Bệnh viện ung bướu hà nội

- Nơi gửi gắm niềm tin và hy vọng!

CHĂM SÓC TRIỆU CHỨNG CHO BỆNH NHÂN UNG THƯ GIAI ĐOẠN MUỘN

Theo thống kê của GLOBOCAN, trong các bệnh ung thư ở Việt Nam, ung thư biểu mô tế bào gan (HCC) chiếm tỉ lệ mắc mới cao nhất ở cả hai giới. HCC cũng là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở nam giới Việt Nam. Tuy nhiên bệnh thường không biểu hiện triệu chứng rõ rệt ở giai đoạn đầu. Ở giai đoạn cuối, bệnh nhân có thể gặp một loạt các triệu chứng về thể chất và tâm lý mà có thể làm ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của họ. Kiểm soát triệu chứng là rất quan trọng đối với bệnh nhân mắc HCC giai đoạn cuối và việc này đòi hỏi phương pháp tiếp cận đa chuyên khoa với sự tham gia của bệnh nhân, người chăm sóc và nhân viên y tế


I. Các triệu chứng hội chứng chính liên quan đến HCC giai đoạn muộn và cách xử trí:

1. Đau:

- Nguyên nhân: Do u xâm lấn bao gan hoặc đau do u chèn ép thần kinh

- Biểu hiện: đau hạ sườn phải, hoặc đau tại các vị trí di căn: đau xương, đau ngực

- Xử trí: Bệnh nhân ung thư gan giai đoạn muộn, cơn đau liên quan đến cổ trướng thường sẽ đáp ứng với chọc hút dịch ổ bụng. Tuy nhiên trong hầu hết các trường hợp cần sử dụng các loại thuốc giảm đau. Nên tránh sử dụng NSAID ở những bệnh nhân ung thư gan. Acetaminophen nên được giới hạn ở mức 2 gram/ngày. Khi bắt đầu điều trị bằng opioid ở nhóm bệnh nhân này, nên sử dụng liều thấp hơn với khoảng cách dùng thuốc giữa hai lần dài hơn, đồng thời theo dõi cẩn thận các tác dụng phụ


2. Dịch ổ bụng (cổ trướng):

- Nguyên nhân: bệnh nhân ung thư gan trên nền xơ gan tiến triển

- Biểu hiện: bụng to dần, cảm giác đau tức bụng

- Xử trí: Bệnh nhân có thể được dùng các loại thuốc lợi niệu như furosemide kết hợp với spironolactone. Kiểm tra điện giải đồ thường xuyên khi dùng các loại thuốc này. Trong trường hợp sử dụng thuốc lợi niệu đáp ứng kém, bác sỹ có thể xem xét chọc dịch ổ bụng hoặc đặt dẫn lưu ổ bụng. Tuy nhiên, việc đặt dẫn lưu ổ bụng làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn ổ bụng và có thể gây khó khăn cho việc chăm sóc bệnh nhân tại nhà


3. Tắc mật

- Nguyên nhân: do khối u lớn, hạch to chèn ép vào đường mật gây tắc mật hoặc do hoại tử tế bào gan

- Biểu hiện: vàng da, vàng mắt, ngứa, nước tiểu vàng sậm, phân bạc màu

- Xử trí: dẫn lưu đường mật khi u chèn ép gây giãn đường mật.


4. Hội chứng não gan:

- Nguyên nhân: Tích tụ trong máu các chất do tế bào gan bị phá hủy

- Biểu hiện: mất ngủ, mất trí nhớ, nói chậm, lú lẫn và thờ ơ, nặng hơn là mất ý thức, hôn mê.

- Xử trí: Khi bệnh nhân có hội chứng não gan thì khả năng tự ra quyết định sẽ hạn chế. Có rất ít lựa chọn điều trị để cải thiện nhận thức khi bệnh nhân có hội chứng não gan. Việc điều trị thường tập trung vào việc kiểm soát các triệu chứng đi kèm như đau, dịch ổ bụng, chăm sóc dinh dưỡng, phòng nguy cơ té ngã.


5. Xuất huyết tiêu hóa:

- Nguyên nhân: giãn vỡ tĩnh mạch thực quản, xơ gan, rồi loạn đông máu

- Biểu hiện: nôn máu hoặc đi ngoài phân đen, chóng mặt, mệt

- Xử trí: Bệnh nhân ung thư gan thường kèm theo xơ gan có rối loạn đông máu, giãn tĩnh mạch thực quản. Việc điều trị bao gồm điều trị triệu chứng hoặc xử lý nguyên nhân (nếu có)

Điều trị triệu chứng: truyền máu, thuốc cầm máu

Điều trị nguyên nhân:

Giãn vỡ tĩnh mạch thực quản: can thiệp nôi soi cầm máu cấp cứu

Rối loạn đông máu: truyền khối huyết tương


6. Vỡ u gan

- Biểu hiện: đau bụng dữ dội, da nhợt, huyết áp tụt

- Xử trí: nút mạch cấp cứu, hoặc phẫu thuật

II. Một số vấn đề khác trong chăm sóc bệnh nhân HCC giai đoạn muộn

- Tư vấn tâm lý: HCC giai đoạn muộn thời gian sống thường kéo dài không quá 6 tháng, vì vậy bệnh nhân và gia đình cần được tư vấn tâm lý, lập kế hoạch chăm sóc cuối đời. Đặc biệt là khi bệnh nhân có hội chứng não gan, khả năng tự ra quyết định sẽ hạn chế, cần phải có sự hỗ trợ của người nhà

- Chăm sóc dinh dưỡng: Bệnh nhân không nên hạn chế lượng protein nạp vào, trừ khi họ bị chứng không dung nạp protein nghiêm trọng. Bệnh nhân nên được hướng dẫn ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày với bữa ăn nhẹ vào đêm khuya.

- Cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa té ngã cho bệnh nhân bị mất phương hướng, chống loét tì đè cho những bệnh nhân nằm lâu dài

Tóm lại, chăm sóc triệu chứng cho bệnh nhân HCC giai đoạn cuối chú trọng vào viện cải thiện chất lượng cuộc sống như giảm đau thích hợp, chế độ dinh dưỡng hợp lý, tư vấn tâm lý

Người viết: ThS.BS. Trương Thị Hà – Khoa Chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội

Người duyệt: BSCKII. Trần Tuấn Sơn – Trưởng khoa Chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội

Nguồn tham khảo
1. https://gco.iarc.fr/today/data/factsheets/populations/704-viet-nam-fact-sheets.pdf
2.https://www.uptodate.com/contents/palliative-care-for-patients-with-end-stage-liver-disease?source=mostViewed_widget
3. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ung thư biểu mô tế bào gan- Bộ y tế (2020).Https://kcb.vn/phac-do/quyet-dinh-so-3129-qd-byt-ngay-17-thang-07-nam-2020-ve-viec-.html.

Gói khám tầm soát ung thư