Bệnh nhân Nguyễn Viết H. (54 tuổi) trú tại Hoài Đức – Hà Nội đến Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội trong tình trạng cổ nổi cục to, giọng nói bị thay đổi. Anh H. cho biết, anh phát hiện có hạch ở cổ từ tháng 11/2016. Tháng 4/2017, anh đến bệnh viện tuyến dưới để phẫu thuật cắt u tuyến giáp. Tuy nhiên, chỉ 4 tháng sau đó, anh lại thấy cổ bắt đầu nổi hạch. Trong 2 năm, bệnh nhân đã điều trị nhiều phương pháp nhưng khối hạch vẫn tiếp tục phát triển khiến mặt lệch hẳn sang một bên. Mới đây, anh H. đến Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội và được chẩn đoán ung thư giáp di căn hạch cổ. Hình ảnh chụp cắt lớp cho thấy, khối hạch nằm ở cổ trái có kích thước lên đến 6 x 7 cm, trong đó, hạch lớn nhất có kích thước gần 3 cm, khối và các hạch thâm nhiễm dính khí quản, hạ họng động mạch cảnh, tĩnh mạch cảnh trong, cơ và da vùng cổ trái. Với tình trạng này, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật vét hạch cổ.
Khối hạch của bệnh nhân sau khi được lấy ra
TS.BS Phan Lê Thắng – Phụ trách Đơn nguyên Ngoại Theo yêu cầu đánh giá, đây là cuộc mổ khá nặng nề cho bệnh nhân, do khối hạch to, lại để lâu ngày gây xâm lấn tĩnh mạch cảnh, dính vào động mạch cảnh gốc, các bác sĩ phải tiến hành vét lấy hết hạch, thắt tĩnh mạch cảnh. Ca phẫu thuật kéo dài gần 3 tiếng. Sau mổ, bệnh nhân tỉnh táo, ăn uống được bình thường.
BS Thắng khuyến cáo, bệnh nhân khi phát hiện có u tuyến giáp cần đến ngay cơ sở y tế uy tín, đúng chuyên khoa để được điều trị kịp thời, không nên để u phát triển lớn dẫn đến những hệ lụy xấu cho sức khỏe.
TS.BS Phan Lê Thắng - Phụ trách Đơn nguyên Ngoại Theo yêu cầu