Phát biểu khai mạc tại hội thảo, TS.BS. Nguyễn Thị Mai Lan – Phó Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng sống cho người bệnh ung thư trong suốt quá trình điều trị, đặc biệt trong bối cảnh tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư ở Việt Nam đang ở mức báo động. TS. Lan khẳng định chăm sóc giảm nhẹ và chăm sóc cuối đời chính là giải pháp nhân văn và thiết thực, đồng thời khẳng định vai trò tiên phong của Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội trong phát triển mô hình chăm sóc này.
Bài trình bày mở đầu “Chăm sóc giảm nhẹ và chăm sóc cuối đời cho người bệnh ung thư: Thách thức và giải pháp” của ThS.BS. Lê Công Định - Phó Trưởng khoa Chăm sóc giảm nhẹ đã cung cấp cái nhìn tổng quan về chăm sóc giảm nhẹ, giải thích về các phương pháp giảm đau, đặc biệt là vai trò của morphin trong việc kiểm soát triệu chứng đau cho bệnh nhân ung thư. ThS.BS. Lê Công Định cũng nhấn mạnh việc tích hợp chăm sóc giảm nhẹ vào điều trị ung thư, đặc biệt khi bệnh đã tiến triển hoặc di căn, nhằm giúp bệnh nhân cải thiện chất lượng sống.
Tiếp theo, DS. Điều Thị Ngọc Châu - Khoa Dược đã trình bày về chủ đề “Sử dụng morphin trong quản lý triệu chứng trên người bệnh ung thư.” Bài trình bày tập trung vào các nguyên tắc sử dụng morphin, điều chỉnh liều, chuyển đổi giữa các opioid và cách quản lý các tác dụng phụ như táo bón, buồn nôn và ức chế hô hấp. DS. Châu cũng chia sẻ các phương pháp để kiểm soát các triệu chứng khác liên quan đến điều trị ung thư.
Bài trình bày của CNhĐD. Nguyễn Thị Thanh Thủy - Khoa Nội vú phụ khoa đầu cổ Theo yêu cầu đã mang đến góc nhìn chi tiết về việc quản lý vết thương ác tính ở bệnh nhân ung thư. Những vết thương này, do sự xâm nhập của tế bào ung thư vào da và mô dưới da, gây hoại tử, loét, chảy máu, và mùi hôi, là một trong những triệu chứng phổ biến của ung thư giai đoạn cuối. Bài trình bày cũng đưa ra các phương pháp chăm sóc vết thương hiệu quả, bao gồm kiểm soát chảy máu, mùi hôi và dịch tiết từ vết thương, giúp bệnh nhân giảm bớt sự đau đớn và cải thiện chất lượng sống.
Cuối cùng ThS. Nguyễn Hà My – Phòng Quản lý chất lượng – Công tác xã hội đã có bài trình bày ấn tượng về hỗ trợ tâm lý - xã hội trong chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư. ThS. My chia sẻ về các hình thức hỗ trợ tâm lý và xã hội cho bệnh nhân, bao gồm tham vấn cá nhân, trị liệu nhóm, liệu pháp nhận thức – hành vi cùng các phương pháp trị liệu tinh thần như nghệ thuật, âm nhạc và yoga. Hỗ trợ tâm lý xã hội không chỉ giúp bệnh nhân vượt qua nỗi sợ, lo âu và trầm cảm mà còn giúp họ tìm lại ý nghĩa cuộc sống trong những giai đoạn khó khăn. ThS. My cũng chỉ ra các thách thức trong việc triển khai hoạt động này, như thiếu nhân lực chuyên môn và tài chính, đồng thời đề xuất các giải pháp như phát triển chương trình đào tạo nhân lực và tích hợp hỗ trợ tâm lý - xã hội vào quy trình chăm sóc ung thư.
Những thách thức và giải pháp liên quan đến chăm sóc giảm nhẹ cũng được thảo luận sôi nổi trong hội thảo. Các báo cáo viên đồng tình rằng việc cung cấp dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ và chăm sóc cuối đời cho bệnh nhân ung thư cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên gia, bác sĩ, nhân viên y tế, và gia đình bệnh nhân. Việc phát triển các dịch vụ hỗ trợ tâm lý và xã hội, cải thiện nhận thức cộng đồng về nhu cầu này song song với đào tạo nhân lực là những yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu quả chăm sóc cho người bệnh.
Chăm sóc giảm nhẹ và chăm sóc cuối đời không chỉ là vấn đề y tế mà còn là vấn đề về nhân văn và đạo đức trong việc chăm sóc người bệnh. Hội thảo mang đến cơ hội cập nhật kiến thức chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn và kết nối đội ngũ cán bộ y tế nhằm nâng cao năng lực chăm sóc giảm nhẹ cho người bệnh ung thư tại Hà Nội và các địa phương lân cận, mở ra hướng đi mới với mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư và giảm bớt gánh nặng cho gia đình họ trong giai đoạn cuối đời.