Bệnh viện ung bướu hà nội

- Nơi gửi gắm niềm tin và hy vọng!

THEO DÕI, CHĂM SÓC SỨC KHỎE SAU ĐIỀU TRỊ UNG THƯ VÚ

Đối với một số người bệnh giai đoạn cuối, bệnh ung thư vú có thể không biến mất hoàn toàn. Bệnh nhân có thể tiếp tục điều trị hóa chất, liệu pháp hormone hoặc các phương pháp điều trị khác để giúp kiểm soát và giảm các triệu chứng của bệnh. Vì vậy nhiều người bệnh sẽ cần học cách sống chung với bệnh ung thư vú.

Ngay cả khi người bệnh kết thúc điều trị ung thư vú, các bác sĩ vẫn tiếp tục theo dõi tình hình sức khỏe của bạn. Điều quan trọng là người bệnh cần đi khám định kỳ đúng hẹn. Trong những lần khám này, bác sĩ có thể sẽ chỉ định xét nghiệm cho một số trường hợp để tìm các dấu hiệu của ung thư hoặc tác dụng phụ của việc điều trị.

Hầu như bất kỳ phương pháp điều trị ung thư nào cũng có tác dụng phụ. Tùy từng người, tác dụng phụ có thể kéo dài vài ngày, vài tuần hoặc lâu hơn. Một số tác dụng phụ thậm chí có thể không xuất hiện nhiều năm sau khi người bệnh kết thúc điều trị. Những buổi tái khám là thời điểm tốt nhất để trao đổi với bác sĩ về bất kỳ thay đổi hoặc vấn đề khiến người bệnh cảm thấy lo lắng. Tuy nhiên, nếu người bệnh có nhiều băn khoăn về bệnh tình của mình thì không nên chờ đến buổi hẹn tiếp theo mà hãy gọi cho bác sĩ điều trị càng sớm càng tốt.

Lịch tái khám điển hình

Lịch tái khám của người bệnh được cân nhắc dựa trên các yếu tố: loại ung thư, mức độ tiến triển khi bệnh được phát hiện và phương pháp đã (đang) điều trị.

· Thăm khám: Nếu đã điều trị xong, thời gian đầu người bệnh có thể sẽ đi tái khám vài tháng một lần. Thời gian người bệnh không bị tái phát càng dài thì thời gian giữa các buổi tái khám sẽ càng xa nhau. Sau 5 năm, việc tái khám sẽ chỉ thực hiện khoảng một năm một lần.

· Chụp X-quang tuyến vú: Nếu người bệnh phẫu thuật bảo tồn vú (cắt bỏ khối u hoặc cắt bỏ một phần vú), người bệnh có thể sẽ được chụp X-quang tuyến vú sau khi phẫu thuật và xạ trị khoảng 6-12 tháng và hàng năm sau đó. Những phụ nữ đã phẫu thuật cắt bỏ vú (cắt toàn bộ vú) thường không cần chụp lại ở bên đó nữa. Nếu chỉ cắt một bên thì bạn vẫn cần chụp X-quang hàng năm đối với bên vú còn lại.

· Thăm khám vùng chậu: Nếu người bệnh đang dùng một trong hai loại thuốc nội tiết tố tamoxifen hoặc toremifene và tử cung vẫn hoạt động bình thường thì họ nên khám vùng chậu hàng năm vì hai loại thuốc này khiến cho người bệnh tăng nguy cơ ung thư tử cung. Nguy cơ này có tỉ lệ cao nhất ở những người phụ nữ đã qua thời kỳ mãn kinh. Hãy trao đổi với bác sĩ điều trị ngay lập tức nếu người bệnh thấy âm đạo chảy máu bất thường, chẳng hạn như chảy máu hoặc ra máu giữa các kỳ kinh hoặc có sự thay đổi trong kỳ kinh nguyệt. Mặc dù đây thường không phải nguyên nhân nhưng nó cũng có thể là dấu hiệu đầu tiên của ung thư cổ tử cung.

· Kiểm tra mật độ xương: Nếu người bệnh đang dùng một loại thuốc hóc-môn được gọi là chất ức chế aromatase (anastrozole, letrozole hoặc exemestane) cho bệnh nhân ung thư vú giai đoạn đầu hoặc người bệnh đã trải qua thời kỳ mãn kinh do điều trị, bác sĩ sẽ theo dõi sức khỏe xương và có thể kiểm tra mật độ xương cho người bệnh.

· Những xét nghiệm khác: Các xét nghiệm khác như xét nghiệm máu hay chẩn đoán hình ảnh (như xạ hình xương, chụp X-quang ngực) có thể được thực hiện nếu người bệnh có các triệu chứng bất thường hoặc bác sĩ phát hiện dấu hiệu cho thấy bệnh ung thư tái phát.

Nếu việc thăm khám, các triệu chứng hay kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh ung thư có khả năng tái phát, bác sĩ có thể sẽ chỉ định người bệnh thực hiện chụp X-quang, chụp CT, chụp PET, chụp MRI, chụp xạ hình xương hoặc sinh thiết. Nếu xác nhận bệnh ung thư tái phát, bác sĩ có thể sẽ chỉ định người bệnh đi làm xét nghiệm chỉ điểm u thông qua các chất chỉ điểm như CA-15-3, CA 27-29.

Trao đổi với bác sĩ về kế hoạch chăm sóc sức khỏe sau điều trị

Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ điều trị về kế hoạch chăm sóc sức khỏe sau khi điều trị ung thư. Kế hoạch này có thể bao gồm:

- Lịch tái khám và làm xét nghiệm.

- Lịch làm các xét nghiệm khác mà người bệnh có thể cần trong tương lai, ví dụ như xét nghiệm phát hiện sớm các loại ung thư khác hoặc các xét nghiệm để kiểm soát các tác dụng phụ do ung thư hoặc việc điều trị bệnh ung thư gây ra.

- Danh sách các tác dụng phụ ngắn hạn hoặc dài hạn mà người bệnh có thể gặp phải do quá trình điều trị và khi nào thì nên liên hệ với bác sĩ.

- Chế độ ăn uống, hoạt động thể chất và những lời khuyên về việc thay đổi lối sống.

Duy trì bảo hiểm y tế và giữ các bản sao hồ sơ y tế

Kể cả khi đã điều trị xong, người bệnh vẫn nên tiếp tục duy trì bảo hiểm y tế. Các xét nghiệm và việc tái khám sẽ tốn nhiều chi phí. Mặc dù không ai mong muốn bệnh ung thư của mình tái phát nhưng điều này vẫn có thể xảy ra.

Tại một số thời điểm sau khi điều trị, người bệnh có thể gặp những bác sĩ mới - người chưa biết về tiền sử bệnh của họ, vì vậy việc lưu giữ các bản sao hồ sơ y tế để cung cấp cho bác sĩ sẽ giúp ích cho quá trình thăm khám của người bệnh.

Nếu bệnh ung thư tái phát

Nếu bệnh ung thư tái phát, các lựa chọn điều trị sẽ phụ thuộc vào vị trí nó quay lại, những phương pháp đã từng điều trị, sức khỏe và mong muốn hiện tại của người bệnh.

Người phụ nữ đã từng mắc bệnh ung thư vú vẫn có thể mắc các bệnh ung thư khác. Trên thực tế, những người phụ nữ đã mắc ung thư vú có nguy cơ mắc một số bệnh ung thư khác cao hơn những người khác. Vì vậy, người bệnh cần tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ và tái khám định kỳ đúng hẹn để được bác sĩ theo dõi tình hình sức khỏe.

Người viết: ThS. Nguyễn Hà My – Phòng QLCL-CTXH
Người duyệt: TS.BS. Lê Thu Hà - Trưởng khoa Nội I

Gói khám tầm soát ung thư