Chọc tháo dịch màng phổi
https://www.physio-pedia.com/Thoracentesis
Tại sao cần chọc tháo dịch màng phổi?
Có hai lý do để bác sĩ tiến hành chọc tháo dịch màng phổi:
· Chẩn đoán: Dịch màng phổi sẽ được gửi đến phòng xét nghiệm để xác định nguyên nhân tràn dịch. Tràn dịch màng phổi có thể do ung thư, suy tim, nhồi máu phổi (cục máu đông trong phổi), nhiễm trùng, bệnh sarcoidosis (một bệnh lý dạng viêm), và phản ứng với một loại thuốc nào đó.
· Điều trị: Thủ thuật này được bác sĩ tiến hành nhằm giúp giảm triệu chứng và sự khó chịu của bệnh nhân do tràn dịch màng phổi gây ra. Trong trường hợp này, nguyên nhân gây tràn dịch thường đã được xác định.
Tràn dịch màng phổi được chẩn đoán dựa vào tiền sử y khoa, khám lâm sàng và xét nghiệm chẩn đoán của người bệnh. Các triệu chứng có thể bao gồm khó thở và ho, mới xuất hiện hoặc tăng nặng. Tiền sử y khoa có thể liên quan đến tràn dịch màng phổi bao gồm tiền sử hút thuốc lá, bệnh tim mạch, ung thư hoặc phơi nhiễm với vi khuẩn lao hoặc bụi a-mi-ăng.
Khi bác sĩ nghe phổi của người bệnh tràn dịch, có thể thấy tiếng như bị nghẹt lại hoặc có những vùng không thể nghe thấy nhịp thở. Người bệnh có thể được chụp X-quang, siêu âm hoặc cắt lớp vi tính lồng ngực, tất cả các xét nghiệm đều chỉ ra tình trạng tích tụ dịch.
Một khi tiến hành chọc tháo dịch màng phổi và thực hiện xét nghiệm dịch (nếu cần), bác sĩ sẽ cho người bệnh biết về kế hoạch theo dõi và các phương án điều trị tiếp theo. Nếu bác sĩ nghĩ rằng dịch màng phổi sẽ tiếp tục tích tụ, bác sĩ sẽ đề nghị đặt một ống thông để dẫn lưu dịch ra ngoài. Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ về bất kỳ lo lắng nào với kế hoạch chăm sóc của mình.
Chọc tháo dịch màng phổi được tiến hành như thế nào?
Chọc tháo dịch màng phổi có thể được tiến hành ở phòng khám của bác sĩ hoặc trong bệnh viện. Bác sĩ sẽ giải thích về thủ thuật và yêu cầu người bệnh ký vào một giấy chấp thuận. Người bệnh cần nói với bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng, hoặc bất kỳ rối loạn đông máu nào, tiền sử dị ứng hoặc nếu nếu đang mang thai.
Thủ thuật thường được thực hiện trong khoảng 10-15 phút, hoặc có thể lâu hơn tùy thuộc vào lượng dịch được rút ra. Người bệnh vẫn sẽ tỉnh táo trong quá trình thực hiện và thường không cảm thấy quá khó chịu. Người bệnh sẽ được yêu cầu mặc áo choàng của bệnh viện. Bác sĩ có thể cho người bệnh dùng thuốc giảm đau hoặc thuốc an thần trước thủ thuật. Người bệnh nên đi vệ sinh trước thủ thuật do bác sĩ sẽ yêu cầu quý vị không được di chuyển khi thủ thuật bắt đầu.
·Đầu tiên, bác sĩ của sẽ yêu cầu người bệnh ngồi ở mép ghế, bàn khám bệnh hoặc giường bệnh với cánh tay và đầu ở tư thế nghỉ trên bàn phía trước quý vị ở vị trí cao ngang ngực. Chân của người bệnh có thể được đặt ở ghế phía dưới, tay và đầu được kê trên một chiếc gối để người bệnh cảm thấy thoải mái hơn. Nếu người bệnh không thể giữ ở tư thế này, họ có thể phải thực hiện thủ thuật ở tư thế nằm.
·Khi người bệnh đã cảm thấy thoải mái, bác sĩ sẽ yêu cầu họ không cử động, hít thở sâu hoặc ho. Bác sĩ sẽ sờ (cảm nhận bằng bàn tay) để tìm khoảng trống giữa các xương sườn ở lưng của người bệnh. Siêu âm có thể được sử dụng để phát hiện vị trí có thể tiếp cận được nhiều dịch nhất. Một chất gel ấm hoặc mát sẽ được bôi vào đầu dò siêu âm, và người bệnh sẽ cảm thấy tức nhẹ khi bác sĩ tiến hành siêu âm nhưng sẽ không cảm thấy đau.
Bác sĩ sử dụng siêu âm để tìm dịch khoang màng phổi
(https://theii.org/thoracentesis)
· Khi bác sĩ phát hiện vị trí chọc kim tốt nhất để hút dịch, họ sẽ đánh dấu lại. Sau đó, bác sĩ sẽ làm sạch vùng da sẽ chọc kim. Điều này khiến người bệnh cảm thấy hơi lạnh. Một tấm khăn vô khuẩn sẽ được đặt xung quanh vùng chọc kim.
· Vùng da xung quanh vị trí chọc kim sau đó sẽ được gây tê. Bác sĩ sẽ sử dụng một mũi kim nhỏ để tiêm thuốc gây tê tại chỗ (thuốc tê) dưới da. Thuốc này có thể gây cảm giác nóng hoặc như kim châm trong chốc lát. Bác sĩ sẽ chờ một vài phút để chắc chắn rằng vùng này đã được gây tê.
· Sau khi gây tê, bác sĩ sẽ đưa một kim vào khoang màng phổi ở giữa các xương sườn. Điều này có thể không thoải mái và người bệnh có thể cảm thấy một chút áp lực, nhưng không gây đau.
· Dịch màng phổi sẽ được rút qua kim tiêm, hoặc một ống nối với kim vào bình chứa. Kim tiêm hoặc ống sẽ được lưu đến khi rút được lượng dịch cần thiết để xét nghiệm hoặc làm giảm triệu chứng. Trong quá dịch rút dịch, người bệnh có thể cảm thấy muốn ho hoặc cảm giác đau ngực một chút. Người bệnh hãy nói ngay với bác sĩ nếu có bất kỳ khó chịu nào.
Bác sĩ dẫn lưu dịch bằng một ống nhỏ
(https://theii.org/thoracentesis)
· Sau khi tháo dịch, kim tiêm hoặc ống sẽ được rút khỏi cơ thể, và bác sĩ sẽ dán một miếng băng vào vị trí chọc dịch. Lúc này, người bệnh có thể di chuyển bình thường.
· Chụp X-quang ngực thường được tiến hành ngay sau khi chọc dịch màng phổi để xem có bất kỳ tai biến nào không. Người bệnh sẽ được theo dõi huyết áp, nhịp nhở và nồng độ oxy máu sau thủ thuật. Nếu được chọc dịch màng phổi tại phòng khám, người bệnh có thể về nhà sau khi ổn định nhưng nên có ai đó đưa về.
Những nguy cơ của chọc tháo dịch màng phổi là gì?
Như bất kỳ thủ thuật nào khác, có một số nguy cơ khi tiến hành chọc tháo dịch màng phổi. Những nguy cơ này bao gồm tràn khí màng phổi (xẹp phổi), suy hô hấp, đau, chảy máu, nhiễm trùng hoặc bầm tím.
Tràn khí màng phổi là một tai biến xảy ra khi không khí tràn vào khoang màng phổi. Không khí có thể xâm nhập vào khoang màng phổi thông qua kim tiêm được dùng để rút dịch, hoặc đầu kim đâm vào phổi làm cho không khí xâm nhập vào khoang màng phổi. Trong hầu hết các trường hợp, lỗ thủng ở phổi sẽ tự lành, tuy nhiên nếu một lượng không khí đủ lớn lọt vào khoang màng phổi có thể gây xẹp phổi. Nếu phổi bị xẹp, người bệnh có thể cần đặt ống vào lồng ngực để dẫn lưu khí.
Người bệnh cũng có thể bị đau, chảy máu, nhiễm trùng hoặc bầm tím vị trí chọc kim. Đau có thể được kiểm soát bằng thuốc hoặc thay đổi tư thế. Điều này rất quan trọng để giữ vị trí chọc kim sạch và khô đến khi liền.
Chảy máu vị trí chọc kim có thể được kiểm soát bằng băng ép. Hiếm khi chảy máu xuất hiện ở trong hoặc quanh phổi, nhưng nếu điều này xảy ra, bác sĩ có thể cần đặt một ống thông vào ngực người bệnh để dẫn lưu máu. Nếu người bệnh nhìn thấy hoặc cảm giác vị trí chọc kim bị nhiễm trùng (đỏ da, sưng hoặc đau, chảy dịch hoặc mủ), hãy goi bác sĩ ngay. Nhiễm trùng có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh.
Khi nào người bệnh cần liên lạc với bác sĩ điều trị?
Điều quan trọng là phải liên lạc bác sĩ ngay khi có bất kỳ thay đổi nào sau khi chọc tháo dịch màng phổi, bao gồm sốt, khó thở mới xuất hiện hoặc khó thở tăng lên, đau ngực, đau hoặc chảy máu không kiểm soát được, vị trí chọc dịch tiết dịch có mùi hôi hoặc sưng đỏ và nóng.
Nguồn: Dịch từ www.oncolink.org
Đường dẫn: https://www.oncolink.org/cancer-treatment/hospital-helpers/thoracentesis
Biên dịch: ThS.BSNT. Nguyễn Quốc Hùng, Phòng HTQT-NCKH, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội
Hiệu đính: ThS.BS. Nguyễn Thanh Hằng, Phòng HTQT-NCKH