháp này là tương đương với phẫu thuật truyền thống cắt bỏ một phần phổi.

Phẫu thuật robot

Phẫu thuật robot là một loại phẫu thuật nội soi ổ bụng (hoặc nội soi lồng ngực) trong đó bác sĩ sử dụng các cánh tay robot chính xác để điều khiển một số dụng cụ phẫu thuật. Ưu điểm của phương pháp này nhìn chung tương tự như phẫu thuật nội soi ổ bụng và nội soi lồng ngực: giúp giảm mất máu trong quá trình phẫu thuật và giảm đau sau mổ. Phương pháp này cũng có thể rút ngắn thời gian nằm viện và giúp bệnh nhân hồi phục nhanh hơn.

Hình 8. Phẫu thuật robot (Nguồn: Internet)

Phẫu thuật robot đôi khi được sử dụng để điều trị ung thư đại tràng, tuyến tiền liệt và tử cung.

Xạ trị lập thể định vị thân

Khi các bác sĩ ngày càng hiểu rõ hơn cách kiểm soát các sóng năng lượng được sử dụng trong xạ trị, nhiều kỹ thuật xạ trị mới đã được phát triển, làm mờ ranh giới giữa các phương pháp điều trị truyền thống. Liệu pháp xạ trị lập thể định vị thân là một kỹ thuật xạ trị có độ chính xác cao đến mức đôi khi được gọi là “phẫu thuật định vị bằng tia xạ” (stereotactic radiosurgery), mặc dù thực tế không hề có vết rạch nào được thực hiện. Thật vậy, các thiết bị được sử dụng để thực hiện phương pháp này có những tên gọi như Gamma Knife (Dao Gamma) hay CyberKnife, dù không có con dao nào tham gia vào quá trình điều trị.

Hình 9. Liệu pháp xạ trị lập thể định vị thân (Nguồn: Internet)

Bằng cách chiếu tia xạ từ nhiều góc độ khác nhau, liệu pháp xạ trị lập thể định vị thân cho phép đưa một liều xạ lớn, chính xác đến một vùng khối u nhỏ. Não là vị trí được điều trị phổ biến nhất bằng kỹ thuật này, tuy nhiên phương pháp này cũng được áp dụng trong điều trị một số khối u ở vùng đầu, cổ, phổi, cột sống và các vị trí khác. Các nhà nghiên cứu cũng đang tìm cách mở rộng ứng dụng phương pháp này để điều trị các loại ung thư khác.  

Nguồn: Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS) https://www.cancer.org

Đường dẫn: https://www.cancer.org/cancer/managing-cancer/treatment-types/surgery/special-surgical-techniques.html

Biên dịch: DS. Chu Hà My - Khoa Dược, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội

Hiệu đính: ThS. BS. Nguyễn Thanh Hằng - Phòng Hợp tác quốc tế và Nghiên cứu khoa học, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội

Gói khám tầm soát ung thư

Không có dữ liệu