Bệnh viện ung bướu hà nội

- Nơi gửi gắm niềm tin và hy vọng!

Tham vấn ý kiến y khoa thứ hai

Trong quá trình đối diện với điều trị ung thư, việc tham vấn ý kiến từ một bác sĩ khác để có thêm thông tin và các lựa chọn điều trị là rất bình thường. Bạn có thể muốn nhờ một bác sĩ khác xem và đọc kết quả xét nghiệm, chụp chiếu của mình, chia sẻ về hoàn cảnh cá nhân, và có thể cho bạn những lời khuyên hoặc các lựa chọn khác. Việc tham vấn ý kiến y khoa thứ hai (từ một chuyên gia khác không phải bác sĩ điều trị) có thể giúp bạn cảm thấy vững tâm hơn về chẩn đoán và kế hoạch điều trị của mình.

Hình 1. Tham vấn ý kiến y khoa thứ hai có thể giúp bệnh nhân và người chăm sóc vững tâm hơn trong quá trình điều trị (Ảnh minh họa - Nguồn Internet)

Có đủ thời gian để chờ tham vấn ý kiến y khoa thứ hai không?

Bạn chỉ nên đưa ra các quyết định điều trị sau khi đã có đủ thông tin mà bạn cần về chẩn đoán, tiên lượng bệnh, và các lựa chọn điều trị khả thi. Quá trình thu thập thông tin này cần thời gian, và phụ thuộc vào loại ung thư của bạn. Một số loại ung thư có thể cần đưa ra quyết định điều trị ngay lập tức. Tuy nhiên, thông thường bạn có thể có một khoảng thời gian để cân nhắc và bạn thực sự nên suy nghĩ về chúng. Nếu bạn đang băn khoăn về việc trì hoãn điều trị, bạn nên trao đổi với bác sĩ điều trị của mình.

Tại sao nên tham vấn ý kiến y khoa thứ hai?

Các lý do tham vấn ý kiến y khoa thứ hai bao gồm:

  • Bạn muốn chắc chắn rằng mình đã tìm hiểu và nắm được tất cả các lựa chọn điều trị.
  • Bạn nghĩ bác sĩ điều trị của mình đang đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của bệnh ung thư của mình.
  • Bác sĩ của bạn không chắc chắn về tình trạng bệnh của bạn.
  • Bạn mắc một loại ung thư hiếm hoặc ít gặp.
  • Bạn nghĩ rằng có thể có một lựa chọn điều trị khác.
  • Bác sĩ điều trị của bạn không phải là chuyên gia trong loại ung thư mà bạn đang mắc.
  • Bác sĩ điều trị của bạn nói với bạn rằng có điều gì đó chưa chắc chắn về loại và giai đoạn ung thư của bạn.
  • Bác sĩ của bạn gợi ý một vài lựa chọn điều trị khác nhau.
  • Bạn không hiểu hoặc gặp khó khăn trong việc giao tiếp với bác sĩ của mình, hoặc bạn muốn được nghe giải thích về các lựa chọn điều trị từ một chuyên gia khác.
  • Bạn chỉ muốn được yên tâm rằng kết quả chẩn đoán và lựa chọn điều trị của mình là chính xác.
  • Công ty bảo hiểm yêu cầu bạn tham vấn ý kiến thứ hai trước khi bắt đầu điều trị.

Ghi nhớ những gì bác sĩ nói

Khi bạn đang căng thẳng hoặc lo sợ, việc nghe hiểu những thông tin phức tạp trở nên khó khăn. Và đôi khi, bác sĩ không để ý tới điều đó mà sử dụng những từ mà bạn không hiểu. Nếu có điều gì không hiểu, hãy nhờ bác sĩ giải thích lại cho bạn.

Thậm chí ngay cả khi bác sĩ giải thích rất cẩn thận, có khả năng bạn không thể nghe hết hoặc nhớ hết những điều bác sĩ nói. Có một số cách giúp bạn ghi nhớ toàn bộ lời bác sĩ nói.

  • Mang theo một người thân hoặc người bạn cùng với bạn.
  • Ghi chép lại lời bác sĩ.
  • Hỏi bác sĩ liệu có những tờ thông tin hay cuốn sách nhỏ viết về những thông tin mà bác sĩ đang trao đổi.
  • Hỏi xem có thể ghi âm lại cuộc trao đổi không.

Thậm chí sau khi bác sĩ đã giải thích rất kỹ với bạn về bệnh tình của mình, bạn vẫn có thể quyết định tham vấn ý kiến y khoa thứ hai.

Làm thế nào để nói chuyện với bác sĩ về việc tham vấn ý kiến y khoa thứ hai

Một số người cảm thấy khó khăn khi phải nói với bác sĩ điều trị của mình rằng họ muốn tham vấn ý kiến y khoa thứ hai. Hãy nhớ rằng việc này là hết sức bình thường, và các bác sĩ hoàn toàn thoải mái với đề nghị này. Nếu bạn không chắc làm thế nào để mở lời, có một số cách sau đây có thể giúp bạn mở đầu cuộc hội thoại:

  •  “Tôi đang suy nghĩ về việc tham vấn thêm ý kiến từ một chuyên gia nữa. Bác sĩ có thể giới thiệu giúp tôi người phù hợp không?”
  •  “Trước khi bắt đầu điều trị, tôi muốn tham khảo thêm ý kiến từ một chuyên gia khác. Bác sĩ có thể giúp tôi không?”
  •  “Giả sử bác sĩ mắc ung thư như tôi, bác sĩ sẽ muốn tìm ai để có thêm ý kiến tham khảo?”
  •  “Tôi nghĩ rằng tôi muốn trao đổi thêm với một bác sĩ khác để chắc chắn rằng tôi đang có đầy đủ thông tin cần thiết để ra quyết định.”

Quy trình tham vấn ý kiến y khoa thứ hai: một số lưu ý

Trước khi bắt đầu tìm kiếm ý kiến y khoa thứ hai, hãy liên hệ với công ty bảo hiểm để hiểu rõ những mục mà chính sách bảo hiểm của bạn chi trả. Trong một số trường hợp, bạn có thể cần tham vấn ý kiến y khoa thứ hai từ một bác sĩ trong danh sách có sẵn của công ty bảo hiểm trước khi công ty bảo hiểm chi trả chi phí điều trị cho bạn.

Việc bạn có thể cung cấp các thông tin cụ thể và chính xác về chẩn đoán và kế hoạch điều trị cho bác sĩ tham vấn thứ hai là vô cùng quan trọng. Hãy đảm bảo rằng bạn có sẵn đầy đủ các giấy tờ sau và luôn luôn giữ lại bản chụp cho chính mình:

  • Một bản chụp kết quả giải phẫu bệnh của mẫu sinh thiết hoặc phẫu thuật
  • Trường hợp đã phẫu thuật, một bản chụp kết quả phẫu thuật
  • Trường hợp nằm viện, một bản chụp giấy ra viện.
  • Một bản tóm tắt kế hoạch điều trị hiện tại hoặc kế hoạch điều trị được đề xuất cho bạn.
  • Do một số thuốc có thể có các tác dụng phụ lâu dài, một danh sách các thuốc đã được sử dụng, liều, và thời gian điều trị với thuốc đó.

Bạn có thể đề nghị bác sĩ điều trị hiện tại cung cấp một bản tóm tắt bệnh án. Nếu bạn đã từng điều trị hoặc làm một số xét nghiệm ở một bệnh viện hoặc phòng khám khác, bạn có thể liên hệ để xin lại các kết quả này. Đôi khi bạn có thể gửi yêu cầu cung cấp các kết quả này online qua cổng thông tin bệnh nhân nếu bệnh viện có.

Quyết định nơi tham vấn ý kiến y khoa thứ hai

Hãy nói với bác sĩ điều trị nếu bạn mong muốn tham vấn ý kiến y khoa thứ hai. Phần lớn các bác sĩ sẽ hiểu giá trị của ý kiến thứ hai và họ không cảm thấy khó chịu khi bệnh nhân có nhu cầu này. Họ thậm chí còn có thể giới thiệu cho bạn một bác sĩ khác để bạn tham vấn. Các nơi có thể tìm bác sỹ chuyên khoa ung thư để tham vấn ý kiến y khoa: các bệnh viện đa khoa có khoa ung bướu, các trung tâm ung bướu, các bệnh viện chuyên khoa ung bướu.

Sau khi đã có ý kiến y khoa thứ hai

Hình 2. Trao đổi trực tiếp giữa các bác sĩ sau khi có ý kiến thứ hai
(Ảnh minh họa - Nguồn Internet)

Mặc dù các bệnh nhân ung thư có xu hướng ngày càng tìm đến tham vấn ý kiến y khoa thứ hai thường xuyên hơn, các nghiên cứu chứng minh lợi ích của việc này là không rõ ràng. Nếu ý kiến thứ hai khác với ý kiến ban đầu của bác sĩ điều trị, dưới đây là một số gợi ý có thể có ích cho bạn:

  • Lên lịch hẹn với bác sĩ điều trị để cùng trao đổi về ý kiến thứ hai.
  • Hãy đề nghị cả hai bác giải thích lý do họ đưa ra kế hoạch điều trị của mình
  • Hãy hỏi cách họ phiên giải các kết quả xét nghiệm của bạn.
  • Hãy hỏi về các nghiên cứu hoặc hướng dẫn điều trị mà họ đã tham khảo
  • Hãy hỏi họ có khuyến cáo gì cho các bệnh nhân khác tương tự như trường hợp của bạn.
  • Hãy hỏi nếu hai bác sĩ có thể cùng nhau thảo luận về trường hợp của bạn hay không
  • Bạn cũng có thể cần tham vấn ý kiến thứ ba từ một chuyên gia khác nữa – một bác sĩ giải phẫu bệnh, bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ nội ung bướu, hoặc một bác sĩ xạ trị. Họ có thể đưa ra ý kiến của mình về hai ý kiến trên và đưa ra lời khuyên cho trường hợp của bạn.
  • Bạn có thể cần tự tra cứu tìm hiểu thêm các hướng dẫn điều trị mới nhất. Hai nguồn thông tin tốt là Hướng dẫn điều trị của Mạng lưới Ung thư Toàn diện Quốc gia Hoa Kỳ (NCCN)  (www.nccn.org) và Viện Ung thư Quốc gia (www.cancer.gov). Cả hai nguồn này đều có các phiên bản bằng tiếng anh cho chuyên gia y tế (sử dụng các thuật ngữ và ngôn ngữ y khoa) và bệnh nhân (sử dụng ngôn ngữ hàng ngày). Mặc dù các nguồn tài liệu chính thống dành cho bệnh nhân bằng tiếng Việt còn khan hiếm, bạn cũng có thể tìm kiếm và tham khảo các phiên bản dịch thuật sang tiếng việt các Hướng dẫn dành cho bệnh nhân của Hiệp hội Nội Ung Bướu Châu Âu (www.esmo.org). Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế  Việt Nam (www.kcb.vn) cũng ban hành các Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị chính thức dành cho các chuyên gia y tế, đây cũng là một nguồn tài liệu vừa có giá trị chuyên môn vừa có giá trị pháp lý mà bạn có thể tham khảo.

Nguồn: Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS): https://www.cancer.org

Đường dẫn: https://www.cancer.org/cancer/managing-cancer/finding-care/seeking-a-second-opinion.html truy cập ngày 27/4/2024

Biên dịch: DS. Chu Hà My - Khoa Dược, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội

Hiệu đính: ThS. BS. Nguyễn Thanh Hằng - Phòng Hợp tác quốc tế và Nghiên cứu khoa học, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội

 

Gói khám tầm soát ung thư