Các tế bào ung thư có thể lan tràn tới các bộ phận khác của cơ thể. Ví dụ, tế bào ung thư tại bàng quang có thể di chuyển tới xương và phát triển tại đó. Khi các tế bào ung thư lan tràn, đó được gọi là hiện tượng di căn.
Bàng quang là một tạng rỗng có chức năng chứa nước tiểu trước khi thoát ra ngoài cơ thể, nằm ở khoang thấp nhất của ổ bụng (tiểu khung). Nước tiểu được sản xuất từ thận. Ống có chức năng dẫn nước tiểu từ trên thận xuống bàng quang được gọi là niệu quản. Nước tiểu được dẫn từ thận qua niệu quản tới bàng quang và được lưu trữ ở đó. Khi tiểu tiện, bàng quang tống nước tiểu ra ngoài qua một đường ống gọi là niệu đạo.
Ung thư bàng quang thường xuất phát từ lớp bề mặt hay lớp trong cùng của thành bàng quang. Khi ung thư phát triển qua các lớp phía ngoài của thành bàng quang, việc điều trị sẽ trở nên khó khăn hơn.
Lớp “biểu mô chuyển tiếp” ở hình minh hoạ dưới đây chính là lớp bề mặt nơi xuất phát của ung thư bàng quang. Theo thời gian, tế bào ung thư có thể phát triển sâu hơn qua các lớp còn lại của bàng quang.
Chẩn đoán ung thư bàng quang
Các dấu hiệu của ung thư bàng quang gồm: khó đi tiểu, đau khi tiểu, tiểu nhiều lần hơn bình thường và thấy máu trong nước tiểu. Nếu có các dấu hiệu hướng tới ung thư bàng quang, bạn sẽ cần được thăm khám lâm sàng và làm thêm các xét nghiệm cần thiết.
Khám lâm sàng: Bác sỹ sẽ kiểm tra các dấu hiệu của ung thư bàng quang và các vấn đề sức khoẻ khác. Khám lâm sàng có thể bao gồm khám trực tràng, trong đó bác sỹ sẽ dùng một ngón tay đeo găng đưa vào trực tràng của bạn. Nếu bạn là nữ, có thể cần kiểm tra khung chậu. Thông qua việc thăm khám này, đôi khi bác sỹ có thể phát hiện được khối u bàng quang.
Xét nghiệm nước tiểu: bạn sẽ được yêu cầu đựng nước tiểu vào một chiếc cốc. Nước tiểu sau đó sẽ được xét nghiệm để tìm tế bào ung thư trong máu, hoặc một số loại protein khác (được gọi là chỉ điểm khối u).
Soi bàng quang: bác sỹ chuyên khoa tiết niệu sẽ kiểm tra bên trong lòng bàng quang thông qua một ống nội soi. Đây là một ống nhỏ có gắn đèn và camera ở đầu ống. Nó được đưa vào trong lòng bàng quang qua đường niệu đạo.
Soi bàng quang bằng ánh sáng xanh: Đôi khi, một loại thuốc đặc biệt được đưa vào lòng bàng quang. Các tế bào ung thư hấp thụ loại thuốc này sau đó phát sáng khi bác sỹ chiếu ánh sáng xanh vào từ ống soi. Điều này có thể giúp bác sỹ thấy được các tổn thương ung thư mà khi soi với ánh sáng thường có thể bị bỏ qua.
A B
A: U bàng quang dưới ánh sáng thường
Hình 2: Soi bàng quang bằng ánh sáng xanh
Sinh thiết bàng quang: Đây là xét nghiệm cần thiết để khẳng định chắc chắn bạn có bị ung thư bàng quang hay không. Với xét nghiệm này, một ống soi sẽ được đưa vào lòng bàng quang và lấy một mảnh nhỏ tổn thương nghi ngờ (mẫu bệnh phẩm). Có thể cần sinh thiết nhiều hơn một vị trí vì một số ung thư có thể hình thành tại nhiều vị trí khác nhau trong bàng quang. Nước muối rửa lòng bàng quang có thể được thu thập để tìm tế bào ung thư. Bất kỳ mẫu nào cũng sẽ được gửi tới phòng xét nghiệm để kiểm tra xem có tế bào ung thư trong đó hay không.
Chụp X-quang: Thuốc cản quang được tiêm vào đường tĩnh mạch để chụp X-quang thận, niệu quản, và bàng quang. Thuốc sẽ làm rõ những cơ quan này do đó bác sỹ có thể dễ dàng nhìn thấy nếu có khối u bất thường. Xét nghiệm này được gọi là chụp X-quang tĩnh mạch hệ tiết niệu (Intravenous Pyelogram- IVP)
Chụp cắt lớp vi tính: Phương pháp này có thể giúp xác định liệu khối u đã lan ra ngoài bàng quang chưa.
Chụp cộng hưởng từ (MRI): có thể rất hữu ích trong việc xác định liệu khối u đã lan ra ngoài bàng quang hay chưa.
Siêu âm: Phương pháp này sử dụng sóng siêu âm nhằm hiển thị hình ảnh cơ quan bên trong cơ thể, như bàng quang, thận. Siêu âm có thể giúp xác định kích thước khối u bàng quang nếu nó đã lan rộng.
Xạ hình xương: Phương pháp giúp xác định liệu ung thư bàng quang đã di căn tới xương hay chưa. Xét nghiệm này thường không được thực hiệny, trừ khi có triệu chứng đau xương.
Bệnh ung thư của tôi nghiêm trọng đến mức nào?
Khi ung thư bàng quang được phát hiện, thông tin về một số đặc điểm sau của tế bào ung thư có thể giúp bác sỹ đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất:
Sự xâm lấn
Là thông số cho biết ung thư đã phát triển sâu vào thành bàng quang đến mức nào
- Nếu ung thư chỉ khu trú tại lớp tế bào trong cùng của thành bàng quang và chưa phát triển ra các lớp ngoài, nó được gọi là ung thư chưa xâm lấn.
- Nếu ung thư phát triển vào các lớp phía ngoài thành bàng quang, nó được gọi là ung thư xâm lấn.
- Ung thư xâm lấn có khả năng lan rộng cao và có thể khó điều trị hơn.
Độ mô học
Độ mô học cho biết thông tin về mức độ biệt hoá của tế bào ung thư dưới kính hiển vi
- Độ mô học thấp: Tế bào ung thư bàng quang trông gần giống tế bào bàng quang bình thường. Chúng có xu hướng phát triển và lan tràn chậm.
- Độ mô học cao: Tế bào ung thư bàng quang trông ít giống tế bào bàng quang bình thường. Chúng có xu hướng phát triển và lan tràn nhanh, khó điều trị hơn.
Giai đoạn
Bác sỹ sẽ xác định giai đoạn bệnh ung thư nhằm quyết định phương pháp điều trị điều trị nào là tốt nhất với bạn. Giai đoạn bệnh mô tả sự phát triển hoặc lan tràn của ung thư từ vị trí ban đầu. Nó cũng xác định ung thư đã lan tràn tới các cơ quan khác của cơ thể chưa, cơ quan lân cận hay ở xa.
Giai đoạn ung thư có thể là 0, 1, 2, 3, 4. Số càng thấp, ung thư càng ít lan rộng. Số càng cao, ví dụ giai đoạn 4, nghĩa là ung thư đã trở nên nghiêm trọng hơn và lan rộng từ vị trí ban đầu
Điều trị ung thư bang quang
Ung thư bàng quang thường được điều trị bằng:
- Phẫu thuật
- Xạ trị
- Điều trị bơm thuốc vào bàng quang
- Hoá trị
- Liệu pháp miễn dịch
Đôi khi cần phối hợp nhiều hơn một phương pháp điều trị. Kế hoạch điều trị tốt nhất phụ thuộc vào:
- Giai đoạn và độ mô học của ung thư
- Ung thư đã lan vào thành bàng quang hay chưa
- Mức độ triệt căn của một phương pháp điều trị.
- Những vấn đề sức khoẻ khác mà bạn đang gặp phải
- Cảm nhận của bạn về điều trị và các tác dụng phụ đi kèm với nó.
Phẫu thuật ung thư bàng quang
Phẫu thuật được thực hiện với hầu hết các trường hợp ung thư bàng quang. Phương pháp phẫu thuật cụ thể phụ thuộc vào giai đoạn bệnh.
Lấy bỏ khối u từ bên trong lòng bàng quang là phẫu thuật phổ biến nhất đối với ung thư bàng quang giai đoạn sớm. Nó có thể thực hiện qua nội soi bàng quang. Một ống nội soi có gắn thòng lọng ở đầu được sử dụng để lấy bỏ khối u
Khi ung thư xâm lấn sâu hơn, tổ chức ung thư sẽ được lấy bỏ cùng với một phần hoặc toàn bộ bàng quang.
Nếu một phần bàng quang bị cắt bỏ, bạn vẫn có thể giữ và thải nước tiểu như bình thường, mặc dù với số lượng ít hơn. Nếu toàn bộ bàng quang bị cắt bỏ, bạn sẽ cần tới một cách khác để lưu trữ nước tiểu và tiểu tiện. Bác sỹ điều trị sẽ giải thích rõ về các lựa chọn điều trị này.
Tác dụng phụ của phẫu thuật
Bất kỳ phương pháp phẫu thuật nào cũng có một số nguy cơ và tác dụng phụ. Ví dụ, cắt bỏ bàng quang không những có thể gây ra thay đổi trong việc cơ thể thải nước tiểu, mà còn gây ra tác dụng phụ trong hoạt động tình dục. Nếu bạn có những vấn đề này hoặc bất kỳ vấn đề nào khác, hãy thông báo cho bác sỹ biết. Luôn có nhiều cách để đối phó với nhiều tác dụng phụ.
Điều trị bơm thuốc vào bàng quang
Đối với phương pháp này, một loại loại thuốc sẽ được đưa vào trong lòng bàng quang. Đó có thể là thuốc hoá chất hoặc BCG, một loại thuốc tăng cường hệ miễn dịch. Phương pháp này thường được thực hiện sau phẫu thuật bảo tồn bàng quang. Nó có thể giúp giảm nguy cơ ung thư tái phát tại bàng quang.
Thuốc tác động lên lớp tế bào lót bề mặt của lòng bàng quang nhưng không có hoặc có rất ít tác dụng phụ lên tế bào ở các vị trí khác. Điều này có thể giúp hạn chế tác dụng phụ. Tuy nhiên phương pháp này không thể áp dụng khi ung thư đã xâm lấn hoặc lan rộng ra ngoài bàng quang.
Tác dụng phụ của điều trị bơm thuốc nội bàng quang
Một số người có cảm giác nóng rát trong bàng quang sau điều trị. Các tác dụng phụ khác phụ thuộc vào loại thuốc sử dụng. Một số tác dụng phụ có thể giống như bị cúm như sốt, ớn lạnh, và cảm giác mệt mỏi.
Hoá trị
Hoá trị là phương pháp dùng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Thuốc có thể được đưa vào qua đường tĩnh mạch hoặc viên uống. Chúng vào máu và đi khắp cơ thể.
Với ung thư bàng quan giai đoạn sớm, hoá trị có thể được sử dụng:
- Trước phẫu thuật để thu nhỏ khối u
- Sau phẫu thuật để tiêu diệt tế bào ung thư còn sót lại
- Cùng với xạ trị để tăng hiệu quả của tia xạ.
Hoá trị thường là phương pháp điều trị chính với ung thư bàng quang giai đoạn tiến xa, chẳng hạn khi ung thư đã lan ra các bộ phận khác của cơ thể.
Hoá trị được thực hiện theo từng chu kỳ hay đợt. Sau mỗi đợt điều trị là thời gian nghỉ ngơi. Hầu hết các trường hợp, 02 hoặc nhiều hơn loại thuốc hoá chất được sử dụng. Điều trị thường kéo dài trong nhiều tháng.
Tác dụng phụ của hoá trị
Hoá trị có thể khiến bạn rất mệt mỏi, đau dạ dày, và gây rụng tóc. Nhưng những vấn đề này sẽ mất đi sau khi điều trị kết thúc. Có nhiều cách để điều trị với hầu hết các tác dụng phụ của hóa trị. Nếu bạn gặp tác dụng phụ, hãy thông báo với bác sỹ để được trợ giúp.
Xạ trị
Xạ trị trong điều trị ung thư bàng quang có thể được sử dụng:
- Điều trị ung thư bàng quang giai đoạn sớm sau phẫu thuật.
- Như một phương pháp điều trị chính đối với ung thư bàng quang giai đoạn sớm nếu phẫu thuật không được áp dụng.
- Như một phần của điều trị với ung thư bàng quang giai đoạn tiến xa.
Xạ trị thường được dùng đồng thời với hoá trị. Một số thuốc hoá chất có thể giúp tăng hiệu quả của xạ trị.
Những tác dụng phụ thường gặp nhất của xạ trị là:
- Thay đổi da vùng chiếu xạ, ví dụ đỏ da hoặc phồng rộp
- Buồn nôn và nôn
- Nóng rát hoặc đau khi tiểu tiện, tiểu nhiều lần hoặc có máu trong nước tiểu
- Tiêu chảy
- Mệt mỏi
- Dễ bầm tím hoặc chảy máu
- Tăng nguy cơ nhiễm trùng
Hầu hết tác dụng phụ sẽ cải thiện dần sau khi điều trị kết thúc. Một số có thể kéo dài hơn
Liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch là phương pháp gây kích hoạt hệ thống miễn dịch tấn công lại tế bào ung thư. Có nhiều loại liệu pháp miễn dịch khác nhau có thể sử dụng để điều trị ung thư bàng quang. Những thuốc này có thể đưa trực tiếp vào bàng quang (dạng lỏng) hoặc đưa qua đường tĩnh mạch.
Liệu pháp miễn dịch có thể gây ra những tác dụng phụ khác nhau tuỳ theo từng loại thuốc được sử dụng. Các tác dụng phụ này thường nhẹ, như cảm giác mệt mỏi hoặc khó chịu ở dạ dày, nhưng ở một số người tác dụng phụ có thể trầm trọng hơn. Hầu hết tác dụng phụ sẽ mất đi khi điều trị kết thúc.
Thử nghiệm lâm sàng
Thử nghiệm lâm sàng là những nghiên cứu nhằm kiểm tra những thuốc mới hoặc các phương pháp điều trị mới trên người. Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về các thử nghiệm lâm sàng có thể phù hợp với bạn, hãy bắt đầu bằng việc hỏi bác sỹ điều trị điều trị liệu cơ sở y tế bạn đang điều trị có đang tiến hành các thử nghiệm lâm sàng .
Thử nghiệm lâm sàng là một cách để có được một phương pháp điều trị ung thư mới nhất. Đây là cách tốt nhất để bác sỹ tìm ra phương pháp điều trị ung thư tốt hơn. Tuy nhiên, nó không phù hợp cho tất cả mọi người. Và việc có tham gia thử nghiệm lâm sàng hay không là hoàn toàn phụ thuộc vào bạn.
Còn những phương pháp điều trị khác mà tôi nghe được thì sao?
Khi bạn mắc ung thư, bạn có thể nghe về các phương pháp khác để điều trị ung thư hoặc điều trị các triệu chứng bạn đang gặp phải. Đây có thể không phải lúc nào cũng là phương pháp điều trị y học tiêu chuẩn. Những điều trị này có thể là vitamin, thảo mộc, chế độ ăn kiêng, và những thứ khác. Một số trong số này có thể hữu ích, nhưng nhiều thứ vẫn chưa được thử nghiệm. Một số đã được chứng minh là không hữu ích, thậm chí có thể gây hại. Hãy hỏi ý kiến bác sỹ về bất kỳ thứ gì bạn đang có ý định sử dụng, cho dù đó là vitamin, chế độ ăn kiêng, hoặc bất kỳ thứ gì khác.
Những câu nên hỏi bác sỹ
- Phương pháp điều trị nào là tốt nhất với tôi?
- Mục tiêu của điều trị là gì? Bệnh của tôi liệu có thể chữa khỏi?
- Bệnh của tôi có cần phẫu thuật không? Nếu có, ai sẽ thực hiện phẫu thuật cho tôi?
- Cuộc phẫu thuật sẽ như thế nào?
- Tôi sẽ tiểu tiện như thế nào sau phẫu thuật?
- Tôi cũng sẽ điều trị bằng các phương pháp khác nữa chứ?
- Mục đích của những phương pháp này là gì?
- Những tác dụng phụ mà tôi có thể gặp phải từ các phương pháp điều trị này là gì?
- Có thử nghiệm lâm sàng nào phù hợp với tôi không?
- Còn những phương pháp như một loại vitamin đặc biệt hoặc chế độ ăn kiêng mà bạn bè nói với tôi thì sao? Làm thế nào để tôi biết được chúng có an toàn hay không?
- Tôi nên làm gì để sẵn sàng cho điều trị?
- Có điều gì tôi có thể làm để giúp việc điều trị được tốt hơn?
- Bước tiếp theo là gì?
Điều gì sẽ xảy ra sau điều trị?
Trong nhiều năm sau khi điều trị kết thúc, bạn sẽ gặp bác sỹ ung thư của mình. Hãy chắc chắn là bạn sẽ không bỏ lỡ các buổi hẹn tái khám. Những người bệnh ung thư bàng quang có nguy cơ cao mắc ung thư bàng quang lần thứ 2.
Nếu bạn không có dấu hiệu của ung thư, hầu hết các chuyên gia khuyên nên khám lại sau mỗi 3-6 tháng. Việc khám lại có thể sẽ bao gồm xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu, và các xét nghiệm khác. Nếu bàng quang của bạn chưa bị cắt bỏ, bạn cũng sẽ cần kiểm tra bàng quang định kỳ. Khoảng cách giữa các lần khám lại có thể lâu hơn nếu sau vài năm không có dấu hiệu bệnh tái phát.
Nguồn: Dịch từ www.cancer.org Hiệp hội Ung thư Hoa kỳ
Đường dẫn: https://www.cancer.org/cancer/bladder-cancer/if-you-have-bladder-cancer.html
Biên dịch: ThS.Bs. Lê Công Định, Khoa Chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viên Ung Bướu Hà Nội.
Hiệu đính: Ths.Bs. Nguyễn Thanh Hằng- Phòng Hợp tác Quốc tế và Nghiên cứu Khoa học, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội.