Bệnh viện ung bướu hà nội

- Nơi gửi gắm niềm tin và hy vọng!

ĐỐI PHÓ VỚI RỤNG TÓC KHI ĐIỀU TRỊ UNG THƯ

Một số phương pháp điều trị ung thư làm người bệnh mất một phần hoặc toàn bộ tóc, thường tóc rụng đi từng mảng trong lúc gội đầu hay chải tóc. Rụng tóc thường làm cả bệnh nhân nam và nữ cảm thấy lo lắng. Người bệnh cần biết rằng tóc sẽ mọc trở lại và có những cách để làm giảm những lo âu khó chịu do việc rụng tóc gây ra.

Tóc bị rụng đi khi thuốc hóa chất điều trị ung thư phá hủy những nang tóc và do đó làm tóc rụng. Rất khó để biết trước người bệnh nào sẽ bị rụng tóc, người nào không ngay cả khi họ dùng những loại thuốc giống nhau. Một số thuốc có thể gây ra mỏng hoặc mất tóc trên da đầu. Một số khác cũng có thể gây mỏng hoặc rụng lông ở mu, chân tay, lông mày hay lông mi. Điều trị xạ trị vùng đầu thường gây ra rụng tóc. Đôi khi, tùy thuộc vào liều xạ trị trên đầu, tóc mọc lại sẽ không giống như trước.

Nếu rụng tóc xảy ra, hầu hết thường bắt đầu trong vòng 2 tuần đầu điều trị và nặng nhất sau 1 đến 2 tháng điều trị. Da đầu của người bệnh sẽ rất nhạy cảm khi gội, chải hay chạm vào. Nhưng tóc thường sẽ bắt đầu mọc lại ngay cả khi điều trị chưa kết thúc.

Người bệnh nên chuẩn bị cho việc rụng tóc như thế nào?

  • Tình trạng mỗi người sẽ khác nhau. Hãy hỏi bác sỹ xem bạn có khả năng bị rụng tóc không. Nếu có, hỏi xem nó xảy ra nhanh hay từ từ.
  • Nếu bạn phải dùng một loại thuốc hóa chất có thể gây rụng tóc, hỏi bác sỹ xem bạn có nên sử dụng một chiếc mũ lạnh (cooling cap) để làm giảm nguy cơ rụng tóc không. Mũ lạnh cũng có một số tác dụng phụ như đau đầu, đau da đầu, khó chịu ở cổ và vai. Hãy hỏi bác sỹ về lợi ích, hạn chế, tác dụng phụ của mũ lạnh.

Mũ lạnh (cooling cap)

  • Nếu việc rụng tóc làm cho bạn khó chịu, bạn có thể chọn lựa giữa việc cắt thật ngắn tóc hoặc cạo nhẵn đầu trước khi tóc bắt đầu rụng.
  • Nếu bạn nghĩ bạn muốn đội một bộ tóc giả, hãy mua trước khi hoặc ngay khi bắt đầu điều trị. Hỏi xem bộ tóc giả có thể điều chỉnh được không – bạn có thể cần một bộ tóc giả nhỏ hơn khi bạn đã rụng tóc. Màu của tóc giả cũng cần hợp với tóc thật của bạn, bạn có thể cắt một mẩu tóc vùng đỉnh phía trước đầu của bạn làm mẫu, đây là nơi tóc màu sáng nhất.

Khi bị rụng tóc

  • Nếu bạn mua một bộ tóc giả, hãy thử các kiểu khác nhau cho đến khi tìm thấy một bộ thực sự ưng ý. Nên cân nhắc mua 2 bộ tóc giả, một bộ dùng hàng ngày và một bộ dùng cho những dịp đặc biệt.
  • Những bộ tóc giả bằng chất liệu tổng hợp (nhân tạo) cần sự chăm sóc và tạo kiểu ít hơn những bộ tóc giả làm từ tóc người. Tóc nhân tạo cũng có giá rẻ hơn và bảo quản dễ hơn, không tốn nhiều công sức nên sẽ phù hợp hơn khi sức khỏe của người bệnh ung thư yếu đi trong quá trình điều trị.
  • Một số người thấy tóc giả nóng và ngứa có thể thay thế chúng bằng mũ hoặc khăn. Chất liệu cotton (sợi bông tự nhiên) sẽ dễ chịu cho da đầu hơn chất liệu nilon hay polyester (sợi tổng hợp).
  • Nếu tóc của bạn trở nên rất mỏng hoặc rụng hết hoàn toàn trong quá trình điều trị, hãy bảo đảm rằng da trên đầu của bạn được bảo vệ khỏi nóng, lạnh hay ánh nắng mặt trời. Sử dụng kem chống nắng phổ rộng với SPF ít nhất là 30 và một chiếc mũ. Nếu trời lạnh hãy sử dụng một chiếc mũ hoặc khăn quàng để che kín da đầu và giữ ấm.
  • Bạn có thể cảm thấy da đầu ngứa hoặc nhạy cảm. Cần nhẹ nhàng khi chải và gội đầu. Nên sử dụng lược có răng thưa.
  • Rụng tóc có thể giảm bớt bằng cách tránh chải hoặc kéo tóc quá mức (có thể xảy ra khi bện tóc hoặc buộc tóc, sử dụng lô cuốn, máy sấy tóc, máy uốn hoặc hấp phẳng tóc)
  • Dùng một chiếc mạng tóc vào buổi tối, hoặc ngủ trên vỏ gối satin để giữ tóc không bị bết lại. Nhẹ nhàng với lông mày và lông mi vì chúng cũng có thể bị ảnh hưởng.
  • Khi tóc mới bắt đầu mọc trở lạ, lúc đầu sẽ rất dễ gãy. Tránh uốn hay nhuộm tóc trong một vài tháng đầu tiên. Nên để tóc ngắn kiểu đơn giản.

Mạng tóc

Kiểu tóc tỉa ngắn

Nguồn: Dịch từ www.cancer.org Hiệp hội Ung thư Hoa kỳ

https://www.cancer.org/treatment/treatments-and-side-effects/physical-side-effects/hair-loss/coping-with-hair-loss.html

Biên dịch: BS. Phùng Ngọc Nam – Khoa Nội Tổng hợp Theo yêu cầu

Hiệu đính: ThS.BS. Nguyễn Thanh Hằng – Phòng HTQT-NCKH

Gói khám tầm soát ung thư