Mở đầu buổi sinh hoạt khoa học, bác sĩ Nguyễn Hoàng Dương, Khoa Nội Tiêu hóa theo yêu cầu báo cáo một số ghi nhận trong hội thảo trực tuyến ESMO về điều trị nhắm trúng đích trong ung thư, trong đó có một số nội dung nổi bật như: Tiến bộ trong sự phân phối thuốc và phức hợp thuốc – kháng thể (ADCs); Giải quyết các mục tiêu “không thể dùng thuốc”; Tiếp cận phương pháp điều trị miễn dịch mới và Nhắm mục tiêu cytokine và oncolytics thế hệ tiếp theo.
Tiếp đến là bài báo cáo thu hoạch webinar của Hiệp hội Tâm lý học ung thư quốc tế: Sàng lọc Rối loạn sợ hãi ung thư tái phát (FCR) do ThS.BS. Nguyễn Thị Dùng – Khoa Nội Tiêu hóa theo yêu cầu trình bày. Theo đó bài báo cáo cho thấy, lo sợ/rối loạn sợ hãi ung thư tái phát (FRC) là vấn đề phổ biến với bệnh nhân ung thư sau điều trị (chiếm tỉ lệ 49%). Hậu quả của triệu chứng này sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh, khiến người bệnh rơi vào trạng thái bất an, sợ hãi, lo lắng. Do đó việc sàng lọc chứng rối loạn sợ hãi ung thư tái phát cần được xem xét đưa vào tầm soát tâm lý định kỳ một cách thường quy, bắt đầu từ khi hoàn thành quá trình điều trị và tiếp tục trong quá tình theo dõi ung thư nguyên phát. Từ kết quả sàng lọc, mỗi người nhận được các biện pháp can thiệp liên quan đến nhu cầu cụ thể của từng người bệnh.
Sau khi lắng nghe chia sẻ của các bác sĩ về một số trường hợp bệnh nhân cụ thể đã từng mắc chứng rối loạn sợ hãi ung thư tái phát cũng như một số phương pháp trấn an tinh thần người bệnh, ĐD. Nguyễn Thị Hồng Vân - Khoa Nội Tiêu hóa theo yêu cầu tiếp tục trình bày tóm tắt nghiên cứu “Đánh giá chất lượng cuộc sống của bệnh nhân K đại tràng có hậu môn nhân tạo ở Trung quốc” – Hội nghị Điều dưỡng ung thư quốc tế 2021. Nghiên cứu đã chỉ ra bệnh nhân mang hậu môn nhân tạo tại Trung Quốc nhìn chung có chất lượng cuộc sống thấp, có nhiều bất tiện khi chăm sóc và gặp cả một số biến chứng của hậu môn nhân tạo. Điều này nhấn mạnh sự cần thiết của các biện pháp can thiệp có hiệu quả nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của các bệnh nhân mang hậu môn nhân tạo ở Trung Quốc. Kết quả nghiên cứu cung cấp những hiểu biết sâu hơn, có giá trị định hướng phát triển thực hành lâm sàng trong tương lai và mở rộng nghiên cứu trong lĩnh vực này ở Trung Quốc.
Cuối cùng là bài tóm tắt “Vấn đề vét hạch trong ung thư phụ khoa” – bài giảng của Hiệp hội Ung thư Phụ khoa quốc tế do bác sĩ Lê Thành Chung khoa Ngoại Vú – Phụ khoa trình bày. Bài tóm tắt đã nêu ra một số vấn đề cần giải đáp như: Tại sao cần sinh thiết hạch gác, các khó khăn trong việc vét hạch, ý nghĩa của việc vét hạch, một số biến chứng sau mổ và video clip mô phỏng quá trình phẫu thuật một số ung thư phụ khoa thường gặp.
Chủ trì buổi sinh hoạt, TS.BS. Nguyễn Thị Mai Lan – Phó Giám đốc bệnh viện Ung Bướu Hà Nội gửi lời cảm ơn các báo cáo viên đã chia sẻ những thông tin hữu ích và thiết thực, đồng thời TS Lan hy vọng qua buổi sinh hoạt, các bác sĩ và nhân viên y tế của bệnh viện có thể áp dụng hiệu quả những kiến thức đã lĩnh hội được vào công tác khám chữa bệnh.