Giảm tiểu cầu khiến người bệnh có nguy cơ chảy máu cao hơn. Nếu có số lượng tiểu cầu thấp, người bệnh nên tránh bất kì những hoạt động nào có thể dẫn đến chảy máu. Những vết thương không nghiêm trọng, như một vết cắt nhỏ hay vết sưng nhỏ cũng có thể dẫn đến chảy máu nhiều khi lượng tiểu cầu thấp.
Số lượng tiểu cầu bình thường từ 150,000 – 400,000/mm3 máu (một số chuyên gia y tế dùng giới hạn cao hơn, 450.000/mm3). Trong quá trình điều trị ung thư, số lượng tiểu cầu cũng có thể giảm. Số lượng tiểu cầu của người bệnh sẽ được kiểm tra bằng các xét nghiệm máu khi cần. Bất cứ khi nào số lượng tiểu cầu giảm xuống dưới 50.000/mm3, nguy cơ xuất huyết sẽ tăng lên. Nếu số lượng tiểu cầu giảm dưới 10.000/mm3, người bệnh có thể cần được truyền khối tiểu cầu.
Ung thư có thể làm giảm số lượng tiểu cầu
https://cdn.tgdd.vn//News/1119863//benh-giam-tieu-cau-la-gi-nguyen-nhan-va-cach-phong-ngua-14-?
Những dấu hiệu giảm tiểu cầu
Khi điều trị ung thư bằng một số phương pháp nhất định, người bệnh không thể làm gì để ngăn ngừa tình trạng giảm tiểu cầu. Một số dấu hiệu của giảm tiểu cầu là nghiêm trọng. Hãy thông báo cho nhân viên y tế ngay nếu người bệnh thấy các dấu hiệu sau:
· Có nhiều vết bầm tím trên da.
· Những đốm xuất huyết trên da màu đỏ, kích thước bằng đầu kim.
· Chảy máu chân răng.
· Chảy máu mũi không cầm máu được.
· Chảy máu nhiều từ một vết cắt nhỏ, hoặc chảy máu không thể cầm được thậm chí sau khi đã được băng ép.
· Nước tiểu tối màu hoặc có máu trong nước tiểu.
· Xuất huyết trực tràng, máu trong phân, hay đi ngoài phân đen.
· Chảy máu trong thời kì kinh nguyệt nhiều hơn bình thường, kéo dài hơn, hoặc ra máu âm đạo ngoài kì kinh.
Làm gì để ngăn chặn chảy máu nếu bị giảm tiểu cầu?
· Giữ cho miệng sạch và ẩm.
· Đánh răng nhẹ nhàng bằng bàn chải lông mềm. Nếu không thể dùng bàn chải, hãy dùng tăm bọt biển nha khoa để làm sạch răng và nướu.
· Súc miệng sau khi ăn bằng dung dịch baking soda (2 muỗng baking soda pha với 240ml nước).
· Không dùng chỉ nha khoa.
· Không sử dụng nước súc miệng có thành phần cồn. Cồn có thể làm khô miệng và điều này có thể gây chảy máu.
· Sử dụng gel làm ẩm hoặc những loại son dưỡng môi khác để giữ ẩm và tránh nứt nẻ môi.
· Uống từng ngụm nước hoặc nước ép trái cây nếu lưỡi hoặc miệng của bạn thường xuyên cảm thấy khô.
· Thay đổi các thói quen vệ sinh phụ nữ.
o Sử dụng băng vệ sinh thay thế cho tampon trong suốt thời kì kinh nguyệt.
o Tránh thụt rửa âm đạo.
Những điều khác người bệnh có thể làm để ngăn ngừa chảy máu:
· Đừng ho mạnh. Nếu bị ho, hãy hỏi bác sỹ xem bạn có thể dùng được thuốc ho hay không.
· Đừng xì mũi quá mạnh
· Cố gắng không rặn mạnh khi đi vệ sinh. Nếu bị táo bón, hãy dùng thuốc làm mềm phân hoặc thuốc nhuận tràng để dễ đi ngoài hơn.
· Không sử dụng nhiệt kế trực tràng, thuốc đạn hoặc thuốc thụt tháo trực tràng.
· Sử dụng máy cạo râu điện thay thế cho dao cạo.
· Không thực hiện bất kì khám hay chăm sóc, điều trị nha khoa nào trước khi nói chuyện với nhóm chăm sóc ung thư.
· Không uống bất kì loại thuốc nào có thể gây ảnh hưởng đến khả năng đông máu.
· Không dùng aspirin hoặc bất kì thuốc nào có chứa aspirin. Kiểm tra nhãn của tất cả các loại thuốc mà bạn đang dùng để tìm thành phần axit salicylic, tên hoá học của aspirin. Nếu không chắc chắn về một loại thuốc nào đó hoặc không thể biết được bằng cách đọc nhãn, hãy nhờ nhóm chăm sóc hoặc một dược sĩ kiểm tra.
· Không dùng thuốc chống viêm non-steroid (NSAIDs) như Motrin/Advil (ibuprofen), Aleve (naproxen), Celebrex (celecoxib) v.v, vì những loại thuốc này có thể làm tăng nguy cơ chảy máu.
Thay đổi lối sống để giảm nguy cơ chảy máu:
· Tránh hoạt động gắng sức và nâng những vật nặng.
· Tránh những môn thể thao và những hoạt động có thể dẫn đến ngã và/hoặc chấn thương như đạp xe, trượt patin, trượt băng và trượt tuyết.
· Uống 8 đến 10 ly nước không chứa cồn mỗi ngày để giữ ẩm miệng, tránh táo bón, và giữ cho niêm mạc ruột hoạt động tốt.
· Luôn mang giày và dép để bảo vệ đôi chân.
· Không mặc quần áo bó sát.
· Nói chuyện với nhóm chăm sóc ung thư về hoạt động tình dục. Nói với họ về hoạt động tình dục của bạn để xem liệu chúng có an toàn hay không. Họ có thể nói rằng bạn không nên quan hệ, vì việc quan hệ qua đường âm đạo hay hậu môn (bao gồm cả đồ chơi/dụng cụ) hoặc quan hệ tình dục bằng miệng có thể gây nguy cơ chảy máu. Nếu bác sỹ của bạn nói việc quan hệ là an toàn, bạn có thể sử dụng chất bôi trơn dạng nước và tránh lực đẩy mạnh để giảm nguy cơ chảy máu.
Làm gì khi bắt đầu chảy máu?
Ngay cả khi thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa, người bệnh vẫn có khả năng bị chấn thương hoặc bắt đầu chảy máu. Nếu máu bắt đầu chảy, hãy ấn mạnh vào vùng đó trong 5 phút. Nếu máu vẫn không ngừng chảy sau 5 phút, hãy tiếp tục ấn mạnh cho đến khi máu ngừng chảy hoàn toàn.
Nếu bị chảy máu mũi, hãy dùng ngón tay ấn vào bên dưới sống mũi cho đến khi máu ngừng chảy, luôn giữ đầu ngẩng cao.
Khi nào nên gọi cho bác sỹ?
Gọi ngay cho bác sỹ nếu:
· Máu không ngừng chảy sau khi bạn đã ấn mạnh trong vòng 10-15 phút.
· Có máu trong nước tiểu hoặc nước tiểu tối màu.
· Thấy máu chảy ra từ trực tràng, máu trong phân, hoặc nếu đi ngoài phân đen.
· Thay đổi thị lực
· Đau đầu không khỏi, mờ mắt, hoặc có thay đổi mức độ nhận thức như khó tập trung, ngủ nhiều hơn bình thường, lú lẫn và/hoặc khó thức dậy.
Nếu người bệnh có bất kì chấn thương nào hoặc bắt đầu chảy máu không rõ nguyên nhân, hãy đến phòng cấp cứu bệnh viện gần nhất ngay lập tức. Thông báo với nhân viên y tế rằng bạn đang được điều trị ung thư và số lượng tiểu cầu của bạn có thể bị giảm.
Nên đi khám khi chảy máu không ngừng
https://media.healthdirect.org.au/images/general/primary/Thrombocytopenia.jpg
Giảm tiểu cầu được điều trị như thế nào?
Người bệnh có thể cần được truyền khối tiểu cầu. Việc truyền máu này thường được thực hiện tại một trung tâm điều trị bệnh nhân ngoại trú. Bệnh nhân hiếm khi được nhập viện chỉ để truyền khối tiểu cầu. Nhóm chăm sóc ung thư có thể quyết định trì hoãn việc điều trị ung thư của người bệnh cho đến khi số lượng tiểu cầu trở lại bình thường.
Nguồn: Karen Arnold-Korzeniowski, Oncolink News, www.oncolink.org
Đường dẫn: https://www.oncolink.org/support/side-effects/low-blood-counts/low-platelet-count-thrombocytopenia
Biên dịch: Cử nhân điều dưỡng Trần Văn Thọ – Phòng Điều dưỡng, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội.
Hiệu đính: ThS.BS. Nguyễn Thanh Hằng – Phòng HTQT-NCKH