Bệnh viện ung bướu hà nội

- Nơi gửi gắm niềm tin và hy vọng!

Đối mặt với Ung thư gia đoạn muộn và Di căn

Sống chung với ung thư giai đoạn muộn có thể rất khác nhau đối với mỗi người. Điều quan trọng là phải hiểu những gì có thể xảy đến với loại bệnh và giai đoạn ung thư của mình. Hãy dành thời gian để trao đổi với nhóm điều trị ung thư của quý vị về những lo lắng và đặt những câu hỏi cho họ.

Quý vị có thể muốn đặt những câu hỏi như:

  • Bác sĩ nghĩ tôi nên mong đợi điều gì vào thời điểm này?
  • Những lựa chọn điều trị của tôi là gì? Hiện có những phương pháp điều trị nào hiệu quả dành cho tôi không?
  • Mục tiêu điều trị hiện nay là gì? Kiểm soát ung thư? Giảm nhẹ?
  • Bác sĩ nghĩ tôi có thể sống được bao lâu với bệnh ung thư này? Thời gian sống của những người tình trạng giống tôi là bao lâu? Có phải tôi sẽ ra đi sớm không?
  • Tôi sẽ cần điều trị hoặc gặp bác sĩ bao lâu một lần?
  • Tôi cần những xét nghiệm nào để theo dõi sự thay đổi của bệnh?
  • Tôi cần theo dõi và cho bác sĩ biết những triệu chứng nào?
  • Có thể làm gì với các triệu chứng của tôi (đau, mệt mỏi, buồn nôn…)?
  • Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi quyết định không điều trị nữa?
  • Có những lựa chọn hỗ trợ nào dành cho tôi?
  • Tôi sẽ thanh toán chi phí điều trị như thế nào? Bảo hiểm y tế của tôi có chi trả cho điều đó không?

Đưa ra những quyết định điều trị ung thư giai đoạn muộn

Có được câu trả lời cho những băn khoăn lo lắng của mình sẽ giúp quý vị quyết định tiếp theo nên làm gì. Nên tiếp tục điều trị để cố gắng kiểm soát bệnh của mình hay nên dừng điều trị?

Chăm sóc giảm nhẹ có thể hữu ích cho mọi bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn, cho dù họ có quyết định điều trị ung thư nữa hay không. Chăm sóc giảm nhẹ không hoàn toàn giống như chăm sóc cuối đời. Chăm sóc giảm nhẹ tập trung vào việc cải thiện chất lượng cuộc sống bằng cách giúp các bệnh nhân và người chăm sóc quản lý các triệu chứng của bệnh ung thư và các tác dụng không mong muốn của điều trị. Chăm sóc giảm nhẹ có thể hữu ích cho mọi người ở mọi lứa tuổi và ở mọi giai đoạn của bệnh. Chăm sóc giảm nhẹ nên được thực hiện bất cứ khi nào bệnh nhân có các triệu chứng cần được kiểm soát.

Đối với một số người, ung thư giai đoạn muộn có thể được kiểm soát như một bệnh mãn tính. Với cách tiếp cận này, bệnh ung thư và các triệu chứng có thể được kiểm soát trong thời gian dài bằng các phương pháp điều trị ung thư. Chăm sóc giảm nhẹ có thể được thực hiện cùng lúc để kiểm soát các triệu chứng của bệnh ung thư và tác dụng không mong muốn của điều trị ung thư.

Đối với một số người, lựa chọn tốt nhất có thể là không điều trị thêm nữa mà thay vào đó tập trung vào việc có được chất lượng cuộc sống tốt nhất cho phần đời còn lại của họ. Chăm sóc giảm nhẹ có thể rất hữu ích trong việc xửcác triệu chứng, các ảnh hưởng tinh thần do  mắc bệnh ung thư, và xoa dịu những lo ngại về cái chết. Khi một người gần đến giai đoạn cuối đời, họ thường phải chuyển sang chăm sóc cuối đời.

Điều quan trọng nhất là mỗi người đưa ra quyết định tốt nhất cho bản thân h. Điều cần thiết là phải hiểu các lựa chọn của quý vị và quyết định điều gì là tốt nhất cho mình.

Đối mặt với các vấn đề gia đình

Bệnh kéo dài nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm có thể gây áp lực rất lớn cho gia đình. Căng thẳng càng kéo dài thì gia đình càng có nguy cơ bị suy sụp tinh thần. Các thành viên trong gia đình có thể trở nên kiệt quệ về thể chất và tinh thần. Mệt mỏi cùng với lo lắng và sợ hãi có thể gây tổn thương cho họ.

Ung thư giai đoạn muộn làm thay đổi cách các thành viên trong gia đình kết nối với nhau. Những gia đình có thể giải quyết tốt xung đột và hỗ trợ lẫn nhau sẽ có xu hướng đối mặt tốt nhất với bệnh ung thư của người thân. Những gia đình trước đây đã gặp khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề trong gia đình có thể sẽ gặp nhiều trở ngại hơn khi ở trong tình huống có thành viên ung thư giai đoạn muộn. Quý vị có thể muốn gặp một chuyên gia tư vấn và làm việc cùng với họ để lên kế hoạch hỗ trợ lẫn nhau như thế nào là tốt nhất và lập kế hoạch cho những vấn đề có thể xảy ra.

Vai trò trong gia đình cũng có thể thay đổi. Cách các thành viên trong gia đình đảm nhận nhiệm vụ mới và thế chỗ người bệnh ung thư ảnh hưởng đến cách họ điều chỉnh khi mất đi người đó. Đối với người bệnh ung thư, vai trò gia đình thay đổi có thể tạo ra nỗi buồn cùng với sự mất mát. Ví dụ, một người phụ nữ ốm nặng không thể ra khỏi giường có thể cảm thấy mất đi vai trò làm vợ và/hoặc làm mẹ. Hiểu được điều này và tìm cách để cô ấy vẫn tham gia vào cuộc sống hàng ngày của gia đình có thể giúp ích cho cả cô ấy và gia đình.

Những người bệnh ung thư thường nói rằng việc thiếu kết nối trong gia đình họ là một vấn đề. Những thay đổi trong vai trò của bản thân họ có thể gây ra sự ấm ức và lo âu. Tư vấn tâmgia đình có thể giúp các thành viên trong gia đình học cách đối phó với những thay đổi đang diễn ra. Nó cũng có thể giúp các thành viên học cách trao đổi thoải mái hơn về cảm xúc của mình. Việc tư vấn đặc biệt hữu ích trong những gia đình mà một số thành viên không cảm thấy thoải mái khi nói chuyện cởi mở về cảm xúc của mình.

Tìm kiếm hy vọng

Hy vọng là một phần quan trọng của cuộc sống hàng ngày. Niềm hy vọng khiến nhiều người trong chúng ta rời khỏi giường vào buổi sáng và giúp chúng ta hoạt động suốt cả ngày. Nếu quý vị bị ung thư giai đoạn muộn, quý vị vẫn có thể có hy vọng và ước mơ, mặc dù một vài điều trong số đó có thể đã thay đổi. Hy vọng của quý vị có thể là có một ngày không đau đớn hoặc làm điều gì đó đặc biệt với một thành viên trong gia đình. Sự sẻ chia, trò chuyện cởi mở cũng có thể là niềm hy vọng cho những người bệnh ung thư và gia đình họ. Đó cũng có thể là hy vọng thực sự về việc giảm các triệu chứng và làm chậm sự phát triển của ung thư. Và luôn có hy vọng tận dụng tối đa thời gian còn lại – để có những khoảng thời gian vui vẻ, tràn ngập hạnh phúc và ý nghĩa bên gia đình và bạn bè. Sống chung với sự bất định do ung thư giai đoạn muộn không phải là điều dễ dàng. Nhưng đối với nhiều người, đây là thời điểm tốt để tập trung lại vào những điều quan trọng nhất trong cuộc sống. Đó là lúc để làm những việc quý vị luôn muốn làm và dừng những việc quý vị không còn muốn làm nữa.

Tìm kiếm sự hỗ trợ

Được thông báo rằng quý vị mắc bệnh ung thư giai đoạn muộn có thể rất khó khăn đối với bệnh nhân, gia đình và người chăm sóc. Những cảm giác thông thường khi trải nghiệm cú sốc  này bao gồm lo âu, đau buồn và trầm cảm. Nhưng quý vị không cần phải tự mình giải quyết những cảm xúc này.

Hỗ trợ từ bạn bè và cộng đồng

Những người mắc bệnh hiểm nghèo rất cần có mọi người trong cuộc sống của họ. Họ cần mọi người giúp họ đối mặt với bệnh tật và những ảnh hưởng  của nó với cảm xúc của mình. Sự hỗ trợ có thể đến từ gia đình và bạn bè, chuyên gia sức khỏe tâm thần, các nhóm hỗ trợ hoặc cộng đồng. Yêu cầu hỗ trợ là một cách quý vị có thể kiểm soát được tình trạng của mình.

Nếu quý vị không nhận được đủ sự hỗ trợ từ bạn và gia đình, hãy tìm kiếm sự hỗ trợ ở nơi khác. Một số người trong cộng đồng cần sự đồng hành của quý vị cũng như quý vị cần sự đồng hành của họ. Sự hỗ trợ lẫn nhau của những người bệnh ung thư cũng có thể là niềm an ủi. Hãy trao đổi với nhóm điều trị ung thư của quý vị để biết các nguồn lực trong cộng đồng của mình.

Các nhóm trực tuyến là một lựa chọn khác. Một số người thấy các nhóm hỗ trợ trực tuyến hữu ích vì họ thích sự riêng tư mà những nhóm này mang lại. Quý vị có thể cảm thấy thoải mái khi trò chuyện với những người khác có hoàn cảnh giống mình mà không cần phải chia sẻ nhiều hơn mức quý vị muốn.

Nhưng điều quan trọng cần nhớ là các cuộc trò chuyện và nhắn tin không phải là nguồn thông tin y tế tốt nhất, đặc biệt nếu chúng không được giám sát bởi các chuyên gia được đào tạo. Hoàn cảnh của mỗi người là khác nhau và điều giúp ích cho người này có thể không phù hợp với người khác.

Hỗ trợ từ nhân viên tư vấn

Nếu quý vị có những cảm xúc tiêu cực làm ảnh hưởng cuộc sống của mình hoặc nếu quý vị chỉ muốn nói ra  và có cách đối mặt với những cảm xúc đó, hãy cân nhắc nói chuyện với một chuyên gia sức khỏe tâm thần. Việc nói chuyện với chuyên gia thường có thể rất hữu ích. Nhân viên công tác xã hội, nhà tâm lý học, bác sĩ và điều dưỡng chuyên ngành tâm thần đều là những chuyên gia sức khỏe tâm thần được cấp phép. Những cố vấn này có thể đặc biệt hữu ích nếu quý vị đang phải vật lộn với sự lo âu, bất ổn tâm lý hoặc trầm cảm. Quý vị có thể tìm thấy hbằng cách hỏi nhóm điều trị ung thư của quý vị hoặc thông qua bệnh viện lớn gần nhất trong khu vực của quý vị. Nhóm điều trị ung thư của quý vị có thể làm việc với quý vị để tìm chuyên gia phù hợp cho quý vị.

Hỗ trợ dưới mọi hình thức cho phép quý vị trao đổi về cảm xúc của mình và phát triển những kỹ năng kiểm soát nó. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người tham gia các chương trình hỗ trợ thường có chất lượng cuộc sống được cải thiện bao gồm việc ngủ ngon hơn và ăn ngon miệng hơn.

 

 

Nguồn: Hiệp hội Ung thư Hoa kỳ, www.cancer.org

Đường dẫn: https://www.cancer.org/cancer/managing-cancer/advanced-cancer/coping.html

Biên dịch: Bác sĩ nội trú Trương Thu Hiền – Khoa Nội Tiêu Hóa Theo Yêu Cầu, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội

Hiệu đính: ThS. BS. Nguyễn Thanh Hằng – Phòng HTQT-NCKH

 

 

 

 

Gói khám tầm soát ung thư