Bệnh nhân H.V.C., 43 tuổi, trú tại Ba Vì - Hà Nội đến Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội khám với khối u kích thước “khủng” ở cổ khiến mặt lệch hẳn sang một bên. Anh C. cho biết, cách đây 2 tháng, anh thấy cổ nổi cục to bằng đốt ngón tay nên đã tìm đến một “thầy lang” khá “nổi tiếng” tại địa phương và được cho điều trị bằng cách đắp lá. Sau đó, u ngày càng phát triển rất nhanh, nổi hạch xung quanh thành một khối lớn, bầm tím. Đến khi thấy khó thở, nuốt vướng, khạc nhổ ra máu, anh C. mới đến Bệnh viện Đa khoa Ba Vì khám và được chuyển lên Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội.
Các xét nghiệm nội soi, chụp cắt lớp cho thấy, khối u dạng sùi chiếm toàn bộ hố amidan trái và sụn nắp gây hẹp khẩu kính hạ họng. Ngoài ra, có hạch trung thất, hạch thượng đòn hai bên với đường kính hạch lớn nhất lên đến hơn 10 cm. Kết quả chẩn đoán bệnh nhân mắc ung thư hạ họng di căn ở giai đoạn muộn.
Các bác sĩ cho biết, đây là một trường hợp đáng tiếc. Nếu bệnh nhân đến viện sớm khi mới phát hiện u ở kích thước nhỏ, có thể điều trị triệt căn, phẫu thuật hoặc hóa xạ trị. Bệnh nhân có cơ hội sống thêm dài và giảm thiểu các biến chứng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Với tình trạng này, bệnh nhân được chỉ định mở khí quản chủ động tại Khoa Ngoại Đầu cổ. Nếu không phẫu thuật sớm, khối u hạch phát triển nhanh khiến bệnh nhân lâm vào tình trạng nguy kịch do u và hạch chèn ép gây khó thở dữ dội.
Theo khuyến cáo của bác sĩ, người bệnh khi thấy nổi hạch ở cổ phải đi khám chuyên khoa ung bướu sớm, điều trị kịp thời tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy đến. Người dân không nên tự ý điều trị như dùng thuốc nam sẽ đánh mất đi cơ hội chữa khỏi bệnh.
TS.BS. Đàm Trọng Nghĩa - Trưởng Khoa Ngoại Đầu cổ