Bệnh viện ung bướu hà nội

- Nơi gửi gắm niềm tin và hy vọng!

THỰC HIỆN ĐIỀU TRỊ ĐÍCH

Dùng thuốc đích đường tĩnh mạch

Một số thuốc điều trị đích được đưa vào cơ thể dưới dạng dịch truyền. Hoá chất đường tĩnh mạch được đưa trực tiếp vào mạch máu qua một ống nhựa nhỏ, mềm được gọi là catheter. Một kim tiêm được sử dụng để đưa catheter vào tĩnh mạch trên cánh tay hoặc bàn tay; sau đó phần kim tiêm sẽ được rút ra, để lại catheter trong mạch máu.

Một số bệnh nhân được đặt catheter tĩnh mạch trung tâm (CVC) hoặc buồng tiêm để mỗi lần điều trị thuốc được đưa vào cơ thể qua cùng một đường truyền. Đường truyền được lưu tại chỗ trong cùng khoảng thời gian bệnh nhân điều trị, vì vậy bệnh nhân sẽ không cần bị đâm kim mỗi lần truyền. Nhiều loại catheter tĩnh mạch trung tâm khác nhau có sẵn để người bệnh lựa chọn.

Thuốc đường tĩnh mạch được đưa vào cơ thể theo các cách sau:

  • Tiêm tĩnh mạch: thuốc có thể được đưa vào cơ thể nhanh chóng qua catheter từ một bơm tiêm trong vài phút.
  • Truyền tĩnh mạch: một lần truyền tĩnh mạch có thể kéo dài từ vài phút đến vài giờ. Dịch truyền đã được pha với thuốc chảy từ một túi nhựa qua dây truyền gắn vào catheter. Dòng chảy thường được kiểm soát bằng một máy gọi là bơm truyền dịch.

Máy truyền dịch dùng trong truyền hoá chất tĩnh mạch

Dùng thuốc đích đường uống

Nếu một thuốc điều trị đích được dùng qua đường uống, người bệnh sẽ nuốt viên thuốc dạng nén hoặc con nhộng, hoặc dung dịch như các loại thuốc khác. Thuốc đích đường uống thường được sử dụng tại nhà. Vì vậy, việc đảm bảo người bệnh biết được chính xác cách dùng thuốc là rất quan trọng. Nếu người bệnh và bác sĩ điều trị đã quyết định hóa chất đường uống là lựa chọn điều trị tốt nhất, người bệnh cần hỏi những câu hỏi và nhận được những hướng dẫn về những vấn đề sau:

  • Uống thuốc như thế nào và khi nào. Người bệnh nên được hướng dẫn rõ ràng về việc khi nào uống thuốc và uống bao nhiêu. Người bệnh cần uống chính xác liều thuốc, vào đúng thời gian, duy trì việc dùng thuốc trong khoảng thời gian chính xác như được hướng dẫn. Liều thuốc đường uống được tính toán sao cho duy trì được nồng độ thuốc trong cơ thể để nhắm trúng đích và tiêu diệt tế bào ung thư.

Không dùng thuốc đúng cách có thể ảnh hưởng tới tác dụng của thuốc. Liều thuốc đôi khi cần được thay đổi, nhưng không nên tự ý thay đổi nếu không có chỉ định của bác sĩ. Nếu người bệnh quên không uống hoặc uống chậm một liều thuốc, hãy trao đổi với bác sĩ điều trị hoặc điều dưỡng chăm sóc. Các bác sĩ cần biết về điều đó để xác định xem việc điều trị có hiệu quả không. Điều đó có thể giúp bác sĩ quyết định có thay đổi lượng thuốc hoặc thời điểm dùng thuốc hay không.

  • Xử trí đặc biệt. Không có nhiều thông tin về các tác dụng phụ kéo dài của một số liệu pháp điều trị đích có thể cần được xử trí đặc biệt. Tuy nhiên nhiều chuyên gia khuyên rằng nên biết các cảnh báo để dự phòng. Xem An toàn trong điều trị đích để biết thêm thông tin.
  • Chi phí. Thuốc chống ung thư đường uống có thể rất đắt tiền. Người bệnh cần đảm bảo rằng đã hỏi bác sĩ điều trị về chi phí điều trị để không bị ngạc nhiên khi nhận thuốc hoặc khi nhận hoá đơn nếu thuốc điều trị không có sẵn tại khoa dược. Tuỳ thuộc vào loại thuốc, một số bảo hiểm không chi trả toàn bộ chi phí thuốc (chỉ chi trả một phần), hoặc có thể hoàn toàn không chi trả chi phí thuốc.

Đôi khi người bệnh có thể nhận được trợ giúp, nhưng nhiều người phải chi số tiền mua thuốc uống nhiều hơn là chi cho việc điều trị bằng truyền tĩnh mạch tại bệnh viện. Nếu người bệnh có bảo hiểm y tế, có thể được bảo hiểm đồng chi trả nhiều hơn. Người bệnh cần chắc chắn biết rõ sẽ phải chi trả bao nhiêu cho mỗi đợt điều trị.

Người bệnh cần báo với bác sĩ điều trị và điều dưỡng chăm sóc về bất cứ vấn đề nào gặp phải khi dùng thuốc điều trị đường uống tại nhà. Ví dụ, nếu bị nôn hay buồn nôn, người bệnh có thể cảm thấy quá mệt khi uống thuốc. Hoặc người bệnh có thể không giữ được viên thuốc sau khi uống và nôn ra. Bác sĩ điều trị cần được biết mọi vấn đề để có thể thay đổi kế hoạch điều trị cho người bệnh nếu cần.

Điều dưỡng pha thuốc hoá chất trong Isolator (buồng cách biệt) tại bệnh viện Ung Bướu Hà Nội

Tôi có cần phải bảo vệ người khác khỏi phơi nhiễm với thuốc đích tôi đang sử dụng không?

Có nhiều thông tin về việc cần phải bảo vệ người khác tránh phơi nhiễm với thuốc hoá chất truyền thống vì nó rất nguy hiểm. Tuy nhiên, vì thuốc điều trị đích mới hơn, chưa có nhiều thông tin về các tác dụng phụ kéo dài khi phơi nhiễm với thuốc.

An toàn trong điều trị đích

Để đảm bảo an toàn, nhiều chuyên gia khuyến cáo rằng điều trị thuốc đích cũng nguy hiểm và cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa tương tự. Điều này đặc biệt đúng vì nhiều thuốc đích được đưa vào cơ thể cùng với các thuốc khác được biết là độc hại, vì vậy nhóm chăm sóc ung thư sẽ thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ chính họ và những người khác khỏi phơi nhiễm.

Các biện pháp phòng ngừa nhóm chăm sóc ung thư có thể thực hiện

Bạn có thể chú ý tới bộ đồ đặc biệt và phương tiện phòng hộ được điều dưỡng và các thành viên khác của nhóm chăm sóc ung thư mặc. Dược sĩ và điều dưỡng – những người chuẩn bị thuốc điều trị ung thư – sử dụng một loại dược phẩm đặc biệt phải đáp ứng các quy định nhất định.

Nếu người bệnh đang được chăm sóc trong một trung tâm điều trị, điều dưỡng tiêm truyền thuốc và hỗ trợ chăm sóc người bệnh sau đó mặc bộ đồ phòng hộ, như 2 đôi găng tay đặc biệt và áo choàng, và đôi khi mang kính bảo hộ hoặc mạng che mặt. Nếu người bệnh được điều trị đích đường tĩnh mạch, có thể có một tấm lót dùng một lần đặt dưới dây truyền để bảo vệ bề mặt giường hoặc ghế.

Các biện pháp phòng ngừa đặc biệt khi dùng thuốc đích đường uống

Thuốc đích đường uống, người bệnh có thể dùng đường miệng và nuốt, thường được sử dụng tại nhà. Nhiều thuốc được cho là rất nguy hiểm. Có những biện pháp phòng ngừa đặc biệt để bảo quản và xử lý thuốc đích. Người bệnh có thể được dặn dò nên cẩn thận không để người khác đến gần và chạm vào thuốc hoặc dịch cơ thể của mình trong khi đang dùng thuốc và trong một khoảng thời gian sau khi sử dụng thuốc.

Đôi khi người bệnh cần mang găng tay khi chạm vào viên thuốc. Một số thuốc phải được để trong lọ hoặc vỏ hộp thuốc. Và một số thuốc và vỏ thuốc cần được loại bỏ bằng cách đặc biệt. Một số loại có thể phải được trả về quầy thuốc để được loại bỏ an toàn. Nếu người bệnh đang dùng thuốc đích đường uống, hãy hỏi nhóm chăm sóc ung thư về các biện pháp phòng ngừa đặc biệt cần thiết tại nhà.

Đảm bảo an toàn cho gia đình và bạn bè

Nếu không được bác sĩ hay nhân viên y tế dặn dò gì khác, người bệnh có thể ở bên cạnh gia đình và bạn bè trong suốt những tuần và tháng đang dùng thuốc đích. Nếu người bệnh điều trị tại bệnh viện/trung tâm ung bướu, gia đình và bạn bè có thể thường xuyên đến thăm. Tuy nhiên, một số trung tâm điều trị chỉ cho phép bệnh nhân ở khu vực truyền và người đến thăm có thể phải ở trong phòng chờ.

Người bệnh là người duy nhất nên được tiếp xúc với thuốc điều trị, nhưng bất kỳ loại thuốc đường tĩnh mạch nào bị đổ, và bất kỳ bột hoặc bụi nào từ viên thuốc, hoặc bất kỳ dung dịch nào từ miệng hay các dạng khác của thuốc đích đều có thể nguy hiểm đến những người khác nếu họ ở xung quanh đó.

Quan trọng là hãy trao đổi với nhóm chăm sóc ung thư và nhận biết được bất kỳ biện pháp phòng ngừa đặc biệt nào cần thiết trong khi bạn đang được điều trị thuốc đích.

Nguồn: Dịch từ www.cancer.org - Hiệp hội Ung thư Hoa kỳ

Đường dẫn:

https://www.cancer.org/treatment/treatments-and-side-effects/treatment-types/targeted-therapy/targeted-therapy-things-to-know.html

https://www.cancer.org/treatment/treatments-and-side-effects/treatment-types/targeted-therapy/safety.html

Biên dịch: CNhĐD. Nguyễn Thị Hồng Vân, Khoa Nội tiêu hoá theo yêu cầu

Hiệu đính: ThS.BS. Nguyễn Thanh Hằng, Phòng HTQT-NCKH

Gói khám tầm soát ung thư