Huyết áp cao là một yếu tố nguy cơ chính gây ra những cơn đau tim và các bệnh khác của tim. Trong khi đó, chất béo có thể gây ra sự tích tụ mảng bám trên thành động mạch, cũng góp phần gia tăng nguy cơ các bệnh tim mạch.
Có tên gọi nào khác cho chế độ ăn này không?
Chế độ ăn tốt cho tim mạch còn được gọi là chế độ ăn lành mạnh cho tim, chế độ ăn ít natri, hay chế độ ăn DASH (Dietary Approaches to Stop Hypertension - Cách tiếp cận dinh dưỡng để ngăn chặn cao huyết áp).
Chế độ ăn tốt cho tim mạch có ích như thế nào với người bệnh ung thư?
Các liệu pháp điều trị ung thư có thể gây ra vấn đề ngắn hạn và dài hạn về tim mạch. Chế độ ăn tốt cho tim mạch có ích cho những người đang cố gắng kiểm soát huyết áp cao, giảm mức cholesterol trong máu hoặc giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Các nguyên tắc cơ bản của chế độ ăn tốt cho tim mạch
Dưới đây là một số hướng dẫn giúp bạn giảm chất béo và natri:
- Tổng lượng chất béo (bao gồm chất béo bão hòa) chỉ nên chiếm từ 25 đến 35 % lượng calo hàng ngày bạn nạp vào cơ thể.
- Chất béo bão hòa chỉ nên chiếm dưới 7% lượng calo hàng ngày của bạn.
- Tránh ăn chất béo chuyển hóa.
- Tiêu thụ ít hơn 200 miligram cholesterol từ thực phẩm mỗi ngày.
- Hạn chế lượng muối nạp vào; Sử dụng ít hơn 2gr natri mỗi ngày hoặc giảm hơn nữa nếu được.
- Sử dụng đồ uống có cồn một cách có chừng mực: một phần mỗi ngày cho phụ nữ và hai phần mỗi ngày cho nam giới. (Một phần bằng 360ml bia, 148ml rượu vang, và 45ml rượu mạnh.)
Bạn có thể ăn gì khi thực hiện chế độ ăn tốt cho tim mạch?
CÁC NHÓM THỰC PHẨM | CÁC LOẠI THỰC PHẨM |
Sữa và sản phẩm từ sữa | Sữa không béo hoặc có 1% chất béo, sữa chua, hoặc phô mai cottagePhô mai không béo và phô mai ít béo |
Rau củ | Tất cả các loại rau củ tươiTất cả các loại rau củ đông lạnhRau củ đóng hộp ít muối (nên được chắt nước và rửa sạch) |
Trái cây và nước ép | Tất cả các loại trái cây tươiTất cả các loại trái cây đông lạnh |
Bánh mì và ngũ cốc | Các sản phẩm từ lúa mỳ nguyên cám, bao gồm bánh mì, nui, mỳ ống, bánh quy ròn và các loại hạt ngũ cốc Gạo lứt Yến mạch Quinoa Đại mạch Bánh quy ròn và bánh mì xoắn ít béo Bỏng ngô không tẩm dầu/bơ và gia vị |
Thịt và các nguồn thực phẩm cung cấp protein | Phần thịt nạc bò và lợn (thịt thăn, đùi, mông và thịt nạc xay) Thịt gia cầm bỏ da Cá Thịt hươu nai và các loại thịt thú rừng Các loạihạt đậu đỗ khô Các loại hạt và bơ hạt Các thực phẩm thay thế thịt làm từ đậu nành hoặc protein thực vật Lòng trắng trứng hoặc bột trứng nhân tạo Các loại thịt nguội (jambon, xúc xích) làm từ thịt nạc hoặc protein đậu nành |
Fats and OilsChất béo và dầu ăn | Dầu không bão hòa (dầu oliu, dầu lạc, dầu đậu nành, dầu hướng dương và dầu hạt cải) Bơ nhẹ hoặc bơ thực vật mềmSốt sa lát Các loại hạt khô Quả bơ |
Đồ uống | Nước lọc Nước có ga Trà Cà phê |
Trong chế độ ăn Tốt cho tim mạch, những loại thực phẩm nào không nên sử dụng?
Nếu bạn đang tuân thủ chế độ ăn tốt cho tim mạch, những thành phần trong thực phẩm cần lưu ý đặc biệt là muối và chất béo bão hòa. Chất béo bão hòa thường là các nguồn chất béo từ động vật như bơ hoặc mỡ động vật.
CÁC NHÓM THỨC ĂN | THỰC PHẨM CẦN TRÁNH |
Sữa và các sản phẩm từ sữa | Sữa nguyên kem Sữa 2% chất béo Sữa chua hoặc kem đá lạnh là từ sữa nguyên kem Kem sữa Kem phô mai Kem chua Phô mai |
Rau củ | Rau củ chiên rán Rau được chế biến với bơ, phô mai hoặc sốt kem |
Trái cây và nướp ép | Trái cây chiên rán Trái cây được ăn kèm với bơ hoặc các loại kem |
Bánh mì và ngũ cốc | Sản phẩm bánh nhiều chất béo như bánh donut, bánh quy bơ, bánh sừng bò, bánh ngọt, bánh xốp. Đồ ăn vặt được làm từ dầu tinh chế một phần, bao gồm khoai tây chiên, bánh phô mai, các loại đồ ăn vặt tổng hợp, bimbim, bắp rang bơ |
Thịt và các nguồn thực phẩm cung cấp protein | Các loại thịt chứa nhiều chất béo (sườn, bít tết và các loại thịt xay thông thường) Thịt xông khói Xúc xích Thịt nguội như xúc xích, lạp xưởng, giò chả Thịt bò muối Xúc xích nướng Nội tạng động vật (gan, não và lá lách) Thịt gia cầm có da Thịt gia súc, gia cầm và cá chiên rán Trứng nguyên quả hoặc lòng đỏ trứng |
Chất béo và dầu | Bơ Bơ thực vật loại đóng bánh Mỡ trừu Dầu tinh chế 1 phần Dầu dừa, dầu cọ và dầu hạt cọ) |
Có loại thuốc nào không nên sử dụng khi tuân thủ chế độ ăn tốt cho tim mạch không?
Nếu bạn được kê thuốc chống đông máu như warfarin (Coumadin®, Jantoven®), hãy ăn những loại thực phẩm giàu vitamin K hàng ngày. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa các cục máu đông và hạn chế chảy máu. Các loại rau xanh, bao gồm cải kale, rau chân vịt và các loại rau cải, là những nguồn cung cấp vitamin K tuyệt vời. Để biết thêm thông tin về vitamin K và thuốc chống đông máu, bạn hãy xin ý kiến của bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng.
Một số khó khăn thường gặp của người thực hiện chế độ ăn tốt cho tim mạch và cách khắc phục
Phần lớn những người ăn theo chế độ tốt cho tim mạch cảm thấy khó khăn khi giảm lượng muối và bột ngọt trong bữa ăn hàng ngày. Tuy nhiên, có nhiều cách để tăng hương vị của món ăn mà không cần phải sử dụng nhiều muối và mì chính/bột ngọt.
Dưới đây là một số gợi ý:
- Một lượng chất chua nhỏ có thể giúp tăng hương vị của món ăn. Hãy thử thêm nước cốt chanh hoặc giấm ăn.
- Các loại rau thơm khô hoặc tươi có thể tạo nên hương vị đặc biệt cho món ăn. Bạn có thể mua sẵn những loại gia vị tổng hợp không muối hoặc tự làm tại nhà.
- Hạt tiêu đen, ớt khô và ớt cayenne có thể làm tăng hương vị cho bữa ăn của bạn mà không cần phải thêm muối và mì chính. Tương ớt có chứa muối nhưng nếu bạn chỉ sử dụng từ 1 đến 2 giọt thì lượng natri trong đó không đáng kể.
- Mua những loại sốt và gia vị tổng hợp không chứa muối và mì chính hay bạn có thể tự làm chúng tại nhà.
Công thức làm gia vị tổng hợp tại nhà
Dưới đây là công thức làm gia vị tổng hợp tại nhà để cắt giảm lượng muối. Công thức này tạo ra được 1/3 cốc thành phẩm.
- 5 thìa cafe bột hành tây
- 2,5 thìa cafe bột tỏi
- 2,5 thìa cafe ớt bột paprika
- 2,5 thìa cafe bột mù tạt khô
- 1,5 thìa cafe lá xạ hương bóp vụn
- Nửa thìa cafe tiêu trắng
- ¼ thìa café hạt cần tây
Có bí quyết nào dành cho người ăn theo chế độ tốt cho tim mạch không?
Lựa chọn các loại thực phẩm cung cấp năng lượng (carbohydrates) tốt cho tim mạch
- Tăng lượng chất xơ (hòa tan) trong khẩu phần ăn của bạn bằng các loại thực phẩm như mầm cải Bruxelles, khoai lang, củ cải, mơ, xoài, cam, các loại quả đậu, đại mạch, yến mạch và yến mạch nguyên cám. Mục tiêu là ăn 5 đến 10 gram mỗi ngày. Khi bạn tăng dần lượng chất xơ trong khẩu phần ăn, cũng nên tăng lượng nước bạn uống. Điều này sẽ giúp bạn tránh các vấn đề về tiêu hóa
- Hạn chế những loại carbohydrate tinh chế như đường tinh chế, kẹo và các loại đồ uống có đường
Lựa chọn những loại chất béo tốt cho tim mạch
- Giảm lượng chất béo bão hòa bằng cách lựa chọn đạm từ thịt nạc và các sản phẩm sữa ít béo
- Chất béo không bão hòa đơn và chất béo đa bão hòa omega-3 tốt cho sức khỏe tim của bạn. Hãy chọn các loại hạt, quả bơ, quả oliu hoặc dầu oliu để cung cấp chất béo không bão hòa đơn. Sử dụng dầu hạt cải, dầu đậu nành hoặc dầu hạt óc chó để cung cấp chất béo omega-3.
Giảm lượng chất béo thông qua việc lựa chọn nguồn chất đạm
- Nướng, quay, hấp, hầm hoặc xào những phần thịt nạc bò hoặc lợn ví dụ như những phần được dán nhãn “thịt thăn” và “thịt đùi”, hoặc cá và thịt gia cầm
- Loại bỏ phần da của gia cầm (ví dụ như da gà hoặc da gà tây) trước khi ăn
- Sử dụng nguồn đạm từ các loại thực vật (ví dụ như đậu nành, các loại quả và hạt đậu đỗ khô, các loại hạt) hoặc lòng trắng trứng thay cho thịt
Giảm lượng natri trong đồ ăn
- Nấu ăn tại nhà để kiểm soát lượng muối và bột ngọt trong khẩu phần ăn của bạn.
- Khi bạn mua đồ ăn được đóng hộp, hãy chọn những loại không natri hoặc ít natri.
- Sử dụng lượng muối hạn chế nhất có thể khi nấu ăn. Bạn có thể cắt giảm ít nhất một nửa lượng muối trong hầu hết các công thức nấu ăn.
Tôi có thể sử dụng các loại gia vị thay thế muối trong chế độ ăn tốt cho tim mạch không?
Trước khi sử dụng bất kỳ loại gia vị thay thế muối nào, hãy hỏi ý kiến bác sĩ của bạn. Những sản phẩm này chứa lượng kali lớn mà bác sĩ của bạn có thể không muốn bạn sử dụng. Đặc biệt, những người có vấn đề về thận hoặc đang sử dụng thuốc lợi tiểu cần phải chú ý với kali. Các loại gia vị thay thế muối, như Mrs. Dash, không chứa kali và an toàn cho mọi người.
Một số thuật ngữ thường gặp về hàm lượng natri (sodium)
Các cụm từ như "ít natri" và "chất béo giảm bão hòa" đề cập đến các đo lường cụ thể. Dưới đây là một bí quyết để hiểu các thuật ngữ đó
- Không chứa muối hoặc không chứa natri hoặc sodium có nghĩa là ít hơn 5 miligram natri.
- Rất ít natri có nghĩa là ít hơn hoặc bằng 35 miligram natri.
- Hàm lượng natri thấp nghĩa là ít hơn hoặc bằng 140 miligram natri.
- Giảm lượng natri có nghĩa là giảm ít nhất 25% lượng natri so với sản phẩm thông thường (lưu ý lượng natri vẫn có thể cao).
- “Light in sodium” có nghĩa là giảm ít nhất 50% lượng natri so với sản phẩm chứa đầy đủ natri.
Một số thuật ngữ thường gặp về hàm lượng chất béo bão hòa
Làm thế nào để biết được lượng muối và chất béo bão hòa chính xác trong đồ ăn? Dưới đây là một số gợi ý giúp bạn đọc các nhãn ghi chú về chất béo bão hòa:
- "Không chứa chất béo bão hòa" có nghĩa là ít hơn 0,5 gram chất béo bão hòa và ít hơn 0,5 gram axit béo chuyển đổi.
- "Ít chất béo bão hòa" có nghĩa là 1 gram chất béo bão hòa hoặc ít và không quá 15 phần trăm lượng calo từ chất béo bão hòa.
- "Chất béo giảm bão hòa" có nghĩa là giảm từ 25% chất béo bão hòa trở lên và giảm hơn 1 gram chất béo so với sản phẩm chứa đầy đủ chất béo.
Hãy cố gắng chọn các thực phẩm có ít hơn tổng cộng 5 gram chất béo mỗi khẩu phần, ít hơn 2 gram chất béo bão hòa mỗi khẩu phần, và 0 gram axit béo chuyển hóa mỗi khẩu phần.
Món ăn nào tốt cho tim mạch mà tôi có thể gọi khi đi ăn ở ngoài?
Khi bạn đi ăn ở nhà hàng, đừng ngại đưa ra những yêu cầu đặc biệt. Dưới đây là một số gợi ý:
- Hãy chọn món khai vị, khoai tây và rau cải được chuẩn bị mà không có sốt, phô mai hoặc bơ (hoặc yêu cầu chúng được phục vụ riêng).
- Hãy ăn một phần thịt nhỏ. Ăn các loại rau củ bù vào.
- Tránh những đồ rắc lên trên (topping) như vụn thịt xông khói hoặc phô mai
- Yêu cầu bơ thực vật mềm hoặc dầu oliu thay cho bơ
- Lựa chọn những món hấp, nướng hoặc xào
Nguồn: https://www.mskcc.org/
Đường dẫn:
https://www.mskcc.org/experience/patient-support/nutrition-cancer/diet-plans-cancer/cardiac-diet
Biên dịch: ThS. Nguyễn Hà My, phòng QLCL-CTXH
Hiệu đính: ThS.BS. Nguyễn Thanh Hằng, Phòng HTQT&NCKH