Loại ung thư phổ biến nhất trong khoang miệng và họng miệng là ung thư biểu mô tế bào vảy. Những bệnh ung thư này bắt đầu ở các tế bào vảy nằm ở miệng (khoang miệng) và phần giữa của họng (họng miệng).
Bác sĩ sẽ hỏi bạn những câu hỏi về sức khỏe và thói quen trong lối sống của bạn (chẳng hạn như bạn có hút thuốc hay uống rượu không), sẽ khám cho bạn và yêu cầu các xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân gây ra các triệu chứng của bạn. Nếu có các dấu hiệu của ung thư khoang miệng hoặc ung thư họng miệng, bạn có thể được đưa đến gặp bác sĩ chuyên về các bệnh tai, mũi và họng (được gọi là bác sĩ tai mũi họng hoặc bác sĩ phẫu thuật đầu và cổ). Những bệnh ung thư này có thể không được phát hiện cho đến khi gây ra các vấn đề khiến người bệnh phải đi khám. Đôi khi những thay đổi được phát hiện trong khi bác sĩ hoặc nha sĩ khám định kỳ.
Sau đây là một số xét nghiệm/kiểm tra bạn có thể cần làm:
Kiểm tra toàn bộ đầu và cổ: Bác sĩ sẽ quan sát và khám bằng tay để kiểm tra vùng đầu và cổ, để phát hiện bất kỳ khu vực bất thường nào, bao gồm miệng và phần giữa họng. Các hạch bạch huyết ở cổ sẽ được kiểm tra xem có bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh ung thư không. Vì không dễ dàng nhìn thấy một số bộ phận của miệng và họng, bác sĩ có thể sử dụng gương, đèn chiếu sáng và/hoặc ống soi đặc biệt để xem xét vùng miệng và phần giữa họng.
Nội soi: được thực hiện trong phòng phẫu thuật sau khi bạn được tiêm thuốc để ngủ. Bác sĩ phẫu thuật sẽ xem xét bên trong mũi, miệng và họng của bạn và đôi khi là thực quản (ống nuốt) và khí quản, bằng các ống mỏng được gọi là ống soi và có thể lấy ra các mảnh mô (sinh thiết) để kiểm tra trong phòng thí nghiệm.
Sinh thiết: bác sĩ sẽ lấy ra một mẩu mô nhỏ bằng phẫu thuật, dùng kim hoặc nạo vùng bất thường, nơi nghi ngời là ung thư. Mô được kiểm tra để tìm tế bào ung thư. Đây là cách tốt nhất để biết chắc chắn bạn có bị ung thư hay không.
Xét nghiệm gen và protein: Tế bào ung thư trong mô sinh thiết có thể được xét nghiệm gen hoặc protein. Biết được gen hoặc protein của bệnh ung thư có thể giúp bác sĩ quyết định xem liệu các phương pháp điều trị như liệu pháp miễn dịch có thể hữu ích hay không.
Ung thư cũng có thể được xét nghiệm để tìm một loại protein có liên quan đến nhiễm HPV. Nếu có nhiễm HPV (nghĩa là khối u có protein đó), có thể ảnh hưởng đến giai đoạn ung thư và các lựa chọn điều trị.
Chụp CT: chụp ảnh chi tiết để xem liệu ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết, phổi hay các cơ quan khác hay chưa. Chụp CT cũng có thể được sử dụng để giúp làm sinh thiết.
Chụp MRI: được sử dụng để tìm hiểu thêm về kích thước của ung thư và cho biết tổn thương đã lan đến các cấu trúc lân cận hoặc các khu vực khác của cơ thể chưa.
Chụp X-quang ngực: có thể được thực hiện để xem liệu ung thư đã di căn đến phổi hay chưa.
Chụp PET: có thể giúp cho biết ung thư có di căn hay chưa.
Uống barit: Đối với xét nghiệm này, bạn được chụp X-quang khi nuốt chất lỏng có barit trong đó. Barit phủ bề mặt bên trong miệng và cổ họng và giúp có được hình ảnh rõ ràng. Xét nghiệm này có thể được thực hiện nếu bạn gặp khó khăn khi nuốt vì xét nghiệm cho thấy họng trông như thế nào khi bạn nuốt.
Siêu âm: Thiết bị này đôi khi được sử dụng để giúp tìm ung thư trong các hạch bạch huyết ở cổ để xem liệu có di căn hay không.
Khám răng: Nha sĩ của bạn có thể sẽ kiểm tra toàn bộ và chụp X-quang răng và hàm của bạn trước khi thực hiện xạ trị vì bức xạ có thể làm tổn thương các tuyến nước bọt và gây khô miệng. Nha sĩ cũng có thể loại bỏ răng xấu để giảm nguy cơ sâu răng và nhiễm trùng.
Kiểm tra thính lực: Loại thuốc hóa trị phổ biến nhất được sử dụng để điều trị ung thư khoang miệng và hầu họng, cisplatin, có thể gây ù tai hoặc thậm chí mất thính lực. Bạn có thể được kiểm tra thính lực (bằng thính lực đồ) trước khi bắt đầu điều trị và liệu pháp hóa trị của bạn có thể được thay đổi nếu có giảm thính lực.
Kiểm tra dinh dưỡng và giọng nói: Chuyên gia dinh dưỡng có thể kiểm tra tình trạng dinh dưỡng của bạn trước, trong và sau khi điều trị để cố gắng duy trì trọng lượng cơ thể cũng như mức protein của bạn càng bình thường càng tốt. Chuyên gia trị liệu ngôn ngữ có thể kiểm tra khả năng nuốt, nói và cung cấp cho bạn các bài tập giúp tăng cường cơ bắp để bạn có thể ăn uống, nói chuyện bình thường sau khi điều trị xong.
Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu không được sử dụng để tìm ung thư khoang miệng hoặc họng miệng, nhưng có thể cho biết thêm về sức khỏe tổng thể, như chức năng thận hoặc gan.
Nếu bạn hút thuốc lá, bác sĩ sẽ khuyên bạn bỏ tất cả các sản phẩm thuốc lá trước khi bắt đầu điều trị. Hút thuốc trong khi điều trị ung thư có thể gây ra các vấn đề như vết thương kém lành sau phẫu thuật, nhiều tác dụng phụ do hóa trị và nguy cơ nhiễm trùng cao hơn.
Ung thư có thể là ở giai đoạn 0, 1, 2, 3, hoặc 4. Con số này càng thấp, ung thư càng ít di căn. Một con số cao hơn, như giai đoạn 4, có nghĩa là tình trạng ung thư nghiêm trọng hơn đã lan ra từ nơi khởi phát. Biết được giai đoạn sẽ giúp bác sĩ quyết định loại điều trị nào là tốt nhất cho bạn.
Điều trị
Có nhiều cách để điều trị ung thư khoang miệng hoặc họng miệng. Bạn có thể nhận được nhiều hơn một loại điều trị.
Phẫu thuật
Phẫu thuật được sử dụng để loại bỏ ung thư và một phần mô lành xung quanh. Trong một số trường hợp, có thể cần phải cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần lưỡi, họng, thanh quản hoặc xương hàm. Phẫu thuật cũng được sử dụng để loại bỏ các hạch bạch huyết ở cổ có thể bị ung thư.
Phẫu thuật cũng có thể được sử dụng để khắc phục những thay đổi do ung thư. Ví dụ, nếu bạn không thể nuốt, bạn có thể phẫu thuật đặt ống sonde dạ dày để ăn qua sonde. Một số phẫu thuật thậm chí có thể giúp tạo hình lại một phần họng.
Xạ trị
Xạ trị sử dụng các tia năng lượng cao (như tia X) để tiêu diệt các tế bào ung thư. Phương pháp này có thể thực hiện đơn độc hoặc cùng với hóa trị (được gọi là hóa xạ trị). Xạ trị cũng có thể được sử dụng để giảm các triệu chứng như đau, chảy máu, khó nuốt hoặc các vấn đề khác xảy ra nếu ung thư đã phát triển rất lớn hoặc đã di căn sang các khu vực khác.
Có 2 cách xạ trị chính có thể được sử dụng.
• Xạ ngoài nhằm đưa các tia năng lượng cao vào khối ung thư từ một máy bên ngoài cơ thể. Đây là loại bức xạ phổ biến nhất được sử dụng để điều trị các bệnh ung thư này.
• Xạ áp sát là một kiểu xạ trị khác. Bác sĩ sử dụng một ống nội soi (một ống dài, linh hoạt) để đưa các hạt phóng xạ nhỏ vào rất gần khối ung thư.
Các tác dụng phụ phổ biến nhất của xạ trị là:
· Da thay đổi khi chiếu xạ
· Cảm thấy rất mệt mỏi
· Khàn giọng
· Thay đổi vị giác
· Loét miệng và họng
· Khô miệng
· Khó nuốt hoặc khó ăn uống
Hầu hết các tác dụng phụ sẽ thuyên giảm sau khi điều trị kết thúc và nhiều tác dụng phụ có thể được điều trị nhưng một số có thể tồn tại lâu hơn.
Hóa trị
Hóa trị là sử dụng thuốc để chống lại bệnh ung thư. Thuốc có thể được tiêm vào tĩnh mạch hoặc uống dưới dạng thuốc viên. Hoá trị được dùng theo chu kỳ, thường kết hợp 2 hoặc nhiều loại thuốc. Sau mỗi đợt điều trị là một khoảng thời gian nghỉ ngơi. Điều này giúp cơ thể có thời gian phục hồi. Việc điều trị thường kéo dài nhiều tháng. Đối với ung thư khoang miệng và ung thư họng miệng, hóa trị thường được thực hiện cùng với xạ trị, được gọi là hóa xạ trị.
Tác dụng phụ của hóa trị: Hoá trị có thể khiến bạn cảm thấy rất mệt mỏi, đau bụng và khiến tóc bạn bị rụng. Nhưng hầu hết những vấn đề này sẽ biến mất sau khi điều trị kết thúc. Các tác dụng phụ khác như các vấn đề về thính giác hoặc tổn thương thần kinh có thể tồn tại trong một thời gian dài. Có nhiều cách để điều trị hầu hết các tác dụng phụ của hóa trị.
Điều trị đích
Thuốc điều trị đích có tác dụng chủ yếu lên các tế bào ung thư và không tác động đến tế bào bình thường của cơ thể. Phương pháp điều trị đích có thể hiệu quả dù cho các phương pháp khác không hiệu quả. Phương pháp này có tác dụng phụ khác so với hóa trị.
Tác dụng phụ của thuốc điều trị đích phụ thuộc vào loại thuốc được sử dụng. Những thuốc này có thể làm bạn cảm thấy đau bụng và giảm tế bào máu, có thể là nguyên nhân thay đổi màu sắc da ở tay hoặc chân. Các tác dụng phụ này thường mất đi sau khi điều trị kết thúc. Có nhiều phương pháp để điều trị phần lớn các tác dụng phụ gây ra bởi thuốc điều trị đích.
Liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch là phương thức điều trị nhằm thúc đẩy hệ thống miễn dịch của chủ thể hoặc sử dụng các cấu trúc nhân tạo của hệ thống miễn dịch để tấn công các tế bào ung thư khoang miệng và ung thư họng miệng. Liệu pháp miễn dịch có thể sử dụng bằng đường tĩnh mạch.
Liệu pháp miễn dịch có nhiều tác dụng phụ khác nhau tùy thuộc vào loại thuốc được sử dụng. Những thuốc này có thể làm cho bạn cảm thấy mệt mỏi, đau bụng hoặc phát ban. Có nhiều cách để xử trí các vấn đề này và đa phần chúng sẽ mất đi khi kết thúc điều trị.
Thử nghiệm lâm sàng
Thử nghiệm lâm sàng là các nghiên cứu về thuốc mới hoặc phương pháp điều trị mới trên người. Thử nghiệm lâm sàng so sánh các điều trị tiêu chuẩn với các phương pháp mới có thể tốt hơn. Nếu bác sĩ của bạn có thể tìm thấy một thử nghiệm lâm sàng về loại ung thư mà bạn mắc, bạn có thể cân nhắc về việc tham gia và có thể rời khỏi thử nghiệm bất kỳ lúc nào.
Các phương pháp điều trị khác
Khi bạn bị ung thư, bạn có thể nghe nói về những cách khác để điều trị ung thư hoặc điều trị các triệu chứng của bạn. Những phương pháp điều trị này có thể là vitamin, thảo mộc, chế độ ăn kiêng đặc biệt và những thứ khác. Một số trong các phương pháp này được biết là hữu ích, nhưng nhiều phương pháp chưa được kiểm nghiệm. Một số đã được chứng minh là không giúp ích gì, một số thậm chí còn có hại. Hãy hỏi bác sĩ của bạn trước khi sử dụng bất kỳ phương pháp nào.
Sau khi điều trị kết thúc, bạn vẫn sẽ cần hẹn khám lại với bác sĩ ung thư. Hãy chắc chắn là bạn đến tất cả các lần tái khám này. Tái khám sau điều trị có thể thường xuyên như vài tháng một lần trong năm đầu tiên, 3 đến 6 tháng một lần trong năm thứ hai, và sau đó sẽ ít thường xuyên hơn. Bạn sẽ được kiểm tra, xét nghiệm máu và làm các xét nghiệm khác để xem liệu ung thư có tái phát hay không.
Nguồn: Dịch từ www.cancer.org Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ
Biên dịch: BS. Đỗ Minh Ngọc, Khoa Nội soi - Thăm dò chức năng
Hiệu đính: ThS.BS. Nguyễn Thanh Hằng - Phòng HTQT&NCKH