Bệnh viện ung bướu hà nội

- Nơi gửi gắm niềm tin và hy vọng!

LAPAROSCOPY NỘI SOI Ổ BỤNG

Nội soi ổ bụng là gì?

Nội soi ổ bụng là một thủ thuật bác sĩ sử dụng để quan sát bên trong bụng và khung chậu. Điều này được thực hiện bằng một ống nội soi ổ bụng, là một ống mỏng, đàn hồi, có đèn chiếu sáng và một máy quay video nhỏ ở đầu ống soi. Ống soi được đưa vào xuyên qua thành bụng gần rốn bằng một vết rạch nhỏ. Một vết rạch thứ hai hoặc thứ ba cũng có thể được thực hiện ở các phần khác của bụng để đưa các dụng cụ khác vào. Nội soi ổ bụng còn được gọi là phẫu thuật xâm lấn tối thiểu hoặc phẫu thuật lỗ khóa.

Phẫu thuật nội soi u xơ tử cung tại Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội

Tại sao cần nội soi ổ bụng?

Bạn sẽ cần được nội soi ổ bụng khi:

Có vấn đề ở bụng và vùng chậu

Xét nghiệm này được sử dụng để tìm nguyên nhân của các vấn đề như đau vùng chậu hoặc để xem xét một khu vực bất thường được phát hiện trên chẩn đoán hình ảnh (chẳng hạn như một khối u trong xương chậu).

Có tổn thương nghi ngờ ung thư

Nội soi ổ bụng có thể được sử dụng để loại bỏ hoặc lấy mẫu sinh thiết của các hạch bạch huyết trong khung chậu hoặc ổ bụng. Phương pháp này thường được sử dụng cho những người bị ung thư phụ khoa (ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng và ung thư nội mạc tử cung).

Dùng để điều trị các tổn thương ung thư nhỏ còn khu trú

Nội soi ổ bụng có thể được sử dụng để điều trị ung thư phụ khoa nhỏ còn khu trú (buồng trứng, nội mạc tử cung, cổ tử cung) cũng như ung thư đại tràng hoặc thận.

Phẫu thuật cắt gan nội soi

Nội soi ổ bụng như thế nào?

Đây là mô tả chung về những gì thường xảy ra trước, trong và sau khi nội soi ổ bụng. Nhưng trải nghiệm của bạn có thể hơi khác một chút, tùy thuộc vào lý do bạn cần nội soi, nơi bạn thực hiện nội soi, và sức khỏe tổng thể của bạn. Hãy nói chuyện với nhân viên y tế trước khi thực hiện xét nghiệm này để hiểu những gì sẽ xảy ra và đặt câu hỏi nếu bạn không chắc chắn về điều gì đó.

Trước khi nội soi

Hãy chắc chắn rằng nhân viên y tế đã biết về bất kỳ loại thuốc nào bạn đang dùng, bao gồm cả vitamin, thảo mộc và chất bổ sung, cũng như nếu bạn bị dị ứng với bất kỳ loại thuốc nào.

Bạn có thể được yêu cầu ngừng dùng thuốc chống đông (bao gồm cả aspirin) trong vài ngày trước khi nội soi. Bạn cũng có thể được yêu cầu không ăn hoặc uống bất cứ thứ gì ít nhất vài giờ trước khi làm thủ thuật. Bác sĩ hoặc điều dưỡng sẽ hướng dẫn cụ thể cho bạn. Hãy làm theo hướng dẫn của họ và đặt câu hỏi nếu có điều gì bạn không hiểu.

Trong quá trình làm thủ thuật

Nội soi ổ bụng có thể là thủ thuật ngoại trú (bạn không cần phải ở lại bệnh viện qua đêm) hoặc nội trú (bạn cần ở lại bệnh viện qua đêm hoặc vài ngày) tùy thuộc vào những gì được thực hiện.

Bạn sẽ được truyền thuốc qua đường truyền tĩnh mạch (IV) để đưa bạn vào giấc ngủ sâu (gây mê toàn thân). Một ống sẽ được đưa vào cổ họng và được nối với máy thở trong khi thủ thuật đang được thực hiện. Một vết cắt nhỏ được thực hiệnthành bụng gần rốn nơi ống nội soi ổ bụng được đưa vào. Một lượng khí nhỏ được đưa vào và làm nở ổ bụng để dễ quan sát các cơ quan. Các vết cắt nhỏ khác có thể được thực hiện ở phần dưới của bụng để đưa vào các dụng cụ cắt khác nhau để loại bỏ hoặc sinh thiết các khu vực nghi ngờ sau đó được đem đi kiểm tra trong phòng thí nghiệm. Sau đó, dụng cụ nội soi, dụng cụ cắt và phần lớn khí sẽ được lấy ra và các vết cắt nhỏ sẽ được khâu lại. Sau khi quy trình hoàn tất, bạn sẽ được nhẹ nhàng đánh thức và tháo máy thở.

Quy trình này có thể mất từ ​​30-90 phút, nhưng có thể lâu hơn, tùy thuộc vào những gì được thực hiện.

Sau khi nội soi

Sau khi nội soi, bạn sẽ được theo dõi chặt chẽ để đảm bảo rằng bạn không gặp bất kỳ vấn đề gì. Khi thuốc mê hết tác dụng, bạn có thể bị chuếnh choáng hoặc không minh mẫn trong vài giờ. Miệng và cổ họng của bạn có thể sẽ bị tê trong vài giờ. Bạn sẽ không được phép ăn uống cho đến khi hết tê. Sau khi hết tê, bạn có thể bị đau họng, ho hoặc khàn tiếng trong ngày hôm sau hoặc lâu hơn. Bạn có thể bị đau hoặc tê ở các vị trí vết cắt. Bạn cũng có thể bị đau bụng hoặc đau vai do khí thừa, có thể mất vài giờ hoặc vài ngày để thuyên giảm.

Nếu bạn làm thủ thuật ngoại trú, bạn có thể về nhà sau một vài giờ, nhưng bạn cần người đưa về vì đã được dùng các loại thuốc hoặc được gây mê. Bác sĩ hoặc điều dưỡng nên cho bạn những hướng dẫn cụ thể về những gì bạn có thể làm và không thể làm trong những giờ sau khi làm thủ thuật.

Nếu sinh thiết được thực hiện như một phần của thủ thuật, kết quả thường sẽ có trong vòng vài ngày, mặc dù một số xét nghiệm trên mẫu sinh thiết có thể mất nhiều thời gian hơn. Bạn sẽ cần tái khám với bác sĩ sau khi làm thủ thuật để nhận được kết quả.

Biến chứng có thể xảy ra khi nội soi ổ bụng

Các rủi ro khi nội soi ổ bụng bao gồm:

  • Chảy máu
  • Cần phẫu thuật mở ổ bụng, ổ bụng sẽ được mở bằng một vết cắt lớn hơn, vì không thể thực hiện thủ thuật với những vết cắt nhỏ của phương pháp nội soi.
  • Tổn thương các cơ quan lân cận (đặc biệt là ruột và bàng quang)
  • Viêm phổi
  • Nhiễm trùng vết mổ

Bác sĩ hoặc điều đưỡng nên hướng dẫn cụ thể cho bạn về thời điểm bạn cần gọi điện cho bác sĩ (đối với các vấn đề như đau ngực, khó thở, ho ra máu hoặc sốt không thuyên giảm). Hãy chắc chắn rằng bạn hiểu khi nào bạn nên gọi.

Nguồn: Dịch từ www.cancer.org Hiệp hội Ung thư Hoa kỳ

Đường dẫn: https://www.cancer.org/treatment/understanding-your-diagnosis/tests/endoscopy/laparoscopy.html

Biên dịch: Bs. Đỗ Minh Ngọc, Khoa Nội soi- Thăm dò chức năng, bệnh viên Ung Bướu Hà Nội

Hiệu đính: Ths.Bs. Nguyễn Thanh Hằng- Phòng Hợp tác Quốc tế và Nghiên cứu Khoa học

Gói khám tầm soát ung thư