Việc phát hiện sớm bệnh lý ung thư gan rất có ý nghĩa, phát hiện càng sớm thì hiệu quả điều trị và tiên lượng sống của bệnh nhân càng tốt. Tiên lượng thời gian sống thêm ở bệnh nhân ung thư gan giai đoạn rất sớm là 70-90% sống trên 5 năm khi được điều trị với các biện pháp phẫu thuật, ghép gan, phá huỷ u tại chỗ. Ở giai đoạn sớm tiên lượng sống thêm 5 năm đạt 50-70% và ở giai đoạn kết thúc thì tiên lượng chỉ khoảng 6 tháng.
1. TẦM SOÁT UNG THƯ GAN
1.1. Đối tượng tầm soát
- Nhóm nguy cơ cao: các trường hợp nhiễm vi rút viêm gan B (HBV) mạn và vi rút viêm gan C (HCV) mạn chưa điều trị, đang điều trị và đã ngưng điều trị bằng thuốc kháng virus, và các trường hợp xơ gan không liên quan đến nhiễm virus viêm gan.
- Nhóm nguy cơ rất cao: các trường hợp xơ gan có liên quan đến viêm gan do virus (HBV, HCV).
1.2. Phương tiện và tần suất tầm soát
- Tầm soát bằng siêu âm bụng và xét nghiệm phối hợp các chỉ dấu sinh học AFP, AFP-L3, PIVKA II.
- Tầm soát mỗi 6 tháng đối với nhóm nguy cơ cao và mỗi 3 tháng đối với nhóm nguy cơ rất cao. Nếu phát hiện có tổn thương nghi ngờ UNG THƯ GAN và/hoặc giá trị các chỉ dấu sinh học tăng thì nên chụp CT scan bụng có cản quang hoặc MRI bụng có tương phản từ.
2.1. Khám lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng cần làm
- Cần tìm hiểu các yếu tố nguy cơ của bệnh nhân:
+ Tiền sử nhiễm và điều trị HBV và/hoặc HCV.
+ Gia đình bệnh nhân (cha mẹ, vợ chồng, anh chị em ruột) có người đã từng bị nhiễm hay đã hoặc đang điều trị nhiễm HBV và/hoặc HCV, hoặc đã được chẩn đoán bị ung thư gan.
+ Tiền sử truyền máu.
+ Tình trạng sử dụng thức uống có cồn (số lượng, tần suất, thời gian, …).
+ Đã từng tiếp xúc với các loại độc tố hay hóa chất (loại, thời gian tiếp xúc, …).
+ Các bệnh lý khác đi kèm (nếu có).
- Khám lâm sàng: Ung thư gan giai đoạn sớm thường không có triệu chứng lâm sàng đặc hiệu, phần lớn các trường hợp ung thư gan chỉ có đau bụng mơ hồ hoặc được phát hiện tình cờ. Khi bệnh đã có biểu hiện lâm sàng như gầy sút cân, chán ăn, mệt mỏi, đau hạ sườn phải, vàng da, chướng bụng thì thường bệnh đã ở giai đoạn muộn.
2.2.1. Siêu âm
Siêu âm 2D và siêu âm Doppler thuận tiện và có chi phí thấp nên là các phương tiện đầu tiên được áp dụng để tầm soát và theo dõi điều trị ung thư gan, nhưng không dùng để chẩn đoán ung thư gan. Siêu âm đánh giá hình dạng, vị trí, số lượng, kích thước khối u gan, tình trạng bệnh lý gan nền, tình trạng dịch ổ bụng và các tổn thương đi kèm trong ổ bụng. Siêu âm Doppler mạch máu gan cho phép đánh giá tình trạng cấp máu của khối u, tình trạng khối u xâm lấn và di căn vào các mạch máu lân cận, đặc biệt là tĩnh mạch cửa và tĩnh mạch chủ dưới.
2.2.2. Chụp cắt lớp vi tính (CT) và cộng hưởng từ (MRI)
Để chẩn đoán ung thư gan, cần có CT đa dãy đầu dò chụp đủ 4 thì và/hoặc MRI động có thì động mạch trễ, thì tĩnh mạch cửa và thì muộn (khoảng 3-5 phút sau khi tiêm chất tương phản từ). CT động và MRI động cho phép đánh giá mức độ phân bố mạch máu tại khối u, với hình ảnh điển hình của ung thư gan là ngấm thuốc mạnh ở thì động mạch và thải thuốc ở thì tĩnh mạch cửa và/hoặc ở thì muộn.
MRI có thể phát hiện những khối u có kích thước nhỏ, nhất là các khối u