Có nhiều nguyên nhân và một số loại thuốc có thể dẫn đến tiêu chảy, tiêu chảy có thể do nguyên nhân liên quan đến bệnh ung thư hoặc liên quan đến những vấn đề sức khỏe khác. Nguyên nhân gây tiêu chảy thường gặp trong điều trị ung thư bao gồm điều trị hóa chất, điều trị nhắm trúng đích hoặc điều trị miễn dịch, xạ trị tại vùng tiểu khung và khi dùng một số loại thuốc. Một số loại ung thư hoặc vị trí của khối u cũng có thể gây ra tiêu chảy.
Tiêu chảy cũng có thể xảy ra khi bạn ăn những thức ăn không phù hợp với cơ thể bạn như đồ ăn quá nhiều đường hay mỡ, đồ cay nóng, hoặc đồ ăn chiên rán. Những nguyên nhân khác gây ra tiêu chảy là nhiễm trùng, phẫu thuật hoặc những thực phẩm bổ sung dạng lỏng có hàm lượng cao các vitamin, khoáng chất, đường và chất điện giải.
Đôi khi, một đoạn ruột bị bán tắc do có khối phân cứng hoặc một khối u dẫn đến ứ đọng chất lỏng xung quanh đoạn ruột bị tắc và gây ra tiêu chảy. Nếu do khối phân cứng gây ra tắc ruột thì được gọi là ứ phân (fecal impaction).
Tùy thuộc vào phương pháp điều trị ung thư, tiêu chảy có thể bắt đầu sau một vài giờ, một vài ngày hoặc vài tuần sau khi điều trị hóa trị, nhắm trúng đích hay điều trị miễn dịch. Xạ trị cũng có thể gây ra tiêu chảy sau một thời gian điều trị. Đôi khi tiêu chảy có thể kéo dài tới nhiều tuần hoặc nhiều tháng sau khi đã kết thúc điều trị.
Sau phẫu thuật cắt dạ dày hoặc ruột, một số bệnh nhân có thể bị tiêu chảy. Nguyên nhân có thể là do một phần của đường tiêu hóa (dạ dày hoặc đoạn ruột) đã bị cắt bỏ trong quá trình phẫu thuật hoặc có thể do phẫu thuật đã gây ra sự nhạy cảm của cơ thể với thức ăn ngọt hoặc thức ăn giàu hydrat cacbon (như tinh bột). Trong những trường hợp này, tiêu chảy có thể bị kéo dài. Vì vậy tốt nhất là người bệnh nên tránh những loại thức ăn gây đầy hơi và đồ uống có ga. Ngoài ra cần uống nhiều nước trong ngày để chống lại sự mất nước do tiêu chảy.
Hệ miễn dịch suy yếu do điều trị ung thư có thể dẫn đến tăng nguy cơ nhiễm trùng-một nguyên nhân gây ra tiêu chảy.
Nếu không được kiểm soát và điều trị tốt tiêu chảy có thể dẫn đến mất nước và suy dinh dưỡng.
Người bệnh cần làm gì khi bị tiêu chảy ?
Hỏi bác sỹ điều trị ung thư nếu tiêu chảy xảy ra sau phẫu thuật, hoặc sau khi điều trị ung thư hoặc dùng loại thuốc mới. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra tiêu chảy, một số lời khuyên sau có thể hữu ích cho những người bị ung thư.
- Thử chế độ ăn lỏng thanh đạm (bao gồm nước lọc, nước trà loãng, nước táo, nước đào, nước suýt (nước trong sau khi luộc thịt), nước cháo loãng, thạch gelatin nguyên chất ( không cho thêm các thức ăn khác) khi bắt đầu bị tiêu chảy hoặc khi cảm thấy sắp bị tiêu chảy. Hãy tránh những đồ uống có tính acid như nước ép cà chua, nước cam quýt hoặc đồ uống có ga.
- Chỉ dùng thuốc điều trị tiêu chảy khi được kê đơn.
- Hãy theo dõi số lượng phân và số lần đi ngoài.
- Bổ sung những thức ăn giàu ka li (như chuối, khoai tây, mơ chín). Kali là một chất khoáng quan trọng mà bạn có thể bị mất khi bị tiêu chảy.
- Uống và ăn những thức ăn có hàm lượng natri (muối) cao như nước luộc thịt có nêm muối, súp, bánh quy mặn.
- Uống ít nhất một cốc nước/dung dịch sau mỗi lần đi ngoài. Hãy tránh những loại nước có ca-phê-in. Hãy dùng nước lọc, hoặc nước canh hầm xương/thịt.
- Ngay khi tình trạng tiêu chảy được cải thiện, hãy thử ăn một lượng nhỏ những thức ăn dễ tiêu hóa như cơm, chuối, nước sốt táo, sữa chua, khoai tây nghiền, pho mát ít béo và bánh mỳ nướng khô.
- Nếu tình trạng tiêu chảy tiếp tục được cải thiện sau 1 đến 2 ngày, hãy bắt đầu ăn những bữa ăn nhỏ với đồ ăn thường ngày
- Hãy sử dụng khăn ướt hoặc giấy lau loại dành cho trẻ em để lau sau mỗi lần đi ngoài để làm dịu và tránh làm tổn thương thêm da vùng hậu môn.
- Ngồi trong một bồn ngâm nước ấm có thể giúp làm giảm những cảm giác khó chịu ở vùng hậu môn.
- Thoa thuốc mỡ chống thấm nước, như thuốc mỡ A&D lên da vùng hậu môn cũng có tác dụng làm dịu cảm giác khó chịu.
- Tránh dùng sữa và các sản phẩm làm từ sữa vì chúng sẽ làm cho tình trạng tiêu chảy nặng hơn. Sữa chua hoặc sữa đã tách bơ thì có thể được sử dụng.
- Tránh ăn bánh ngọt, kẹo, đồ tráng miệng nhiều đường và kem béo, kẹo dẻo, và các đồ ăn có chứa chất bảo quản.
- Tránh các thực phẩm nhiều dầu mỡ, có đường
- Tránh những thức ăn có lượng chất béo cao như đồ chiên rán, xào, trộn dầu vì chúng có thể làm cho tình trạng tiêu chảy nặng hơn.
- Hãy tránh xa rượu bia và thuốc lá.
- Tránh sử dụng các loại thực phẩm nhiều chất xơ, chúng có thể làm cho tiêu chảy nặng hơn như các loại hạt (ví dụ như hạt điều, quả óc chó), các loại ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu hạt và đậu quả, trái cây khô, hoa quả và rau sống.
- Không nhai kẹo cao su không đường, kẹo hoặc đồ tráng miệng được làm từ rượu đường (như sorbitol, mannitol hoặc xylitol)
Người nhà và người chăm sóc có thể làm gì
- Cho người bệnh uống khoảng 3 lít nước mỗi ngày.
- Hỏi bác sỹ điều trị về: số lượng và thời gian tiêu chảy kéo dài bao lâu thì cần báo cho bác sỹ.
- Ghi lại số lần đi ngoài của người bệnh để biết khi nào cần phải liên lạc với nhân viên y tế.
- Hỏi bác sỹ điều trị trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc chống tiêu chảy không kê đơn nào.
- Kiểm tra da vùng xung quanh hậu môn xem có bị đỏ, đóng vảy hay nứt không?
- Giữ sạch giường và ghế bằng cách đặt các tấm lót có ni lông phía dưới người bệnh
- Khuyến khích người bệnh uống những đồ uống ở nhiệt độ vừa phải (nhiệt độ phòng). Chúng có thể được cơ thể dung nạp tốt hơn so với đồ uống lạnh hoặc nóng.
Hãy gọi ngay cho nhân viên y tế khi người bệnh có các triệu chứng sau
- Đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày hoặc trong 1 đến 4 ngày, tùy thuộc vào hướng dẫn của bác sỹ trước khi bắt đầu điều trị.
- Có máu trong phân hoặc xung quanh hậu môn.
- Sốt khi đo nhiệt độ bằng đường miệng, bác sỹ sẽ hướng dẫn khi bắt đầu điều trị để người bệnh và gia đình biết sốt lên bao nhiêu độ thì cần gọi trợ giúp y tế.
- Xuất hiện cơn đau hoặc quặn bụng mới hoặc chướng bụng.
- Không đi tiểu lần nào trong 12 tiếng hoặc hơn
- Không uống nước trong 24 tiếng hoặc hơn
- Bị táo bón trong một vài ngày và sau đó bắt đầu bị tiêu chảy với số lượng ít hoặc đi són phân lỏng.
Nguồn: www.cancer.org Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ
Biên dịch: Ths. Bs. Nguyễn Thị Dùng, Đơn nguyên Nội yêu cầu 2, Bệnh viện Ung Bướu Nội