Cách nhóm chăm sóc ung thư quyết định các lựa chọn điều trị cho người bệnh
Tùy thuộc vào loại ung thư, người bệnh có thể có rất ít các lựa chọn hoặc cũng có thể có nhiều lựa chọn để điều trị. Nhóm chăm sóc ung thư sẽ sử dụng những hướng dẫn điều trị có sẵn để tìm ra phương pháp điều trị phù hợp với người bệnh.
Những hướng dẫn điều trị này dựa trên các nghiên cứu và được sử dụng trên toàn quốc. Chúng dựa trên tình trạng khối u và sức khỏe chung của người bệnh để đưa ra đề xuất điều trị cho nhóm chăm sóc ung thư .
Phương án điều trị mà bạn được đề nghị có thể khác với những người mắc cùng bệnh hoặc bệnh tương tự với bạn. Điều này là do một số bệnh ung thư có các phân nhóm và đặc điểm khác nhau dẫn đến khuyến nghị điều trị khác nhau. Ngoài ra, còn có các yếu tố về phía người bệnh cũng cho nhóm chăm sóc ung thư biết lựa chọn điều trị nào có thể hiệu quả nhất, chẳng hạn như những vấn đề sức khỏe khác ngoài ung thư.
Nhìn chung, các lựa chọn điều trị cho người bệnh sẽ phụ thuộc vào:
· Loại ung thư
· Giai đoạn bệnh ung thư
· Các xét nghiệm khác được thực hiện để cung cấp thêm thông tin về khối u (ví dụ: dấu ấn sinh học, thụ thể nội tiết)
· Các xét nghiệm khác để cung cấp thêm thông tin (ví dụ: xét nghiệm máu, chụp Xquang hoặc các xét nghiệm hình ảnh khác, xét nghiệm gen)
· Tình trạng sức khỏe chung của người bệnh
· Các bệnh mắc kèm (bệnh nền)
· Nhu cầu và mong muốn của người bệnh
Một số phương pháp điều trị ung thư phổ biến bao gồm:
· Phẫu thuật
· Xạ trị
· Hóa trị
· Nội tiết
· Liệu pháp nhắm trúng đích
· Liệu pháp miễn dịch
· Ghép tế bào gốc hoặc ghép tủy.
Đôi khi lựa chọn điều trị có thể bao gồm các thử nghiệm lâm sàng. Thử nghiệm lâm sàng là các nghiên cứu nhằm thử nghiệm các phương pháp điều trị trên con người. Đôi khi, đây là phương pháp điều trị mới lần đầu được nghiên cứu.
Ngoài ra còn có các lựa chọn điều trị khác nhằm nâng đỡ người bệnh ung thư, bao gồm:
· Chăm sóc giảm nhẹ: Chăm sóc giảm nhẹ có thể hỗ trợ bất cứ ai có bệnh hiểm nghèo chẳng hạn như ung thư. Mục tiêu là cải thiện chất lượng cuộc sống bằng cách kiểm soát triệu chứng, tác dụng phụ và các vấn đề khác. Nó có thể được cung cấp bất cứ lúc nào kể từ khi chẩn đoán bệnh ung thư, trong quá trình điều trị, cho đến khi kết thúc cuộc đời.
- Chăm sóc cuối đời: Chăm sóc cuối đời cung cấp sự chăm sóc nhân ái cho những người đang ở giai đoạn cuối của căn bệnh nan y, chẳng hạn ung thư giai đoạn cuối, để cuộc sống của họ trọn vẹn và thoải mái nhất có thể.
Thảo luận về lựa chọn điều trị của bạn
Đến một thời điểm nào đó, người bệnh sẽ ngồi lại với các bác sĩ để trao đổi về lựa chọn điều trị. Thời điểm cuộc thảo luận này diễn ra có thể phụ thuộc vào khi nào bạn cần bắt đầu điều trị. Nó cũng phụ thuộc vào việc khi nào có đầy đủ kết quả xét nghiệm.
Người bệnh trao đổi thông tin trước khi bắt đầu điều trị
Nguồn: https://withingshealthsolutions.com/how-to-use-shared-decision-making-to-improve-healthcare/
Tìm hiều về các lựa chọn điều trị của bạn
Khi biết chi tiết về loại ung thư, bác sĩ sẽ nói chuyện với người bệnh về các lựa chọn điều trị khác nhau. Đôi khi các thành viên khác của nhóm chăm sóc ung thư như điều dưỡng, dược sĩ và những người khác, cũng tham gia nói chuyện và hướng dẫn người bệnh về cách điều trị. Dưới đây là những câu người bệnh có thể hỏi về các lựa chọn điều trị:
· Làm thế nào bác sĩ biết những lựa chọn điều trị này phù hợp với tôi?
· Bác sĩ có dựa trên hướng dẫn nào để tìm ra phương pháp điều trị cho tôi không? Có trang web hoặc nơi nào để tôi tìm hiểu các hướng dẫn đó không?
· Tôi có nên lo lắng về những vấn đề sức khỏe khác của mình khi sử dụng các phương pháp điều trị này không?
· Những lợi ích và rủi ro của các phương pháp điều trị mà bác sĩ đề cập đến là gì?
· Bác sĩ có đề nghị một phương pháp điều trị nào không? Tại sao hoặc tại sao không?
· Hiện có thử nghiệm lâm sàng nào không? Nếu có thì tôi có phù hợp không? Tôi có thể tìm thông tin ở đâu?
· Tôi có nên tham thảo thêm ý kiến của các chuyên gia ung thư kháci không?
· Khi nào cần bắt đầu điều trị?
Người bệnh cũng nên hỏi bác sĩ về những quan tâm khác của mình. Ví dụ: nếu bạn có niềm tin hoặc tín ngưỡng tôn giáo hoặc tâm linh hoặc nếu bạn có những chế độ ăn kiêng, hãy chắc chắn là bạn đã trao đổi những vấn đề đó với bác sĩ. Bạn nên hỏi liệu chúng có ảnh hưởng đến phương pháp điều trị nào không. Nếu lo lắng về khả năng tiếp nhận điều trị, bạn có thể tìm ra nơi có thể giúp đỡ. Nếu gặp khó khăn trong việc chăm sóc bản thân tại nhà, hãy nói với bác sĩ.
Tự tìm hiểu
Nhóm chăm sóc ung thư sẽ giải thích cho bạn về các lựa chọn điều trị. Tuy nhiên, có nhiều thông tin về các phương pháp điều trị ung thư từ nhiều nguồn khác nhau. Bạn có thể tìm hiểu thông tin trên internet, qua nói chuyện với gia đình và bạn bè, đến những nhóm hỗ trợ thậm chí bằng cách xem TV. Điều quan trọng là hãy cẩn thận với nguồn gốc thông tin bạn tiếp nhận. Hãy chú ý xem ai đang tài trợ cho trang web hoặc quảng cáo, ai đang cung cấp thông tin mà bạn đã nghe được hoặc tìm được.
Ghi nhớ những điểm quan trọng sau:
· Bác sĩ và nhóm chăm sóc ung thư của bạn biết rõ nhất tình trạng của bạn. Hãy viết ra những câu hỏi khi bạn nghĩ ra. Đem tất cả các câu hỏi này đến nhóm chăm sóc ung thư của bạn. Viết ra những câu trả lời bạn nhận được.
· Hãy hỏi nhóm chăm sóc ung thư nơi bạn có thể tìm thấy các thông tin thực tế, trung thực, đáng tin cậy về các lựa chọn điều trị mà bạn được đề nghị. Nếu bạn đặt câu hỏi và tự mình tìm kiếm câu trả lời, hãy mang các thông tin bạn tìm thấy và hỏi xem các thông tin đó có chính xác hay không và liệu rằng bạn có tin tưởng được không.
- Hãy cân nhắc việc nhờ một thành viên gia đình hoặc bạn bè ở bên cạnh khi bạn nói chuyện với bác sĩ và nhóm chăm sóc ung thư. Điều này giúp bạn nhớ được những câu cần hỏi, những câu nhóm ung thư trả lời, và bạn bè người thân sẽ ở đó hỗ trợ cho bạn.
- Tìm hiểu tất cả những gì có thể về bệnh ung thư và các lựa chọn điều trị có thể giúp bạn đưa ra quyết định tốt nhất và khiến bạn cảm thấy hài lòng.
Đưa ra quyết định điều trị
Lựa chọn phương pháp điều trị tốt nhất với tình trạng của bạn là quyết định cần được đưa ra sau khi tất cả các thông tin đã được chia sẻ với bạn và sau khi bạn có thời gian để đặt câu hỏi và nhận được câu trả lời. Quá trình này gọi là sự đồng ý có hiểu biết và cho phép mọi người đóng vai trò tích cực trong việc đưa ra các quyết định ảnh hưởng tới sức khỏe của họ.
Một số loại ung thư có số lượng lựa chọn điều trị rất hạn chế, vì vậy khi đưa ra quyết định phương pháp điều trị nào tốt nhất có thể không khó khăn. Cũng có thể việc điều trị cần bắt đầu nhanh chóng nên bạn có thể không có nhiều thời gian để đưa ra quyết định như mong muốn. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, tham khảo thêm ý kiến từ chuyên gia ung thư ngoài bác sĩ điều trị trước khi đưa ra quyết định là điều hữu ích. Đừng ngại hỏi xem liệu còn thời gian để hỏi thêm ai đó không và hãy nhớ rằng bạn có quyền tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia khác.
Cùng ra quyết định
Cùng ra quyết định là một quá trình trong đó các quyết định về việc chăm sóc cho người bệnh được người bệnh và gia đình cùng nhóm điều trị đưa ra chứ không phải người khác đưa ra quyết định điều trị cho người bệnh. Quá trình này bao gồm việc trao đổi và chia sẻ thông tin.
Việc cùng ra quyết định có thể khó khăn trong một số trường hợp khi có nhiều bác sĩ, chuyên gia hoặc người chăm sóc tham gia giúp người bệnh đưa ra quyết định. Không phải dễ dàng nhận được sự tham gia ý kiến của mọi người và có thể phải mất công sức cũng như sự nhắc nhở để thông tin qua lại được trôi chảy. Nhưng cùng đưa ra quyết định có thể đảm bảo người bệnh nhận được chỉ định xét nghiệm và điều trị chính xác, và loại hình chăm sóc phù hợp dành cho loại ung thư của họ. Cần cân nhắc các rủi ro, lợi ích, chi phí điều trị cùng với bất kỳ mỗi quan tâm khác mà bạn có.
Nếu bạn không chắc chắn muốn điều trị
Một số người đã nghe nói rằng việc điều trị ung thư còn tồi tệ hơn chính căn bệnh ung thư. Vượt qua quá trình điều trị ung thư có thể khó khăn, nhưng việc không điều trị sẽ khiến một số loại ung thư phát triển mất kiểm soát. Tùy thuộc vào loại ung thư, không điều trị có thể dẫn đến các triệu chứng mới, nặng hơn và có thể tử vong. Ngoài ra, với hầu hết các loại ung thư, điều trị ngay sau khi chẩn đoán thường có hiệu quả tốt hơn là đợi đến khi bệnh nặng hơn, khi việc điều trị có thể không hiệu quả.
Nếu bạn hoặc người thân đang nghĩ đến việc từ chối hoặc trì hoãn điều trị ung thư, hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc điều dưỡng của bạn. Nếu bạn không nhận được câu trả lời thỏa đáng, bạn có thể tham khảo ý kiến của các chuyên gia ung thư khác. Việc nói chuyện với những người đã từng điều trị loại ung thư của bạn cũng rất hữu ích. Hãy tìm kiếm các nhóm hỗ trợ tại địa phương hoặc trực tuyến, hoặc tham gia cộng đồng những người sống sót sau ung thư để được kết nối.
Khi quyết định đã được đưa ra
Ngay cả khi bạn đã hiểu biết mọi điều về lựa chọn điều trị của mình và bạn đã đưa ra được quyết định, điều quan trọng là bạn phải tiếp tục liên lạc với nhóm chăm sóc ung thư của mình khi có câu hỏi. Dưới đây là một số điều cần suy nghĩ đến:
- Hãy chắc chắn hỏi mọi câu hỏi cụ thể về phương pháp điều trị trước khi bắt đầu điều trị. Kể cả bạn đã từng hỏi những câu tương tự trước đây, bạn sẽ cảm thấy tốt hơn nếu được trả lời lại một lần nữa.
- Nếu có điều gì bạn không hiểu, hãy yêu cầu nhóm chăm sóc ung thư của bạn giải thích lại rõ hơn
- Nếu quên điều gì đó, hãy hỏi lại.
- Khi nghĩ ra bất cứ câu hỏi nào, hãy hỏi ngay hỏi mỗi khi đến điều trị.
- Mỗi loại điều trị có thể xảy ra những tác dụng phụ riêng. Điều quan trọng là phải biết về chúng, cách quản lý chúng, khi nào cần báo cho mọi người về tác dụng phụ và khi nào cần sự giúp đỡ để quản lý tác dụng phụ.
- Tìm ra cách tốt nhất để liên lạc với nhóm chăm sóc ung thư của bạn. Bạn nên biết số điện thoại để gọi vào ngày thường và ngày cuối tuần. Hãy hỏi về cách gọi trong mọi tình huống khẩn cấp. Có thể có một cổng thông tin trực tuyến mà bạn có thể truy cập để gửi tin nhắn và tra cứu thông tin về việc chăm sóc cho bạn.
Nguồn: dịch từ www.cancer.org Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ
Đường dẫn: https://www.cancer.org/cancer/managing-cancer/making-treatment-decisions/making-decisions.html
Biên dịch: ThS.BS. Nguyễn Khánh Hà, khoa Nội tổng hợp Điều trị ban ngày theo yêu cầu, bệnh viện Ung Bướu Hà Nội.
Hiệu đính: ThS.BS. Nguyễn Thanh Hằng, phòng Hợp tác Quốc tế và Nghiên cứu khoa học, bệnh viện Ung Bướu Hà Nội