Mở đầu buổi sinh hoạt khoa học, BSNT. Nguyễn Hoàng Gia, Phó trưởng khoa Nội I trình bày một số nghiên cứu đáng chú ý trong các Hội nghị quốc tế về Ung thư phổi năm 2021. Theo các báo cáo ASCO, ESMO và WCLC 2021, Ung thư phổi tế bào nhỏ vẫn còn đang là một thách thức trong việc kéo dài thời gian sống thêm cũng như nâng cao kết quả điều trị. Biện pháp điều trị miễn dịch hiện đang được áp dụng trong giai đoạn lan tràn kết hợp với hoá trị với kết quả thấy được đáp ứng kéo dài ở một nhóm các bệnh nhân. Các nghiên cứu vẫn đang được tiến hành nhằm xác định nhóm bệnh nhân nào thực sự có hiệu quả với điều trị miễn dịch cũng như điều trị miễn dịch ở giai đoạn sớm hơn: điều trị củng cố sau hoá xạ trị đồng thời. Đối với ung thư phổi không tế bào nhỏ với sự ra đời của các thuốc miễn dịch cũng như điều trị đích đã góp phần cải thiện kết quả điều trị của bệnh nhân, đặc biệt là trong giai đoạn muộn. Kết quả ở hội nghị năm nay, báo cáo nhiều nghiên cứu từ giai đoạn sớm với điều trị bổ trợ thuốc ức chế điểm miễn dịch atezolizumab, cũng như giai đoạn III không thể phẫu thuật được với kết quả sống thêm 5 năm nghiên cứu PACIFIC. Và đặc biệt đối với giai đoạn tái phát di căn, có nhiều thuốc đang được nghiên cứu ứng dụng trong điều trị cho kết quả rất khả quan.
Hội nghị ESM 2021 đã dành phần quan trọng báo cáo nghiên cứu về COVID 19 đối với bệnh nhân ung thư: nghiên cứu CAPTURE và nghiên cứu VOICE. Kết quả báo cáo cho thấy, phần lớn bệnh nhân ung thư đều có đáp ứng miễn dịch tế bào sau khi mắc COVID 19 nhưng giảm ở những bệnh nhân ung thư máu. Với bệnh nhân đã tiêm vacxin COVID 19, đối với những bệnh nhân đã mắc covid trước đó, các phản ứng miễn dịch sau khi tiêm vaccin cũng đạt được cao hơn à ủng hộ cho việc tiêm liều bổ sung thứ 3, việc điều trị không làm ảnh hưởng đến phản ứng trung hoà miễn dịch trừ các thuốc kháng CD20.
Sau một số ý kiến thảo luận của các thành viên tham gia, tiếp nối chương trình là bài trình bày của ThS.BS. Phạm Hồng Thiện – Phó trưởng khoa Ngoại Tổng hợp giới thiệu nghiên cứu: “Biến chứng và kết quả điều trị biến chứng rò tiêu hóa sau phẫu thuật cắt dạ dày do ung thư” của Roh C.K., Choi S., Seo W.J. và cộng sự, Đại học Y khoa Yonsei, Seoul, Hàn Quốc đăng trên Tạp chí Ngoại Ung bướu Châu Âu. Phẫu thuật là phương pháp hiệu quả để điều trị ung thư dạ dày giai đoạn còn phẫu thuật được, tuy nhiên phẫu thuật cắt dạ dày là một kỹ thuật khó, đi kèm là nguy cơ tai biến trong và sau mổ. Rò tiêu hóa sau phẫu thuật ung thư dạ dày là biến chứng không thường gặp (1,51%), tuy nhiên nó kéo dài thời gian nằm viện, ảnh hưởng đến quá trình điều trị sau và tỷ lệ tử vong cao (7%). Các yếu tố liên quan đến tỷ lệ rò tiêu hóa sau phẫu thuật và kết quả điều trị rò tiêu hóa bao gồm: phương pháp phẫu thuật, phương pháp phục hồi lưu thông tiêu hóa, tuổi, điểm ASA, giai đoạn bệnh, kinh nghiệm phẫu thuật viên. Theo bác sĩ Thiện, đây là một nghiên cứu rất có ý nghĩa, góp phần nhìn nhận và giải quyết một trong các biến chứng quan trọng sau phẫu thuật ung thư dạ dày.
Cuối chương trình là “Báo cáo Hội nghị Y học hạt nhân Châu Á ARCCNM 2021” của BS. Nguyễn Văn Thắng, Khoa Y học hạt nhân. Hội đồng Hợp tác về Y học hạt nhân khu vực châu Á (ARCCNM) thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2001, hiện có 19 quốc gia thành viên. Hội nghị thường niên lần thứ 20 được tổ chức online từ ngày 01/11/2021 đến ngày 03/11/2021 với một số nội dung chính như: Báo cáo về thực trạng, khó khăn trong thực hành Y học hạt nhân hiện nay ở các nước thành viên và định hướng phát triển; Xu hướng đào tạo online trong thời kỳ covid, phát triển nền tảng hệ thống bài giảng online tại website: http://e-campus.rcaro.org/; Cập nhật một số bài giảng, nghiên cứu mới trong đó có 28 bài báo cáo được trình bày, nội dung bao gồm: các bài báo cáo liên quan đến PET/CT như chụp 68Ga PSMA với ung thư tiền liệt tuyến, ung thư thận, PET/CT trong bệnh động kinh, ung thư gan di căn, các báo cáo về SPECT tưới máu cơ tim, các báo cáo liên quan đến điều trị ung thư tuyến giáp…
Đặc biệt, BS. Thắng đi sâu vào trình bày bài giảng “Tái biệt hóa ung thư tuyến giáp thể biệt hóa kháng I131” và đưa đến kết luận: Tỷ lệ ung thư tuyến giáp đang có xu hướng tăng trên toàn cầu do nhiều nguyên nhân trong đó ung thư tuyến giáp thể biệt hóa chiếm phần lớn và có tiên lượng tốt. Tuy nhiên ung thư tuyến giáp thể biệt hóa đã có di căn tiên lượng xấu hơn, đặc biệt là khi mất khả năng bắt 131I. Các thuốc tái biệt hóa ung thư tuyến giáp kháng 131I mở ra hi vọng giúp bệnh nhân có thể tiếp tục điều trị bằng 131I.
Kết thúc buổi sinh hoạt, TS.BS. Nguyễn Thị Mai Lan – Phó Giám đốc bệnh viện Ung Bướu Hà Nội gửi lời cảm ơn các báo cáo viên đã chia sẻ những thông tin hữu ích và thiết thực, đồng thời TS. Lan hy vọng qua buổi sinh hoạt, các bác sĩ và nhân viên y tế của bệnh viện có thể áp dụng hiệu quả những kiến thức đã lĩnh hội được vào công tác khám chữa bệnh.