Chiến lược điều trị phù hợp nhất cho bệnh nhân phụ thuộc vào nhiều yếu tố:
· Giai đoạn và độ mô học của bệnh
· Hiệu quả điều trị của mỗi phương pháp điều trị.
· Tuổi bệnh nhân
· Các bệnh lý kèm theo của bệnh nhân
· Khả năng dung nạp với điều trị và các tác dụng phụ của điều trị của bệnh nhân
Phẫu thuật ung thư tinh hoàn
Phẫu thuật cắt tinh hoàn là phương pháp điều trị cơ bản đối với bệnh nhân ung thư tinh hoàn. Phẫu thuật thường được áp dụng ngay cả khi ung thư ở giai đoạn lan tràn. Phẫu thuật viên cũng tiến hành vét hạch bạch huyết lân cận để đánh giá tổn thương di căn. Có rất nhiều cách thức thực hiện phẫu thuật ung thư tinh hoàn. Bệnh nhân cần trao đổi với bác sĩ điều trị để biết về cách thức phẫu thuật và kết quả mong đợi sau phẫu thuật.
Phẫu thuật ung thư tinh hoàn
Các tai biến trong quá trình phẫu thuật
Tất cả các cuộc phẫu thuật đều có thể có nguy cơ và tai biến. Bệnh nhân cần trao đổi kĩ với bác sĩ để biết điều gì có thể xảy ra trong và sau phẫu thuật, cho bác sỹ biết những bệnh lý kèm theo mà bệnh nhân đã có từ trước. Các bác sĩ điều trị có nghĩa vụ hỗ trợ bệnh nhân giải quyết bất kì vấn đề nào xảy đến.
Hóa trị
Hóa trị là phương pháp sử dụng các thuốc hóa chất để tiêu diệt tế bào ung thư. Thuốc hóa chất được truyền vào cơ thể bệnh nhân qua đường tĩnh mạch vào máu và đi khắp cơ thể. Hóa chất sẽ tiêu diệt các tế bào phát triển nhanh, bao gồm cả tế bào ung thư và tế bào lành, ví dụ tế bào máu và tóc. Hóa trị được điều trị theo chu kỳ, mỗi chu kỳ từ 3 đến 4 tuần, giữa các chu kỳ bệnh nhân sẽ có một khoảng nghỉ. Điều trị phối hợp 2 hay nhiều loại hóa chất thường có hiệu quả tốt hơn so với điều trị một loại hóa chất (đơn trị liệu). Liệu trình hóa trị thường kéo dài nhiều tháng.
Tác dụng không mong muốn của hóa trị
Điều trị hóa chất có thể khiến bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, đau bụng và rụng tóc. Những triệu chứng này sẽ dần biến mất sau khi kết thúc điều trị. Có nhiều phương pháp để điều trị hầu hết các tác dụng phụ của hóa trị. Bệnh nhân hãy trao đổi với bác sĩ điều trị hóa trị về các tác dụng không mong muốn mà họ gặp phải, để được giúp đỡ xử trí kịp thời.
Xạ trị
Xạ trị là phương pháp sử dụng tia năng lượng cao (ví dụ tia X) để tiêu diệt tế bào ung thư. Xạ trị trong ung thư tinh hoàn chủ yếu điều trị khi tế bào ung thư lan tràn đến hạch bạch huyết. Xạ trị cũng được áp dụng trong trường hợp bệnh nhân có tổn thương não hoặc tủy sống.
Đối với ung thư tinh hoàn, phương pháp sử dụng máy xạ trị phát tia bức xạ vào tinh hoàn, được gọi là xạ trị ngoài. Bệnh nhân sẽ được đặt một tấm chắn để bảo vệ tinh hoàn khỏe mạnh khỏi tác hại của tia bức xạ.
Tác dụng không mong muốn của xạ trị
Bác sĩ và bệnh nhân cần trao đôi về các tác dụng không mong muốn có thể xảy ra khi điều trị bằng xạ trị. Những tác dụng phụ phổ biến nhất trong quá trình xạ trị bao gồm các thay đổi trên da và mệt mỏi. Phần lớn các tác dụng phụ sẽ giảm dần sau khi kết thúc xạ trị. Một số tác dụng phụ có thể tiếp diễn sau đó. Bệnh nhân hãy trao đổi với bác sĩ điều trị để bác sĩ có thể giúp đỡ họ xử trí.
Hóa chất liều cao và ghép tế bào gốc
Ghép tế bào gốc cho phép các bác sĩ điều trị sử dụng hóa trị liều cao hơn so với điều trị cơ bản. Trong quá trình điều trị, bác sĩ sẽ sử dụng một hệ thống đặc biệt để tách những tế bào có chức năng tạo máu (được gọi là tế bào gốc) từ cơ thể bệnh nhân, kết hợp điều trị hóa chất liều cao. Sau khi kết thúc hóa trị, tế bào gốc được truyền lại cho người bệnh qua đường tĩnh mạch.
Phương pháp ghép tế bào gốc được chỉ định chủ yếu đối với những bệnh nhân ung thư tinh hoàn tái phát sau điều trị hóa trị chuẩn. Đây là phương pháp điều trị kỹ thuật cao và phức tạp, đi kèm với nhiều tác dụng phụ. Bệnh nhân cần trao đổi kỹ với bác sĩ điều trị nếu lựa chọn phương pháp điều trị này để biết điều gì có thể xảy ra trong và sau điều trị.
Các thử nghiệm lâm sàng
Thử nghiệm lâm sàng là nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá tác dụng của một loại thuốc mới hoặc một phương pháp điều trị mới trên người bệnh. Các nhà nghiên cứu sẽ so sánh xem phương pháp điều trị mới có hiệu quả hơn so với điều trị tiêu chuẩn hay không.
Trong trường hợp bệnh nhân muốn tìm hiểu thêm về các thử nghiệm lâm sàng phù hợp với họ, hãy tham khảo ý kiến của các bác sĩ về các thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành tại bệnh viện hay phòng khám.
Các thử nghiệm lâm sàng là một phương án giúp bệnh nhân tiếp cận với phương pháp điều trị mới. Đó cũng là con đường tốt nhất để tìm ra các phương pháp điều trị ung thư hiệu quả hơn. Nếu có một thử nghiệm lâm sàng nào đó đang được tiến hành trên bệnh ung thư bệnh nhân đang mắc, việc tham gia sẽ phụ thuộc vào quyết định của bệnh nhân, và bệnh nhân có thể ngừng tham gia bất cứ lúc nào.
Các phương pháp điều trị “không chính thống”
Khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, bệnh nhân có thể nghe nói tới những phương pháp không chính thống để điều trị bệnh cũng như giảm triệu chứng. Các phương pháp đó có thể là vitamin, thuốc thảo dược, chế độ ăn kiêng đặc biệt và nhiều phương pháp khác. Người bệnh thường băn khoăn cân nhắc về các phương pháp này.
Một số phương pháp có thể có tác dụng hỗ trợ, nhưng phần lớn chưa chứng minh được hiệu quả. Một số không đem lại lợi ích cho người bệnh, thậm chí gây hại cho người bệnh. Hãy trao đổi với bác sĩ điều trị về tất cả các phương pháp bệnh nhân có ý định sử dụng, kể cả vitamin, ăn kiêng hay bất kỳ thứ gì khác.
Những câu bệnh nhân nên hỏi bác sĩ điều trị
· Phương pháp điều trị nào là phù hợp nhất cho tôi?
· Tổn thương ung thư đã lan tràn ra ngoài tinh hoàn chưa?
· Giai đoạn bệnh của tôi?
· Tôi có cần thăm khám thêm các bác sĩ khác không?
· Tôi có cần làm thêm những xét nghiệm khác trước khi quyết định điều trị hay không?
· Mục tiêu điều trị là gì? Bệnh của tôi có thể chữa khỏi hay không?
· Tôi có chỉ định phẫu thuật không? Nếu có, bác sĩ nào sẽ thực hiện ca phẫu thuật?
· Phẫu thuật sẽ được tiến hành như thế nào?
· Phẫu thuật có tiến hành vét hạch bạch huyết không?
· Tôi có cần phối hợp các phương pháp điều trị khác không?
· Mục tiêu điều trị của các phương pháp này là gì?
· Các tác dụng phụ tôi có thể gặp phải trong quá trình điều trị là gì?
· Tôi có thể làm gì để giảm các tác dụng phụ gặp phải?
· Hiện tại có thử nghiệm lâm sàng nào thích hợp với bệnh của tôi không?
· Tôi có thể sử dụng các vitamin và chế độ ăn kiêng đặc biệt mà bạn bè, người thân tư vấn không? Làm sao để biết được độ an toàn của các phương pháp đó?
· Khi nào tôi có thể bắt đầu điều trị?
· Tôi có thể có con sau khi điều trị ung thư tinh hoàn không?
· Tôi cần chuẩn bị những gì trước khi điều trị?
· Tôi có thể làm gì để giúp các bác sĩ điều trị bệnh hiệu quả hơn?
· Các bước điều trị tiếp theo là gì?
Theo dõi sau điều trị
Đối với người bệnh sau điều trị ung thư, việc theo dõi định kỳ giúp bệnh nhân giảm lo lắng về nguy cơ ung thư quay trở lại. Bệnh nhân sẽ cần đến gặp các bác sĩ ung thư để được tiến hành khám định kỳ trong nhiều năm sau khi đã kết thúc điều trị. Bệnh nhân sẽ được khám lâm sàng, xét nghiệm máu và nhiều xét nghiệm khác để kiểm tra xem ung thư có tái phát không.
Trong thời gian đầu, bệnh nhân có thể khám định kỳ mỗi 2 đến 6 tháng. Trong những năm tiếp theo, nếu không có bằng chứng tái phát, tần suất thăm khám sẽ giảm dần. Từ sau 5 năm trở đi, bệnh nhân có thể theo dõi và thăm khám 1 đến 2 năm một lần.
Nguồn: Dịch từ www.cancer.org Hiệp hội Ung thư Hoa kỳ
Đường dẫn: https://www.cancer.org/cancer/testicular-cancer/if-you-have-testicular-cancer.html
Biên dịch: ThS.BSNT. Nguyễn Quốc Hùng, Khoa Nội II
Hiệu đính: ThS.BS. Nguyễn Thanh Hằng, Phòng HTQT-NCKH