Cấu trúc da
Tế bào hắc tố là gì?
Tế bào hắc tố là các tế bào trong da. Chúng tạo ra sắc tố màu nâu gọi là melanin, khiến da có màu nâu hoặc rám nắng.
Có những loại ung thư da nào?
Có nhiều loại ung thư da. Ung thư da tế bào đáy và tế bào vảy phổ biến hơn nhiều so với ung thư hắc tố và thường không lan sang các bộ phận khác của cơ thể. Ung thư hắc tố nguy hiểm hơn vì nó có nhiều khả năng lan sang các bộ phận khác của cơ thể.
Làm thế nào bác sỹ biết tôi mắc ung thư hắc tố?
Một đốm mới trên da hoặc một đốm thay đổi về kích thước, hình dạng hoặc màu sắc có thể là dấu hiệu cảnh báo của ung thư hắc tố. Nếu bạn có bất kỳ thay đổi nào trong số này, hãy nhờ bác sĩ kiểm tra da.
Một vài hình ảnh ung thư hắc tố
Nguồn: https://www.skincancer.org/skin-cancer-information/melanoma/melanoma-warning-signs-and-images/
Bác sĩ sẽ hỏi bạn những câu hỏi về thời điểm vết đốm xuất hiện lần đầu tiên trên da của bạn và liệu nó có thay đổi về kích thước hay hình thức hay không. Phần da còn lại của bạn sẽ được kiểm tra. Trong quá trình khám, bác sĩ sẽ kiểm tra kích thước, hình dạng, màu sắc và kết cấu của bất kỳ thay đổi nào trên da. Nếu các dấu hiệu cho thấy ung thư hắc tố sẽ cần làm thêm các xét nghiệm.
Những xét nghiệm có thể được thực hiện
Sinh thiết: Trong sinh thiết, bác sĩ lấy ra một mảnh mô nhỏ để kiểm tra tế bào ung thư. Sinh thiết là cách duy nhất để biết chắc chắn liệu bạn có bị ung thư da hay không và đó là loại gì. Có nhiều loại sinh thiết da. Việc lựa chọn sử dụng loại sinh thiết nào tùy thuộc vào trường hợp của từng người.
Xét nghiệm mẫu sinh thiết trong phòng thí nghiệm: Nếu phát hiện thấy ung thư hắc tố, các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm có thể được thực hiện trên các tế bào ung thư để xem liệu chúng có những thay đổi gen nhất định hay không. Điều này có thể ảnh hưởng đến các lựa chọn điều trị.
Chụp X-quang ngực: Xét nghiệm này có thể được thực hiện để xem liệu ung thư hắc tố có lan đến phổi không.
Siêu âm: Siêu âm có thể được sử dụng để quan sát các hạch bạch huyết (tập hợp nhỏ các tế bào miễn dịch) gần khối u để xem liệu ung thư có lan đến đó hay không.
Chụp CT: Chụp CT có thể được sử dụng để xem liệu các hạch bạch huyết gần đó có bị to lên hay không hoặc liệu các cơ quan như phổi hoặc gan có những nốt có thể là do ung thư hắc tố lan rộng hay không. Nếu tìm thấy bất kỳ nốt nào, chụp CT có thể được sử dụng để hướng dẫn sinh thiết các nốt đó.
Chụp MRI: Xét nghiệm này có thể giúp đánh giá ung thư đã lan rộng hay chưa.
Chụp PET: Chụp PET sử dụng một loại đường đặc biệt có thể nhìn thấy bên trong cơ thể bạn bằng một máy ảnh đặc biệt. Nếu có bệnh ung thư, lượng đường này sẽ xuất hiện dưới dạng “điểm nóng” nơi phát hiện ung thư. Xét nghiệm này có thể giúp cho thấy ung thư đã lan rộng hay chưa và ở đâu.
Xác định giai đoạn
Nếu bạn mắc ung thư hắc tố, bác sĩ sẽ muốn tìm hiểu xem nó đã lan rộng bao xa. Đây được gọi là đánh giá giai đoạn. Bác sĩ sẽ muốn tìm ra giai đoạn ung thư của bạn để giúp quyết định loại điều trị nào là tốt nhất cho bạn. Giai đoạn mô tả sự phát triển hoặc lan rộng của ung thư hắc tố qua da. Giai đoạn cũng cho biết liệu ung thư có lan sang các bộ phận khác trên cơ thể không.
Ung thư có thể ở giai đoạn 0, 1, 2, 3 hoặc 4. Chỉ số càng thấp thì ung thư càng ít lan rộng. Con số cao hơn, như giai đoạn 4, có nghĩa là bệnh ung thư nghiêm trọng hơn, đã lan ra khỏi da.
Các phương pháp điều trị
Có nhiều cách để điều trị ung thư hắc tố. Các loại điều trị chính là:
- Phẫu thuật
- Liệu pháp miễn dịch
- Liệu pháp nhắm trúng đích
- Hóa trị
- Xạ trị
Hầu hết ung thư hắc tố ở giai đoạn đầu chỉ cần điều trị bằng phẫu thuật. Ung thư tiến triển hơn cần các phương pháp điều trị khác.
Kế hoạch điều trị tốt nhất cho người bệnh sẽ phụ thuộc vào:
- Giai đoạn của bệnh ung thư
- Kết quả xét nghiệm tế bào ung thư
- Khả năng một phương pháp điều trị sẽ chữa khỏi ung thư hắc tố hoặc giúp ích theo cách nào đó
- Tuổi của người bệnh
- Các vấn đề sức khỏe khác của người bệnh
- Cảm nhận của người bệnh về việc điều trị và các tác dụng phụ đi kèm
Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính cho hầu hết ung thư hắc tố. Phẫu thuật thường có thể chữa khỏi ung thư hắc tố ở giai đoạn đầu. Có nhiều loại phẫu thuật khác nhau, tùy thuộc vào mức độ lớn của ung thư hắc tố và vị trí của nó.
Liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch là phương pháp điều trị giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của chính người bệnh để tấn công các tế bào ung thư hắc tố. Những loại thuốc này có thể được truyền vào tĩnh mạch, tiêm hoặc uống dưới dạng thuốc viên.
Liệu pháp miễn dịch có thể gây ra nhiều tác dụng phụ khác nhau, tùy thuộc vào loại thuốc được sử dụng. Một số loại thuốc này có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, đau bụng và gây sốt, ớn lạnh và phát ban. Hầu hết những vấn đề này sẽ biến mất sau khi kết thúc điều trị. Có nhiều cách để điều trị hầu hết các tác dụng phụ của liệu pháp miễn dịch.
Liệu pháp nhắm trúng đích
Thuốc đích có thể được sử dụng cho một số loại ung thư hắc tố. Những loại thuốc này chủ yếu ảnh hưởng đến tế bào ung thư chứ không phải tế bào bình thường trong cơ thể. Liệu pháp nhắm trúng đích có thể có tác dụng ngay cả khi các phương pháp điều trị khác không có tác dụng và gây ra ít tác dụng phụ hơn.
Hóa trị
Hóa trị là từ viết tắt của liệu pháp hóa trị - việc sử dụng thuốc để diệt ung thư. Các loại thuốc có thể được truyền vào tĩnh mạch hoặc uống dưới dạng thuốc viên. Những loại thuốc này đi vào máu và lan truyền khắp cơ thể. Hóa trị được đưa ra theo chu kỳ hoặc đợt. Sau mỗi đợt điều trị là thời gian nghỉ ngơi. Hầu hết các trường hợp, 2 loại thuốc hóa trị trở lên được sử dụng. Điều trị thường kéo dài nhiều tháng.
Hóa trị có thể khiến người bệnh cảm thấy rất mệt mỏi, đau bụng và khiến tóc rụng. Nhưng những vấn đề này sẽ biến mất sau khi kết thúc điều trị. Có nhiều cách để điều trị hầu hết các tác dụng phụ của hóa trị.
Xạ trị
Xạ trị sử dụng tia năng lượng cao (như tia X) để tiêu diệt tế bào ung thư. Xạ trị thường không được sử dụng để điều trị tổn thương chính trên da nhưng có thể được sử dụng sau phẫu thuật để giúp ung thư hắc tố không quay trở lại.
Tác dụng phụ của xạ trị phụ thuộc vào bộ phận cơ thể được điều trị. Các tác dụng phụ phổ biến nhất của xạ trị:
- Da biến đổi giống như bị cháy nắng ở nơi tiếp xúc với tia xạ
- Rụng tóc vùng cơ thể bị chiếu xạ
- Cảm thấy rất mệt mỏi
Hầu hết các tác dụng phụ sẽ giảm đi sau khi kết thúc điều trị. Nhưng một số tác dụng phụ có thể kéo dài hơn.
Thử nghiệm lâm sàng
Thử nghiệm lâm sàng là các nghiên cứu thử nghiệm các loại thuốc mới hoặc các phương pháp điều trị khác ở người. Các thử nghiệm lâm sàng so sánh những phương pháp điều trị tiêu chuẩn với những phương pháp khác có thể tốt hơn. Thử nghiệm lâm sàng là cách tốt nhất để các bác sĩ tìm ra những cách tốt hơn để điều trị ung thư. Nếu bác sĩ của bạn có thể tìm thấy một thử nghiệm đang nghiên cứu loại ung thư bạn mắc phải, việc bạn có tham gia hay không tùy thuộc vào bạn. Và nếu bạn đăng ký thử nghiệm lâm sàng, bạn luôn có thể dừng lại bất cứ lúc nào.
Các phương pháp điều trị khác mà tôi nghe nói thì sao?
Khi mắc ung thư, bạn có thể nghe nói về những cách khác để điều trị ung thư hoặc điều trị các triệu chứng của mình. Những phương pháp này không phải lúc nào cũng là phương pháp điều trị y tế tiêu chuẩn. Những phương pháp điều trị này có thể là vitamin, thảo dược, chế độ ăn kiêng đặc biệt và những thứ khác. Một số phương pháp được biết có hữu ích, nhưng nhiều phương pháp chưa được kiểm chứng. Một số đã được chứng minh không có lợi, thậm chí còn có hại. Người bệnh cần hỏi ý kiến bác sĩ về bất cứ thứ gì trước khi sử dụng, cho dù đó là vitamin, chế độ ăn kiêng hay bất cứ thứ gì khác.
Điều gì diễn ra sau khi điều trị?
Sau khi kết thúc điều trị, trong nhiều năm tiếp theo, người bệnh vẫn cần gặp bác sĩ ung thư. Hãy bảm đảm đi tái khám đầy đủ. Người bệnh sẽ được khám, xét nghiệm máu và có thể cả những xét nghiệm khác để xem liệu ung thư có tái phát hay không. Lúc đầu, cần tái khám vài tháng một lần. Sau đó, nếu không tái phát, số lần tái khám sẽ thưa hơn. Sau 5 năm, việc này có thể được thực hiện mỗi năm một lần.
Nguồn: Dịch từ www.cancer.org Hiệp hội Ung thư Hoa kỳ
Đường dẫn: https://www.cancer.org/cancer/types/melanoma-skin-cancer/if-you-have-melanoma.html
Biên dịch: Bs. Nguyễn Thành Hiếu, Khoa Nội vú phụ khoa đầu cổ theo yêu cầu, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội
Hiệu đính: Ths. Bs. Nguyễn Thanh Hằng – Phòng HTQT&NCKH