Bệnh viện ung bướu hà nội

- Nơi gửi gắm niềm tin và hy vọng!

UNG THƯ PHẦN MỀM

Ung thư phần mềm là một loại ung thư bắt đầu từ một số bộ phận xác định trên cơ thể như mạch máu hoặc cơ. Bệnh nhân có thể bị ung thư bắt đầu từ mô mềm như mỡ, cơ, dây thần kinh, mô xơ, mạch máu hoặc mô dưới da. Vị trí u có thể là bất cứ vị trí nào trên cơ thể nhưng đa phần là ở tay hoặc chân.
Có hơn 50 loại ung thư phần mềm. Chúng có thể bắt nguồn từ các loại tế bào khác nhau, phát triển với tốc độ khác nhau, và có tiên lượng khác nhau.

Chẩn đoán ung thư phần mềm

Hầu hết ung thư phần mềm bắt đầu từ một khối u ở tay hoặc chân. Khối u to dần là triệu chứng thường gặp nhất. Đôi khi khối u gây đau. Ung thư phần mềm khởi đầu ở vùng bụng có thể gây đau bụng hoặc rối loạn tiêu hóa. Nếu khối u không biến mất hoặc trở nên tệ hơn theo thời gian, bệnh nhân nên đi khám. Các bác sĩ sẽ hỏi các câu hỏi về triệu chứng và tiến hành thăm khám.

Nếu các triệu chứng gợi ý đến ung thư phần mềm, bệnh nhân sẽ được làm thêm các xét nghiệm. Đây là một số xét nghiệm bệnh nhân có thể cần:

  • X-Quang: X-Quang phần có thể có chứa khối u thường là xét nghiệm đầu tiên được thực hiện. Nếu phát hiện ung thư, X-quang ngực có thể được thực hiện để xem bệnh nhân đã bị di căn phổi hay chưa.
  • Siêu âm: Siêu âm có thể giúp nhìn thấy các khối u đặc hoặc chứa đầy dịch. (Ung thư có xu hướng ở dạng đặc)
  • Cắt lớp vi tính: xét nghiệm này cũng dùng tia X để chụp ảnh bên trong cơ thể cũng như khối u một cách chi tiết, rõ ràng. Chụp cắt lớp vi tính cũng được sử dụng để đánh giá di căn xa.
  • MRI: MRI giúp đánh giá hình dạng, kích thước khối u một các dễ dàng hơn. Điều này giúp bác sĩ lên kế hoạch sinh thiết khối u.
  • Sinh thiết: Sinh thiết là cách duy nhất để khẳng định bệnh nhân có bị ung thư hay không. Khi sinh thiết, bác sĩ sẽ lấy một mảnh nhỏ của khối u để tìm xem có tế bào ung thư hay không. Xét nghiệm này cũng để chẩn đoán loại ung thư phần mềm. Có nhiều cách để thực hiện sinh thiết. Phương pháp được sử dụng phụ thuộc kích thước và vị trí khối u. Bệnh nhân có thể hỏi bác sĩ về phương pháp sinh thiết sẽ được sử dụng.

Tế bào ung thư trong bệnh phẩm sinh thiết sẽ được chia độ ác tính: 1, 2 hoặc 3. Điều này giúp các bác sĩ dự đoán tốc độ phát triển và di căn của khối u. Phân độ ác tính sẽ được dựa trên mức độ giống tế bào thường của tế bào ung thư.

Những tế bào ung thư rất khác tế bào lành sẽ có xu hướng phát triển nhanh hơn và được đánh giá độ ác tính cao hơn. Bệnh nhân có thể đề nghị bác sĩ giải thích về phân độ ác tính. Độ ác tính giúp cho bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.


Một trường hợp ung thư phần mềm sau phúc mạc được phẫu thuật tại Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội

Đánh giá giai đoạn ung thư phần mềm

Nếu bệnh nhân bị ung thư phần mềm, bác sĩ sẽ đánh giá xem bệnh đã phát triển đến mức độ nào để quyết định phương pháp điều trị phù hợp nhất cho bệnh nhân.

Giai đoạn dựa vào mức độ phát triển của khối u ở vị trí nguyên phát hoặc vị trí di căn tới các tạng khác của cơ thể. Độ ác tính của ung thư phần mềm (xem ở bên trên) cũng dùng để đánh giá giai đoạn. Bệnh ung thư có thể ở giai đoạn 1, 2, 3 hoặc 4. Số càng nhỏ thì giai đoạn càng sớm. Số lớn hơn, chẳng hạn giai đoạn 4, nghĩa là ung thư nghiêm trọng hơn nhiều.

Các phương pháp điều trị

Ung thư phần mềm thường được điều trị bằng phẫu thuật. Xạ trị và hóa trị cũng có thể được sử dụng. Kế hoạch điều trị tốt nhất sẽ phụ thuộc vào:

  • Loại ung thư phần mềm
  • Giai đoạn và độ ác tính của ung thư
  • Vị trí của khối u
  • Cơ hội chữa khỏi hoặc làm giảm bệnh của một phương pháp điều trị.
  • Tuổi của bệnh nhân
  • Sức khỏe chung của bệnh nhân
  • Cảm nhận của bệnh nhân về phương pháp điều trị và các tác dụng phụ của điều trị.

Phẫu thuật

Phẫu thuật được sử dụng để loại bỏ khối u và một rìa hoặc một góc của tổ chức lành xung quanh. Phương thức phẫu thuật phụ thuộc vị trí khối u. Bệnh nhân có thể trao đổi với bác sĩ về phương pháp phẫu thuật nào sẽ được sử dụng và kết quả mong đợi từ phẫu thuật.

Điều trị tia xạ

Xạ trị có thể được sử dụng để thu nhỏ khối u, qua đó giúp dễ dàng cắt bỏ hơn. Nó cũng được sử dụng sau phẫu thuật để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại. Xạ trị còn giúp điều trị triệu chứng như sưng và đau nếu ung thư đã di căn.

Nếu bác sĩ để xuất xạ trị, người bệnh nên trao đổi về các tác dụng phụ có thể xảy ra. Các tác dụng phụ sẽ phụ thuộc vào phương thức xạ trị được sử dụng và vị trí điều trị. Các tác dụng phụ thường gặp của xạ trị bao gồm:

  • Thay đổi trên da ở vị trí xạ trị
  • Cảm giác rất mệt mỏi
  • Yếu xương (điều này có thể dẫn tới gẫy xương những năm về sau)

Hầu hết các tác dụng phụ sẽ cải thiện sau khi xạ trị kết thúc. Một số có thể kéo dài hơn. Bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ về những điều có thể xảy ra trong và sau điều trị.

Hóa trị

Hóa trị là cách viết ngắn gọn của liệu pháp hóa chất, phương pháp sử dụng thuốc để điều trị ung thư. Các thuốc này thường được đưa vào cơ thể bằng đường tĩnh mạch. Các thuốc này đi vào máu và di chuyển tới toàn bộ cơ thể.

Hóa trị có thể được sử dụng trước phẫu thuật nhằm giảm kích thước khối u, hoặc sử dụng sau phẫu thuật để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại. Hóa trị cũng có thể được sử dụng như phương pháp điều trị chính nếu khối u đã di căn.

Hóa trị được chia làm các chu kỳ hoặc các vòng điều trị. Mỗi vòng điều trị theo sau bởi một khoảng nghỉ. Hầu hết các trường hợp, 2 hoặc nhiều thuốc hóa chất được sử dụng.

Hóa trị có thể khiến bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, đau bụng, và gây rụng tóc. Nhưng các vấn đề này sẽ biến mất sau khi điều trị kết thúc. Có những cách để điều trị hầu hết các tác dụng phụ của hóa chất. Nếu gặp tác dụng phụ, bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ để nhận được trợ giúp.

Các thuốc nhắm trúng đích

Thuốc nhắm trúng đích tấn công vào những thay đổi trong tế bào ung thư. Các thuốc này ảnh hưởng chủ yếu đến các tế bào ung thư nhưng không ảnh hưởng đến các tế bào bình thường trong cơ thể. Phương pháp này có thể có hiệu quả ngay cả khi các phương pháp điều trị khác không có tác dụng. Thuốc đích ở dạng thuốc viên nên có thể sử dụng tại nhà. Tác dụng phụ của loại thuốc này khác với hóa trị và thường không quá tệ.

Các tác dụng phụ tùy thuộc vào loại thuốc được sử dụng. Các thuốc này có thể gây cao huyết áp, phân lỏng, giảm số lượng tế bào máu, các vấn đề tim mạch, và các vấn đề về gan. Có những cách để điều trị hầu hết các tác dụng phụ gây ra bởi thuốc nhắm trúng đích. Nếu gặp các tác dụng phụ, bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ để nhận được sự trợ giúp.

Các thử nghiệm lâm sàng

Thử nghiệm lâm sàng là một cách để có được phương pháp điều trị ung thư mới nhất. Chúng là cách tốt nhất để các bác sĩ tìm ra những phương pháp tốt hơn để điều trị ung thư. Nếu bác sĩ có thể tìm thấy thử nghiệm lâm sàng đang nghiên cứu loại ung thư bạn mắc phải, quyết định có tham gia hay không là của bạn. Và nếu bạn đăng ký thử nghiệm lâm sàng, bạn luôn có thể dừng lại bất cứ lúc nào.

Các phương pháp điều trị không chính thống

Người bệnh có thể nghe nói về những cách khác để điều trị ung thư hoặc điều trị các triệu chứng. Những phương pháp này có thể là vitamin, thảo mộc, chế độ ăn kiêng và những thứ khác. Một số phương pháp trong số này được biết là hữu ích, nhưng đa phần chưa được thử nghiệm. Một số đã được chứng minh là không giúp ích gì. Một số thậm chí còn được phát hiện là có hại. Bệnh nhân nên nói chuyện với bác sĩ về bất kỳ phương pháp nào họ đang nghĩ đến việc sử dụng, cho dù đó là vitamin, chế độ ăn kiêng hay bất kỳ thứ gì khác.

Một số câu hỏi bạn có thể trao đổi với bác sĩ:

  • Bác sĩ nghĩ rằng phương pháp điều trị nào tốt nhất cho tôi?
  • Điều trị này có bao gồm phẫu thuật hay không? Nếu có, phẫu thuật viên là ai?
  • Mục đích của các phương pháp điều trị này là gì?
  • Các tác dụng phụ nào có thể gặp phải trong quá trình điều trị?
  • Tôi có thể làm gì khi gặp phải tác dụng phụ?
  • Tôi có thể có con sau khi kết thúc điều trị hay không?
  • Có thử nghiệm lâm sàng nào phù hợp cho tôi hay không?
  • Tôi nên chuẩn bị những gì cho việc điều trị?
  • Bước tiếp theo sau điều trị là gì?

Theo dõi sau khi kết thúc điều trị

Sau khi điều trị kết thúc, bệnh nhân vẫn cần khám định kỳ trong nhiều năm. Lúc đầu, bệnh nhân sẽ khám lại vài tháng một lần. Sau đó, thời gian bệnh nhân không bị ung thư càng lâu tần suất khám lại sẽ càng thưa. Hãy chắc chắn đi khám định kỳ đầy đủ đúng lịch. Các bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân về các triệu chứng, khám lâm sàng và có thể làm xét nghiệm máu cũng như các xét nghiệm khác để xem ung thư có tái phát không.

Nguồn: Dịch từ www.cancer.org Hiệp hội Ung thư Hoa kỳ

Đường dẫn: https://www.cancer.org/cancer/soft-tissue-sarcoma/if-you-have-sarcoma.html

Biên dịch: BSNT. Phạm Anh Đức, Đơn nguyên Xạ trị theo yêu cầu, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội

Hiệu đính: Ths. Bs. Nguyễn Thanh Hằng – Phòng HTQT&NCKH

Gói khám tầm soát ung thư