Bệnh viện ung bướu hà nội

- Nơi gửi gắm niềm tin và hy vọng!

UNG THƯ ÂM HỘ

Ung thư âm hộ là loại ung thư xuất phát các tế bào trong âm hộ phát triển ngoài tầm kiểm soát và lấn át các tế bào bình thường. Tế bào ung thư có thể lan tới các bộ phận khác của cơ thể. Ung thư âm hộ có thể lan tới bàng quang và phát triển tại đó, được gọi là di căn.

Hình ảnh: Cấu tạo âm hộ
Hãy yêu cầu bác sĩ dùng bức ảnh này để miêu tả vị trí ung thư.

Có một số loại ung thư âm hộ. Hay gặp nhất là ung thư biểu mô tế bào vảy. Loại ung thư này xuất phát từ những tế bào che phủ bề mặt của âm hộ.

Chẩn đoán ung thư âm hộ

Các dấu hiệu của ung thư âm hộ là thay đổi trên da của một phần âm hộ, một vết sưng phồng mới xuất hiện, cảm giác da dày lên hoặc thô ráp, ngứa, nóng rát, vết loét hở, và vết chảy máu mới xuất hiện, vết đốm, hoặc chảy dịch âm đạo. Bác sĩ sẽ hỏi người bệnh những câu hỏi về tình trạng sức khỏe và khám tổng thể, đặc biệt là khám vùng chậu.

Các xét nghiệm có thể được thực hiện:

Nếu các dấu hiệu hướng tới ung thư âm hộ, người bệnh sẽ được làm các xét nghiệm. Đây là các xét nghiệm người bệnh có thể cần làm:

Sinh thiết: Trong sinh thiết, bác sĩ sẽ lấy ra một mảnh mô nhỏ để kiểm tra xem có tế bào ung thư hay không. Sinh thiết là cách duy nhất để khẳng định người bệnh mắc ung thư.

Thăm khám vùng chậu có gây mê (EUA): Thuốc gây mê có thể được sử dụng để làm người bệnh ngủ trong khi bác sĩ thăm khám trực tiếp vùng âm hộ và tìm các dấu hiệu ung thư di căn.

Chụp cộng hưởng từ (MRI): có thể được sử dụng để xem liệu ung thư đã di căn chưa.

Chụp cắt lớp vi tính (CT) hay chụp cắt lớp mạch máu (CAT): có thể được thực hiện để tìm hình ảnh ung thư hoặc kiểm tra tình trạng di căn.

Chụp PET: Loại xét nghiệm này quan sát toàn bộ cơ thể. Xét nghiệm này có ý nghĩa khi bác sĩ nghĩ tới ung thư di căn nhưng chưa xác định rõ nơi di căn.

Xác định giai đoạn bệnh ung thư

Giai đoạn được xác định dựa vào tình trạng ung thư đã phát triển và lan rộng ra sao. Điều đó cũng cho biết ung thư đã di căn tới các bộ phận khác của cơ thể hay chưa.

Ung thư âm hộ có thể ở giai đoạn 0, 1, 2, 3 hoặc 4. Giai đoạn 0 cũng được gọi là ung thư biểu mô tại chỗ. Những giai đoạn có số lớn hơn, như giai đoạn 4, nghĩa là tình trạng ung thư nghiêm trọng hơn, đã di căn ra ngoài âm hộ.

Các phương pháp điều trị

Điều trị ung thư âm hộ phụ thuộc chủ yếu vào giai đoạn bệnh.

Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính cho đa số trường hợp ung thư âm hộ. Đôi khi, các phương pháp điều trị khác cũng được sử dụng. Để có kế hoạch điều trị tốt nhất cho người bệnh, bác sĩ sẽ dựa vào:

· Loại ung thư âm hộ

· Giai đoạn bệnh

· Cơ hội chữa khỏi hoặc giảm nhẹ bệnh ung thư của phương pháp điều trị.

· Tuổi và toàn trạng của người bệnh

· Cảm nhận của người bệnh về quá trình điều trị và các tác dụng phụ kèm theo.

Phẫu thuật trong ung thư âm hộ

Đa số phụ nữ mắc ung thư âm hộ trải qua một trong các loại phẫu thuật sau:

Phẫu thuật bằng tia laser

Phương pháp này sử dụng tia laser để đốt cháy các tế bào ung thư. Phẫu thuật này có thể được áp dụng trên bệnh nhân ung thư giai đoạn 0.

Phẫu thuật cắt âm hộ

Trong phẫu thuật này, một phần hoặc toàn bộ âm hộ được cắt bỏ.

· Phẫu thuật cắt âm hộ đơn giản là cắt bỏ âm hộ.

· Phẫu thuật cắt âm hộ triệt căn là cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ âm hộ và một số tổ chức tế bào sâu bên dưới âm hộ.

Đôi khi nhiều phần da cũng bị cắt bỏ. Vì vậy, da cần phải được lấy từ bộ phận khác của cơ thể để che vào vết thương.

Nếu ung thư đã lan rộng, người bệnh có thể cần nhiều phương pháp phẫu thuật để lấy các hạch bạch huyết lân cận và các tổ chức tế bào khác để xem liệu có tồn tại tế bào ung thư trong đó không.

Bất cứ loại phẫu thuật nào cũng có thể có các nguy cơ và tác dụng phụ. Người bệnh nên hỏi bác sĩ điều trị những điều có thể xảy ra. Người bệnh cần báo cho bác sĩ biết các vấn đề mình gặp phải.

Xạ trị

Phương pháp điều trị này có thể được phối hợp với hoá trị giúp thu nhỏ khối u để dễ dàng cắt bỏ bằng phẫu thuật. Phương pháp này cũng có thể được sử dụng riêng lẻ để điều trị những hạch bạch huyết lân cận. Xạ trị chiếu vào âm hộ và hạch bạch huyết từ một máy đặt bên ngoài cơ thể được gọi là xạ trị ngoài.

Các tác dụng phụ hay gặp nhất của xạ trị là:

· Những thay đổi ngoài da tại vùng xạ trị

· Rất mệt mỏi

· Nôn, buồn nôn hoặc tiêu chảy

Hầu hết các tác dụng phụ sẽ thuyên giảm sau khi kết thúc điều trị

Hoá trị

Hoá trị (hay điều trị bằng hóa chất) là phương pháp sử dụng thuốc hoá chất để tiêu diệt tế bào ung thư. Thuốc hoá chất được đưa vào cơ thể qua đường truyền tĩnh mạch. Những thuốc này đi vào trong máu và đi khắp cơ thể.

Hoá trị có thể được kết hợp cùng xạ trị giúp thu nhỏ khối u để dễ dàng cắt bỏ bằng phẫu thuật. Phương pháp điều trị này cũng có thể được áp dụng riêng lẻ để điều trị ung thư giai đoạn muộn.

Hoá trị được sử dụng theo chu kỳ. Giữa mỗi chu kỳ điều trị có một khoảng thời gian nghỉ. Thông thường, người bệnh được truyền 2 hay nhiều loại thuốc hoá chất. Phương pháp điều trị này thường kéo dài nhiều tháng.

Hoá trị có thể khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, buồn nôn, nôn, và rụng tóc. Tuy nhiên những tác dụng phụ này thường hết sau khi kết thúc điều trị. Có nhiều cách để điều trị các tác dụng phụ của hoá trị. Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ điều trị và điều dưỡng khi gặp các tác dụng phụ sau điều trị.

Thử nghiệm lâm sàng

Thử nghiệm lâm sàng là những nghiên cứu được thực hiện để thử nghiệm thuốc mới hoặc các phương pháp điều trị khác trên người. Các nghiên cứu đó so sánh phương pháp điều trị chuẩn với các phương pháp khác có thể tốt hơn.

Nếu người bệnh muốn biết thêm về các thử nghiệm lâm sàng có thể phù hợp với mình, người bệnh có thể bắt đầu hỏi bác sĩ điều trị xem tại bệnh viện hoặc khoa lâm sàng có thực hiện các thử nghiệm lâm sàng hay không. Nếu bác sĩ điều trị có thể tìm được thử nghiệm lâm sàng đang nghiên cứu về loại bệnh ung thư của người bệnh, việc tham gia thử nghiệm hoàn toàn là do người bệnh quyết định. Và nếu người bệnh đăng ký tham gia một thử nghiệm lâm sàng, họ cũng có thể dừng lại bất cứ khi nào.

Các phương pháp điều trị không chính thống

Khi người bệnh mắc ung thư, họ có thể nghe được thông tin về những cách điều trị ung thư hoặc điều trị triệu chứng khác. Những phương pháp này không phải lúc nào cũng là phương pháp điều trị theo y học chính thống. Những phương pháp này có thể bao gồm: vitamin, thảo dược, chế độ ăn và những cách khác. Một số phương pháp được biết đến là có hiệu quả, tuy nhiên nhiều phương pháp chưa được kiểm chứng. Một số cũng đã được chỉ ra là không có hiệu quả điều trị ung thư. Một vài phương pháp thậm chí được cho thấy là có hại cho sức khỏe. Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ điều trị trước khi áp dụng bất cứ phương pháp điều trị nào (kể cả dùng vitamin, chế độ ăn).

Các câu hỏi người bệnh nên hỏi bác sĩ điều trị:

· Theo bác sĩ, phương pháp điều trị nào tốt nhất đối với tôi?

· Mục tiêu của phương pháp điều trị này là gì? Theo bác sĩ phương pháp này có chữa khỏi bệnh ung thư không?

· Tôi sẽ phải phẫu thuật không? Nếu có, ai sẽ mổ cho tôi?

· Cuộc phẫu thuật sẽ như thế nào?

· Tôi có cần thêm phương pháp điều trị nào khác không?

· Những phương pháp điều trị này sẽ như thế nào?

· Mục đích của những phương pháp điều trị này là gì?

· Những tác dụng phụ nào tôi có thể gặp khi điều trị những phương pháp này?

· Tôi có thể làm gì nếu gặp các tác dụng phụ này?

· Có thử nghiệm lâm sàng nào phù hợp với tôi không?

· Tôi có thể sinh con sau khi điều trị không?

· Tôi có thể quan hệ tình dục sau khi điều trị không?

· Vậy các loại vitamin hay chế độ ăn bạn bè tôi truyền tai thì sao? Làm cách nào để tôi biết là những thứ đó an toàn?

· Khi nào tôi cần bắt đầu điều trị?

· Tôi nên làm gì để chuẩn bị sẵn sàng cho việc điều trị?

· Có điều gì tôi có thể làm để giúp việc điều trị hiệu quả hơn không?

· Bước tiếp theo là gì?

Theo dõi sau khi điều trị?

Trong nhiều năm sau khi kết thúc điều trị, người bệnh vẫn cần gặp lại bác sĩ điều trị. Đầu tiên, người bệnh có thể đi khám lại định kỳ vài tháng một lần. Sau đó, thời gian không bệnh càng lâu, tần suất khám lại sẽ càng ít đi.

Người bệnh nên đảm bảo tuân thủ việc đi khám định kỳ. Bác sĩ sẽ khai thác các triệu chứng, khám tổng thể, và có thể cho người bệnh làm các xét nghiệm để xem bệnh ung thư có trở lại không. Người bệnh cũng sẽ cần duy trì làm các xét nghiệm sàng lọc ung thư.

Hình ảnh: Điều dưỡng tư vấn cho người bệnh về thông tin chăm sóc sức khoẻ

tại khoa Nội Tiêu hoá Theo yêu cầu – Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội.

Dịch từ www.cancer.org Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ

Đường dẫn: https://www.cancer.org/cancer/vulvar-cancer/if-you-have-vulvar-cancer.html

Biên dịch: CNhĐD. Nguyễn Thị Hồng Vân, Khoa Nội Tiêu hoá Theo yêu cầu

Hiệu đính: ThS.BS. Nguyễn Thanh Hằng, Phòng HTQT - NCKH

Gói khám tầm soát ung thư