Bệnh viện ung bướu hà nội

- Nơi gửi gắm niềm tin và hy vọng!

QUAN NIỆM SAI LẦM VỀ DINH DƯỠNG TRONG UNG THƯ (Phần 2)

Người bệnh ung thư có nên tránh đậu nành?

Trước hết, cần khẳng định rằng đậu nành (hay còn gọi là đậu tương) là một thực phẩm có lợi cho sức khỏe. Cho tới nay, chưa có nghiên cứu nào nói rằng ăn đậu nành gây ung thư hoặc ăn đậu nành giúp tránh ung thư.

Xuất phát từ thực tế quan sát thấy người Nhật Bản và Trung Quốc, nơi thường xuyên sử dụng đậu nành, có nguy cơ mắc ung thư vú, buồng trứng và tuyến tiền liệt và những bệnh liên quan đến hormone thấp hơn. Đậu nành là một nguồn cung cấp protein có giá trị sinh học cao, chất xơ, kali và acid folic chất lượng cao. Là nguồn cung cấp protein tốt, nhưng đậu nành lại không chứa cholesterol (do có nguồn gốc thực vật), và là nguồn cung cấp acid béo thiết yếu. Do đó sử dụng đậu nành rất có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là người mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa lipid máu.

Tuy nhiên, đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành gây ra nhiều tranh cãi vì trong đậu nành có chứa chất có tên là “phytoestrogen”, hay còn gọi là estrogen thực vật. Ở người, estrogen là một hormone. Mối lo ngại rằng phytoestrogen gây ung thư liên quan đến hormone xuất phát từ nghiên cứu được thực hiện trên ống nghiệm và động vật, Tuy nhiên, một số nghiên cứu gần đây tại Trung Quốc lại cho thấy những người ăn đậu nành thường xuyên (>4 lần/tuần và > 2 năm liên tiếp) lại có nguy cơ ung thư vú cao hơn so với những người ăn không thường xuyên.

Tóm lại, đậu nành cũng là một loại thực phẩm. Do đó cần tuân thủ nguyên tắc vàng “Đa dạng thực phẩm” để đạt hiệu quả tối ưu với sức khỏe.

Ăn chay có thể ngăn ngừa hoặc chống lại ung thư?

Nhiều người cho rằng muốn giảm nguy cơ hoặc hạn chế tái phát ung thư thì cần ăn chay. Quan điểm này tới nay khoa học còn đang tranh cãi.

Ăn chay nghĩa là chỉ ăn thực vật, một số trường phái ăn chay cho phép uống sữa và ăn trứng. Trong khi người bệnh ung thư thường đối diện nguy cơ suy dinh dưỡng cao. Một khi dinh dưỡng không đảm bảo, người bệnh suy kiệt thì rất có thể phải tạm hoãn điều trị để phục hồi dinh dưỡng. Điều này rất bất lợi cho kết quả điều trị.

Khi mắc ung thư, chế độ ăn của người bệnh cần đảm bảo đủ năng lượng và lượng protein cao. Một số người có thể chán ăn hoặc mắc các vấn đề gây giảm khẩu phần, trong khi một số khác lại tăng cảm giác thèm ăn và tăng cân do tác dụng không mong muốn của một số thuốc điều trị; một số phương pháp điều trị khác lại có thể gây mất mô nạc, chẳng hạn như cơ bắp, làm giảm quá trình trao đổi chất. Do đó, với từng trường hợp cụ thể, các nhân viên y tế sẽ đưa ra những lời khuyên dinh dưỡng khác nhau.

CN. Bùi Thị Kim Huế

Khoa Dinh dưỡng – Tiết chế
 

Gói khám tầm soát ung thư