Bạn có thể sẽ lo ngại rằng ung thư có thể tái phát, và có thể bạn sẽ nghĩ đến cái chết và sự ra đi. Nỗi sợ ung thư tái phát là điều thường gặp ở những người đã chiến thắng ung thư và đôi khi nỗi sợ có thể rất thường trực.
Những vấn đề bất ngờ cũng có thể gây lo lắng. Chẳng hạn, bạn có thể bị căng thẳng bởi các vấn đề tài chính phát sinh từ việc điều trị. Bạn cũng có thể ít gặp đội ngũ chăm sóc sức khỏe hơn sau khi điều trị và có nhiều thời gian rảnh hơn. Bất kỳ điều nào trong số này cũng có thể khiến bạn lo âu.
Trở lại “bình thường”
Bạn đã thường xuyên gặp gỡ đội ngũ chăm sóc ung thư của mình; giờ đây, đột ngột, bạn không phải tái khám trong nhiều tháng liền. Khi kết thúc điều trị, một số người cảm thấy như mình không còn phải chiến đấu với ung thư nữa.
Nguồn ảnh: https://www.parkview.com/blog/the-%E2%80%9Cnew-normal%E2%80%9D-life-after-cancer
Những lo lắng có thể xuất hiện. Bạn có thể cảm thấy cô đơn và lạc lõng khi không còn sự hỗ trợ từ đội ngũ chăm sóc ung thư của mình. Những người này có thể đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của bạn. Việc không còn gặp họ có thể khiến bạn cảm thấy lo lắng và buồn bã.
Bạn cũng có thể thấy rằng việc trở lại vai trò của mình trong gia đình không đơn giản như bạn nghĩ. Những công việc bạn đã đảm nhận trước khi mắc ung thư giờ đây đang được người khác làm. Có thể họ không sẵn sàng trao lại những nhiệm vụ đó cho bạn. Hoặc bạn có thể không đồng tình với cách mà người khác đã thực hiện công việc, nhưng lại ngại không dám lên tiếng.
Đối với một số người, những cảm xúc đã bị gạt sang bên trong quá trình điều trị ung thư có thể trở lại đồng loạt, khiến họ cảm thấy ngập trong buồn rầu, giận dữ, hoặc lo lắng. Một phần có thể là do tác dụng phụ còn sót lại của điều trị, nhưng một phần cảm giác như cơ thể và tinh thần của bạn đã mệt mỏi và cần một thời gian nghỉ ngơi dài. Đã lâu rồi bạn không thể hoàn toàn thư giãn
Tất cả những cảm xúc này đều có lý do của chúng. Bạn vừa trải qua một thời gian khó khăn. Bạn đã phải đưa ra những quyết định quan trọng trong cuộc sống. Cơ thể bạn đã bị tấn công bởi ung thư và các phương pháp điều trị. Quan điểm và cách sống của bạn đã thay đổi, ít nhất là trong một thời gian.
Đối mặt với những cảm xúc này và học cách xử lý chúng là rất quan trọng. Đừng kỳ vọng mọi thứ sẽ trở lại như trước khi bạn được chẩn đoán. Hãy cho bản thân, gia đình bạn và những người xung quanh thời gian… bạn sẽ vượt qua được điều này. Cũng giống như việc bạn cần thời gian để làm quen với ung thư, bạn cũng có thể thích nghi với cuộc sống sau ung thư.
Giữ thái độ tích cực
Trong những năm gần đây, đã có nhiều sự chú ý đối với tầm quan trọng của việc duy trì thái độ tích cực. Một số người thậm chí còn cho rằng thái độ tích cực có thể ngăn chặn ung thư phát triển hoặc tái phát. Nhưng đừng để những cố gắng không đúng cách của người khác nhằm khuyến khích bạn suy nghĩ tích cực tạo thành gánh nặng cho bạn.
Bạn có thể sẽ dễ dàng hơn trong việc quản lý cuộc sống và quá khứ ung thư của mình khi nhìn nhận mọi thứ theo cách tích cực, nhưng điều đó không phải lúc nào cũng khả thi. Việc hướng đến một thái độ tích cực là điều tốt, vì nó có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn về cuộc sống hiện tại
Hãy nhớ rằng bạn không cần phải luôn hành động "tích cực" mọi lúc. Đừng tự trách bản thân hoặc để người khác làm bạn cảm thấy tội lỗi khi bạn cảm thấy buồn, tức giận, lo âu, hoặc căng thẳng.
Ung thư không phải do thái độ tiêu cực của một người gây ra, cũng không trở nên nghiêm trọng hơn bởi những suy nghĩ của họ. Đừng để những quan niệm sai lầm về thái độ tích cực khiến bạn ngại ngùng khi chia sẻ cảm xúc của mình với người thân hoặc đội ngũ chăm sóc ung thư của bạn.
Học cách sống với sự bất định
Bạn có thể nhận thấy rằng mình đang chú ý nhiều hơn đến những cơn đau và sự khó chịu trong cơ thể. Bạn có thể cảm thấy như mình là một "mục tiêu dễ bị tổn thương." Bác sĩ nói rằng hiện tại bạn không có dấu hiệu ung thư, nhưng liệu bạn có thể chắc chắn điều đó không?
Nỗi sợ hãi có thể khiến bạn cảm thấy khó ngủ, khó gần gũi với người bạn đời và thậm chí gặp khó khăn trong việc đưa ra những quyết định đơn giản. Bạn không phải người duy nhất có tâm trạng như vậy.
Theo thời gian, nhiều người cho rằng nỗi sợ ung thư tái phát của họ giảm dần và họ ngày càng ít nghĩ về ung thư hơn. Tuy nhiên, ngay cả nhiều năm sau khi điều trị, một số sự kiện có thể khiến nỗi lo sợ này trở lại, chẳng hạn như:
- Các cuộc hẹn tái khám hoặc một số xét nghiệm y tế
- Các dấu mốc quan trọng (như ngày bạn được chẩn đoán, phẫu thuật, hoặc kết thúc điều trị)
- Sinh nhật
- Bệnh của một thành viên trong gia đình
- Biết rằng người quen của bạn bị ung thư hoặc đã tái phát
- Thấy mình có triệu chứng giống như lần đầu phát hiện ung thư
- Có các triệu chứng mới mà bạn không thể giải thích
- Sự qua đời của người mắc ung thư
Dưới đây là một số ý tưởng đã giúp những người khác đối phó với sự bất đinh sợ hãi, đồng thời cảm thấy lạc quan hơn:
- Cập nhật thông tin. Tìm hiểu những gì bạn có thể làm để bảo vệ sức khỏe của mình hiện tại và các dịch vụ có sẵn cho bạn. Điều này có thể giúp bạn cảm thấy có sự tự chủ nhiều hơn.
- Nhận thức rằng bạn không kiểm soát được việc ung thư tái phát. Việc chấp nhận điều này có thể làm bạn cảm thấy dễ dàng hơn thay vì chống lại nó.
- Nhận thức được nỗi sợ của bạn, nhưng đừng phán xét chúng. Thực hành việc buông bỏ chúng. Việc những suy nghĩ này xuất hiện trong tâm trí bạn là điều bình thường, nhưng bạn không cần phải giữ chúng lại. Một số người hình dung chúng trôi đi hoặc bị biến mất. Những người khác thì gửi gắm chúng cho một quyền lực cao hơn để xử lý. Dù bạn chọn cách nào, việc buông bỏ chúng có thể giúp bạn không lãng phí thời gian và năng lượng vào những lo lắng không cần thiết
- Chia sẻ cảm giác sợ hãi hoặc không chắc chắn của bạn với một người bạn tin cậy hoặc một nhà tư vấn. Việc cởi mở và xử lý cảm xúc giúp nhiều người cảm thấy bớt lo lắng hơn. Nhiều người thấy rằng khi họ bày tỏ những cảm xúc mạnh, như sợ hãi, họ có thể dễ dàng buông bỏ những cảm xúc đó hơn. Suy nghĩ và nói về cảm xúc của bạn có thể khó khăn. Nhưng nếu bạn cảm thấy ung thư đang chi phối cuộc sống của mình, việc tìm cách bày tỏ cảm xúc có thể giúp ích rất nhiều.
- Hãy tận hưởng khoảnh khắc hiện tại thay vì lo lắng về tương lai bất định hay quá khứ khó khăn. Nếu bạn có thể tìm được cách cảm thấy bình yên bên trong chính mình, dù chỉ trong vài phút mỗi ngày, bạn sẽ có thể nhớ lại cảm giác bình yên đó khi những thứ khác xảy ra – khi cuộc sống bận rộn và rối ren.
- Hãy sử dụng năng lượng của bạn để tập trung vào việc chăm sóc sức khỏe và những điều bạn có thể làm ngay bây giờ để duy trì sức khỏe tốt nhất có thể. Hãy thử thay đổi chế độ ăn uống lành mạnh hơn. Nếu bạn là người hút thuốc, đây là thời điểm tốt để cai thuốc.
- Hãy tìm những phương pháp giúp bạn thư giãn
- Hãy vận động nhiều nhất có thể
- Hãy kiểm soát những gì bạn có thể. Một số người nói rằng việc sắp xếp lại cuộc sống giúp họ cảm thấy bớt sợ hãi hơn.Tham gia vào việc chăm sóc sức khỏe của bạn, trở lại với nhịp sống bình thường và thay đổi lối sống là những điều bạn có thể kiểm soát. Thậm chí, việc lập một lịch trình hàng ngày cũng có thể làm bạn cảm thấy tự chủ hơn. Mặc dù không ai có thể kiểm soát mọi suy nghĩ, một số người nói rằng họ đã tìm được cách để không bị đắm chìm trong những suy nghĩ lo sợ nữa.
Những vấn đề về sức khỏe đến từ quá trình điều trị bệnh ung thư
Một số phương pháp điều trị ung thư có thể gây ra các vấn đề sức khỏe sau này, được gọi là tác dụng phụ lâu dài. Những vấn đề này có thể không xuất hiện ngay lập tức và có thể chỉ bộc lộ nhiều năm sau khi điều trị. Hãy hỏi đội ngũ chăm sóc ung thư của bạn:
- Các phương pháp điều trị của bạn có làm tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề sức khỏe ngắn hạn hoặc lâu dài không
- Những vấn đề đó là gì và làm thế nào để nhận biết chúng
- Bạn nên làm gì nếu bạn nhận thấy những dấu hiệu bất thường
- Bạn có thể làm gì để duy trì sức khỏe tốt nhất có thể
Tuy nhiên, đừng ngần ngại đặt bất kỳ câu hỏi nào bạn có và tìm hiểu những thông tin cần thiết về các vấn đề có thể liên quan đến việc điều trị ung thư của bạn.
Nhận hỗ trợ
Hỗ trợ tinh thần có thể là một công cụ mạnh mẽ cho cả những người sống sót sau ung thư và gia đình họ. Nói chuyện với những người đang trải qua hoàn cảnh giống như bạn có thể giúp giảm bớt cảm giác đơn độc. Những ý tưởng hữu ích từ người khác có thể giúp bạn.
Nguồn ảnh: http://survivedat.org/find-support
Có nhiều loại chương trình hỗ trợ, bao gồm tư vấn cá nhân hoặc tư vấn nhóm, và các nhóm hỗ trợ.
Hỗ trợ dưới bất kỳ hình thức nào cũng giúp bạn bày tỏ cảm xúc và phát triển các kỹ năng ứng phó. Các nghiên cứu cho thấy những người tham gia các nhóm hỗ trợ có chất lượng cuộc sống tốt hơn, bao gồm việc ngủ ngon hơn và ăn ngon miệng hơn.
Các nhóm hỗ trợ
Một số nhóm là chính thức và tập trung vào việc tìm hiểu về ung thư hoặc xử lý cảm xúc. Những nhóm khác thì không chính thức và mang tính xã hội. Một số nhóm chỉ bao gồm những người bị ung thư hoặc chỉ có người chăm sóc, trong khi một số nhóm khác bao gồm cả vợ/chồng, các thành viên trong gia đình hoặc bạn bè. Một số nhóm tập trung vào các loại ung thư cụ thể hoặc các giai đoạn bệnh khác nhau. Một số chương trình có thành viên cố định và những chương trình khác mở cửa cho các thành viên mới hoặc người tham gia tạm thời. Tìm hiểu thông tin về bất kỳ nhóm hỗ trợ nào mà bạn đang cân nhắc tham gia là rất quan trọng.
Các nhóm hỗ trợ trực tuyến có thể là một lựa chọn khác để nhận hỗ trợ. Có nhiều cộng đồng tốt khác trên Internet mà bạn có thể tham gia, tuy nhiên bạn nên kiểm tra kỹ lưỡng trước khi gia nhập.
Tham vấn
Một số người cảm thấy tốt hơn khi có sự kết nối trực tiếp với một nhà tham vấn, người có thể dành sự chú ý và khuyến khích riêng cho họ. Đội ngũ chăm sóc ung thư của bạn có thể giới thiệu cho bạn một nhà tham vấn chuyên làm việc với những người sống sót sau ung thư.
Tâm linh và tôn giáo
Tôn giáo có thể là một nguồn sức mạnh lớn đối với một số người. Một số người tìm thấy niềm tin mới trong quá trình trải qua ung thư. Những người khác cảm thấy rằng ung thư làm sâu sắc thêm niềm tin hiện tại của họ hoặc niềm tin của họ mang lại sức mạnh mới.
Nếu bạn là người có tôn giáo, một mục sư, tăng lữ, hoặc một nhà lãnh đạo tôn giáo khác, hoặc một nhà tư vấn tâm linh được đào tạo có thể giúp bạn xác định nhu cầu tâm linh của mình và tìm kiếm sự hỗ trợ tinh thần.
Tâm linh rất quan trọng đối với nhiều người, ngay cả những người không theo một tôn giáo chính thức nào. Nhiều người cảm thấy được an ủi khi nhận ra rằng họ là một phần của điều gì đó lớn hơn bản thân mình, điều này giúp họ tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống.
Thực hành tâm linh có thể giúp củng cố sự kết nối với người khác, với hiện tại, và với những điều thiêng liêng hoặc quan trọng. Thiền, thực hành lòng biết ơn, giúp đỡ người khác và dành thời gian ở gần gũi với thiên nhiên chỉ là một vài trong số nhiều cách mà mọi người thực hiện để đáp ứng nhu cầu tâm linh của mình.
Tổng kết
Hãy nhớ rằng bạn là một người đã chiến thắng bệnh ung thư. Giống như hầu hết những người khác, bạn và những người xung quanh có thể điều chỉnh và sống một cuộc đời đầy đủ và viên mãn sau ung thư.
Nguồn: Hiệp hội Ung thư Hoa kỳ https://www.cancer.org/
Đường dẫn:
https://www.cancer.org/cancer/survivorship/be-healthy-after-treatment/life-after-cancer.html
Biên dịch: ThS. Nguyễn Hà My, phòng QLCL-CTXH
Hiệu đính: ThS.BS. Nguyễn Thanh Hằng, Phòng HTQT&NCKH