Người chăm sóc có thể đảm nhận nhiều vai trò khác nhau. Những vai trò này thay đổi theo từng giai đoạn bệnh và nhu cầu của người bệnh, đặc biệt trong và sau quá trình điều trị. Hiện nay, phần lớn quá trình điều trị ung thư diễn ra tại các trung tâm điều trị ngoại trú hoặc phòng khám, nên người chăm sóc thường hỗ trợ bệnh nhân tại nhà trong hoặc sau khi điều trị.
Với vai trò này, người chăm sóc có thể tạo ảnh hưởng rất lớn - cả tích cực lẫn tiêu cực - đến cách người bệnh đối mặt với bệnh tật. Việc động viên kịp thời có thể giúp người bệnh vượt qua giai đoạn điều trị và từng bước hồi phục sau điều trị, như ăn uống lành mạnh, nghỉ ngơi đầy đủ.
Nguồn ảnh: https://inspiredhomecare.com/wp-content/uploads/2021/10/woman-with-cancer-and-caregiver.jpg
Người chăm sóc là thành viên trong nhóm chăm sóc ung thư
Người chăm sóc là một phần của nhóm chăm sóc ung thư, bao gồm bệnh nhân, gia đình, bạn bè và đội ngũ y tế. Trong vai trò này, người chăm sóc có thể sẽ làm việc cùng với các chuyên gia y tế và thực hiện các nhiệm vụ như:
- Cho bệnh nhân dùng thuốc đúng giờ
- Xử lý các tác dụng phụ của người bệnh khi điều trị
- Báo cáo các triệu chứng bất thường của người bệnh
- Cập nhật tình trạng người bệnh cho người thân khác trong gia đình
- Hỗ trợ đánh giá hiệu quả của phương pháp điều trị
Là thành viên trong nhóm chăm sóc, người chăm sóc sẽ tham gia sắp xếp, phối hợp và quản lý kế hoạch điều trị của bệnh nhân. Người chăm sóc cần theo dõi đơn thuốc, nhớ lịch xét nghiệm, và đảm bảo cập nhật mọi tình hình của người bệnh tới các bác sỹ.
Người chăm sóc giỏi chính là nguồn lực y tế quan trọng. Trong nhiều trường hợp, người chăm sóc là người duy nhất hiểu rõ khía cạnh liên quan đến tình trạng của bệnh nhân. Vì vậy, đừng ngần ngại đặt câu hỏi, ghi chú cẩn thận trong mỗi lần tái khám, và làm quen với từng thành viên trong nhóm chăm sóc để biết cách liên hệ khi cần. Việc nhận được sự hỗ trợ và thông tin đúng đắn có thể giúp ích cho cả người chăm sóc và người bệnh ung thư.
Người chăm sóc là người giải quyết khó khăn
Người bệnh ung thư sẽ đối mặt với nhiều thử thách mới và người chăm sóc có thể giúp người bệnh vượt qua những trở ngại và xử lý các vấn đề phát sinh.
Ví dụ, nếu người bệnh bị hạ bạch cầu, xuất hiện sốt và cần nhập viện vì nguy cơ nhiễm trùng, điều này có thể khiến người bệnh và gia đình cảm thấy hoang mang, lo lắng. Người chăm sóc có thể:
- Giúp trấn an rằng người bệnh chỉ phải nằm viện trong thời gian ngắn và sẽ được điều trị kháng sinh để kiểm soát nhiễm trùng.
- Đảm bảo bệnh nhân được mang theo các loại thuốc khác không liên quan đến ung thư như thuốc huyết áp, thuốc điều trị tuyến giáp.
- Gọi cho tất cả bác sỹ đang điều trị để thông báo về tình trạng nhiễm trùng và việc nhập viện của người bệnh.
- Sắp xếp kế hoạch điều trị sau khi ra viện, như điều trị kháng sinh tại nhà hoặc đến trung tâm y tế mỗi ngày để truyền kháng sinh tĩnh mạch, đồng thời tìm người hỗ trợ bệnh nhân đi lại nếu cần.
Những việc như vậy có thể là gánh nặng quá sức đối với người bệnh khi họ đang phải chống chọi với một đợt nhiễm trùng. Chính vì thế, sự hỗ trợ kịp thời và chủ động từ người chăm sóc có ý nghĩa rất lớn – nó mang lại cảm giác an tâm cho người bệnh rằng vấn đề này chỉ là tạm thời và hoàn toàn có thể xử lý và giải quyết được.
Người chăm sóc hỗ trợ công việc hàng ngày
Ngoài chăm sóc y tế, người chăm sóc còn giúp bệnh nhân trong sinh hoạt thường nhật như:
- Mua sắm, nấu ăn
- Hỗ trợ người bệnh ăn uống
- Nhắc và cho người bệnh uống thuốc đúng giờ
- Hỗ trợ người bệnh tắm rửa, mặc quần áo
- Hỗ trợ người bệnh đi vệ sinh
- Lau dọn nhà cửa, giặt giũ
- Thanh toán các hoá đơn
- Tìm kiếm sự hỗ trợ về tinh thần cho người bệnh
- Đưa người bệnh đi khám, xét nghiệm, điều trị
- Xử lý các vấn đề y tế tại nhà của người bệnh
- Sắp xếp việc điều trị ung thư cho người bệnh
- Nhận biết khi nào người bệnh cần đi khám hoặc cấp cứu
Tất cả công việc này có thể trở thành một gánh nặng lớn đối với người chăm sóc. Nhiều người chăm sóc luôn túc trực bên người thân của họ 24 giờ mỗi ngày suốt nhiều tháng hoặc thậm chí là nhiều năm. Họ có thể dành phần lớn thời gian để đảm bảo rằng người bệnh ung thư được chăm sóc chu đáo, đến mức có thể lơ là việc chăm sóc chính bản thân mình. Cần nhớ rằng, người chăm sóc cũng phải chăm sóc tốt cho chính mình mới có đủ sức có thể tiếp tục chăm sóc những người thân của họ.
Người chăm sóc hỗ trợ, xử lý vấn đề về bảo hiểm
Người chăm sóc có thể cần được sự cho phép của người bệnh trước khi làm việc với công ty bảo hiểm nhằm giải quyết các vấn đề chi trả và bồi hoàn chi phí. Người chăm sóc nên:
- Hỏi xem có nhân viên phụ trách hồ sơ bảo hiểm hay không
- Trao đổi với đội ngũ y tế nếu cần tìm cách giảm chi phí điều trị
- Ghi chép đầy đủ thông tin: hoá đơn, giấy xác nhận quyền lợi, biên lai, và cả thông tin về người đại diện bảo hiểm, bao gồm cả các thông tin về ngày, tên người tiếp nhận, kết quả trao đổi.
Người chăm sóc hỗ trợ xử lý các vấn đề pháp lý
Mặc dù đây là vấn đề khó nói, nhưng các thủ tục pháp lý có thể trở thành nguồn gây căng thẳng lớn đối với người chăm sóc, người bệnh và gia đình. Những lo lắng thường gặp bao gồm việc ai sẽ quản lý tài chính của người bệnh, hay ai sẽ đưa ra các quyết định quan trọng về chăm sóc y tế nếu người bệnh không còn khả năng để tự quyết định?”. Việc trao đổi những vấn đề này với người bệnh khi họ vẫn còn khả năng đưa ra lựa chọn là rất quan trọng. Điều này giúp người chăm sóc và các thành viên khác trong gia đình hiểu rõ hơn về những mong muốn của người bệnh.
Một số công cụ pháp lý có thể giúp người bệnh uỷ quyền cho người khác ra quyết định thay cho mình khi cần thiết. Ví dụ điển hình là giấy uỷ quyền tài chính (dủable power of attorney), cho phép người bệnh chỉ định ai sẽ thay mình xử lý các vấn đề về tài chính. (Lưu ý: giấy uỷ quyền tài chính khác hoàn toàn với giấy uỷ quyền về chăm sóc sức khoẻ - durable power of attorney for health care). Giấy uỷ quyền tài chính không áp dụng cho các quyết định y tế. Người chăm sóc nên cân nhắc đề nghị người bệnh uỷ quyền cho một người khác đảm nhiệm các vấn đề tài chính.
Nguồn ảnh: https://content.appsources.com/s/99084668464708718/uploads/Images/How_to_Fight_a_Power_of_Attorney-6875050.png?format=webp
Người chăm sóc giúp giữ môi trường sống sạch sẽ
Các phương pháp điều trị ung thư có thể làm suy giảm hệ miễn dịch (hệ thống bảo vệ) của người bệnh, khiến họ dễ bị nhiễm trùng hơn do tiếp xúc với những vật không sạch. Tuy nhiên, vẫn có những cách giúp giảm nguy cơ người bệnh bị ốm hoặc nhiễm trùng. Dưới đây là một vài mẹo giúp giữ cho ngôi nhà luôn sạch sẽ và hỗ trợ phòng tránh nhiễm trùng hiệu quả:
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước ấm
- Lau các bề mặt thường chạm như tay nắm của, công tắc, điều khiển, điện thoại
- Lau bếp trước và sau khi nấu ăn
- Khử trùng các bề mặt nhà bếp bằng dung dịch sát khuẩn
- Lau chùi các thiết bị như tủ lạnh, lò vi sóng, bếp
- Vệ sinh sạch nhà tắm
- Đeo găng tay khi lau dọn bồn cầu (thuốc điều trị có thể vẫn còn trong chất thải của bệnh nhân vài ngày sau điều trị)
- Vệ sinh các khu vực khác trong phòng tắm như bồn tắm, vòi hoa sen, mặt bàn/bệ.
- Giặt khăn, quần áo, ga gường bằng nước ấm
- Dọn dẹp khu vực vệ sinh của vật nuôi và khu vực xung quanh sạch sẽ và được khử trùng thường xuyên.
Vệ sinh khu vực nhà bếp và nhà vệ sinh hàng tuần sẽ giúp bảo vệ người bệnh khỏi nguy cơ nhiễm trùng. Trong một số trường hợp, các khu vực này cần được lau dọn thường xuyên hơn mỗi tuần. Người chăm sóc cần trao đổi với nhóm chăm sóc ung thư về các phương pháp điều trị để biết những biện pháp phòng ngừa đặc biệt cần thực hiện cho người bệnh.
Người chăm sóc giúp bệnh nhân duy trì vai trò của mình
Giao tiếp hiệu quả với người bệnh là phần quan trọng nhất trong vai trò của người chăm sóc. Do phải đối mặt với những tác động của bệnh ung thư và quá trình điều trị đến thể chất, tinh thần và xã hội , người bệnh có thể gặp khó khăn trong việc tham gia vào các hoạt động thường ngày hay ra quyết định. Vai trò của người chăm sóc là cố gắng giúp người bệnh tham gia vào quá trình chăm sóc càng nhiều càng tốt, để người bệnh cảm thấy rằng bản thân họ cũng đang chủ động và đóng vai trò trong việc phục hồi sức khoẻ. Dưới đây là một số gợi ý giúp người chăm sóc hỗ trợ người bệnh tham gia tích cực hơn:
- Giúp người bệnh sắp xếp ưu tiên hoạt động yêu thích: hướng dẫn họ lựa chọn những việc quan trọng và mang lại niềm vui, tạm gác lại những việc ít quan trọng.
- Khuyến khích người bệnh chia sẻ cảm xúc và lắng nghe chân thành. Ví dụ, nếu người bệnh bắt đầu bộc bạch về cảm xúc của họ về bệnh tật, người chăm sóc đừng cố thay đổi chủ đề. Hãy lắng nghe và trò chuyện với người bệnh. Người chăm sóc cũng có thể chia sẻ những cảm xúc và suy nghĩ của bản thân.
- Hãy để người bệnh biết rằng người chăm sóc là người luôn sẵn sàng giúp đỡ, nhưng không ép buộc. Ví dụ, nếu người bệnh đang cố gắng làm điều gì đó như tự mặc quần áo. Lúc này, có thể người bệnh đang gặp khó khăn, nhưng quan trọng là tự bản thân họ có thể làm được điều này. Người chăm sóc có thể muốn làm điều đó thay người bệnh, nhưng không nên làm. Hãy để người bệnh tự quyết định khi nào họ cần sự giúp đỡ.
Nguồn: Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ www.cancer.org
Đường dẫn: https://www.cancer.org/cancer/caregivers/what-a-caregiver-does/who-and-what-are-caregivers.html
Biên dịch: Cử nhân điều dưỡng Nguyễn Thị Thanh Thủy – Khoa Nội Vú, Phụ khoa, Đầu cổ Theo yêu cầu, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội
Hiệu đính: Ths.Bs. Nguyễn Thanh Hằng – Phòng Hợp tác quốc tế và Nghiên cứu khoa học.